Đỉnh tùng, loài cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng
Tây Nguyên vốn được xem là “cái nôi” của các loài cây lá kim và có tính đa dạng xếp thứ hai của Việt Nam. Các loài cây lá kim có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái rừng, hầu hết có giá trị kinh tế, khoa học cao, nhiều loại còn là nguồn dược liệu quý. Tuy nhiên, chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi sự khai thác quá mức và mất dần môi trường sống, trong đó có loài Đỉnh tùng. Khi đến Đà Lạt, công chúng có thể tìm hiểu về loài cây quý hiếm này tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Mẫu lá và gỗ Đỉnh tùng, trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Đỉnh tùng (Phỉ ba mũi) có tên khoa học là Cephalotaxus mannii Hook. f. Tên đồng nghĩa là Cephalotaxus hainanensis H.L. Li, Cephalotaxus griffithii Hook.f. Đây là loài thực vật cổ, có nguồn gen qúy hiếm và độc đáo. Trên thế giới, Đỉnh tùng phân bố ở Đông bắc Ấn Độ, Lào, Bắc Myanmar, Bắc Thái Lan, Nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, Đỉnh tùng phân bố chủ yếu ở Hà Tây, Thanh Hóa, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Gia Lai và Lâm Đồng.
Theo Sách đỏ Thế giới - IUCN (2012) và Sách đỏ Việt Nam (2007), Đỉnh tùng được xếp vào nhóm VU - Loài sắp nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên. Ở Việt Nam, theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, Đỉnh tùng được xếp vào Nhóm IIA của Danh mục các loài động vật, thực vật quý hiếm để hạn chế khai thác và sử dụng, tạo điều kiện bảo vệ loài bên ngoài các khu bảo tồn, chủ yếu là trong các rừng phòng hộ.
Đỉnh tùng thường mọc rải rác thành từng đám nhỏ ở độ cao từ 500 - 2.000m so với mặt nước biển. Đỉnh tùng phân bố ở những nơi có nhiệt độ trung bình năm từ 13 - 210C, lượng mưa trên 1.500mm/năm. Ở khu vực phía Bắc Việt Nam, Đỉnh tùng thường mọc hỗn giao với Thiết sam giả, Thông Pà cò, Kim giao núi đá, Thông tre lá ngắn, Pơ mu, Dẻ tùng trên núi đá vôi,... Ở khu vực phía Nam Việt Nam, Đỉnh tùng thường mọc hỗn giao trên các vùng núi đá silicát với Kim giao núi đất, Thông tre lá dài, Bạch tùng,… Đỉnh tùng tái sinh tự nhiên rất tốt, lúc nhỏ chịu bóng cao.
Đỉnh tùng có thể cao tới 20 - 30m và đường kính ngang ngực khoảng từ 50 - 110cm. Cành mảnh, mọc đối và xòe ngang. Lá mọc xoắn ốc, xếp thành 2 dãy, hình dải, dài 2 - 4cm, rộng 0,2 - 0,4cm, thẳng hay hơi cong ở gần đầu, ở mặt dưới có 2 dải lỗ khí màu trắng. Nón đực mọc chụm 8 - 10 cái thành hình đuôi sóc đơn độc. Nón cái đơn độc hay mọc chụm 3 - 5 cái ở nách lá, mỗi nón gồm 9 - 10 vảy, ở mặt bụng mỗi vảy có 2 noãn. Hạt hình trứng. Mùa ra nón từ tháng 4 tới tháng 5, mùa quả chín từ tháng 9 đến tháng 10 năm sau.
Gỗ Đỉnh tùng có chất lượng cao, chịu mối mọt, được sử dụng làm đồ mỹ nghệ cao cấp. Bên cạnh đó, Đỉnh tùng có thể sử dụng làm cây cảnh, do chịu bóng râm và có hình dáng đẹp. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã phát hiện hoạt chất Norisoharringtonine trong vỏ cây Đỉnh tùng có tác dụng ức chế rất mạnh với bốn dòng tế bào ung thư biểu mô (KB), ung thư gan (Hep-G2), ung thư phổi (LU) và ung thư vú.
Tại Lâm Đồng, các quần thể Đỉnh tùng lớn nhất (khoảng 100 cây), thường gặp trên các sườn của Núi Voi, huyện Đức Trọng, là khu vực được xếp vào rừng phòng hộ đầu nguồn.
Tuy là loài cây quý hiếm, có giá trị cao về mặt khoa học, kinh tế và dược liệu, nhưng hiện nay ở Việt Nam nói chung và ở Lâm Đồng nói riêng, Đỉnh tùng là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên do rừng bị phân cách, bị khai thác trái phép và tác động mạnh mẽ của việc chuyển đổi đất nông nghiệp khiến loài này mất môi trường sống.
Thực tế này đặt ra yêu cầu bức thiết là cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về loài Đỉnh tùng quý hiếm; thu thập hạt giống và ươm trồng cây giống Đỉnh tùng; xây dựng một nguồn gien lõi tại chỗ để duy trì và bảo tồn sự phát triển các nguồn gien, làm tăng sự đa dạng di truyền trong mỗi vùng; xây dựng các khu bảo tồn có diện tích rừng lớn và được quản lý đúng cách,… Trong đó, việc Bảo tàng Lâm Đồng thường trực trưng bày các mẫu vật và cung cấp thông tin cơ bản về cây Đỉnh tùng thông qua mã QR - Code là việc làm thiết thực, góp phần không nhỏ vào công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ và nhân rộng loài Đỉnh tùng quý hiếm.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo điện tử VNExpress (2018), Tìm thấy hoạt chất diệt tế bào ung thư mạnh từ cây rừng Tây Nguyên.
2. Nguyễn Văn Nhẫn (2017), Ảnh hưởng của những nhân tố khí hậu đến tăng trưởng đường kính của Đỉnh tùng (Cephalotaxus mannii Hook. f.) ở khu vực Đà Lạt và Đức Trọng thuộc tỉnh Lâm Đồng.
3. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (2016), Bảo tồn và phát triển một số loài cây lá kim ở Tây Nguyên.
4. Trung tâm dữ liệu thực vật Việt Nam (2009), Giới thiệu các loài Hạt trần ở Việt Nam: Đỉnh tùng.
5. Tạp chí Môi trường (2016), Bảo tồn và phát triển một số loài cây lá kim ở Tây Nguyên.
6. Website thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng
Tin mới
- Chuyển đổi số - lời giải cấp thiết cho bài toán thu hút công chúng đến với bảo tàng - 05/11/2024 08:52
- Dã quỳ - Loài hoa độc đáo tại Đà Lạt - 05/11/2024 08:46
- Tập huấn phương pháp số hóa 3D cho di tích - 05/11/2024 08:39
- Du sam, loài cây có giá trị cao về khoa học và kinh tế - 05/11/2024 01:51
- Cẩm lai, một loài cây đặc hữu có giá trị cao của Việt Nam - 05/11/2024 01:48
Các tin khác
- Tỉnh Đồng Nai Thượng, đơn vị hành chính đầu tiên của vùng đất Lâm Đồng - 25/10/2024 10:21
- Cuộc chiến đấu chống quân Pháp trở lại xâm lược Đà Lạt (1945 - 1946) - 23/09/2024 07:47
- Bảo tàng Lâm Đồng trong mắt công chúng - 23/09/2024 07:43
- Tìm hiểu về Thông hai lá dẹt qua mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 09/09/2024 03:55
- Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - 09/09/2024 03:43