Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Dã quỳ - Loài hoa độc đáo tại Đà Lạt

Đến với Đà Lạt vào tháng Mười một hàng năm, du khách sẽ cảm nhận đất trời cao nguyên chuyển mình sang đông, được đắm mình trong những làn gió lạnh cùng sắc vàng rực rỡ của hoa Dã quỳ trên những đồi thông xanh mướt, bên dòng suối trong veo, hay trên những con đường quanh co ẩn hiện trong làn sương.

da quy loai hoa doc dao 1

Sắc vàng hoa dã quỳ bên tháp chuông trường Cao đẳng Đà Lạt

Đã từ lâu, hoa Dã quỳ là sức hấp dẫn của Đà Lạt đối với du khách thập phương vào những ngày đầu đông. Loài hoa này sở hữu vẻ đẹp rực rỡ với sắc màu vàng cam tươi sáng như ánh ban mai trong lành. Trong tiết trời đông lạnh miền đại ngàn, bên những cánh rừng thông xanh mướt điệp trùng, hay trong thành phố với những biệt thự cổ kính nhuốm màu thời gian ẩn hiện giữa làn sương dày, sắc hoa Dã quỳ như tô điểm và tạo nguồn cảm hứng bất tận cho du khách khi đến với thành phố ngàn hoa.

Dã quỳ còn được biết đến với tên gọi Cúc quỳ, Sơn quỳ, Hướng dương dại, tên khoa học là Tithonia Diversifolia, là loài hoa thuộc họ Cúc (Asteraceae). Trong tiếng Anh, Dã quỳ có tên là Wild Sunflower có nghĩa là Hướng dương dại. Mặc dù thuộc họ Cúc, nhưng Dã quỳ có hoa khá giống với Hướng dương. Trên thế giới, Dã quỳ phân bố chủ yếu ở các vùng có khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt, như Trung Mỹ, Đông Nam Á, châu Phi và phía Nam Trung Quốc. Tại Việt Nam, Dã quỳ phân bố nhiều ở các khu vực vùng núi phía Bắc. Đặc biệt ở Tây Nguyên, Dã quỳ phân bố nhiều và tạo ấn tượng độc đáo là tại Đà Lạt.

Dã quỳ là loài cây bụi ưa nắng, chiều cao trung bình khoảng trên 1m, thân mảnh và nhiều cành nhánh. Lá mọc đối, hình bầu dục, mép răng cưa. Hoa mọc đơn lẻ ở đầu cành, đường kính khoảng 3 - 5cm, gồm nhiều cánh hoa nhỏ màu vàng rực rỡ. Hoa thường nở rộ vào cuối thu, đầu đông đánh dấu bắt đầu mùa khô. Mùa hoa Dã quỳ thường từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 và nở rộ khoảng 2 - 3 tuần, đến đầu tháng 12 sẽ bắt đầu tàn.
da quy loai hoa doc dao 2
Hoa Dã quỳ

Ban đầu, người Pháp đưa Dã quỳ về trồng ở Đồng Nai Thượng và Lâm Viên vào đầu thế kỷ XX, làm nguồn phân xanh cho những vườn trà, cà phê và cao su. Do thích nghi tốt với khí hậu cùng khả năng phát tán, loài cây này đã nhanh chóng phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh khắp các vùng đất hoang, trở thành loài hoa độc đáo ở nhiều địa phương, đặc biệt là Đà Lạt. Là loài hoa có sức sống mãnh liệt trong những điều kiện khắc nghiệt, Dã quỳ luôn bền bỉ vươn mình, nở rộ trên những diện tích rộng lớn. Vì vậy, hoa Dã quỳ thực sự là biểu tượng của ý chí kiên cường, sự mạnh mẽ, bền bỉ với thời gian và lòng kiêu hãnh không khuất phục trước nghịch cảnh cuộc sống.

