Du sam, loài cây có giá trị cao về khoa học và kinh tế
Du sam là loài cây có giá trị cao về khoa học và kinh tế, đã được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN, 2001) xếp vào nhóm loài rất nguy cấp (VU A1cd) và được xếp vào nhóm thực vật nguy cấp (EN) cần được bảo vệ nghiêm ngặt trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007. Để góp phần tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ và nhân rộng loài Du sam quý hiếm, Bảo tàng Lâm Đồng đã thường trực trưng bày các hình ảnh, mẫu vật và tư liệu về loài cây này để du khách dễ dàng tham quan, tìm hiểu và nghiên cứu.
Hình ảnh mẫu lá, quả và gỗ của cây Du sam trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Du sam (còn gọi là Du sam đá vôi, Du sam núi đất, Ngô tùng, Thông dầu, Mạy kinh, Tô hạp đá vôi), tên khoa học Keteleeria davidiana (Bertrand) Beissn, hay Keteleeria evelyniana Mast, họ Thông (Pinaceae). Ở nước ta, Du sam có số lượng cá thể ít, phân bố hẹp ở một số nơi, như Hạ Lang (Cao Bằng), Kim Hỷ (Na Rì - Bắc Kạn), Tà Mung (Than Uyên - Lai Châu), Mường La (Sơn La), Khu Bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (Đăk Nông), thành phố Đà Lạt và các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà, Đam Rông (Lâm Đồng)…
Trong tự nhiên, Du sam là loài cây gỗ lớn, thường mọc hỗn giao trong rừng lá rộng thường xanh, với các loài cây gỗ thuộc họ Dẻ, họ Re, Thông ba lá, Pơ mu, Bách xanh, Kim giao núi đất, Thông nàng, Thông tre lá dài và Đỉnh tùng. Du sam phân bố ở độ cao từ 500 - 2.000m, gặp nhiều ở độ cao từ 1.000 - 1.600m so với mặt nước biển. Du sam thích nghi tốt với đất trung tính phát triển trên đá poocphia, sa thạch hoặc đá vôi, khí hậu núi cao với nhiệt độ trung bình năm từ 18 - 220C, lượng mưa trên 1.500 mm/năm.
Du sam có thể cao từ 23 - 40m, đường kính có thể đạt 50 - 70cm. Vỏ cây có màu nâu xám, nứt dọc và bong mảng, thịt vỏ dày màu nâu hồng, phần sát gỗ màu trắng hơi vàng, vỏ giòn có mùi thơm nhẹ. Tán lá lúc nhỏ dạng hình tháp, khi trưởng thành tán lá phân cành ngang và xòe rộng. Lá hẹp, dẹp, xếp xoắn, gần như hai dãy, thường mọc chụm ở đầu cành, có đầu nhọn ở nhánh dài, tù trong ở nhánh ngắn, dài 5 - 5,5cm, rộng 0,3cm, mặt trên nhẵn, mặt dưới có hai dải bì khẩu trắng. Nón cái đơn độc, mọc thẳng đứng, dài 15 - 20cm, rộng 3 - 6cm, vảy mỏng, cứng, đầu tù hay tròn, màu đỏ nâu. Hạt bóng, màu nâu đen, dài 0,6cm, có cánh dài 0,5cm, màu vàng. Mùa hoa từ tháng 3 đến tháng 4, mùa quả chín từ tháng 10 đến tháng 12.
Một số hình ảnh về cây Du sam trong tự nhiên
Trước đây tại Lâm Đồng, gỗ Du sam phát triển theo các quần thể với số lượng tương đối lớn, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng trên 1.500 cây phân bố rải rác tại thành phố Đà Lạt và một số huyện. Trong đó, huyện Đơn Dương được ghi nhận còn nhiều Du sam nhất (hơn 800 cây), tiếp đến là huyện Lạc Dương (hơn 300 cây), thành phố Đà Lạt (gần 300 cây), huyện Đức Trọng (trên 40 cây), huyện Lâm Hà (trên 30 cây) và huyện Đam Rông (trên 10 cây).
