Làm Gốm - nét văn hóa truyền thống của người Chu Ru
Lâm Đồng là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sống lâu đời trên vùng đất Nam Tây Nguyên. Nếu người Mạ và người Cơ Ho được biết đến với nghề truyền thống dệt vải, thì người Churu nổi tiếng với nghề truyền thống làm trang sức bạc và làm gốm. Trong đó, nghề làm gốm tuy kỹ thuật chế tác còn thô sơ, nhưng người Chu Ru luôn quan tâm đến kỹ thuật làm phôi gốm, nên các sản phẩm gốm của họ rất bền và đẹp.
Góc trưng bày về nghề làm gốm của người Churu, tại Bảo tàng Lâm Đồng
Nghề làm gốm của người Churu tuy không dùng nhiều sức lực và không cần nhiều người tham gia, nhưng đòi hỏi sự khéo léo, thường chủ yếu do phụ nữ đảm nhận. Các sản phẩm gốm chủ yếu để phục vụ cho đời sống hàng ngày, như chum, vại, chóe, nồi đất, bát đất… Khi làm gốm, họ phân chia công việc cụ thể: đàn ông lo gùi đất, kiếm củi, đốt lửa nung, còn phụ nữ thì sàng đất, nhào đất, nặn gốm. Nghề làm gốm thường được tổ chức theo hộ gia đình đơn lẻ, cũng có khi vài gia đình có quan hệ họ hàng cùng nhau làm.
Các công đoạn làm gốm được người Churu chuẩn bị rất tỉ mỉ. Đất sét là nguyên liệu chính để làm nên sản phẩm gốm. Việc đi lấy đất về làm gốm chỉ được thực hiện khi họ cảm thấy thân thể sạch sẽ, tâm hồn thảnh thơi. Họ quan niệm, nếu thân tâm không trong sạch thì sẽ bị thần linh quở trách và các sản phẩm gốm làm ra sẽ bị xấu và nứt vỡ. Các công đoạn làm gốm của người Chu Ru gồm có lấy đất, phơi đất, giã đất, sàng đất, nhào đất, làm gốm mộc, phơi khô và đem nung.
Đất sét sau khi lấy về sẽ được phơi khô, giã nhỏ bằng chày, dùng rổ tre sàng qua 2 - 3 lần để loại bỏ tạp chất và giữ lại phần đất mịn. Sau đó, họ đổ nước vào nhào trộn cho đến khi đất sét dẻo mịn vừa phải. Người thợ gốm sẽ đặt khối đất vừa nhào kỹ lên một bàn gỗ cố định, mà không dùng bàn xoay như cách làm gốm thông thường. Dụng cụ chế tác gốm của người Churu khá đơn giản, gồm có: Knu (một chiếc vòng bằng tre hoặc thiếc), Tanạp (miếng gỗ nhỏ), Playcanh (trái trám rừng) và Suté (miếng vải). Đất sét lúc đầu được người thợ nắn bằng tay, tạo thành dải dài giống hình con lươn lượn tròn. Tay trái đỡ bên trong, tay phải cầm Tanạp đập bên ngoài, người thợ sẽ tạo hình sản phẩm sao cho thật cân xứng. Họ dùng Knu để làm nhẵn sản phẩm cả bên trong lẫn mặt ngoài. Sau cùng, người thợ đánh bóng sản phẩm gốm bằng Suté và Playcanh.
Nghệ nhân Churu đang thực hiện thao tác làm gốm
Gốm của người Churu ít được trang trí. Hoa văn trên gốm của người Churu chủ yếu là khắc vạch, in chấm bằng những thanh tre vót nhọn. Thợ làm gốm dùng thanh tre ấn liên tiếp vào thân gốm tạo nên những nét chìm sâu, đa phần là các đường vạch song song với nhau. Tạo hình xong, họ đem các sản phẩm của mình phơi thật khô và có thể được chỉnh sửa nếu chưa vừa ý. Các sản phẩm gốm thô được đưa ra một khoảnh đất trống ngoài trời, họ chất rơm, củi xung quanh rồi đốt lửa nung gốm. Đây là phương pháp nung gốm lộ thiên đặc trưng của người Churu.
Cách nung gốm lộ thiên của người Churu
Trước kia khi kinh tế còn khó khăn, các sản phẩm gốm thường được người Churu đem đi các vùng lân cận để đổi lấy lương thực. Ngày nay, với sự xuất hiện của các loại đồ nhựa, gang, inox, thủy tinh…, đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng và màu sắc, các sản phẩm gốm của người Churu ngày càng ít được biết đến và mai một dần. Tuy nhiên, một số nghệ nhân đồng bào Chu Ru nơi đây đang nỗ lực “thắp lửa” nhằm phục dựng và phát triển nghề gốm truyền thống của tổ tiên.
Mang nhiều giá trị văn hóa của cộng đồng người Churu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nghề làm gốm truyền thống của người Churu cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Thực hiện Quyết định số 1776 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc triển khai Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2030, Bảo tàng Lâm Đồng luôn nhận thức sâu sắc và nỗ lực gìn giữ, giới thiệu đến đông đảo công chúng nét văn hóa truyền thống độc đáo của nghề làm gốm truyền thống của người Churu, thông qua những không gian trưng bày, phục dựng hay qua các cuộc triễn lãm trong và ngoài tỉnh.
Thùy Linh
Tin mới
- Tìm hiểu vài nét hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Cơ Ho tại Bảo tàng Lâm Đồng - 08/09/2024 04:09
- Những dấu ấn và vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 21/08/2024 03:18
- Vai trò lãnh đạo của Đảng quyết định thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 19/08/2024 02:35
- Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt chính thức được đưa vào Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lâm Đồng - 05/08/2024 03:14
- Tìm hiểu địa giới hành chính Đà Lạt qua các thời kỳ (từ năm 1893 đến nay) - 05/07/2024 08:15
Các tin khác
- Thắng cảnh hồ Xuân Hương - Trái tim thành phố Đà Lạt - 25/06/2024 04:07
- Triển lãm ảnh “Cao nguyên xanh” - 02/06/2024 11:06
- Kỷ niệm 154 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22/4/1870 - 22/4/2024): Chân dung lãnh tụ V.I. Lênin ở Bảo tàng Lâm Đồng - 23/04/2024 23:43
- Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng (03/4/1975 - 03/4/2024): Nhìn lại và bước tới - 03/04/2024 10:07
- Lối xưa xe ngựa Đà Lạt - 25/12/2023 01:08