Tìm hiểu về Thông hai lá dẹt qua mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Nước ta có 6 loài thông phân bố tự nhiên thì Lâm Đồng đã có 5 loài (Thông tre lá dài, Thông hai lá dẹt, Thông ba lá, Thông năm lá và Thông đỏ). Vì thế, Lâm Đồng còn được mệnh danh là “Chiếc nôi của cây thông”. Khi đến Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng chính là điểm đến thú vị sẽ cung cấp cho du khách những thông tin hữu ích về các loài thông, đặc biệt là Thông hai lá dẹt chỉ duy nhất có ở Việt Nam. Nhà trưng bày chính của Bảo tàng Lâm Đồng thường trực trưng bày các mẫu vật gỗ, lá và quả của Thông hai lá dẹt, giúp du khách có thêm những thông tin bổ ích và nhìn nhận trực quan về loài thông này.
Mẫu gỗ, lá và quả của cây Thông hai lá dẹt, trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Từ những cánh rừng thông ngút ngàn đến những cung đường đèo rợp bóng cây thông ở Lâm Đồng, du khách như được hòa mình vào thiên nhiên và có những trải nghiệm tuyệt vời với thật nhiều cung bậc cảm xúc. Thông hai lá dẹt có tên khoa học là Pinus Krempfii, thuộc họ Thông (Pinaceae). Đây là loài thông cổ với đặc trưng là hai lá dẹt hình lưỡi kiếm, trên thế giới chỉ có độc nhất ở Việt Nam. Loài thông này được nhiều nhà thực vật học trên thế giới hết sức quan tâm. Ban đầu, loài thông quý hiếm này được gọi là Pinus Krempfii H.Lec. (thuộc họ Abietaceae), mang tên nhà thực vật học người Đức M. Krempf, người đầu tiên thu mẫu vật thông hai lá dẹt ở thượng nguồn Sông Mao trên độ cao 1.350m. Sau này, nhà thực vật học người Pháp là A.Chevalier đã lấy tên Ducamp của một quản đốc thủy lâm người Pháp, người tổ chức nên Cục lâm nghiệp ở Đông Dương, để đặt tên cho loài là Ducampopinus Krempfii (Lec) A.Chev, nhưng cuối cùng thì tên chuẩn vẫn là Pinus Krempfii Lecomte, và tên Ducampopinus Krempfii (Lec) A.Chev được coi là tên đồng nghĩa (synonyme). Người ta còn gọi loài thông này với tên gọi khác là thông Sré.
Cây Thông hai lá dẹt nhỏ
Ở Lâm Đồng, loài thông này có một số đặc điểm phân bố rất đặc thù, phổ biến là kiểu phân bố theo đám, không liên tục. Về đặc điểm phân bố theo độ cao, ở các khu vực có độ cao dưới 1.000m thuộc các huyện Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Tẻh, Đức Trọng không thấy có sự hiện diện của loài thông này. Hầu hết, Thông hai lá dẹt phân bố chủ yếu ở độ cao từ 1.400m đến dưới 1.900m so với mặt nước biển, hiện diện phổ biến trong kiểu rừng lá rộng hỗn giao với cây lá kim và trên dạng địa hình sườn đỉnh, như vùng Bidoup - Núi Bà, Cổng Trời và số ít ở Đa Nhim. Trong đó, ở độ cao từ 1.500m đến dưới 1.600m, số lượng quần thể Thông hai lá dẹt được phát hiện nhiều nhất. Ở độ cao trên 1.900m, chưa phát hiện sự có mặt của loài cây này.
Tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, trong quần thể Thông hai lá dẹt có cây thông 1.100 tuổi đã được các chuyên gia xác định bằng phương pháp kiểm tra chéo để tính toán chu kỳ sinh trưởng. Cây thông này được người K’Ho, Lạch, Cil bản địa xem là “cây thần linh”, nơi trú ngụ của thần linh và được họ cùng với lực lượng kiểm lâm bảo vệ nghiêm ngặt.
Ngoài Lâm Đồng, Thông hai lá dẹt còn phân bố ở Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Hòn Bà (Khánh Hòa) và vùng Núi Chúa (Ninh Thuận). Theo tiêu chuẩn phân loại của Sách đỏ Việt Nam, Thông hai lá dẹt được xếp vào cấp V (Vulnerable) - sẽ nguy cấp (có thể bị đe dọa tuyệt chủng); còn theo tiêu chuẩn IUCN, Thông hai lá dẹt được xếp vào cấp EN (Endanger) - nguy cấp.
