Cẩm lai, một loài cây đặc hữu có giá trị cao của Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào hàng cao của thế giới, với khoảng 20.000 loài thực vật, 3.000 loài cá, hơn 1.000 loài chim và hơn 300 loài thú. Tuy nhiên, nhiều loài động vật và thực vật ở Việt Nam lại đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có loài cây Cẩm lai. Đây là một trong những loài cây đặc hữu của Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, đã được xếp hạng ở mức độ nguy cấp (EN) trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Sách đỏ thế giới (IUCN, 2012). Công chúng có thể dễ dàng tiếp cận và tìm hiểu nhiều thông tin bổ ích về cây Cẩm lai tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Hình ảnh về mẫu lá và gỗ của cây Cẩm lai trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Cẩm lai (còn gọi là Cẩm lai Bà Rịa, Cẩm lai vú) có tên khoa học là Dalbergia oliveri Gamble ex Prain, tên gọi khác là Dalbergia Bariaenris Piecre, họ Đậu (Fabaceae). Tại Việt Nam, Cẩm lai phân bố tại một số nơi, như Ninh Hòa (Khánh Hòa), Ninh Sơn (Ninh Thuận), Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tân Biên (Tây Ninh), Phước Long, Bù Gia Mập, Đức Phong (Bình Phước), Sa Thầy (Kon Tum), Ea Súp, Đắk Min, Gia Nghĩa, Lắk (Đắk Lắk); Trảng Bom, Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), tỉnh Gia Lai và tại Bảo Lộc, Vườn quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng).
Cây Cẩm lai thường mọc hỗn giao trong rừng lá rộng thường xanh hay rụng lá vào mùa mưa, ở phần đất ẩm, bằng phẳng hoặc có độ dốc nhỏ, tầng đất dày, thoát nước, ở độ cao từ 800 - 900m. Cẩm lai tái sinh bằng hạt và sinh trưởng chậm, lúc trưởng thành ưa sáng, tuy nhiên lúc nhỏ cây chịu bóng.
Hình ảnh cây Cẩm lai trong tự nhiên
Cây có tán hình dù, cao khoảng 20 - 30m, phân cành thấp. Vỏ màu nâu xám, có điểm đốm trắng hay màu nâu vàng, bong ra dạng vảy lớn. Phiến lá kép lông chim một lần, mang 10 - 13 lá chét, dài 15 - 19cm. Lá chét hình mác hay thuôn, tù ở hai đầu, nhẵn, không lông, dài 3 - 4cm, rộng 1 - 2cm. Cẩm lai rụng lá vào mùa khô (khoảng cuối tháng 11 âm lịch), mùa hoa từ tháng 12 đến tháng 1, quả chín từ tháng 2 đến tháng 4. Cụm hoa hình chùy, mọc ở nách lá hay đầu cành. Hoa có kích thước nhỏ, màu lam nhạt, gần như màu trắng. Khác với các loài họ đậu, quả cây Cẩm lai thường chỉ chứa 1 hạt, có rất ít quả chứa 2 hạt. Quả dẹt dài 12cm, rộng 2 - 2,5cm, hơi thắt eo ở chỗ có hạt. Hạt dẹt màu đen, dài 0,8 - 0,9cm, rộng 0,5 - 0,6cm.
Hình ảnh lá, hoa và quả của cây Cẩm lai
Gỗ Cẩm lai được xếp vào nhóm gỗ IIA, là loài gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Thời gian thu hoạch gỗ bình quân lên tới 30 năm. Muốn thu hoạch gỗ đạt chất lượng và năng suất tốt nhất, cần đến 50 - 60 năm. Gỗ Cẩm lai có giác trắng nhạt sau màu vàng nhạt, lõi màu đỏ sẫm có vân tím đen, gỗ rất cứng, bền, chắc, thớ mịn, màu sắc và vân gỗ đẹp, dùng để đóng bàn ghế, đồ mỹ nghệ trang trí… Cây với dáng cao lớn, tán lá rộng, hình vòm như chiếc ô, có khả năng lọc bụi, các chất độc hại, mang đến bầu không khí trong lành, góp phần giảm ô nhiễm tiếng ồn, đóng góp tích cực trong công cuộc giảm hiệu ứng nhà kính, nên việc nhân giống và đưa thành cây công trình đang được ứng dụng tại nhiều địa phương.
Hiện nay, do hoạt động khai thác và buôn bán bất hợp pháp, quần thể gỗ Cẩm lai ngoài tự nhiên đã suy kiệt ở nhiều địa phương, khó có thể tìm thấy những cá thể Cẩm lai có đường kính quá 4cm. Các quần thể Cẩm lai còn lại trong tự nhiên đang bị đe dọa nghiêm trọng ở ngay những khu vực được thành lập để bảo vệ loài này. Do vậy, yêu cầu cấp bách đặt ra là cần phải ưu tiên bảo vệ và nhân rộng các quần thể Cẩm lai trong tự nhiên.
Với sự hỗ trợ của Uỷ ban Châu Âu và Ban thư ký CITES, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD) đã thực hiện chương trình nghiên cứu và bảo tồn Cẩm lai ở Việt Nam với nhiều hoạt động trong ba năm (2019 - 2021), như đánh giá về phân loại, điều tra phân bố và số lượng quần thể ngoài tự nhiên, đánh giá các mối đe doạ, lập bản đồ phân bố, xây dựng tài liệu và ứng dụng nhận dạng loài, xây dựng báo cáo đánh giá không tổn hại (NDF) và xây dựng kế hoạch quản lý và bảo tồn…
Để tiếp tục hỗ trợ bảo vệ và nhân rộng loài gỗ Cẩm lai quý hiếm, ngoài những hoạt động của Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển (CCD), cần có sự chung tay của các cấp, các ngành có liên quan và của cả cộng đồng. Trong đó, việc Bảo tàng Lâm Đồng thường trực trưng bày mẫu vật và tư liệu liên quan đến cây gỗ Cẩm lai là một trong những việc làm thiết thực, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc bảo vệ và nhân rộng loài gỗ Cẩm lai quý hiếm không chỉ cho hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Quảng Nam điện tử (2023), Top 10 loại cây lấy gỗ quý có giá trị kinh tế cao nhất ở Việt Nam.
2. Bộ Lâm nghiệp (1987), Chỉ thị về việc quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý, tiết kiệm các loại gỗ quý, hiếm.
3. Viện nghiên cứu cây đàn hương và thực vật quý hiếm (ISAF) (2022), Cây Cẩm lai - Cây gỗ quý hiếm, mang lại giá trị kinh tế cao.
4. Vườn quốc gia U Minh Hạ tỉnh Cà Mau (2016), Danh mục gỗ Việt Nam.
5. Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (2022), Đề xuất kế hoạch quản lý và bảo tồn hai loài Cẩm lai và Trắc quý, hiếm ở Việt Nam.
6. Website Trung tâm dữ liệu Thực vật Việt Nam:
https://www.botanyvn.com/cnt.asp?param=edir&v=Dalbergia%20oliveri&list=species
7. Website thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng
Tin mới
Các tin khác
- Đỉnh tùng, loài cây quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng - 01/11/2024 08:35
- Tỉnh Đồng Nai Thượng, đơn vị hành chính đầu tiên của vùng đất Lâm Đồng - 25/10/2024 10:21
- Cuộc chiến đấu chống quân Pháp trở lại xâm lược Đà Lạt (1945 - 1946) - 23/09/2024 07:47
- Bảo tàng Lâm Đồng trong mắt công chúng - 23/09/2024 07:43
- Tìm hiểu về Thông hai lá dẹt qua mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 09/09/2024 03:55