Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bảo tàng Lâm Đồng: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lưu trữ và quảng bá di sản văn hóa

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 ngày càng được chú trọng và có vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh đời sống, xã hội. Đối với lĩnh vực bảo tàng, công nghệ thông tin tác động mạnh mẽ đến các hoạt động, đặc biệt là công tác lưu trữ và quảng bá giá trị di sản văn hóa. Việc tìm tòi hướng đi mới mang tính đột phá, phù hợp với xu thế hiện nay, đã và đang trở thành mục tiêu mà Bảo tàng Lâm Đồng hướng đến.

bao tang ao 1

Bảo tàng ảo (Vitural Museum) trên Website Bảo tàng Lâm Đồng

Từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

Thực hiện chủ trương của Đảng, năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt chương trình “Số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030”, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Chương trình đặt mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2030: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số (ưu tiên số hóa theo nhu cầu sử dụng của xã hội, các di tích quốc gia và các hiện vật, nhóm hiện vật tại các bảo tàng, ban quản lý di tích). Cùng với đó, 100% người làm công tác chuyên môn trong ngành di sản văn hóa được đào tạo, đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số.

Có thể thấy rằng, Đảng và nhà nước ta có sự quan tâm đặc biệt đối với việc ứng dụng công nghệ 4.0 trongviệc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc số hóa hiện vật bảo tàng không chỉ góp phần quan trọng trong quản lý, lưu trữ dữ liệu di sản, cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa mà còn hỗ trợ tối đa việc tuyên truyền, quảng bá di sản, giúp mọi người có thể tiếp cận di sản một cách hiệu quả và thiết thực.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, lưu trữ di sản văn hóa

Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tàng khảo cứu địa phương, thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, với trên 15.000 tài liệu hiện vật, tư liệu, hình ảnh giá trị. Trong đó, có hơn 12.000 tài liệu hiện vật gốc đã qua kiểm kê khoa học và được phân loại. Bảo tàng Lâm Đồng là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp công chúng hiểu rõ hơn lịch sử, văn hóa của địa phương. Đến đây, công chúng không chỉ nắm bắt về quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt, những phát hiện khảo cổ trên đất Lâm Đồng, những đặc trưng văn hóa của các cư dân bản địa, mà còn tiếp cận về lịch sử đấu tranh của quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, Bảo tàng Lâm Đồng đã góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa, khích lệ thế hệ trẻ nối bước cha ông hiện thực hóa khát vọng dựng xây đất nước hùng cường, thịnh vượng; đồng thời là điểm đến hấp dẫn, tiềm năng rất lớn góp phần phát triển du lịch của thành phố Đà Lạt.

Bảo tàng Lâm Đồng đã và đang thực hiện công tác chuyển đổi số phục vụ lưu trữ dữ liệu và quảng bá di sản văn hóa của địa phương. Trong giai đoạn 2022 - 2024, Bảo tàng Lâm Đồng thực hiện đề tài cấp tỉnh: “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng”. Nhiệm vụ đề tài tập trung xây dựng hệ thống phần mềm quản lý hiện vật, xây dựng không gian bảo tàng ảo 3D, quét 3D hiện vật,…

bao tang ao 3bao tang ao 3

Ảnh 3D hiện vật trên Bảo tàng ảo

Đối với chức năng nghiên cứu, giáo dục, đặc biệt trong công tác lưu trữ dữ liệu di sản văn hóa, việc ứng dụng công nghệ 4.0 rất hiệu quả. Những thông tin được tạo ra từ quá trình nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản và trưng bày di sản văn hóa là những dữ liệu luôn luôn được bổ sung, có dung lượng lớn và dạng dữ liệu đa dạng, như văn bản, âm thanh, hình ảnh, video clip...

