Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bảo tàng Lâm Đồng: Hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11

Di sản Văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945, là sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Sắc lệnh ấn định nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ Học viện nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Qua đó đã phản ánh những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản, sâu sắc của Nhà nước ta đối với việc bảo tồn di sản văn hóa mà đến nay vẫn giữ nguyên ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

huong toi ky niem ngay d san van hoa 2023 1

Bảo tàng Lâm Đồng nhìn từ trên cao

Trước yêu cầu tình hình, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ - TTg, lấy ngày 23 tháng 11 hằng năm là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, với 5 yêu cầu: Giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân; Tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành văn hóa nói chung và trong lĩnh vực di sản văn hóa nói riêng; Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo pháp luật về thi đua khen thưởng. Từ đó đến nay, Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11 đã thực sự trở thành ngày hội lớn của những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thắp sáng ngọn lửa di sản văn hoá dân tộc trong trái tim của người dân Việt Nam.

Hướng tới kỷ niệm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam 23/11, Bảo tàng Lâm Đồng có nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa. Đơn vị thường xuyên triển khai công tác nghiên cứu khoa học thông qua việc thực hiện đề tài khoa học các cấp, các chương trình, dự án, đề án nhằm gắn kết và nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng để phục vụ công chúng. Chú trọng sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật tại các địa phương trong và ngoài tỉnh với nhiều phương thức, như khảo sát điền dã, khai quật khảo cổ, tiếp nhận tài liệu, hiện vật hiến tặng. Bảo tàng Lâm Đồng cũng rất chú trọng công tác quản lý, kiểm kê, bảo quản tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ, trưng bày. Hoạt động bảo quản, kiểm kê được tiến hành thường xuyên theo đúng quy định.

Công tác số hóa hiện vật gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được Bảo tàng Lâm Đồng triển khai bằng nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ, như xây dựng kế hoạch số hóa hiện vật, tiến hành lập hồ sơ, đăng ký kiểm kê khoa học tài liệu hiện vật, phim ảnh, băng đĩa, rà soát hồ sơ tài liệu hiện vật đang lưu giữ. Đồng thời, từng bước tăng cường trang thiết bị, kinh phí, sao chụp, lưu trữ thông tin hiện vật, phát huy ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa của địa phương đến đông đảo công chúng.

Các không gian trưng bày, nội dung thuyết minh hiện vật được số hóa và truyền tải qua những ứng dụng công nghệ, như trưng bày ảo, không gian ảo áp dụng công nghệ VR, tham quan tương tác 3D trên điện thoại thông minh, thuyết minh tự động… Những nội dung thông tin được biên tập, thu âm và đưa vào không gian ảo, giúp khách tham quan có thể chủ động tìm hiểu nội dung các không gian trưng bày.
Hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng cũng đã ứng dụng công nghê tại 2 di tích đang quản lý. Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã đưa vào sử dụng hệ thống quét mã QR thuyết minh tự động, giúp du khách tự khám phá mà không cần hướng dẫn viên tại điểm; không gian tham quan thực tế ảo, giúp công chúng có thể tự tìm hiểu từ xa về giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên đã ứng dụng công nghệ quét mã QRcode cho hầu khắp hiện vật và kiến trúc di tích, giúp công chúng tự tham quan, chủ động tìm hiểu hệ thống trưng bày, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan.

huong toi ky niem ngay d san van hoa 2023 2

Cung Nam Phương Hoàng hậu trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng

Công tác trưng bày các tài liệu, hiện vật và giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể, giáo dục truyền thống được Bảo tàng Lâm Đồng thực hiện thông qua nhiều hoạt động, như trưng bày cố định, dài hạn, ngắn hạn tại Bảo tàng; trưng bày, triển lãm lưu động ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh... Không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các trường học, đơn vị du lịch, lữ hành, Bảo tàng Lâm Đồng còn tạo điều kiện thuận lợi nhất để công chúng tham quan, học tập, nghiên cứu tại các điểm đang quản lý. Vì thế, khách tham quan tại Bảo tàng và các di tích không chỉ tăng về số lượt mà cả về mức độ hài lòng.

Để bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, Bảo tàng Lâm Đồng không chỉ chú trọng công tác trùng tu, mà còn chủ động phối hợp tổ chức thăm dò, khai quật khảo cổ theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xây dựng các phương án bảo vệ, đưa di tích Cát Tiên trở thành điểm tham quan, nghiên cứu, gắn với phát triển du lịch tại các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng cháy chữa cháy, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan luôn được chú trọng, viên chức và người lao động đều được tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy.

Hướng tới kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23-11, tập thể cán bộ, viên chức và người lao động Bảo tàng Lâm Đồng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nhiều hoạt động để phát huy những giá trị di sản văn hóa của tỉnh Lâm Đồng.

Phạm Thị Ngát