Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Cuộc chiến đấu chống quân Pháp trở lại xâm lược Đà Lạt (1945 - 1946)

Ngược dòng thời gian về những ngày mùa Thu lịch sử năm 1945, sau khi giành chính quyền thành công, góp phần cùng cả nước mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, nhân dân Đà Lạt lại phải bước vào cuộc kháng chiến chống lại các thế lực ngoại xâm âm mưu trở lại xâm chiếm nước ta. Trong tình thế khó khăn vào cuối năm 1945 - đầu năm 1946, quân dân Đà Lạt đã kiên cường chiến đấu vì nền độc lập, tự do của đất nước.

cuoc chien dau chong quan phap tro lai xam luoc da lat 1945 1946

Khách tham quan, tìm hiểu phần trưng bày lịch sử kháng chiến tại Bảo tàng Lâm Đồng

Trong những ngày đầu tháng 9 năm 1945, nền độc lập non trẻ mà nhân dân ta vừa giành được đã gặp phải muôn vàn thử thách to lớn. Vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc” trước các vấn đề nội tại do thực dân, đế quốc để lại, cùng với hiểm họa ngoại xâm. Theo quyết định của Hội nghị Potsdam (tháng 8/1945), khu vực phía Nam vĩ tuyến 16 trên bán đảo Đông Dương sẽ do quân Anh, trên danh nghĩa đại diện lực lượng Đồng minh tiến vào làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật. Dựa vào thế lực quân Anh, thực dân Pháp buộc quân Nhật phải chiếm lại những nơi bị mất và bàn giao lại cho Pháp. Quân dân Đà Lạt những ngày đầu độc lập đã phải đối mặt với 3 lực lượng quân sự ngoại quốc là quân Anh, quân Pháp và quân Nhật còn hiện diện tại chỗ.

Từ cuối tháng 9 năm 1945, dưới sức ép của Anh, Pháp, lực lượng quân Nhật đã yêu cầu chính quyền cách mạng ở Đà Lạt giải tán lực lượng vũ trang và giao nộp vũ khí. Trước âm mưu, thủ đoạn của quân Pháp và hành động của quân Nhật, Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Viên chủ trương dùng lực lượng quần chúng đòi quân Nhật trả lại những nơi mà chúng còn chiếm giữ.

Sáng ngày 03/10/1945, nhân dân Đà Lạt tổ chức mít tinh hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ủng hộ Nam Bộ kháng chiến, đồng thời tổ chức các đoàn đến bao vây những nơi quân Nhật còn đang chiếm đóng, như Viện Pasteur, khách sạn Palace, nhà đèn, kho bạc,… Trong hai ngày 03 và 04/10/1945, cuộc chiến đấu không cân sức đã diễn ra ác liệt ở nhiều nơi. Nhân dân Đà Lạt tuy chỉ có vũ khí thô sơ, nhưng chiến đấu với tinh thần dũng cảm, bất khuất để bảo vệ thành quả cách mạng.

Để đối phó với tình hình mới, Ủy ban nhân dân hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng đã chủ trương thành lập các phòng tuyến ở Trại Mát, Dran, đèo Prenn, đèo Blao (đèo Bảo Lộc). Đồng thời, chính quyền cách mạng tỉnh Lâm Viên đã quyết định đưa các cơ quan, đoàn thể và phần lớn nhân dân Đà Lạt tản cư về Cầu Đất, chỉ để lại một bộ phận thường trực và bộ phận thanh niên, tự vệ làm nhiệm vụ tuần tra canh gác, sẵn sàng chiến đấu. Tại phòng tuyến Trại Mát, lực lượng cách mạng có một đại đội vũ trang, lực lượng tự vệ, thanh niên, công nhân và các đơn vị vệ quốc đoàn của tỉnh. Phòng tuyến được bố trí thành nhiều tuyến, có hầm hào, công sự chiến đấu và chướng ngại vật ngăn chặn quân địch từ Đà Lạt xuống, nhằm bảo vệ các cơ quan, đoàn thể và nhân dân tản cư ở Cầu Đất.

Trong các kẻ thù ngoại quốc lúc bấy giờ, quân Pháp vẫn là kẻ thù số một, luôn âm mưu tái chiếm nước ta, thiết lập lại nền cai trị thuộc địa trên toàn cõi Đông Dương như trước năm 1945. Chính vì vậy, ngày 23/9/1945, quân Pháp dưới sự giúp đỡ của quân Anh, đã nổ súng tấn công Sài Gòn, mở đầu quá trình xâm lược trở lại nước ta. Cuối tháng 10 năm 1945, sau khi đã tái chiếm Sài Gòn, Pháp tiếp tục đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ và chuẩn bị tiến công các tỉnh Nam Trung Bộ.

Ngày 27/01/1946, Pháp đưa một lực lượng lớn tái chiếm tỉnh Đồng Nai Thượng và Lâm Viên. Ngày 28/01/1946, quân Pháp phối hợp với quân Nhật tấn công quy mô lớn vào ba phòng tuyến của ta ở Trại Mát, Phi Nôm và Km42 trên đường số 8. Tại phòng tuyến Trại Mát, cuộc chiến đấu đã diễn ra hết sức ác liệt. Các đơn vị bộ đội và lực lượng tự vệ đã chiến đấu dũng cảm, gây cho địch nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, do lực lượng quá chênh lệch, quân ta phải rút xuống Cầu Đất, cùng các cơ quan, đồng bào tản cư xuống Ninh Thuận. Từ đây, nhân dân Đà Lạt lại bước vào cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp xâm lược.

Có thể khẳng định, từ cuối năm 1945 - đầu năm 1946 là một giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ, đầy thử thách cho quân dân cả nước nói chung và quân dân Đà Lạt nói riêng. Quân dân Đà Lạt đã anh dũng chiến đấu trong tình thế không cân sức, phải tạm rút lui để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Cuộc chiến đấu chống quân Pháp trở lại xâm lược Đà Lạt những năm 1945 - 1946 là cột mốc mở đầu cho cuộc trường kì kháng chiến với tinh thần “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, để đi đến thắng lợi cuối cùng, kết thúc ách thống trị của thực dân Pháp sau gần một thế kỉ đô hộ.

Tại Bảo tàng Lâm Đồng, phần trưng bày về thời kì kháng chiến chống Pháp của quân dân tỉnh Lâm Đồng giới thiệu những hình ảnh, tư liệu, hiện vật mang đậm hơi thở của một giai đoạn hào hùng, minh chứng về vùng đất cao nguyên hiền hòa nhưng rất đỗi anh dũng, kiên cường. Những kỷ vật, ký ức được lưu giữ nơi đây, cùng những câu chuyện kể từ thuyết minh viên sẽ đưa du khách sống lại những năm tháng không thể nào quên. Cảm phục và tự hào với truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ đi trước, chúng ta càng thêm trân trọng giá trị của cuộc sống thanh bình hôm nay.

Hoàng Hiền

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. UBND TP Đà Lạt (2008), Địa chí Đà Lạt, NXB Tổng hợp TPHCM.
2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng (1995), Cách mạng Tháng 8 năm 1945 ở Lâm Đồng.
3. UBND TP Đà Lạt (1993), Đà Lạt thành phố cao nguyên, NXB Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (2008), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng (1930 - 1975).
5. Đóng góp của quân và dân Đà Lạt trong cuộc kháng chiến chống Pháp: Tại đây