Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Tìm hiểu nguồn gốc tên gọi Đà Lạt

Thành phố Đà Lạt thường được gọi với những tên khác như thành phố mộng mơ, thành phố ngàn hoa, thành phố tình yêu... và là một trong những thiên đường du lịch, nghĩ dưỡng ở Việt Nam. Năm nay, Đà Lạt kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển (1893 - 2023). Vậy tên gọi Đà Lạt bắt nguồn từ đâu và có từ khi nào? Dựa theo những tài liệu có được, bài viết sẽ hé lộ một phần về nguồn gốc của tên gọi Đà Lạt.

nguon goc ten goi da lat 1

Hình ảnh người Lạch tại cao nguyên Langbian cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX

Theo một số tài liệu của người Pháp ghi lại, tên gọi Đà Lạt được xác định xuất phát từ việc đọc trại âm của hai chữ Đạ Lạch (dòng suối của người Lạch). Trong một bài báo năm 1944, từ câu trả lời phỏng vấn của kỹ sư Cunhac, người đã có mặt trong các phái đoàn đầu tiên khảo sát cao nguyên Langbian từ năm 1897 tới 1899 và cũng là Công sứ của tỉnh Đồng Nai Thượng về sau, ông đã cho biết: “Cho mãi tới những năm sau này, khung cảnh ban sơ vẫn không có gì thay đổi. Ở tại chỗ hồ nước trước đó, con suối nhỏ của bộ lạc người Lat đã chảy qua và người ta đã gọi suối này là Đà-Lạt” (Hãn Nguyên, “Lịch sử phát triển Đà Lạt (1893 - 1954)”, Tập san Sử Địa, Số 23-24, 1971, Sài Gòn, tr. 272. Trích dẫn từ A. Baudrit, “La naissance de Dalat”, Revue Indochine, NO 180, 10/02/1944, p.23).

Dòng suối Đạ Lạch chảy qua trung tâm thành phố Đà Lạt ngày nay, đó là suối Cam Ly. Năm 1919, một đập nước đã được xây dựng ngăn dòng suối Cam Ly, tạo nên một hồ nước lớn, chính là hồ Xuân Hương. Trong ký ức của người Lạch, suối Cam Ly chảy qua thành phố Đà Lạt có 3 đoạn mang 3 tên khác nhau:

- Từ thượng nguồn tới ao Pàng Đờng (hồ Than Thở ngày nay), dòng suối mang tên Đạ Pàng Đờng (suối Ông Lớn).
- Từ ao Pàng Đờng tới thác Liêng Tô Sra (thác Cam Ly ngày nay), dòng suối mang tên Đạ Lạch (suối người Lạch).
- Từ thác Liêng Tô Sra tới sông Đạ Đờn, dòng suối mang tên ông Mlơi (K’Mlơi).

Về sau, K’Mlơi nói trại âm thành Cam Ly, Đạ Lạch thành Đà Lạt (Nguyễn Hữu Tranh, “Từ Đạ Lạch đến Dà Làc, Đạ Lạc, Dalat, Đà Lạt”, Bản tin Khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, số 3-2023, tr.28. Tác giả cho biết thông tin này từ chuyến đi điền dã tại xã Lát, huyện Lạc Dương năm 1992, được kể lại bởi anh Dagout K’Mlơi, một trí thức người Lạch).

Trong những năm 80 của thế kỷ XIX, xuất phát từ nhu cầu cần hiểu biết thêm về những vùng đất còn bí ẩn trên dãy Trường Sơn, người Pháp đã tổ chức một loạt các cuộc thăm dò vào vùng cao nguyên Nam Trung Kỳ, trong đó có việc tìm đường tới thượng nguồn sông Đồng Nai. Năm 1881, chuyến thám hiểm đầu tiên do bác sĩ Paul Néis và trung úy Albert Septans thực hiện. Dựa theo sự chỉ dẫn của người dân tộc ở đây, họ đã đi ngược về phía thượng lưu sông Đồng Nai lên tận đầu nguồn và tới được cao nguyên Langbian. Báo cáo Chuyến đi thám hiểm tại cội nguồn sông Đồng Nai viết rằng: “Bao quanh phía Bắc của cao nguyên này là một ngọn núi có hình dạng đặc biệt, từ xa đã nhận biết được, ở phần phía Tây là núi trọc nhưng ở phần phía Đông là rừng cây, đó là Langbian; đây là nguồn gốc của sông Đồng Nai chưa hề được biết cho tới lúc đó” (Olivier Tessier & Pascal Bourdeaux, Đà Lạt - Bản đồ sáng lập thành phố, NXB. Tổng hợp, TPHCM 2020, tr.20).

