Góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Trong những năm qua, Bảo tàng Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, từ trưng bày, triển lãm đến các hoạt động khảo sát, điền dã, sưu tầm nhằm bảo tồn và phát huy tối đa những giá trị văn hóa nói chung và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng. Qua đó, mong muốn góp sức mình cùng địa phương và ngành Văn hóa chung tay tôn vinh và lan tỏa giá trị những di sản văn hóa nước nhà tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Bảng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của UNESCO (bản mô phỏng, trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng)
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO ghi nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, vào năm 2005. Đến năm 2008, di sản này tiếp tục được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những danh hiệu ấy là minh chứng rõ nét công nhận một di sản văn hóa vô cùng độc đáo của vùng đại ngàn Tây Nguyên.
Do đó, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một di sản văn hóa phi vật thể không những cần chú trọng lưu giữ, bảo tồn mà còn phải tuyên truyền, quảng bá, phát huy tối đa các giá trị vốn có. Bảo tàng Lâm Đồng, nơi đang lưu giữ hơn 12.000 hiện vật mang đậm bản sắc văn hóa, ký ức của vùng đất Nam Tây Nguyên luôn ý thức rõ trọng trách góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản này tới công chúng thông qua các hoạt động cụ thể.
Trong công tác trưng bày, chủ đề văn hóa dân tộc luôn được đặc biệt chú trọng. Minh chứng cho điều này là khi đến với tầng 2 của Nhà trưng bày chính, du khách sẽ bước vào một không gian lớn trưng bày những hiện vật, hình ảnh về đời sống kinh tế - xã hội, các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số qua chủ đề “Những nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc bản địa Lâm Đồng”. Tại đây, du khách sẽ được trực tiếp nhìn thấy những loại nhạc cụ độc đáo, những hình ảnh đặc trưng trong đời sống tinh thần của các dân tộc bản địa, trong đó không thể thiếu Không gian văn hóa cồng chiêng.
Với những hiện vật như cây nêu, chóe rượu cần, hình ảnh không gian lễ hội, các nhạc cụ lễ hội và tâm điểm là những bộ cồng chiêng với nhiều kích cỡ khác nhau đã tái hiện lại một phần Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được cấu thành từ nhiều yếu tố: cồng chiêng và các nhạc cụ, các lễ hội truyền thống, không gian cộng đồng tổ chức lễ hội và được thực hành bởi nhiều dân tộc bản địa của 5 tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, khi tham quan Bảo tàng Lâm Đồng, du khách có thể cảm nhận âm vang của tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng tù và, khèn bầu và hòa mình vào không khí cộng đồng sôi nổi, vui tươi của những người dân tộc anh em trong ngày lễ hội. Cảm nhận sự bình an bên cây nêu, cảm giác chuếnh choáng, bay bổng bên chóe rược cần, sự ấm áp của ngọn lửa thiêng ngàn năm rực sáng nơi miền cao nguyên hùng vĩ…
Không gian trưng bày về đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số Lâm Đồng
Bên cạnh hoạt động trưng bày cố định, nội dung về văn hóa dân tộc, nhất là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên luôn được Bảo tàng Lâm Đồng thực hiện tại các cuộc triển lãm trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu như triển lãm tại thành phố Điện Biên (tháng 4/2024), trong khuôn khổ Năm du lịch quốc gia 2024, chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Trong khuôn khổ Tuần lễ vàng Du lịch Lâm Đồng năm 2024, Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp với các địa phương tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tại khuôn viên Bảo tàng với nhiều hoạt động hấp dẫn. Trong đó, tái hiện nghi lễ Mừng lúa mới, một phần trong Không gian văn hóa cồng chiêng tại tỉnh Lâm Đồng cũng góp phần giới thiệu tới du khách về di sản văn hóa độc đáo này.
Sắp tới, tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng (tháng 9/2024), Bảo tàng Lâm Đồng sẽ giới thiệu, quảng bá về văn hóa của các dân tộc tỉnh Lâm Đồng, trong đó có Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Tái hiện thực hành Không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng trong Triển lãm Điện Biên năm 2024
Có thể nói, những di sản văn hóa ngày hôm nay được kết tinh qua nhiều thế hệ trong quá khứ, luôn cần được bảo tồn, kế thừa và tiếp tục phát huy giá trị trong tương lai. Với ý nghĩa ấy, Bảo tàng Lâm Đồng đã phối hợp với một số địa phương tại huyện Di Linh và huyện Lạc Dương tiến hành tổ chức các lớp truyền dạy, tập huấn bảo tồn văn hóa phi vật thể cho đồng bào dân tộc Cơ Ho. Các nghệ nhân am hiểu về nghệ thuật cồng chiêng và văn hóa truyền thống được mời về truyền dạy cho thế hệ trẻ, để xây dựng lực lượng kế thừa và hướng tới phát triển du lịch văn hóa tại địa phương trong tương lai.
Đảng, Nhà nước ta xác định văn hóa là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), nêu rõ: “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới.
Bảo tàng Lâm Đồng với vai trò của một cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực di sản, đã luôn nỗ lực đóng góp tích cực trong việc chung tay góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa. Tin tưởng rằng, với sự chung tay của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lâm Đồng, giá trị di sản văn hóa của các dân tộc tỉnh nhà và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được bảo tồn, phát huy, lan tỏa rộng rãi đến với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế.
Hoàng Hiền
Tin mới
Các tin khác
- Tìm hiểu vài nét hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho tại Bảo tàng Lâm Đồng - 08/09/2024 04:09
- Những dấu ấn và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 21/08/2024 03:18
- Vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 19/08/2024 02:35
- Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - 05/08/2024 03:14
- Tìm hiểu địa giới hành chính Đà Lạt qua các thời kỳ (từ năm 1893 đến nay) - 05/07/2024 08:15