Không chỉ hoa mang vẻ đẹp của nắng, Dã quỳ còn có nhiều công dụng nhờ thân cây chứa những dinh dưỡng và khoáng chất, như photpho, canxi, magie, giúp đất màu mỡ hơn và tăng năng suất cây trồng. Ngoài ra, cây còn dùng bào chế thuốc trừ sâu ít gây ảnh hưởng tới môi trường. Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra trong lá cây Dã quỳ có chứa các chất như sesquiterpene, diterpenoids…, là những chất quan trọng trong công nghệ bào chế thuốc trừ sâu. Để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dùng mà vẫn đem lại hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cao, có thể tự bào chế thuốc trừ sâu bằng cách giã nát lá dã quỳ, sau đó, vắt kiệt nước để phun lên cây.

Trong y học, các nước đã sử dụng Dã quỳ với nhiều công dụng khác nhau. Tại Nhật Bản, hoa Dã quỳ dùng để chống ngộ độc; tại Mexico, Dã quỳ được sử dụng để chữa bong gân, tan máu bầm, thấp khớp; ở Trung Quốc, hoa được phơi khô, sắc chung với các thảo dược khác để chữa nhuận gan, lợi tiểu, bệnh nấm, vàng da; ở Đài Loan, Dã quỳ được bán tại thị trường thuốc thảo mộc như một loại trà cải thiện chức năng gan. Ở Việt Nam, hoa Dã quỳ được điều chế làm các loại thuốc giúp giảm sưng tấy và các bệnh liên quan đến viêm da, mẩn ngứa, hay những bộ phận khác của cây có thể làm thuốc giúp an thần, nhuận tràng và hỗ trợ giảm tình trạng mất ngủ.

Với màu hoa rực rỡ, Dã quỳ phù hợp để thiết kế trang trí cảnh quan vườn nhà, công viên hay ban công, chúng còn giúp làm trong lành bầu không khí rất tốt. Hiện nay tại Đà Lạt, Dã quỳ được trồng nhiều để tạo cảnh quan tại các khu du lịch, vườn hoa, là điểm check-in yêu thích của du khách. Những bông hoa vàng tươi nổi bật trên nền xanh sẽ là background lý tưởng cho những người đam mê cái đẹp, điểm tô sắc nồng ấm trong những ngày đông lạnh giá trên cao nguyên.

da quy loai hoa doc dao 3
Biểu tượng hoa dã quỳ trên Quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt)

Với khí hậu mát mẻ, cùng địa hình cao nguyên thoáng đãng, đầy nắng và sương mù, khiến phố núi luôn ẩn hiện như một bức tranh huyền ảo, Đà Lạt là địa điểm lý tưởng để du khách ngắm hoa Dã quỳ trong những tháng cuối năm.

da quy loai hoa doc dao 4
Cung đường hoa Dã quỳ tại Đà Lạt

Cứ mỗi dịp đầu đông, hoa Dã quỳ lại rực nở như khoác cho Đà Lạt chiếc áo mới ngập tràn sắc vàng óng ả, mang đến sức sống tươi mới cho xứ sở sương mù. Tháng 11 năm nay, sắc vàng rực rỡ của Dã quỳ chào đón du khách trải nghiệm, khám phá, cảm nhận và cùng lưu lại những khoảnh khắc thật đáng nhớ với thành phố Festival Hoa của Việt Nam. Tại nội đô Đà Lạt, Dã quỳ mọc dại rất nhiều dọc đường tới thác Cam Ly, các khu biệt thự, các cung đường quanh hồ Tuyền Lâm, hay trong công viên, quán cà phê. Đi xa hơn ra vùng ngoại ô, du khách có thể bắt gặp những cánh đồng hoa Dã quỳ rực rỡ như bất tận ở núi đôi R’chai, đèo Prenn, đèo Dran, Cầu Đất… Các địa điểm như núi Langbiang, Thung lũng Vàng, hay các khu điểm du lịch cũng là những địa điểm lý tưởng để du khách tận hưởng vẻ đẹp của hoa Dã quỳ. Hòa mình vào không gian rộng lớn, hoang sơ của đại ngàn, Dã quỳ đem đến cho ta sự yên bình với sắc hoa vàng cùng màu xanh bất tận của rừng thông và sự trong lành của đất trời cao nguyên hùng vĩ.

Hoàng Hiền