Về giá trị khoa học, thông tin chứa trong những lớp vòng năm trên thân của cây Du sam là nguồn tài liệu giá trị đối với những nghiên cứu về môi trường. Trong đó, nghiên cứu những biến động về bề rộng vòng năm trên thân cây gỗ Du sam góp phần làm rõ ảnh hưởng của môi trường (khí hậu, địa hình, đất, sinh vật và con người…) đến cây gỗ. Qua đó, góp phần làm sáng tỏ những ảnh hưởng của các yếu tố sinh thái, đặc biệt là hoạt động của mặt trời, đến sinh trưởng và năng suất của rừng.
Về giá trị kinh tế, Du sam là loài có giá trị kinh tế cao. Gỗ Du sam bền, chắc, cứng và nặng, không bị nứt nẻ hay mối mọt, có màu vàng nhạt, thớ mịn, vân gỗ đẹp. Gỗ có hương thơm nhẹ tạo cảm giác dễ chịu, thoải mái cho người sử dụng nên được dùng trong thiết kế nội thất cao cấp, hoặc làm đồ mỹ nghệ. Hạt Du sam ép lấy dầu dùng để đốt, chế biến xà phòng và đánh bóng đồ gỗ. Dầu còn dùng làm thuốc chữa ho và sát trùng. Bên cạnh đó, do dáng đẹp và chịu cắt tỉa nên hiện nay Du sam còn được dùng làm cây Bonsai và cây cảnh trong công viên.
Tuy nhiên, nạn phá rừng và buôn bán trái phép gỗ Du sam diễn biến phức tạp, khiến cho loài cây quý hiếm này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Ở Lâm Đồng, để bảo vệ số lượng cây gỗ Du sam, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng luôn đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm tra, bảo vệ rừng. Cán bộ kiểm lâm cơ sở đến các đội quản lý nhận khoán bảo vệ rừng thực hiện các hoạt động này một cách sát sao, thiết thực. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang tiếp tục tính toán nhân giống, trồng thêm Du sam để kết nối các quần thể, góp phần cải thiện hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao độ che phủ của rừng. Đồng thời, thu hút và giải quyết việc làm cho một bộ phận dân cư nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là những khu vực đất rừng có độ cao thích hợp cho loài Du sam phát triển.
Tại Bảo tàng Lâm Đồng, hoạt động trưng bày các hình ảnh, mẫu vật và cung cấp thông tin cơ bản liên quan đến cây Du sam là việc làm thiết thực, góp phần giúp công chúng dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu thông tin về loài cây quý này. Qua đó, nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ cây Du sam trong tự nhiên của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng và công chúng nói chung.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Lâm Đồng Online (2020), Cần bảo vệ quần thể Du sam quý hiếm.
2. Báo Nông nghiệp điện tử (2023), Nguy cơ tuyệt chủng loài Du sam đá vôi quý hiếm.
3. Báo Nhân dân điện tử (2023), Cấp bách bảo tồn loài Du sam đá vôi.
4. Hà Long (2011), Cần bảo tồn và phát triển cây đặc hữu Du sam.
5. Nguyễn Văn Nhân (2018), Ảnh hưởng của khí hậu đến tăng trưởng của Du sam (keteleeria evelyniana masters), Bạch tùng (dacrycarpus imbricatus (blume) de laub) và Đỉnh tùng (cephalotaxus mannii hook. f.) ở khu vực Đà Lạt và Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
6. Website thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng
Tin mới
Các tin khác
- Cẩm lai, một loài cây đặc hữu có giá trị cao của Việt Nam - 05/11/2024 01:48
- Đỉnh tùng, loài cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng - 01/11/2024 08:35
- Tỉnh Đồng Nai Thượng, đơn vị hành chính đầu tiên của vùng đất Lâm Đồng - 25/10/2024 10:21
- Cuộc chiến đấu chống quân Pháp trở lại xâm lược Đà Lạt (1945 - 1946) - 23/09/2024 07:47
- Bảo tàng Lâm Đồng trong mắt công chúng - 23/09/2024 07:43