Trong báo cáo của Paul Néis, cũng có nhắc tới buôn người Lạch:

“Sông Đồng Nai men theo những ngọn đồi nối liền Lang-Bian với Tadoun-tadra, nghiêng theo hướng Tây Nam rồi gặp núi Bréang. Tại vùng buôn Lạch (Late), cách đầu nguồn 10km, có một thác nước cao 4-5m và có nhiều thác ghềnh, chiều rộng trung bình 10m, độ sâu 1m, đáy đá…”. Thời điểm tới buôn người Lạch được ghi nhận trong nhật ký của ông là ngày 07/4/1881 (Nguyễn Hữu Tranh, Đà Lạt năm xưa, NXB. Trẻ, TPHCM 2018, tr.62-63), nhưng tên gọi Đạ Lạch vẫn chưa được nhắc tới ở thời điểm này.

Ngày 21/6/1893, trong hành trình thám hiểm của mình, bác sĩ Alexandre Yersin đã đặt chân lên cao nguyên Langbian. Thời khắc này đã được chọn làm cột mốc cho sự khai sinh của thành phố Đà Lạt về sau. Tuy nhiên, địa danh Đà Lạt lúc này vẫn chưa được nhắc tới, mà chỉ có các địa danh Langbian và Dankia. Trích đoạn trong Hồi ký Bảy tháng trên xứ Thượng của ông đề cập về hai địa danh này:

“Tôi có ấn tượng sâu sắc khi vừa bước ra khỏi rừng thông, đối diện với một cao nguyên mênh mông, trơ trụi và hoang vắng này, vẻ ngoài của nó gợi nhớ hình ảnh của một vùng biển đang cồn lên một đợt sóng lừng uốn lượn màu xanh lục. Dãy núi Lang-Bian nhô lên ở phía chân trời Tây Bắc của cao nguyên, làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp và nổi bật trên một hậu cảnh mỹ lệ.

Tôi băng ngang qua cao nguyên để đến ngôi làng của người Thượng ở Dankia, rất may mắn làng nằm ở bên bờ con sông lớn Da Dong (Đạ Đờn), ngay dưới chân dãy núi Lang-Bian thống trị cao nguyên với độ cao 2.100m so với mực nước biển” (Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương, tr.128-129).

nguon goc ten goi da lat 2

Ảnh chân dung bác sĩ Alexandre Yersin

Năm 1897, Toàn quyền Paul Doumer đã đề nghị tìm kiếm các địa điểm thích hợp ở Đông Dương để xây dựng trạm nghỉ dưỡng trên núi cao cho người Pháp ở Đông Dương, với 4 yêu cầu: có độ cao tối thiểu 1.200m, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng (Paul Doumer, Hồi ký: Xứ Đông Dương, NXB. Thế giới, Hà Nội 2016, tr.562). Ngày 19/7/1897, bác sĩ Yersin đã giới thiệu với Toàn quyền Paul Doumer về cao nguyên Langbian và đề nghị xây dựng nơi đây thành một nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp.

Tháng 10/1897, Toàn quyền Paul Doumer đã cử một phái đoàn quân sự đầu tiên lên cao nguyên Langbian khảo sát để tìm hiểu thực địa và nghiên cứu con đường dễ dàng nhất đi từ Nha Trang lên cao nguyên Langbian trong tương lai. Phái đoàn do đại úy pháo binh Thouard chỉ huy và trung úy thủy quân lục chiến Wolf làm phụ tá. Đi cùng phái đoàn còn có phụ tá địa trắc viên Cunhac, phụ trách vận chuyển hàng hóa Abriac và sĩ quan tùy tùng Missigbrott. Ngoài ra, còn có một số dân binh và người dẫn đường đã đi thám hiểm cao nguyên cùng với Yersin 4 năm trước đó. Chuyến khảo sát hoàn thành vào tháng 9/1898 đã chứng minh không thể đi thẳng từ Nha Trang lên Langbian và một con đường mới đã được phác thảo để kết nối cao nguyên Langbian với miền duyên hải Phan Rang. Trong suốt 11 tháng khảo sát, phái đoàn đã đi qua nhiều nơi để có thể vẽ bản đồ và phác thảo được lộ trình, nhưng chưa thấy nhắc tới địa danh Đà Lạt.

