Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Nâng cao vai trò của Bảo tàng Lâm Đồng trong công tác giáo dục trải nghiệm cho học sinh, sinh viên

Tại Điều 2, Chương I của Luật Giáo dục năm 2019, mục tiêu giáo dục được xác định là: “Phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”. Để thực hiện được mục tiêu này cần có những đổi mới trong chương trình giáo dục, trong đó cần thiết phải áp dụng mô hình giáo dục trải nghiệm vào trường học.

Sinh vien DH Van hoa TPHCM tham quan Bao tang Lam Dong

Một buổi tham quan Bảo tàng Lâm Đồng của giảng viên và sinh viên
Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh.

Ý thức được tầm quan trọng của giáo dục trải nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang có kế hoạch tích hợp hoạt động trải nghiệm vào các chương trình giáo dục chính thống (Xem Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ giáo dục, 28/12/2018). Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu rõ về tầm quan trọng của giáo dục trải nghiệm, vai trò của bảo tàng trong giáo dục trải nghiệm và tình hình thực tế tại Bảo tàng Lâm Đồng, cách thức và một số đề xuất để thực hiện tốt vai trò đó.

Học trải nghiệm, hiểu một cách đơn giản, là quy trình “học thông qua thực nghiệm”. Nói cụ thể hơn, quy trình này bắt đầu với việc thực hành, thực nghiệm; sau đó người học phân tích, suy ngẫm về sự trải nghiệm và kết quả của sự trải nghiệm đó. Quy trình này giúp học sinh củng cố kiến thức, hình thành và phát triển các năng lực, kỹ năng, hành xử mới và thậm chí là cách tư duy mới.

Cách tiếp cận trên được xem là có nhiều điểm ưu việt so với phương pháp giáo dục truyền thống (chủ yếu tập trung vào việc cung cấp kiến thức, thông tin và truyền tải thông tin qua các bài giảng). Học thông qua thực hành là quá trình học sinh học từ kinh nghiệm của chính mình thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với học liệu, vật chất, đối tượng khác với việc học thông qua đọc một cuốn sách tức là thông qua kinh nghiệm của người khác được đúc kết lại bằng văn bản.

Tuy nhiên, nếu như ở các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, hoạt động trải nghiệm được thiết kế một cách công phu khi tích hợp trong chương trình phổ thông thì dường như đây vẫn còn là vấn đề tương đối mới mẻ đối với hệ thống giáo dục Việt Nam.

Chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng được quy định rõ tại Luật Di sản văn hóa: “Bảo tàng là thiết chế văn hóa có chức năng sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa, bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người, môi trường sống của con người nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của công chúng”. Với chức năng phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập thì việc tổ chức giáo dục trải nghiệm rõ ràng là một trong những hoạt động quan trọng của bảo tàng. Nhận thức được tầm quan trọng của bảo tàng trong việc học tập và nghiên cứu, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”.

Tại quyết định 47/QĐ - BTngày 30/10/2018 của Bảo tàng Lâm Đồng về việc ban hành Quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các phòng thuộc Bảo tàng Lâm Đồng,quy định rõ chức năng nhiệm vụ của phòng Trưng bày - Tuyên truyền Bảo tàng Lâm Đồng về hoạt động giáo dục đó là: Hướng dẫn tham quan; Tổ chức chương trình giáo dục; Tổ chức hội thảo tạo đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề; Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng. Như vậy, hoạt động giáo dục nói chung và công tác giáo dục trải nghiệm nằm trong chức năng, nhiệm vụ của Phòng Trưng Bày - Tuyên truyền.

Năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Bảo tàng Lâm Đồng đón trên 25.000 lượt khách, trong đó học sinh, sinh viên là 9.500 lượt khách, chiếm 36,7%, cho thấy tiềm năng thực hiện công tác giáo dục trải nghiệm. Bảo tàng Lâm Đồng có hệ thống hiện vật phong phú, đa dạng thuộc nhiều lĩnh vực văn hóa, kinh tế - xã hội, nhiều hiện vật phù hợp và nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường (lịch sử, địa lí, văn học…).

Tuy nhiên, hiện nay Bảo tàng Lâm Đồng vẫn còn mọt số hạn chế, khó khăn: Giáo dục thực nghiệm tại Bảo tàng hầu như là một lĩnh vực mới. Chưa có sự liên hệ chặt chẻ với các trường học trong việc phối hợp thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm. Đội ngũ thuyết minh viên tại bảo tàng còn mỏng, phải đảm nhiệm nhiều công việc, thiếu sự đầu tư nghiên cứu. Trang thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục trải nghiệm tại bảo tàng hiện chưa thật sự đầy đủ…

Từ thực tiễn của hoạt động hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau đây:

- Chú trọng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ thuyết minh viên, như nghiệp vụ sư phạm, tổ chức sự kiện, kĩ năng hoạt náo, xử lý tình huống…

- Xây dựng mối liên kết gắn bó mật thiết với các trường học, đội ngũ cộng tác viên trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các thầy cô giáo có kinh nghiệm, giỏi chuyên môn để cùng hợp tác soạn thảo các bài giảng phục vụ cho công tác giáo dục trải nghiệm tại bảo tàng.

- Cần thành lập các bộ phận chuyên trách, như xây dựng đề cương, giáo án; giảng dạy giáo dục thực nghiệm; truyền thông liên kết… để đạt được hiệu quả tối đa.

- Thường xuyên sưu tầm hiện vật, hình ảnh, tư liệu, đáp ứng phù hợp với yêu cầu của giáo án và bài giảng.

- Cần đầu tư trang thiết bị và xây dựng một phòng có không gian phù hợp, phục vụ cho việc thực công tác giáo dục thực nghiệm tại bảo tàng.

Đặng Thanh Đạt