Bếp lửa của người Mạ ở Lâm Đồng
Lửa là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống loài người. Đối với người Mạ sinh sống lâu đời ở Lâm Đồng, lửa còn là một vị thần linh và bếp lửa là hình ảnh đặc trưng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa của họ. Chúng ta có thể tìm hiểu nhiều nội dung hấp dẫn, độc đáo xoay quanh bếp lửa người Mạ trong không gian trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Mô hình trưng bày không gian bếp lửa người Mạ, tại Bảo tàng Lâm Đồng
Dân tộc Mạ (còn được gọi là Châu Mạ, Chô Mạ hay Chê Mạ) cư trú lâu đời trên đất Lâm Đồng, hiện nay tập trung chủ yếu ở thành phố Bảo Lộc và các huyện phía Nam của tỉnh như Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, với dân số khoảng trên ba vạn người.
Trước đây, người Mạ có cuộc sống du canh, du cư, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt nương rẫy, khai thác các sản vật tự nhiên và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong buôn làng, Già làng là người được coi trọng nhất, đây là người có uy tín, đức hạnh, am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình. Mọi công việc như chọn đất, lập buôn, làm rẫy, cúng thần linh, hay giải quyết các tranh chấp của dân làng đều thông qua ý kiến của Già làng.
Các ngành nghề thủ công truyền thống, các loại trang phục, trang sức của người Mạ làm ra chủ yếu tự cung tự cấp. Trang phục truyền thống của họ được dệt bởi những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mạ. Nam giới Mạ đóng khố, áo hở tà, vạt sau dài hơn vạt trước. Phụ nữ Mạ mặc váy quấn dài quá bắp chân, áo chui đầu vừa sát thân dài tới thắt lưng, kín tà. Mùa lạnh, người già thường khoác thêm tấm mền giữ ấm. Đồ dệt thổ cẩm của người Mạ ở Lâm Đồng thường sử dụng hai màu chủ đạo trắng - đen, hoa văn và dây cột trên đầu thường màu đỏ. Khi xưa, họ còn có tập quán cà răng, căng tai khi đến tuổi trưởng thành. Phụ nữ thích đeo chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, thanh niên thích đeo nhiều vòng đồng ở cổ tay. Người Mạ vốn có tín ngưỡng đa thần mang đậm tính nguyên thủy, quan niệm cuộc sống luôn bị chi phối bởi các thế lực siêu nhiên, nên thường xuyên tổ chức nhiều nghi lễ hàng năm.
Người Mạ sống trong những ngôi nhà sàn dài thành từng làng (bon), trong một khu vực đất đai riêng biệt trên các sườn đồi. Cuộc sống du canh, du cư, nơi ở thường xuyên thay đổi sau vài mùa rẫy, nên ngôi nhà sàn của người Mạ cũng khá độc đáo về cách chọn vật liệu, cũng như kỹ thuật dựng nhà. Nhà sàn kết cấu khá đơn giản với các nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên như gỗ, tre, nứa, mây…, cấu trúc có thể tháo gỡ từng phần, từng bộ phận để tiện di chuyển. Xung quanh nhà ở, họ còn dựng nhiều kho lúa trên sàn cao, các cột nhà kho đều trang trí theo mô típ chày - cối.
Cách sắp xếp, trang trí nhà của người Mạ luôn có trật tự và khá ngăn nắp. Từ góc nhà trở vào vách chính diện là nơi tiếp khách, cũng là nơi trưng bày tài sản quý của chủ nhà như chiêng, chóe xếp thành hàng theo thứ tự từ lớn tới nhỏ. Giữa nhà luôn có cây nêu truyền thống, người Mạ tin các vị thần luôn hiện diện trong cây nêu để đem lại sự may mắn cho mọi người trong gia đình. Hình ảnh cây nêu thường gắn với chóe rượu cần trong những dịp tiếp khách quý của chủ nhà.
Người Mạ xem bếp lửa là không gian quan trọng trong ngôi nhà sàn dài và có tính độc lập tương đối giữa các hộ gia đình. Bếp lửa của người Mạ không chỉ đơn thuần là nơi nấu ăn, mà còn là nơi tiếp khách, nơi giữ ấm hạnh phúc gia đình, gắn kết các thế hệ trong gia đình, cộng đồng. Một ngôi nhà sàn dài thường có từ hai bếp trở lên, đặt nằm chính giữa theo chiều dọc của ngôi nhà. Bếp bên phải dành cho chủ nhà và cũng là nơi để tiếp khách. Bếp bên trái dùng cho con cái. Số bếp phụ thuộc vào số hộ gia đình cùng sinh sống trong ngôi nhà sàn dài đó.