Thông hai lá dẹt thường gặp rải rác như là những cây đại thụ cao trên dưới 30m, đường kính có thể từ 1,5 - 1,6m, đôi khi lên tới 2m. Tán của cây khá rộng, dày, sẫm màu và có hình rẻ quạt. Đoạn thân dưới cành lớn, hầu như không có cành nhánh. Cây mầm thường có từ 10 - 13 lá mầm đầu tiên hình xoắn cong về một hướng như lưỡi liềm, lá dài khoảng 2 - 3cm, tiếp đến là các lá nhỏ mọc quanh thân, dài 1,5 - 2,5cm. Cây ở độ tuổi non (5 - 20 tuổi), lá dài và rộng bản (dài 10 - 15cm) hơn lá cây trưởng thành, xếp như hai lưỡi kéo ở phần đầu cành. Cây trưởng thành lá nhỏ và ngắn lại (dài 4 - 5cm), mọc thành búi dày ở đầu cành, làm cho tán cây thông già dày và sẫm màu hơn.
Cây Thông hai lá dẹt 1.100 năm tuổi, tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà
Quả của cây Thông hai lá dẹt chín vào mùa mưa (tháng 9, tháng 10 hàng năm). Hạt nhỏ màu nâu nhạt, hình bầu dục dài, có cánh tròn ở đầu, khi chín có thể phát tán trong một phạm vi khá rộng và nón quả còn tồn tại một thời gian trên cây. Thông hai lá dẹt sinh trưởng rất chậm, tăng trưởng đường kính khoảng 1mm/năm. Như vậy, nếu cây có đường kính 2,5m thì tuổi cây có thể đạt tới 1.000 năm, hoặc ít ra là hàng trăm năm. Gỗ Thông hai lá dẹt được xếp vào nhóm I trong bảng 8 nhóm gỗ của Việt Nam. Gỗ mềm, nhẹ, ít nhựa, màu từ trắng đến vàng nhạt, có nhiều đặc tính kỹ thuật tốt, có thể sử dụng làm nhà, làm bao bì, bột giấy, sợi tổng hợp…
Ở Lâm Đồng, thống kê bước đầu có khoảng trên 1.000 cá thể Thông hai lá dẹt và chưa phát hiện quần thể nào có trên 250 cá thể trưởng thành. Số cá thể trong quần thể bình quân khoảng 20 cây, hiếm khi có quần thể có số lượng cá thể trưởng thành trên 100 cây. Trong cấu trúc quần thể, có nhiều cây thành thục và quá thành thục (đường kính trên 80cm) nhưng lại thiếu lớp cây kế cận. Bên cạnh đó, không gian sống của loài Thông hai lá dẹt ngày càng bị thu hẹp do tác động phá rừng, cùng với sự thiếu hụt về các thông tin liên quan cần thiết cho công tác bảo tồn, nên Thông hai lá dẹt đang bị đe dọa thực sự trong tương lai gần.
Để bảo tồn và nhân rộng loài Thông hai lá dẹt, cần có những giải pháp đồng bộ, phù hợp với thực tiễn và sự chung tay không chỉ của các cấp, các ban, ngành có liên quan mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng. Việc Bảo tàng Lâm Đồng trưng bày, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước các tư liệu, mẫu vật liên quan đến loài Thông hai lá dẹt là việc làm thiết thực trong công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn trong cộng đồng. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả bảo tồn loài Thông hai lá dẹt - loài thông đặc hữu chỉ có duy nhất ở Việt Nam.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng (2023), Khám phá cây thông 2 lá dẹt 1.100 tuổi được người bản địa xem như “cây thần linh” ở Lâm Đồng.
2. Trung tâm dữ liệu thực vật Việt Nam (2010), Thông hai lá dẹt, loài cây đặc hữu ở Việt Nam.
3. Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (2015), Một số đặc điểm quần thể và phân bố loài thông hai lá dẹt (Pinus krempfiiH.Lec) ở Lâm Đồng.
4. Website thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng: Tại đây
Tin mới
Các tin khác
- Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - 09/09/2024 03:43
- Tìm hiểu vài nét hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho tại Bảo tàng Lâm Đồng - 08/09/2024 04:09
- Những dấu ấn và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 21/08/2024 03:18
- Vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 19/08/2024 02:35
- Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - 05/08/2024 03:14