Trong các năm tiếp theo, một số phái đoàn tiếp tục khảo sát, nghiên cứu và vạch ra lộ trình cho các tuyến đường lên cao nguyên Langbian trong tương lai. Trong đó, tiêu biểu phải kể tới phái đoàn của Oddéra - một thợ săn voi người Ý, tìm đường trực tiếp từ Sài Gòn lên cao nguyên Langbian mà không phải đi qua miền duyên hải. Phái đoàn xuất phát từ ngày 21/8/1898 và đi trong nửa tháng từ Biên Hòa, ngược sông Đồng Nai lên cao nguyên vào ngày 04/9/1898 (Eric T. Jennings, Đỉnh cao đế quốc: Đà Lạt và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp, NXB. Hồng Đức, TPHCM 2015, tr.124-125). Trong bản đồ lộ trình của phái đoàn Oddéra năm 1898, lần đầu tiên đã xuất hiện địa danh Da-lach (Olivier Tessier & Pascal Bourdeaux, sđd, tr.31).
Như vậy, địa danh Đạ Lạch (Da-lach) từ năm 1898 đã xuất hiện trên một ghi chép cụ thể, đây là tiền đề cho sự biến âm thành Đà Lạt (Dalat) ở năm tiếp theo.

nguon goc ten goi da lat 3

Vị trí địa danh Da-lach trên bản đồ thám hiểm của phái đoàn Oddéra năm 1898

Ngày 28/4/1899, Paul Doumer đã giao cho đại úy Guynet nhiệm vụ làm một con đường mòn dài 110 - 120km từ cửa Nại (gần biển Ninh Chữ, cách Phan Rang khoảng 7km) lên cao nguyên Langbian. Năm 1900, tuyến đường từ Phan Rang tới Xóm Gòn (dưới chân núi) dài 48km được lát đá và trải nhựa, còn đoạn đường núi từ Xóm Gòn tới Đà Lạt là con đường nhỏ hẹp, có độ dốc 8%, chủ yếu dành cho lừa tải hàng. Phái đoàn này có 20 người Âu, trong đó có bác sĩ Étienne Tardiff (người về sau đề xuất chọn Đà Lạt thành nơi xây dựng đô thị thay cho Dankia) và hai người đã có mặt trong phái đoàn năm 1897 là Cunhac và Abriac.

Trong Hồi ký của mình, năm 1899, bác sĩ Tardiff từ trên dãy núi Langbian đã mô tả Đà Lạt và Dankia như sau:

“Hình dáng mấp mô của cao nguyên thật là lạ lùng! Tôi leo lên một trong năm đỉnh núi. Một cảnh quan kỳ diệu hiện ra trước mắt tôi. 150 đồi núi xanh rờn giống như một thúng cam khổng lồ. Trong vùng núi đồi trùng điệp có vài làng mạc: ở phía Nam, Đà Lạt (Dalat); hơi chếch về hướng Tây, Đăng Gia (Dang Gia) (Dang Gia (Dan Ya): Tên gọi khác của vùng Dankia) và Ankroet (Ankroet: Khu vực Suối Vàng); dưới chân núi, Bon Nơ (Boneur) (Boneur: Khu vực xã Lát, huyện Lạc Dương ngày nay). Xa xa về hướng Đông là dãy núi Nha Trang; về phía Nam, hoành sơn của thung lũng sông Đồng Nai; về phía Tây và Tây Nam, những đỉnh núi cao của Campuchia” (Nguyễn Hữu Tranh, Đà Lạt năm xưa, NXB. Trẻ, TPHCM 2018, tr.108. Trích dẫn từ Étinne Tardiff (1902), La mission du Langbian (1899 – 1900), Ogeret et Martin, Vienne, p.36).

