Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Tìm hiểu vài nét hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho tại Bảo tàng Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng hiện đang lưu giữ và bảo quản nhiều hiện vật dệt của các dân tộc thiểu số sinh sống tại Lâm Đồng, như Cơ ho, Mạ, Chu ru, Thái, M’Nông, H’Mông, Hoa, Ba na, Ê đê, Jrai… Trong đó, hiện vật dệt của dân tộc Cơ ho chiếm số lượng nhiều và nổi trội hơn, với nhiều hoa văn đẹp và đặc sắc.
hoa van tren trang phuc truyen thong cua dan toc co ho 1

Áo Cơ ho

Nghề dệt là một trong những nghề thủ công truyền thống của người Cơ ho, một trong ba dân tộc sinh sống lâu đời ở Lâm Đồng (gồm Cơ ho, Mạ, Chu ru). Sản phẩm của nghề dệt không chỉ nổi tiếng bởi quy trình sản xuất, kỹ xảo tạo màu, dệt vải… mà còn bởi các lọai hình hoa văn đặc sắc, sinh động mang đậm nét văn hoá dân tộc. Để có những sản phẩm thổ cẩm nhiều màu sắc, thể hiện tinh hoa văn hóa là quá trình chiêm nghiệm, sáng tạo của người thợ dệt. Bằng đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ Cơ ho đã gửi gắm tâm hồn, tình cảm của mình qua những hoa văn sinh động trên từng tấm thổ cẩm. Đó là những hoa văn mang hình ảnh về các sự vật, hiện tượng tự nhiên thật gần gũi, thân thương, những hoa văn mang hồn cốt văn hoá dân tộc, gắn bó trong đời sống sinh hoạt hàng ngày.

hoa van tren trang phuc truyen thong cua dan toc co ho 2
Váy Cơ ho

Sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Cơ Ho thường là những tấm đắp (ùi tơ), tấm choàng (ùi khan bay), váy (ùi ngoách), băng cột đầu (chè kớt bồ), dây đeo tay (che dò tay); khố (ùi tờ roành)…Trước đây, người Cơ Ho thường trồng bông trên rẫy cũ để làm sợi dệt vải. Đến mùa bông nở, người ta thu bông về tách hạt, lấy bông kéo sợi. Sợi nguyên liệu thường có màu trắng ngà, để tạo màu sắc, hoa văn cho sản phẩm dệt, người ta phải nhuộm màu sợi bông.

hoa van tren trang phuc truyen thong cua dan toc co ho 3
Khố Cơ ho

Người Cơ ho thường nhuộm màu sợi bông bằng cách lấy màu từ các loại cây mọc tự nhiên trong rừng. Màu xanh lấy từ lá cây tơ rung, màu xanh dương lấy từ lá chàm be, màu đỏ lấy từ cỏ họ dền, màu vàng lấy từ củ nghệ rừng… Màu sắc chủ đạo trên thổ cẩm Cơ ho thường là các màu gắn với thiên nhiên: màu đỏ, màu vàng tượng trưng cho mặt trời và ánh nắng, màu xanh tượng trưng cho màu của núi rừng…

hoa van tren trang phuc truyen thong cua dan toc co ho 4
Váy Cơ ho

Đặc biệt, người Cơ ho thường dệt hoa văn trên nền vải màu tối. Hoa văn trên thổ cẩm của người Cơ ho rất phong phú và đa dạng. Chủ đề hoa văn trang trí thường là các sự vật, hiện tượng tự nhiên, muông thú và các vật dụng quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của họ, như cầu thang, cán xà gạt, ché rượu, lá đùng đình… Để tạo hoa văn trên thổ cẩm, người phụ nữ Cơ ho phải khéo léo dùng tay luồn sợi thêu trên tấm vải, vừa dệt vừa thêu. Họ thường dệt hoa văn không theo một đồ án định trước hay khuôn mẫu nhất định, mà chủ yếu do ngẫu hứng với sự vật, thế giới xung quanh theo cảm quan riêng và không được rời khuôn phép.

Một số hoa văn thường được dệt trên các sản phẩm của đồng bào dân tộc Cơ ho, như: trái bầu (play lềnh), trái cà (play prền), cán xà gạt (ngkơr wih) cái nỏ (kau sna), lá đùng đình (nha guâl), bậc thang (kơr tung tơrĩa), cây chông (đinh srông), con bọ (lôi lai), con tàu (tã hõ), tua cây nêu (hơ nơ ho)… Mỗi loại hoa văn đều có ý nghĩa, thể hiện tâm tư, ước nguyện của người dệt gửi gắm lên đó.

Ngoài ra, cảm nhận về những sự vật trong cuộc sống hiện đại cũng được người Cơ ho mô tả trên trang phục của mình bằng các hoa văn hình chiếc ô, túi xách, cái lược, ô tô, máy bay, hoạ tiết chữ…, bên cạnh các hoa văn quen thuộc hình ngôi sao, hình thoi, tam giác, chữ chi...

Những họa tiết, hoa văn trên trang phục của đồng bào dân tộc Cơ ho thể hiện quan điểm thẩm mỹ của dân tộc mình, biến trang phục không chỉ là những bộ đồ mặc thông thường mà còn mang tính thẩm mỹ độc đáo.

hoa van tren trang phuc truyen thong cua dan toc co ho 5
Khố Cơ ho

Chúng ta có thể thấy, chính sự phong phú, đa dạng của màu sắc, đề tài trang trí đã tạo nên nét độc đáo cho thổ cẩm của người Cơ ho cũng như trang phục của họ. Các mẫu hoa văn được lấy từ hiện thực cuộc sống và cách điệu đã tạo nên những hình ảnh sặc sỡ, mềm mại, uyển chuyển, công phu và đầy sáng tạo. Nó mang một sắc thái riêng không giống với các dân tộc khác ở Lâm Đồng nói riêng và nam Tây Nguyên nói chung.

Huỳnh Đông Nghi