Trang sức bạc trong đời sống người Churu ở Lâm Đồng
Người Churu sinh sống lâu đời ở tỉnh Lâm Đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Đơn Dương và Đức Trọng, nơi giáp ranh với hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Tuy là một cộng đồng không lớn, dân số khoảng 20.000 người, nhưng đời sống văn hóa của người Churu khá phong phú, đa dạng qua phong tục - tập quán, các lễ hội truyền thống, những quan niệm về y phục, trang sức… Đặc biệt, trang sức bạc trong đời sống người Churu thể hiện nhiều giá trị văn hóa rất độc đáo.
Thiếu nữ Churu trong trang phục truyền thống
Người Churu sống định canh, định cư từ lâu đời bằng kinh tế chính là làm ruộng. Cây lúa là nguồn lương thực chủ yếu, bên cạnh chăn nuôi và kinh tế vườn cũng góp phần quan trọng trong đời sống của họ. Ngoài ra, người Churu còn phát triển thêm một số nghề thủ công truyền thống như làm gốm, đan lát và làm đồ trang sức bạc.
Đồ trang sức đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống văn hóa người Churu. Các loại trang sức phổ biến là chuỗi cườm, chuỗi hạt, vòng tay, các loại nhẫn…, được chế tác từ nhiều chất liệu khác nhau như thủy tinh, đá bán quý, đồng hoặc bạc. Tuy nhiên, người Churu coi bạc là nguyên liệu quý hàng đầu và đồ trang sức bằng bạc luôn được coi trọng nhất. Các vật dụng (đặc biệt là đồ trang sức bằng bạc) luôn ẩn chứa nhiều giá trị về vật chất và tinh thần. Đồ trang sức bạc không chỉ dùng làm đẹp, mà còn biểu hiện mối quan hệ chặt chẽ của các thành viên trong gia đình, cộng đồng và luôn được trân trọng, gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Phần lớn các đồ trang sức bằng bạc sử dụng trong cộng đồng đều được chính tay người Churu tự chế tác bằng những phương pháp thủ công truyền thống. Đồ trang sức bạc của họ thể hiện những đặc điểm khá rõ rệt, chỉ cần thông qua kiểu dáng, hoa văn trang trí, người ta có thể nhận biết được ý nghĩa, giá trị và giới tính của chủ nhân.
Trang sức bằng bạc của người Churu dùng cho cả nam và nữ, khá phong phú về loại hình, như vòng tay, chuỗi hạt, các loại nhẫn… Hoa văn trang trí trên đồ trang sức cũng khá độc đáo với các kiểu hoa văn vặn thừng, xoắn ốc, khắc vạch, hoa lá, bông lúa… Nhiều đồ trang sức còn được gắn trên đó những viên đá quý, hạt cây rừng để tăng thêm giá trị và sự tinh tế.
Một số loại hình nhẫn bạc của người Churu
Phương thức chế tác đồ trang sức bằng bạc của người Churu khá đặc biệt. Đầu tiên, họ làm những mẫu đồ trang sức bằng sáp ong có kích thước, hình dạng tương đương với món đồ họ định chế tác. Sau đó, các mẫu này được nhúng nhiều lần vào một hỗn hợp lỏng làm từ phân trâu và đất sét, rồi đem hong khô để tạo ra một lớp vỏ bao kín phần sáp ong. Đây chính là “khuôn” đồ trang sức sẽ chế tác.
Trước khi chế tác, họ đem hơ nóng “khuôn” để phần sáp ong bên trong chảy hết ra ngoài, tạo thành khoảng trống. Sau đó, bạc được nấu chảy và đổ vào “khuôn”. Khi bạc nguội, phần “khuôn” sẽ bị gỡ bỏ, để lộ ra những món trang sức theo ý muốn. Sản phẩm sẽ tiếp tục được mài dũa, chỉnh sửa và có thể gắn thêm những viên đá quý, hay hạt cây rừng. Với bàn tay khéo léo, các nghệ nhân Churu đã tạo ra những đồ trang sức tinh xảo mà nhiều người khó hình dung được.