Năm 1900, Toàn quyền Paul Doumer đã trực tiếp lên khảo sát cao nguyên Langbian. Ông đã dẫn một phái đoàn gồm đại úy Langlois, sĩ quan tùy viên, Công sứ Nha Trang và quan phủ địa phương. Trước chuyến khảo sát cao nguyên, ông đã đánh điện cho bác sĩ Yersin đang ở Nha Trang, cho biết ông sẽ tới Phan Rang trong 48 giờ và sẽ cùng Yersin leo núi lên Langbian. Sau chuyến khảo sát này, Paul Doumer đã quyết định chọn cao nguyên Langbian là nơi xây dựng trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương. Cũng trong năm 1900, bác sĩ Tardiff đã gửi một bản phúc trình đề nghị chọn Đà Lạt làm địa điểm xây dựng đô thị, thay vì Dankia, vì những điều kiện của Đà Lạt tốt hơn Dankia.

Một sự thay đổi lớn về tổ chức hành chính, tạo ra cơ sở pháp lý cho vùng cao nguyên này là vào ngày 01/11/1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã ký Nghị định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai), tách vùng cao nguyên ra khỏi tỉnh Bình Thuận cũ, địa phận được xác định trong khu vực thượng lưu sông Đồng Nai tới ranh giới Nam Kỳ và Campuchia. Trung tâm tỉnh Đồng Nai Thượng đặt tại Di Linh (Djiring) và thành lập 2 trạm hành chính tại Tánh Linh và cao nguyên Langbian. Năm 1900, Paul Champoudry được bổ nhiệm làm thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt.

nguon goc ten goi da lat 4

Ảnh chân dung Paul Champoudry - Thị trưởng đầu tiên của Đà Lạt năm 1900

Năm 1899, tên gọi Đà Lạt đã trở nên phổ biến trong lộ trình của các đoàn thám hiểm, nhưng vẫn chưa được sử dụng chính thức, đặc biệt là trong văn bản thành lập đơn vị hành chính mới vẫn chưa có tên Đà Lạt, mà chỉ là trạm hành chính Langbian. Trong Bản đồ lộ trình của phái đoàn thám hiểm Oddéra, địa danh Đạ Lạch (Da-lach) được ghi chép chính thức là vào năm 1898. Thời điểm biến âm từ Đạ Lạch (Da-lach) thành Đà Lạt (Dalat) được ghi nhận là năm 1899, trong mô tả của bác sĩ Tardiff về hai địa danh dự định chọn làm nơi xây dựng trạm nghỉ dưỡng là Đà Lạt, Dankia và trong bản phúc trình của ông năm 1900 đề nghị chọn Đà Lạt làm nơi xây dựng trạm nghỉ dưỡng. Năm 1900, tên gọi Đà Lạt mới chính thức được sử dụng qua việc bổ nhiệm Paul Champoudry làm thị trưởng Đà Lạt. Từ đó, địa danh Đà Lạt dần thay thế hoàn toàn cho địa danh Langbian trước đây trong tổ chức hành chính của người Pháp tại Đông Dương.

Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, từ những bước chân thám hiểm cao nguyên ngày đó của bác sĩ Yersin, Đà Lạt ngày nay vẫn là một cái tên có sức hút rất lớn đối với nhiều người. Từ một miền sơn cước hoang vu trên cao nguyên, Đà Lạt được khám phá để trở thành một trong những điểm đến lý tưởng cho du khách bốn phương.

Tại thành phố Đà Lạt hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hoá của tỉnh Lâm Đồng. Trong phần trưng bày về Đà Lạt xưa, có một không gian giới thiệu về Đà Lạt thời kỳ sơ khai. Qua nhiều hiện vật, hình ảnh, tư liệu quý giá, Bảo tàng Lâm Đồng giúp cho công chúng có thể tìm về những ký ức của những ngày đầu vừa được khám phá và quá trình xây dựng, phát triển của thành phố Đà Lạt mộng mơ.

Hoàng Hiền