Chuyển đổi số - lời giải cấp thiết cho bài toán thu hút công chúng đến với bảo tàng
Mong muốn trở thành địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ của du khách, Bảo tàng Lâm Đồng và các bảo tàng trong nước đã không ngừng nỗ lực thay đổi suy nghĩ của công chúng về sự “khô cứng” của bảo tàng, để khoác lên mình chiếc áo mới thông qua việc đa dạng hóa các trải nghiệm. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số đã tạo ra bước ngoặt, đáo ứng xu thế phát triển và thu hút công chúng.
Bảo tàng ảo (Virtual Museum) trên Website Bảo tàng Lâm Đồng
Số hóa bảo tàng để hòa vào nhịp sống hiện đại
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay công nghiệp 4.0, thời đại số hóa, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số,... là những cụm từ vô cùng quen thuộc trong những năm gần đây, được mọi ngành nghề nỗ lực chuyển đổi và ứng dụng, mà ngành văn hóa cũng không ngoại lệ.
Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, đồng thời thực hiện trưng bày, giới thiệu giá trị di sản văn hóa đến đông đảo công chúng. Việc áp dụng công nghệ, bắt kịp xu hướng chung là một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của bảo tàng, hướng đến mục tiêu quản lý các di sản văn hóa có hệ thống, khoa học, nâng cao chất lượng phục vụ công chúng. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, vốn dễ bị thu hút trước những hoạt động sở hữu thành tựu của công nghệ số.
Thực tế cho thấy, nếu như trước đây công chúng thường phụ thuộc vào những thông tin do hướng dẫn viên của bảo tàng cung cấp, thì nay với sự hỗ trợ của công nghệ, sự tiếp cận của công chúng (từ khách lẻ đến khách đoàn) đã dần chuyển sang xu hướng chủ động hơn, đều có thể tự mình trải nghiệm, khám phá và khai thác thông tin hiện vật qua số hóa.
Trong kỷ nguyên số, công chúng có nhiều cơ hội tiếp xúc với những hoạt động, trải nghiệm nhanh, tính giải trí cao và cập nhật xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ. Vì vậy, bảo tàng cũng cần đổi mới, hòa vào nhịp sống hiện đại để trở thành lựa chọn ưu tiên của công chúng, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam.
Từng bước thay áo mới cho bảo tàng
Nhận thức được những lợi ích của công nghệ mang lại, dạo một vòng quanh các bảo tàng tại Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy công nghệ số tại những nơi vốn từng được xem là “khô”, “tĩnh” dưới đây:
Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D, trở thành bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ số để giới thiệu các trưng bày chuyên đề, triển lãm, giáo dục…, giúp du khách có thể tham quan không gian 3 chiều, mang lại những trải nghiệm mới lạ.
Từ năm 2015, Bảo tàng Quảng Ninh đã ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D và bảo tàng ảo để giới thiệu những nội dung cơ bản và các không gian trưng bày,...
Từ năm 2017, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã ứng dụng các công nghệ, như hệ thống thuyết minh tự động, quản lý hiện vật tại kho bằng công nghệ quét mã QR, ứng dụng tham quan ảo VR360,…
Năm 2020, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã khánh thành Phòng trưng bày ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại để người xem chỉ cần đứng trước kios thông tin, “click” vào nơi cần đến, mở nội dung hiện vật cần xem, tra cứu các bài viết hay những hiện vật, các bài học lịch sử sẽ được thể hiện một cách cụ thể, sinh động thông qua các trang thiết bị công nghệ…; Bảo tàng Chứng tích chiến tranh sử dụng công nghệ 3D tái hiện lại 5 nhà tù lớn ở miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, giúp du khách cảm nhận chân thật về các nhà tù xưa,...
