Kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5: SỨC MẠNH BẢO TÀNG
Bảo tàng là một thiết chế xã hội khá đặc biệt, ra đời và phát triển mang tính lịch sử khi xã hội loài người đã có sự phân chia giai cấp và hình thành nhà nước.
Lịch sử bảo tàng
Lịch sử văn hóa cổ đại Hy Lạp cho biết, từ thế kỷ III TCN, vua Ptoleme đã cho xây dựng một bảo tàng mang tên Alexangdri, lưu giữ các hiện vật, bản chép tay, bút tích quý bằng giấy. Nhiều nhà bác học nổi tiếng thời ấy đã sống, làm việc, gặp gỡ và trao đổi khoa học tại đây, nên bảo tàng được coi như một cơ quan nghiên cứu khoa học lớn mang tính chất một Hàn lâm viện.
Thời kỳ Phục hưng là thời kỳ hồi sinh mạnh mẽ về văn hóa và khoa học của châu Âu. Đến cuối thế kỷ XVII, thể loại bảo tàng ở châu Âu đã phát triển khá phong phú. Các sưu tập hiện vật bảo tàng ngày càng được xem trọng, được sử dụng để giáo dục, thỏa mãn sự tò mò, ham hiểu biết, cũng như nhu cầu thẩm mỹ của công chúng.
Đến thế kỷ XVIII, bảo tàng đã phát triển mạnh về số lượng và loại hình, như bảo tàng lịch sử quốc gia, bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng địa phương, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng thuộc loại hình khoa học tự nhiên trong các trường đại học và bắt đầu ra đời loại hình bảo tàng kỹ thuật. Các loại hình bảo tàng khác nhau ra đời đã trực tiếp phục vụ nhu cầu phát triển của khoa học, sản xuất, phục vụ nhu cầu giáo dục chính trị và giáo dục ý thức dân tộc. Bảo tàng đã trở thành một yếu tố quan trọng cho sự phát triển văn hoá, đồng thời cũng là một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học làm nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày các sưu tập hiện vật phục vụ nhu cầu của xã hội.
Những khuynh hướng tiến bộ trong hoạt động của bảo tàng ở thế kỷ XVIII - XIX tiếp tục được phát triển ở thế kỷ XX. Từ cuối thế kỷ XIX - XX được xem là thời đại “bùng nổ” của bảo tàng với sự tăng nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng, phong phú về loại hình. Theo số liệu của ICOM, trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất, trên thế giới mới chỉ có khoảng 7.000 bảo tàng, thì đến cuối những năm 50 của thế kỷ XX đã có khoảng 13.000 bảo tàng và đến hiện nay đã có khoảng 65.000 bảo tàng.
Riêng ở Việt Nam, trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, người Pháp đã xây dựng một số bảo tàng. Ở miền Bắc, có Bảo tàng Louis - Finot xây dựng năm 1926, khánh thành năm 1932 (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam), Bảo tàng Địa chất thành lập năm 1914, Bảo tàng Động vật thành lập năm 1928. Ở miền Nam, có Bảo tàng Parmentier xây dựng năm 1915, mở rộng năm 1936, khánh thành năm 1939 (nay là Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm), Bảo tàng Khải Định thành lập năm 1923 (nay là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế), Bảo tàng Hải Dương học thành lập năm 1923 (nay là Bảo tàng Sinh vật biển), Bảo tàng Blanchard de la Brosse thành lập năm 1929 (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - Thành phố Hồ Chí Minh).
Cho đến nay, Việt Nam đã có một mạng lưới bảo tàng bao gồm trên 140 đơn vị các loại, trong đó có bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng thuộc các tỉnh, thành phố, bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang do Bộ Quốc phòng quản lý và các bảo tàng tư nhân. Bên cạnh đó đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý của ngành từ Trung ương đến địa phương với hai chức năng cơ bản là thống nhất quản lý nhà nước và chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ, xây dựng phong trào quần chúng tham gia vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của dân tộc.
Hội đồng Bảo tàng Quốc tế (International Council of Museums - ICOM)
Hội đồng Bảo tàng Quốc tế là tổ chức phi chính phủ của những người làm công tác bảo tàng trên toàn thế giới, được thành lập năm 1946. Trụ sở của ICOM đặt tại Thủ đô Paris (Cộng hoà Pháp), ngôn ngữ chính thức được sử dụng tại các cuộc họp của ICOM là tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.