Nghệ nhân Churu đang hoàn thiện các sản phẩm trang sức bằng bạc
Người Churu luôn xem đồ trang sức bằng bạc là tài sản quý giá. Người sở hữu nhiều đồ trang sức bạc được coi là người giàu có, có uy tín và địa vị trong cộng đồng. Người ta có thể dùng đồ trang sức có giá trị để trao đổi các vật dụng khác phục vụ cuộc sống như chiêng, chóe, thổ cẩm…
Trong các nghi thức cưới hỏi, đồ trang sức bằng bạc được dùng làm vật sính lễ không thể thiếu bên cạnh những lễ vật có giá trị khác. Tùy theo sự thách cưới của nhà trai mà nhà gái phải trao những chiếc nhẫn bạc cho họ hàng, người thân của chú rể, ít nhất mỗi người một chiếc nhẫn bạc như là lời cám ơn và là minh chứng cho sự kiện hôn lễ của hai người. Cô dâu, chú rể trao nhau chiếc nhẫn bạc, chuỗi cườm là trao cho nhau những kỷ vật thiêng liêng, là vật chứng cho tình yêu đôi lứa, mang ý nghĩa ràng buộc trách nhiệm giữa hai người. Những kỷ vật này sẽ được các đôi vợ chồng gìn giữ suốt đời như một bằng chứng của tình yêu.
Mỗi khi trong cộng đồng có lễ hội hay cuộc vui, trang sức bằng bạc còn được sử dụng làm đồ trao tặng với ý nghĩa chúc nhau những điều tốt lành, thể hiện tình bạn, tình yêu hay sự kính trọng với những người cao tuổi.
Người Churu theo chế độ mẫu quyền, người con gái (đặc biệt là người con gái út) có vai trò rất lớn trong gia đình và dòng tộc. Khi cha mẹ qua đời, trang sức bạc được coi là kỷ vật, tài sản quý sẽ được trao lại cho người con gái út để chúng được lưu truyền mãi mãi qua các thế hệ.
Trong đời sống tín ngưỡng hay các nghi lễ truyền thống quan trọng, như lễ cúng ruộng, lễ xây mộ…, người Churu thường dùng các đồ trang sức bằng bạc kết hợp với các lễ vật khác làm nghi lễ dâng cúng các vị thần linh để tỏ lòng tôn kính. Họ cầu nguyện các thần linh phù hộ cho họ có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt, gia đình, dòng tộc có nhiều sức khỏe, bình an.
Nghi thức dâng lễ vật cho thần linh trong lễ cúng ruộng
của người Churu ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng
Ngày nay, trước sự giao thoa văn hóa và tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường, cuộc sống của người Churu đã có sự thay đổi, nhiều giá trị văn hóa đang dần bị mai một hoặc biến đổi để thích ứng trong điều kiện mới. Tuy nhiên, trang sức bạc và nghề làm đồ trang sức bạc vẫn được duy trì như một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống cộng đồng người Churu. Một số trang sức bạc đã trở thành sản phẩm du lịch được bạn bè khắp nơi ưa chuộng. Nghề làm trang sức bạc đã được ghi nhận như một nghề thủ công truyền thống mang nhiều giá trị độc đáo cần được bảo tồn và phát huy giá trị.
Nguyễn Xuân Dũng
Tin mới
- Tìm hiểu nguồn gốc tên gọi Đà Lạt - 13/11/2023 01:33
- Bảo tàng Lâm Đồng: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lưu trữ và quảng bá di sản văn hóa - 29/09/2023 07:51
- Thông ba lá ở Đà Lạt - 25/09/2023 07:20
- Kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5: SỨC MẠNH BẢO TÀNG - 18/05/2022 02:53
- Bếp lửa của người Mạ ở Lâm Đồng - 12/04/2022 01:18
Các tin khác
- Nâng cao vai trò của Bảo tàng Lâm Đồng trong công tác giáo dục trải nghiệm cho học sinh, sinh viên - 26/05/2021 03:52
- Cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay - 26/05/2021 03:47
- Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa thông qua hai ngôi nhà sàn truyền thống tại Bảo tàng Lâm Đồng - 26/05/2021 03:29
- Kết quả công tác nghiên cứu, sưu tầm - yếu tố quyết định nội dung trưng bày, triển lãm - 24/05/2021 09:22
- Tiếp nhận đánh giá của khách tham quan và một số vấn đề đặt ra cho công tác trưng bày, tuyên truyền - 19/05/2021 07:26