Năm 2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã đoạt các giải thưởng về “Top Tổ chức/Doanh nghiệp khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, “Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024”. Đó là kết quả nỗ lực của đơn vị trong ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, như khai thác ứng dụng hướng dẫn tham quan Di tích Huế, hay công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D…
Có thể nói, chính sự chuyển mình mang tính hiện đại đã giúp các bảo tàng thu hút khách tham quan. Minh chứng rõ nhất là lượng khách đến với các bảo tàng thông minh không ngừng tăng mạnh. Tại Bảo tàng Quảng Ninh, thống kê thường ngày cho thấy có khoảng 300 - 400 khách, dịp cuối tuần hơn 1.000 khách. Hay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhờ tích cực ứng dụng công nghệ số trong giới thiệu các tác phẩm mỹ thuật và công tác truyền thông hiện đại trên không gian mạng, lượng khách đã tăng 200 - 300% so với những năm trước đây. Kết quả ấy cho thấy, các bảo tàng bên cạnh đổi mới công tác trưng bày, thuyết minh, thì ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã tạo “cú hích” thu hút khách tham quan. Từ đó, bảo tàng không chỉ là địa điểm quen thuộc trong học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức mà còn là nơi tham quan du lịch đầy sức hấp dẫn.
Bảo tàng Lâm Đồng không ngừng đổi mới
Trong những năm gần đây, để bắt kịp xu hướng của các bảo tàng tiên tiến, Bảo tàng Lâm Đồng ngoài nâng cấp, chỉnh lý hệ thống trưng bày, tổ chức các hoạt động giáo dục, kết nối tour, còn chú trọng đổi mới và ứng dụng công nghệ, đem lại cho công chúng sự trải nghiệm đa chiều, dễ dàng và thuận tiện. Công nghệ, chuyển đổi số chính là lời giải câp thiết không chỉ trong công tác trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa, thu hút công chúng, mà còn trong công tác quản lý, bảo quản, kiểm kê hiện vật.
Chỉ cần ngồi ở bất cứ nơi đâu với một thiết bị thông minh có kết nối Internet, người xem có thể dễ dàng truy cập vào Bảo tàng 3D (Virtual Museum) của Bảo tàng Lâm Đồng, “dạo bước” một vòng nhà trưng bày chính, ngắm nhìn những bộ sưu tập, hiện vật quý, hay không gian ngoại thất trong không gian ba chiều. Với một “click”, du khách có thể quan sát mọi góc nhìn của hiện vật và tìm hiểu thông tin một cách đầy đủ.
Khi đến Bảo tàng Lâm Đồng, hay Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, công chúng còn dễ dàng nắm bắt những thông tin hiện vật qua hàng trăm mã QR đã được thiết lập. Hay chỉ một lần quét mã QR tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, công chúng sẽ dễ dàng đọc thông tin, hoặc lắng nghe thuyết minh tự động tại các vị trí, không gian trưng bày.
Công tác quản lý đã giảm bớt phương pháp truyền thống, như viết tay các lý lịch hiện vật, hay kiểm kê, xuất nhập hiện vật trên giấy tờ, sổ sách, mà thay vào đó là sử dụng phần mềm quản lý hiện vật. Ứng dụng công nghệ đã giúp công tác quản lý trở nên thuận tiện, khoa học, có hệ thống, khai thác thông tin một cách hiệu quả.
Với những kết quả rõ rệt, có thể khẳng định việc ứng dụng công nghệ, số hóa là điều không cần bàn cãi, một trong những lời giải quan trọng cho “bài toán” thu hút công chúng đến với bảo tàng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là công nghệ, hay bảo tàng online có thể thay thế được bảo tàng thực. Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động của bảo tàng cần được tính toán cụ thể, có định hướng rõ ràng, lựa chọn những ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tế để giúp hoạt động nghiên cứu, trưng bày, bảo tồn, giáo dục và giới thiệu giá trị di sản văn hóa đến đông đảo công chúng đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Thi Thảo
Các tin khác
- Dã quỳ - Loài hoa độc đáo tại Đà Lạt - 05/11/2024 08:46
- Tập huấn phương pháp số hóa 3D cho di tích - 05/11/2024 08:39
- Du sam, loài cây có giá trị cao về khoa học và kinh tế - 05/11/2024 01:51
- Cẩm lai, một loài cây đặc hữu có giá trị cao của Việt Nam - 05/11/2024 01:48
- Đỉnh tùng, loài cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng - 01/11/2024 08:35