Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Tập huấn phương pháp số hóa 3D cho di tích

Trước thực trạng nhiều di tích, hiện vật khảo cổ bị tàn phá, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí rơi vào tình trạng lãng quên, cần thiết phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa nói chung và di tích nói riêng trên nền tảng công nghệ số. Trong tháng 10/2024, tại Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Trung tâm Văn hóa Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại Nara Nhật Bản (ACCU) đã tổ chức khóa tập huấn phương pháp số hoá 3D cho di tích.

tap huan phuong phap so hoa 3d cho di tich 1

Chuyên gia hướng dẫn học viên chụp ảnh hiện vật tại di tích khảo cổ Cát Tiên

Nước ta đã triển khai Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số. Chương trình này bao gồm việc số hóa 100% các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích quốc gia đặc biệt và ứng dụng trên các nền tảng số. Đây là quá trình sử dụng công nghệ để tạo ra các bản sao kỹ thuật số cho các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, di tích thắng cảnh... Các thông tin tư liệu, hình ảnh và hiện vật sẽ được lưu trữ trên không gian số, giúp gìn giữ những giá trị di tích trước các tác nhân bên ngoài.

Có 25 cán bộ của Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Kiên Giang, Bảo tàng Đồng Nai, Bảo tàng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Lâm Đồng tham gia khóa tập huấn. Các học viên được nghiên cứu lý thuyết và thực hành phương pháp số hóa 3D trên di tích khảo cổ và quản lý dữ liệu số hóa, phương pháp số hóa 3D trên hiện vật khảo cổ,…

Tiến sĩ Yamaguchi Hiroshi và Tiến sĩ Tomomi Suzuki (thuộc ACCU) là hai báo cáo viên của khóa tập huấn. Tiến sỹ Yamaguchi Hiroshi cho biết: “Số hóa di tích là quá trình sử dụng công nghệ để tạo ra các bản sao kỹ thuật số của các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ, di tích thắng cảnh... Từ đó, các thông tin về hình ảnh, tài liệu và hiện vật được lưu trữ trên không gian số, giúp giữ gìn những giá trị di tích trước các tác nhân bên ngoài. Việc ứng dụng công nghệ 3D vào quá trình số hóa cho phép ghi lại hình ảnh các di tích và hiện vật với độ chi tiết và chính xác cao, bao gồm cả cấu trúc, hình dáng và các chi tiết nhỏ. Đặc biệt hữu ích với những di tích nghệ thuật kiến trúc và khảo cổ. Đảm bảo tư liệu thông tin vẫn còn được lưu trữ trước những yếu tố môi trường bên ngoài như thiên tai, thời gian và chiến tranh. Đặc biệt đối với những địa phương có nhiều di tích, việc số hóa sẽ giúp ban quản lý theo dõi và thống kê số lượng một cách dễ dàng, hỗ trợ tốt trong công tác lưu trữ, bảo tồn di tích”.

Còn Tiến sĩ Tomomi Suzuki chia sẻ thêm: “Số hóa di tích góp phần bảo tồn những giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng, thắng cảnh..., thông qua việc lưu trữ trên nền tảng số. Đối mặt với tác động từ môi trường, con người và thời gian, các thông tin, hình ảnh về di tích vẫn được tổng hợp và gìn giữ trên không gian số, có thể được sao lưu và lưu trữ trên nhiều nền tảng, đảm bảo rằng thông tin về di tích không bị mất mát và có thể phục hồi khi cần.

Mặt khác, số hóa di tích còn góp phần trong công cuộc quảng bá, phát huy các giá trị di sản đến đông đảo người dân cả nước và du khách quốc tế. Thông qua việc ứng dụng các công nghệ số hóa, bất kỳ những ai mong muốn tiếp cận và tìm hiểu về di tích đều có thể dễ dàng thực hiện. Bởi số hóa di tích tạo nên một kho tàng dữ liệu số, giúp mọi người dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu về di sản văn hóa.”

Mặc dù thời gian tập huấn ngắn, nhưng các báo cáo viên đã chuẩn bị bài giảng chu đáo, đúng trọng tâm, nội dung thiết thực, cung cấp nhiều thông tin cần thiết, kịp thời cập nhật những phương pháp mới hiện nay trên thế giới trong việc số hóa di tích khảo cổ và hiện vật khảo cổ. Đây là những phương pháp mà học viên được tiếp cận lần đầu, nên các báo cáo viên dành phần lớn thời gian hướng dẫn thực hành tại hiện trường di tích và thực hành trên bản sao hiện vật. Trong quá trình học, các học viên phải nhiều lần di chuyển ra hiện trường để thực hành chụp ảnh, sau đó quay lại phòng học để đưa hình ảnh vào phần mềm 3D và trích xuất thành file. Đội ngũ báo cáo viên hỗ trợ, kiểm tra và nhận xét, đánh giá cụ thể từng ưu điểm, nhược điểm, đồng thời góp ý chỉnh sửa kỹ cho từng nhóm trong quá trình thực hiện.

Sau khi tập huấn tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên, cả đoàn di chuyển về Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tại TP. Hồ Chí Minh. Các nhóm sẽ trình bày kết quả dựng 3D đối với một địa điểm tại hiện trường và một hiện hiện vật, để làm cơ sở chứng nhận kết thúc khóa tập huấn.

Trong thời gian tới, công nghệ số hoá sẽ mở ra cơ hội tiếp cận cho du khách trên toàn thế giới để có thể truy cập và tìm hiểu về các di sản văn hóa thông qua các nền tảng trực tuyến. Điều này không chỉ phục vụ cho mục đích quảng bá du lịch, văn hóa Việt Nam mà còn giúp giáo dục, tăng cường nhận thức của công chúng nói chung và giới trẻ tìm hiểu về lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Văn Tiến