Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng
Tính đến năm học 2023 - 2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã biên soạn và đưa vào giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10. Năm học 2024 - 2025, tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng các lớp 4, 8 và 11 sẽ tiếp tục được đưa vào giảng dạy. Đặc biệt, Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã chính thức được đưa vào Chủ đề 4 của “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4”.
Bìa cuốn “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4”
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp… của địa phương, bổ sung cho nội dung bắt buộc chung thống nhất trong cả nước. Chương trình này nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của địa phương. Ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác. Thời lượng dành cho nội dung giáo dục địa phương khoảng 35 tiết trong một năm học.
Căn cứ chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, thẩm định tài liệu về nội dung giáo dục của địa phương theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và báo cáo để Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng đã biên soạn xong tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11.
“Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4” giúp học sinh khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại của quê hương Lâm Đồng với 6 chủ đề: Lâm Đồng - Địa phương em; Trang phục truyền thống của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng; Lễ hội Mừng lúa mới ở Lâm Đồng; Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; Nghề dệt thổ cẩm ở Lâm Đồng; Di tích quốc gia Ga Đà Lạt. Mỗi chủ đề được thiết kế thành các hoạt động học tập, gồm: Khởi động - Khám phá - Luyện tập - Vận dụng, giúp học sinh hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.
Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được đưa vào giới thiệu tại Chủ đề 4. Trong chủ đề này, hoạt động Khởi động yêu cầu học sinh chọn và mô tả một di tích hoặc khu du lịch em thích ở tỉnh Lâm Đồng (Tài liệu có đưa 4 hình ảnh về Nhà trưng bày Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Di tích kiến trúc quốc gia Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt).
Hoạt động Khám phá có 2 hoạt động: Hoạt động 1 yêu cầu học sinh tìm hiểu Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt về vị trí, thời điểm xây dựng, mô tả chi tiết, một số hình thức đấu tranh của các tù nhân thiếu nhi và thời điểm Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được công nhận là di tích quốc gia. Hoạt động 2 yêu cầu học sinh tìm hiểu về một số hoạt động và mục đích các hoạt động ấy của học sinh Lâm Đồng tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Chủ đề 4: Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4
Trong hoạt động Luyện tập, hoạt động 1 yêu cầu học sinh thực hiện vai trò hướng dẫn viên du lịch giới thiệu về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (về địa chỉ, quá trình hình thành, nét độc đáo của di tích, giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống yêu nước). Hoạt động 2 yêu cầu học sinh chia sẻ cảm nhận về điều ấn tượng nhất của Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Hoạt động 3 yêu cầu học sinh trả lời được câu hỏi vì sao Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là một địa chỉ đỏ trong giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng cách mạng, lòng tự hào dân tộc.
Một trang giới thiệu về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên thành phố hoa, trong Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4
Trong hoạt động Vận dụng, hoạt động 1 yêu cầu học sinh tập xây dựng kế hoạch tham quan Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Hoạt động 2 yêu cầu học sinh ghi vào sổ tay những điều ấn tượng về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Hoạt động 3 yêu cầu học sinh sưu tầm tranh, ảnh, bài viết đề cập đến Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Chủ đề về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt trong tài liệu còn cung cấp 10 hình ảnh và 2 nội dung liên quan đến di tích, giúp học sinh tìm hiểu về “Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên thành phố hoa” và một số hoạt động ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của học sinh Lâm Đồng.
Sau khi biết tin Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4”, Ban liên lạc cựu tù yêu nước Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt quyết định trước mắt sẽ gửi tặng 2 cuốn sách “Tuổi trẻ bất khuất” (viết về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt) đến mỗi trường tiểu học của thành phố Đà Lạt, giúp giáo viên và học sinh có thêm tư liệu tìm hiểu về di tích.
Trong những năm qua, việc biên soạn và đưa vào giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng đã tạo hứng thú cho cả thầy và trò trong mỗi giờ dạy. Nội dung tài liêu được xây dựng phù hợp, hệ thống kiến thức một cách logic, bám sát với nội dung các bộ môn trong chương trình chính. Qua đó giúp cho học sinh hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của địa phương, biết được những giá trị, đặc trưng vùng miền về lịch sử, văn hóa, kinh tế, địa lý… với những tiềm năng thế mạnh riêng có. Những bài học trong chương trình giáo dục địa phương được biên soạn khá gần gũi, không nặng về số liệu, học sinh được tiếp cận bài học một cách trực quan, sinh động. Từ đó khơi dậy sự hứng thú tìm hiểu, góp phần bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, hình thành ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa, tích cực xây dựng văn hóa, đạo đức, hoài bão, lý tưởng cho học sinh.
Có thể nói, việc đưa nội dung về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - Lớp 4” là hết sức có ý nghĩa. Ngoài mục tiêu mà chương trình giáo dục địa phương hướng đến như đã nêu trên, điều này hỗ trợ tích cực cho Bảo tàng Lâm Đồng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, trong nỗ lực lan tỏa giá trị di tích đến đông đảo công chúng. Điều này cũng đặt ra cho đội ngũ trực tiếp công tác tại di tích trách nhiệm nghiên cứu, phối hợp, hỗ trợ các trường học trong việc giới thiệu, cung cấp thông tin, tư liệu, hình ảnh để việc giáo dục chủ đề Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt mang lại kết quả tốt nhất. Đồng thời, việc phối hợp giữa Bảo tàng Lâm Đồng với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng cũng rất cần thiết để kịp thời đánh giá, chỉ đạo triển khai chương trình giáo dục địa phương đạt hiệu quả cao nhất.
Song An
Tin mới
- Tìm hiểu về Thông hai lá dẹt qua mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 09/09/2024 03:55
- Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - 09/09/2024 03:43
- Tìm hiểu vài nét hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho tại Bảo tàng Lâm Đồng - 08/09/2024 04:09
- Những dấu ấn và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 21/08/2024 03:18
- Vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 19/08/2024 02:35
Các tin khác
- Tìm hiểu địa giới hành chính Đà Lạt qua các thời kỳ (từ năm 1893 đến nay) - 05/07/2024 08:15
- Làm Gốm - nét văn hóa truyền thống của người Chu Ru - 27/06/2024 01:32
- Thắng cảnh hồ Xuân Hương - Trái tim thành phố Đà Lạt - 25/06/2024 04:07
- Triển lãm ảnh “Cao nguyên xanh” - 02/06/2024 11:06
- Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2024): Chân dung lãnh tụ V.I. Lênin ở Bảo tàng Lâm Đồng - 23/04/2024 23:43