Những dấu ấn và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là một trong những cuộc cách mạng điển hình nhất của thế kỷ XX. Cách mạng Tháng Tám thành công đã phá bỏ gần một thế kỷ thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật và hàng nghìn năm của chế độ quân chủ, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy rõ những dấu ấn và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự kiện mang tầm vóc vĩ đại này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội
Bác Hồ và tầm nhìn chiến lược
Ngay từ năm 1940, khi đang hoạt động ở nước ngoài, nhận thấy tình hình trong nước và quốc tế có sự chuyển biến mau lẹ, Bác Hồ đã có những tính toán để chuẩn bị cho một cuộc cách mạng trong toàn quốc, Người khẳng định: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Ngày 28/01/1941, Bác Hồ về nước trực tiếp chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, chuyển hướng đấu tranh chiến lược, đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi lại được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Đây là một quyết định mang tính bước ngoặt của lịch sử và phong trào cách mạng Việt Nam, thể hiện tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Người.
Bác Hồ về nước - Tranh vẽ của họa sỹ Trịnh Phòng
Bác Hồ và việc tổ chức chức lực lượng tiến hành cách mạng
Việc Bác Hồ chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh năm 1941 chính là một sáng tạo quan trọng, đáp ứng yêu cầu của lịch sử. Bởi khi Đảng hoạt động bí mật thì chính Mặt trận Việt Minh là nơi tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, là cầu nối quan trọng giữa Đảng với quần chúng, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc.
Trên thực tế, cùng với sự ra đời của Mặt trận Việt Minh là sự phát triển mạnh mẽ của các đoàn thể trong Mặt trận, như Nông dân cứu quốc, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Nhi đồng cứu quốc… Dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh và hiệu triệu “cứu quốc” của các đoàn thể, mọi tầng lớp nhân dân yêu nước được tập hợp đoàn kết lại, lôi cuốn mạnh mẽ vào phong trào đứng lên đánh đổ thực dân xâm lược, giành độc lập, tự do.
Để làm cơ sở và nòng cốt cho đấu tranh chính trị, Bác Hồ đã cho xây dựng lực lượng vũ trang. Đầu tiên là thành lập đội vũ trang Cao Bằng với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ cách mạng, huấn luyện chính trị quân sự cho các đội tự vệ, dân quân du kích địa phương, hậu thuẫn cho các cuộc đấu tranh của quần chúng. Tiếp đến, để đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng, Người quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ngày 22/12/1944) và đã gây được tiếng vang lớn với chiến thắng diệt gọn 2 đồn địch ở Phai Khắt, Nà Ngần. Uy tín của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lan tỏa khắp cả nước, từ đó mà nhiều địa phương đã chủ động thành lập các đội vũ trang.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng)
Để đẩy mạnh việc chuẩn bị khởi nghĩa, Bác Hồ đã cùng Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ thống nhất sáp nhập các lực lượng vũ trang thành Việt Nam Giải phóng quân và đặt nhiệm vụ quân sự lên hàng đầu. Cùng với lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang không ngừng lớn mạnh, tạo điều kiện vô cùng quan trọng cho thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Một trong những sáng tạo về tập hợp lực lượng của Bác Hồ là tranh thủ sự ủng hộ quốc tế: Người đã trực tiếp gặp Thủ tướng Chu Ân Lai, đại diện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, để bàn phối hợp hoạt động cách mạng giữa hai nước, cử người đi Diên An để mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố đường dây liên lạc với Quốc tế Cộng sản…; Người đích thân đi Trung Quốc gặp đại diện chính phủ Tưởng Giới Thạch; Người đã tham gia cải tổ tổ chức người Việt ở Trung Quốc đó là Việt Nam cách mạng đồng minh hội nhằm tranh thủ, phân hóa lôi kéo những người yêu nước trong tổ chức người Việt đứng về phía cách mạng... Những hoạt động quốc tế này đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” tiến hành Tổng khởi nghĩa trong cả nước
Với tầm nhìn chiến lược và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, Bác Hồ đã cùng Đảng ta nắm bắt thời cơ cách mạng “ngàn năm có một”, kịp thời đề ra chủ trương và kế hoạch tiến hành Tổng khởi nghĩa.
Tháng 8/1945, khi phát xít Đức đầu hàng quân Đồng minh, ở Đông Dương, quân đội Nhật hoảng loạn, Người khẳng định thời cơ đã đến và “Cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ biến chuyển nhanh chóng, không thể để lỡ cơ hội”. Người triệu tập Đại hội đại biểu quốc dân ở Tân Trào và phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta. Ngay sau đó, Người trực tiếp gửi thư tới đồng bào cả nước kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến, đồng bào toàn quốc hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta…”.
Thư Bác Hồ gửi đồng bào cả nước được truyền đi khắp nơi trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945
Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, quân và dân ta đã đồng loạt đứng lên tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước và giành thành lợi. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thực tế lịch sử cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn chiến lược đã cùng với Đảng ta chuẩn bị kĩ lưỡng và nhạy bén, nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một” để lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi. Những dấu ấn và vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự kiện mang tầm vóc thời đại này luôn sáng mãi trong lịch sử dân tộc và trong trái tim mỗi chúng ta.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (2021), Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với việc thành lập Mặt trận Việt Minh.
2. Báo Hà Giang điện tử (2024), Lãnh tụ Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám.
3. Báo Quân đội nhân dân điện tử (2022), Ngày 18-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa”.
4. Tạp chí Cộng sản (2009), Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
5. Tạp chí Cộng sản (2021), Ngày Bác Hồ trở về nước (28-1-1941) - Thời khắc lịch sử vô cùng trọng đại đối với tiến trình lịch sử vẻ vang của dân tộc - Sau 80 năm nhìn lại.
Tin mới
- Cuộc chiến đấu chống quân Pháp trở lại xâm lược Đà Lạt (1945 - 1946) - 23/09/2024 07:47
- Bảo tàng Lâm Đồng trong mắt công chúng - 23/09/2024 07:43
- Tìm hiểu về Thông hai lá dẹt qua mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 09/09/2024 03:55
- Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - 09/09/2024 03:43
- Tìm hiểu vài nét hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho tại Bảo tàng Lâm Đồng - 08/09/2024 04:09
Các tin khác
- Vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 19/08/2024 02:35
- Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - 05/08/2024 03:14
- Tìm hiểu địa giới hành chính Đà Lạt qua các thời kỳ (từ năm 1893 đến nay) - 05/07/2024 08:15
- Làm Gốm - nét văn hóa truyền thống của người Chu Ru - 27/06/2024 01:32
- Thắng cảnh hồ Xuân Hương - Trái tim thành phố Đà Lạt - 25/06/2024 04:07