Vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phá bỏ xiềng xích của chế độ thực dân - phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Thực tế lịch sử khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là yếu tố quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Vai trò lãnh đạo của Đảng trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã thể hiện nổi bật qua nhiều phương diện: quan điểm cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn; hình thức, phương pháp tổ chức xây dựng cách mạng phù hợp; nhận định tình thế, thời cơ cách mạng chính xác và quan trọng nhất là sự chỉ đạo kiên quyết, tập trung thống nhất quyết định đến thắng lợi cuối cùng của cuộc tổng khởi nghĩa. Tất cả đều được khẳng định rõ ở những thời khắc với các quyết định lịch sử.
Trước hết, Đảng đã hoạch định đường lối đấu tranh đúng đắn và xuyên suốt, thể hiện rõ trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng:
Trong Chánh cương vắn tắt, Đảng nhận định: “Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ có bọn địa chủ mới có thế lực đứng hẳng về phe đế quốc chủ nghĩa nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Đồng thời về phương diện chính trị, Đảng chủ trương: “a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến; b) Làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập; c) Dựng ra Chính phủ công nông binh; d) Tổ chức ra quân đội công nông”.
Chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc, chống đế quốc, thực dân, phong kiến lên trên hết, trước hết là vô cùng đúng đắn, khoa học, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn.
Cao trào 1930 - 1931 và 1936 - 1939 là sự chuẩn bị về lực lượng cách mạng cho Tổng khởi nghĩa 1945 của Đảng:
Chỉ vài tháng sau khi thành lập, Đảng đã đứng ra lãnh đạo phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 -1931), nhanh chóng tập hợp khối liên minh công nông vững chắc cùng đứng dưới ngọn cờ lãnh đạo duy nhất của Đảng, với mục tiêu “đả đảo đế quốc, đả đảo phong kiến”. Có thể thấy, qua phong trào đã có nhiều đảng viên được tôi luyện và trưởng thành, là lực lượng nòng cốt tham gia và góp phần lớn vào thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Tiếp nối phong trào 1930 - 1931 là phong trào Dân chủ 1936 - 1939, được xem là cuộc tập dược lần thứ hai của Đảng trước khi nổ ra Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Qua phong trào, nhiều quần chúng nhân dân được tổ chức, giác ngộ, rèn luyện và trở thành lực lượng chính trị vô cùng hùng hậu. Hiệu quả của phong trào đã làm cho uy tín và ảnh hưởng của Đảng được nâng cao trong quần chúng nhân dân. Kết quả Cuộc vận động Dân chủ 1936 - 1939 đã để lại những bài học vô giá trong công tác lãnh đạo quần chúng nhân dân tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám sau này của Đảng.
Những quyết sách quan trọng của Đảng tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11 năm 1939) và Trung ương 8 (tháng 5 năm 1941) - sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền:
Sau khi phân tích nhận định tình hình, bối cảnh trong nước, khu vực Đông Dương và quốc tế, Đảng đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, trong đó phải kể đến quyết định tiếp tục chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Chủ truơng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa vào Nghị quyết Trung ương 6 (tháng 11 năm 1939): “Bước sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng độc lập. Đế quốc Pháp còn, dân chúng Đông Dương chết. Đế quốc Pháp chết, dân chúng Đông Dương còn”.
Ðầu năm 1941, cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai lan rộng, cuốn theo nhiều nước vào vòng xoáy chiến tranh. Ở Ðông Dương, quân Pháp đầu hàng quân Nhật và câu kết để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Ðông Dương. Trước tình hình đó, tháng 5 năm 1941, đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước với tư cách là đại biểu Quốc tế Cộng sản trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Ngay sau khi về nước, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (họp từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941), tại Pác Bó - Cao Bằng. Tại đây, Đảng đã nhận định tính chất của cách mạng ở Đông Dương hiện tại là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và đặt ra mục tiêu “giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta và của cách mạng Đông Dương hợp với nguyện vọng chung của tất cả nhân dân Đông Dương”. Có thể thấy, Đường lối đấu tranh cách mạng của Đảng khẳng định tại Hội nghị Trung ương 8 chính là sự kế thừa tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Cương lĩnh đầu tiên năm 1930 và Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, với quyết tâm giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Cũng tại Hội nghị Trung ương 8, Đảng đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, như: Về hình thức đấu tranh, Đảng đề ra chủ trương khởi nghĩa vũ trang và coi công tác chuẩn bị các điều kiện cho khởi nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân; về thời điểm khởi nghĩa: Đảng chỉ rõ cuộc khởi nghĩa chỉ nổ ra khi có điều kiện chủ quan và khách quan, tức là phải xác đúng thời cơ cách mạng; về hình thái đấu tranh: sẽ tiến hành khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền từng địa phương, tiến lên tổng khởi nghĩa toàn quốc; về lực lượng chính trị: chủ trương thành lập mặt trận Việt Minh; Hội nghị đã quyết định lấy miền núi rừng Việt Bắc để xây dựng căn cứ vũ trang, trước hết là căn cứ Cao Bằng và căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.