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác số hóa hiện vật, trong thời gian qua, Bảo tàng Lâm Đồng luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ, như xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ số hóa hiện vật, tiến hành lập hồ sơ, đăng ký kiểm kê khoa học tài liệu hiện vật, phim ảnh, băng đĩa, rà soát tất cả hồ sơ tài liệu hiện vật đang lưu giữ. Đồng thời, từng bước tăng cường trang thiết bị, kinh phí, cán bộ có chuyên môn phục vụ sao chụp, lưu trữ thông tin hiện vật.

Đa dạng hóa hoạt động trong việc ứng dụng công nghệ 4.0

Bảo tàng Lâm Đồng hiện đang phát huy ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa đến đông đảo công chúng một cách thiết thực hơn. Các không gian trưng bày, nội dung thuyết minh được số hóa và truyền tải qua những ứng dụng công nghệ, như: trưng bày ảo, không gian ảo áp dụng công nghệ VR, tham quan tương tác 3D trên điện thoại thông minh, thuyết minh tự động,… Những nội dung thông tin được biên tập, thu âm và đưa vào không gian ảo, giúp khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu nội dung các không gian trưng bày về: “Thiên nhiên Lâm Đồng”, “Đà Lạt xưa”, “Những phát hiện khảo cổ trên đất Lâm Đồng”, “Đặc trưng văn hóa của 3 dân tộc bản địa Lâm Đồng”, “Quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước”...

Hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng đang quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên và Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: năm 2022, Bảo tàng Lâm Đồng đưa vào sử dụng hệ thống quét mã QR thuyết minh tự động, giúp du khách tìm hiểu di tích mà không cần hướng dẫn viên tại điểm; năm 2023, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng phối hợp thực hiện không gian tham quan thực tế ảo, giúp công chúng có thể tự tìm hiểu từ xa về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Tại Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên: năm 2023, Bảo tàng Lâm Đồng đã ứng dụng công nghệ quét mã QR code cho toàn bộ hiện vật và kiến trúc di tích, giúp công chúng tự tham quan (không có hướng dẫn viên), chủ động tìm hiểu toàn bộ nội dung hệ thống trưng bày, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ.

Việc cập nhật ứng dụng công nghệ và đổi mới hình thức quảng bá, giới thiệu về Bảo tàng Lâm Đồng đã mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn. Để có thể tiếp cận Bảo tàng Lâm Đồng, ngoài việc tìm hiểu thông tin trên trang thông tin điện tử https://www.baotanglamdong.com.vn, tham quan bảo tàng ảo, không gian thực tế ảo Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, công chúng có thể truy cập vào các địa chỉ sau: https://3d.baotanglamdong.com.vn; https://vr40s.com/viewer/nhaolaothieunhidalat.

Những thách thức khi ứng dụng công nghệ 4.0

Ứng dụng công nghệ 4.0 tại Bảo tàng Lâm Đồng đã từng bước hiện đại hóa hoạt động bảo tàng, góp phần tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, cung cấp cho khách tham quan nhiều cách thức tiếp cận thuận lợi, đa dạng, phù hợp với thời đại công nghệ số.

Tuy nhiên, việc áp dụng công nghệ số tại Bảo tàng Lâm Đồng cũng đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Trước hết, Bảo tàng Lâm Đồng còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Nguồn kinh phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực có chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ số còn rất hạn chế… Trong khi việc ứng dụng công nghệ hiện đại lại rất cần nguồn lực con người và kinh phí thực hiện.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Bảo tàng Lâm Đồng đã và đang thực hiện là hoạt động rất thiết thực. Ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 không chỉ giúp Bảo tàng Lâm Đồng làm tốt công tác quản lý, lưu trữ dữ liệu, quảng bá hoạt dộng, mà còn tạo sản phẩm du lịch mới, tạo điểm đến hấp dẫn, ý nghĩa, ấn tượng, giới thiệu những nét đẹp lịch sử, văn hóa của đất và người Đà Lạt - Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên, góp phần xúc tiến phát triển du lịch di sản đến với đông đảo công chúng.

Lê Phi Long