Mục tiêu cao cả của ICOM là thúc đẩy sự phát triển khoa học bảo tàng và những vấn đề liên quan đến công tác quản lý và hoạt động bảo tàng; tạo điều kiện cho các bảo tàng và những người làm công tác bảo tàng trên thế giới trao đổi và hợp tác nghề nghiệp; phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tàng; đào tạo cán bộ; bảo tồn di sản văn hoá và đấu tranh chống buôn bán trái phép tài sản văn hoá…
ICOM cũng là cơ quan tư vấn của UNESCO và giúp đỡ thực hiện các chương trình về bảo tàng của tổ chức này. Hiện nay, ICOM có trên 30.000 thành viên là tổ chức và cá nhân tại 137 quốc gia và vùng lãnh thổ, có 117 uỷ ban quốc gia và 31 ủy ban quốc tế, liên minh với 7 tổ chức khu vực và liên kết với 17 tổ chức quốc tế.
Việt Nam gia nhập ICOM từ năm 2002 và đã thành lập “Hội đồng Bảo tàng Việt Nam” (ICOM Việt Nam). Đây là bước tiến mới của hệ thống bảo tàng Việt Nam, điều kiện thuận lợi cho hệ thống bảo tàng Việt Nam hoà nhập với bảo tàng thế giới, để học tập, nâng cao hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động bảo tàng với các nước. Đồng thời với tư cách thành viên của Hội đồng Bảo tàng Quốc tế, hệ thống bảo tàng Việt Nam từng bước khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín đóng góp tích cực vào hoạt động của tổ chức quốc tế này.
Theo sáng kiến của Liên Xô tại Hội nghị toàn thể ICOM lần thứ 12 họp vào tháng 5 năm 1977, ICOM đã quyết định lấy ngày 18 - 5 hàng năm là “Ngày Quốc tế Bảo tàng” (International Museum Day - IMD). Ngày Quốc tế Bảo tàng hàng năm được tổ chức vào ngày 18 tháng 5, cũng có thể trong một ngày hoặc kéo dài trong một tuần với phương châm: Bảo tàng là một phương tiện quan trọng của giao lưu văn hóa, làm giàu nền văn hóa và phát triển hợp tác lẫn nhau, hiểu biết và hòa bình giữa các dân tộc, nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của bảo tàng trong sự phát triển của xã hội.
Chủ đề ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2022
Từ năm 1992, ICOM quyết định hàng năm chọn một chủ đề cụ thể cho ngày Quốc tế Bảo tàng để các bảo tàng trên thế giới cùng nhau hành động, không ngừng đa dạng hoá, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Chủ đề của Ngày Quốc tế bảo tàng năm 2022 là “Sức mạnh của Bảo tàng” (The Power of Museums).
Ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2022 là dịp để tái khẳng định bảo tàng có sức mạnh để biến đổi thế giới xung quanh chúng ta. Bảo tàng là nơi khám phá có một không hai, dạy chúng ta về quá khứ và mở mang đầu óc chúng ta những ý tưởng mới - hai bước thiết yếu để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Chủ đề ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2022 tập trung khám phá tiềm năng của các bảo tàng trong việc mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng thông qua ba khía cạnh:
1.Sức mạnh của sự bền vững: Bảo tàng là đối tác chiến lược trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Với tư cách là những tác nhân chính trong cộng đồng địa phương, bảo tàng đóng góp vào nhiều mục tiêu, bao gồm thúc đẩy kinh tế - xã hội, cũng như phổ biến thông tin khoa học về các thách thức môi trường.
2. Sức mạnh đổi mới về số hóa và khả năng tiếp cận: Bảo tàng đã trở thành sân chơi sáng tạo, nơi các công nghệ mới có thể được phát triển và ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày. Đổi mới kỹ thuật số có thể làm cho các bảo tàng dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn, giúp công chúng hiểu được các khái niệm phức tạp và đa sắc thái.
3. Sức mạnh xây dựng cộng đồng thông qua giáo dục: Thông qua các bộ sưu tập và chương trình của mình, các bảo tàng tạo thành một sợi dây xã hội thiết yếu trong việc xây dựng cộng đồng. Bằng cách đề cao các giá trị dân chủ và cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người, bảo tàng góp phần hình thành một xã hội dân sự có thông tin và gắn kết.
Đối với các bảo tàng, ICOM khuyến khích các bảo tàng thể hiện vai trò như là các đại sứ của ngày Quốc tế Bảo tàng. Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo tàng cần chủ động xây dựng kế hoạch, việc tham gia Ngày Quốc tế bảo tàng là dịp để các bảo tàng thể hiện:
- Thúc đẩy quan hệ đối tác với các trường học, hiệp hội nghề nghiệp khác, thư viện, bảo tàng khác.v.v…, để quảng bá sự kiện của bảo tàng và củng cố mối liên kết của bảo tàng với các tổ chức có cùng mục tiêu.
- Tăng cường vai trò của bảo tàng trong xã hội thông qua các hoạt động hiệu quả để chính quyền địa phương, trung ương biết về các hoạt động của bảo tàng và sự quan trọng của bảo tàng đối với công chúng.