Có thể thấy, những quyết sách quan trọng của Đảng trong giai đoạn này cho thấy sự chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, chu đáo từ quan điểm, hình thức, hình thái đấu tranh, lực lượng cách mạng, đến thời cơ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa. Đó là sự chuẩn bị cần thiết, nhằm đảm bảo cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền hạn chế tối đa những thiệt hại về người, về của.
Những quyết sách quan trọng từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945 thổi bùng lên cao trào kháng Nhật cứu nước:
Cuối năm 1944, với sự nhạy bén, bình tĩnh và thận trọng trong phân tích, đánh giá tình hình, dự báo xu thế và triển vọng của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta, trong Thư gửi đồng bào toàn quốc (vào tháng 10/1944), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta, giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc một năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”. Để chuẩn bị chu đáo về lực lượng đấu tranh cho Tổng khởi nghĩa toàn dân, Người ra Chỉ thị Thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22/12/1944. Đây được xem là một trong những quyết định mang tính chiến lược, tuy gấp rút nhưng không kém phần quan trọng trong khâu chuẩn bị lực lượng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước thời cơ cách mạng đang dần chín muồi.
Tối 09/3/1944, Nhật tiến hành đảo chính Pháp, ngay sau đó vào 12/3/1944, Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức họp và ban hành khẩn trương Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị xác định: “Sau cuộc đảo chính này, đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương”, đi đến quyết định: “Đem khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật!” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp!”... chống lại chính quyền Nhật và chính phủ bù nhìn của bọn Việt gian thân Nhật”. Đồng thời, Chỉ thị cũng đưa ra dự đoán về thời cơ diễn ra Tổng khởi nghĩa: “Nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần thì khi ấy quân đồng minh chưa đổ bộ vào Đông Dương thì cuộc tổng khởi nghĩa của ta có thể bùng nổ thắng lợi”.
Chỉ thị trên đã cho thấy sự nhạy bén trong đánh giá, nhận định tình hình của Đảng để đưa ra những quyết sách phù hợp làm căn cứ cho những hành động tiếp theo của Đảng trong cao trào kháng Nhật cứu nước, quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Tổng khởi nghĩa sau này.
Quyết định tổng khởi nghĩa toàn quốc của Hội nghị Đảng toàn quốc tháng 8 năm 1945 - đỉnh cao của nghệ thuật chớp thời cơ:
Đầu tháng 8/1945, sau khi phân tích kĩ lưỡng tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, trong Thư kêu gọi Người xác định rõ chủ thể Tổng khởi nghĩa giành chính quyền chính là quần chúng nhân dân không phải là quân đội của các nước Đồng minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Trưa ngày 13/8/1945, phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, thì ngay sau đó vào 23 giờ đêm ngày 13/8/1945, Uỷ ban khởi nghĩa đã ra Lệnh khởi nghĩa - Quân lệnh số I, với quyết tâm: “Dưới mệnh lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, đồng bào hãy đem hết tâm lực ủng hộ đạo quân giải phóng, sung vào bộ đội, xông ra mặt trận đánh đuổi quân thù. Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! Tổ quốc đang đòi hỏi sự hy sinh lớn lao của các bạn! Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta”.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Cách mạng tháng Tám đã đi đến thắng lợi hoàn toàn. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà ra đời, đánh dấu một mốc son chói lọi, vẻ vang và hào hùng của Đảng, nhân dân Việt Nam với ý chí kiên cường, với khát khao độc lập, tự do, hòa bình.
Có thể nói, thực tế lịch sử đã chứng minh vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Nói về vai trò của Đảng trong Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Đặng Thanh Đạt
Tin mới
- Bảo tàng Lâm Đồng trong mắt công chúng - 23/09/2024 07:43
- Tìm hiểu về Thông hai lá dẹt qua mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 09/09/2024 03:55
- Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - 09/09/2024 03:43
- Tìm hiểu vài nét hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho tại Bảo tàng Lâm Đồng - 08/09/2024 04:09
- Những dấu ấn và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 21/08/2024 03:18
Các tin khác
- Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - 05/08/2024 03:14
- Tìm hiểu địa giới hành chính Đà Lạt qua các thời kỳ (từ năm 1893 đến nay) - 05/07/2024 08:15
- Làm Gốm - nét văn hóa truyền thống của người Chu Ru - 27/06/2024 01:32
- Thắng cảnh hồ Xuân Hương - Trái tim thành phố Đà Lạt - 25/06/2024 04:07
- Triển lãm ảnh “Cao nguyên xanh” - 02/06/2024 11:06