Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Đà Lạt - Lâm Đồng (03/4/1975 - 03/4/2024): Nhìn lại và bước tới

49 năm trước, vào 08 giờ 20 phút, ngày 03 tháng 4 năm 1975, cờ Giải phóng tung bay trên Tòa Hành chính Đà Lạt - Tuyên Đức, đánh dấu thời khắc lịch sử Đà Lạt được hoàn toàn giải phóng, góp phần to lớn vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

ky niem 49 nam giai phong da lat lam dong 1

Khách tham quan hiện vật kháng chiến của quân và dân Lâm Đồng

Một Đà Lạt vươn mình mạnh mẽ

Sau 49 năm, từ một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt đã nỗ lực không ngừng, đưa Đà Lạt trở thành trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Lâm Đồng, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh đối với khu vực Tây Nguyên. Đà Lạt giờ đây là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ với gần 2.500 cơ sở lưu trú, năm 2023 thu hút trên 6,5 triệu lượt khách. Đặc biệt, vừa qua thành phố Đà Lạt đã vinh dự đón nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo Âm nhạc của UNESCO.

Tiếp nối những thành quả đã đạt được, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã xác định mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc, là trung tâm văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và giải trí cấp vùng; một địa điểm nổi bậc cho sự sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật.

“Trước những vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt nguyện đoàn kết một lòng, quyết tâm đổi mới, cầu thị, trách nhiệm để hiện thực hóa khát vọng phát triển, tri ân công lao to lớn của các thế hệ cha anh, đã có công khai khẩn, xây dựng và phát triển thành phố này” - Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt Đặng Quang Tú khẳng định.

Ôn lại lịch sử hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc tại Bảo tàng Lâm Đồng

Đến với Đà Lạt trong những ngày tháng Tư lịch sử, khách tham quan, học sinh, sinh viên không thể bỏ qua điểm đến Bảo tàng Lâm Đồng. Nơi không chỉ trưng bày những hiện vật, giới thiệu đặc trưng văn hóa, thiên nhiên, con người của vùng đất Nam Tây Nguyên, mà còn lưu giữ những câu chuyện ý nghĩa, nhiều kỷ vật thiêng liêng của quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng tầm vóc, ý nghĩa của thắng lợi và những bài học lịch sử của sự nghiệp cách mạng vẫn vẹn nguyên giá trị, hiện hữu và được lưu giữ trang trọng tại các bảo tàng qua hàng ngàn hình ảnh, tư liệu, hiện vật. Với Bảo tàng Lâm Đồng, đó là những kỷ vật của chiến sỹ, nhân dân, vũ khí chiến đấu của quân và dân ta, chân dung các nhà hoạt động cách mạng... Đó còn là những câu chuyện thể hiện sự kiên định của ý chí, của lòng yêu nước kiên trung xuyên suốt bao cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của quân dân Đà Lạt - Lâm Đồng.

ky niem 49 nam giai phong da lat lam dong 2
Học sinh tham quan không gian trưng bày về hai cuộc kháng chiến
chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân Lâm Đồng

Có thể nói, những câu chuyện, tư liệu, hình ảnh, hiện vật tại trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng là minh chứng hào hùng cho tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng, là niềm tự hào của quân và dân nơi đây. Đồng thời, thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu, sự đoàn kết một lòng của mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, đảng phái, giai cấp, cùng đồng lòng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất.

Bảo tàng Lâm Đồng nỗ lực không ngừng, mong muốn góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân dân Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, những cống hiến, hy sinh của bao thế hệ cha anh trong kháng chiến, về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị của độc lập, tự do… Để trân trọng những thành quả có được hôm nay và xác định trách nhiệm góp sức mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Hiền