- Quảng bá thông tin về ngày Quốc tế Bảo tàng thông qua báo chí địa phương, phương tiện truyền thông xã hội và trang thông tin điện tử của bảo tàng…
ICOM cũng định hướng một số nội dung cho các hoạt động của bảo tàng nhân ngày Quốc tế Bảo tàng năm 2022, cụ thể như:
- Hướng tới công chúng tham quan từ xa: khuyến khích phát triển các ứng dụng kỹ thuật số nhằm đưa các hoạt động của bảo tàng đến với công chúng nhiều hơn, an toàn hơn.
- Số hóa các bộ sưu tập và các cơ hội mới cho công chúng, giáo dục bảo tàng, học tập suốt đời trên hình thức trực tuyến. Đa dạng các hình thức tường thuật, giới thiệu di sản văn hóa.
- Sáng tạo các hình thức giới thiệu di sản văn hóa, các chương trình giáo dục hấp dẫn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu hoặc lãnh đạo của bảo tàng.
- Xác định các nhóm khách tham quan cụ thể (trẻ em, người cao tuổi, dân tộc thiểu số...). Đặc biệt lưu ý đến những tác động của giãn cách xã hội do dịch bệnh, những học sinh phải học nhiều giờ trên máy tính...
- Lựa chọn kênh giao tiếp giữa bảo tàng và khách tham quan cho phù hợp với tình hình hiện tại. Các khả năng kỹ thuật số là vô tận, tuy nhiên công nghệ số không thỏa mãn sự tiếp cận của đông đảo khách tham quan (thời gian nghỉ ngơi, thiết bị công nghệ, tiếp cận internet...).
- Sáng tạo, phát huy thế mạnh của bảo tàng với nhiều kênh giao tiếp, đối thoại với công chúng từ hình thức giao tiếp truyền thống đến ứng dụng công nghệ hiện đại.
- Xây dựng nội dung giới thiệu di sản văn hóa hấp dẫn, hiệu quả trong công tác giáo dục. Xác định mục tiêu của bảo tàng: kể một câu chuyện lịch sử, nội dung để giải trí, để gợi mở những vấn đề thảo luận. Tạo sự kết nối giữa giá trị của các bộ sưu tập của bảo tàng có ý nghĩa gì với công chúng tham quan.
Một số định hướng hoạt động của các bảo tàng ở Việt Nam
- Xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa phù hợp với đối tượng, phạm vi hoạt động và điều kiện thực tế của bảo tàng để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, trưng bày, giáo dục và giới thiệu về di sản văn hóa trong không gian số.
- Nghiên cứu cách thức ứng dụng công nghệ số của một số bảo tàng đã bước đầu thành công để xây dựng các ứng dụng giới thiệu nội dung trưng bày chuyên đề, hoạt động giáo dục di sản văn hóa thông qua hình thức trực tuyến.
- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông trực tuyến, tổ chức các chương trình quảng bá, phát triển công chúng; xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng trên không gian số.
- Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng, như: tổ chức tham quan - trải nghiệm, trình diễn di sản văn hóa, nói chuyện chuyên đề hoặc giới thiệu trực tuyến về di sản văn hóa.
- Hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ với các trường học trong việc lựa chọn, đưa các trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian,… vào các chương trình ngoại khóa; kết nối, mời các nghệ nhân tham gia hoạt động truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể cho thế hệ trẻ.
- Ưu tiên bố trí nguồn lực cho thực hiện công tác chuyển đổi số của bảo tàng. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng viên chức của bảo tàng về công nghệ mới và giới thiệu các ứng dụng công nghệ có thể áp dụng tại bảo tàng.
Thái An (tổng hợp)
Tin mới
- Bảo tàng Lâm Đồng: Hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11 - 13/11/2023 01:54
- Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Ho ở Lâm Đồng - 13/11/2023 01:43
- Tìm hiểu nguồn gốc tên gọi Đà Lạt - 13/11/2023 01:33
- Bảo tàng Lâm Đồng: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lưu trữ và quảng bá di sản văn hóa - 29/09/2023 07:51
- Thông ba lá ở Đà Lạt - 25/09/2023 07:20
Các tin khác
- Bếp lửa của người Mạ ở Lâm Đồng - 12/04/2022 01:18
- Trang sức bạc trong đời sống người Churu ở Lâm Đồng - 21/03/2022 08:55
- Nâng cao vai trò của Bảo tàng Lâm Đồng trong công tác giáo dục trải nghiệm cho học sinh, sinh viên - 26/05/2021 03:52
- Cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay - 26/05/2021 03:47
- Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa thông qua hai ngôi nhà sàn truyền thống tại Bảo tàng Lâm Đồng - 26/05/2021 03:29