Mỗi khi người Mạ dựng xong nhà mới, việc đầu tiên là chủ nhà phải tiến hành nghi thức lễ cúng thần lửa xin phép đặt ba hòn đầu rau và được nhóm lửa. Họ rất coi trọng việc chọn đất làm bếp mới, Khuôn bếp và hòn đầu rau phải được làm từ đất lấy trên các gò cao. Người châm lửa nhóm bếp phải là người uy tín nhất trong dòng tộc. Khi ngọn lửa thiêng đã được nhóm lên, thì gia đình phải giữ cho ngọn lửa không tắt suốt ngày đêm hôm đó. Từ ngày hôm sau, khi không đun nấu thì phải ủ than dưới lớp tro, để bếp luôn có lửa ấm áp.
Bếp của người Mạ khoanh hình chữ nhật hoặc hình vuông bằng các thanh gỗ, lòng bếp nện đất để phòng lửa cháy xuống sàn. Chính giữa bếp đặt ba hòn đất nung hình trụ, tạo thành chân kiềng dùng để đun nấu. Song song với khung bếp cách mặt sàn khoảng một mét là giàn bếp bằng tre nứa, được treo bởi dây mây ở bốn góc. Trên giàn bếp thường xếp các thứ lương thực, thực phẩm cần sấy khô như thịt rừng, da trâu, cá suối… Trên cùng là giàn khói treo những trái bầu khô, các loại giống cây trồng, hay các vật dụng đan lát cần tạo màu đen bóng và giữ độ bền chắc hơn.
Mô hình ngôi nhà sàn dài và bếp lửa của người Mạ
Bếp là không gian sinh hoạt của các thành viên trong gia đình người Mạ. Họ thường ngủ trên các tấm chiếu trải quanh bếp lửa, để được sưởi ấm và tránh muỗi đốt. Buổi tối, sau những bữa cơm gia đình, mọi người quây quần quanh bếp lửa, chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Người vợ miệt mài bên khung cửi để dệt cái chăn, cái khố hay cái áo cho chồng con. Các chàng trai đem nhạc cụ ra diễn tấu, thư giãn sau một ngày lao động mệt nhọc. Mọi người chăm chú lắng nghe Già làng kể chuyện về các vị thần linh, về núi rừng, nương rẫy, làng buôn…
Bếp chính dành riêng tiếp khách là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dòng tộc. Vào những dịp như lễ đặt tên cho con, cưới xin, cúng nhà mới hay có khách quý, mọi thành viên trong dòng tộc tập trung quanh bếp chính và ngọn lửa được thổi bùng lên. Trong âm thanh huyền ảo của cồng chiêng, ngây ngất hương thơm của chóe rượu cần, mọi người ca hát, nhảy múa xung quanh bếp lửa bập bùng và cuộc vui có thể kéo dài thâu đêm…
Ngày nay, cuộc sống của người Mạ đã có nhiều thay đổi. Hình ảnh những ngôi nhà sàn dài đã trở nên hiếm hoi, thay vào đó là những ngôi nhà bê tông kiên cố. Không gian bếp lửa và những quan niệm về bếp lửa của người Mạ ngày xưa cũng đã thay đổi hẳn. Người Mạ đã quen dùng những nguồn năng lượng mới như ga, điện…, cũng đồng nghĩa với những nét văn hóa truyền thống đang dần thay đổi theo thời gian.
Có thể nói, bếp lửa luôn gắn bó, không thể tách rời trong cuộc đời của người Mạ trước đây, từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi. Nét văn hóa độc đáo ấy đã được Bảo tàng Lâm Đồng nhận thức sâu sắc, nỗ lực gìn giữ và giới thiệu đến công chúng thông qua những không gian trưng bày, phục dựng, để hình ảnh bếp lửa thiêng không chỉ tồn tại trong ký ức của những người già Mạ.
Thảo Trang
Tin mới
- Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Ho ở Lâm Đồng - 13/11/2023 01:43
- Tìm hiểu nguồn gốc tên gọi Đà Lạt - 13/11/2023 01:33
- Bảo tàng Lâm Đồng: Ứng dụng công nghệ 4.0 trong lưu trữ và quảng bá di sản văn hóa - 29/09/2023 07:51
- Thông ba lá ở Đà Lạt - 25/09/2023 07:20
- Kỷ niệm ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5: SỨC MẠNH BẢO TÀNG - 18/05/2022 02:53
Các tin khác
- Trang sức bạc trong đời sống người Churu ở Lâm Đồng - 21/03/2022 08:55
- Nâng cao vai trò của Bảo tàng Lâm Đồng trong công tác giáo dục trải nghiệm cho học sinh, sinh viên - 26/05/2021 03:52
- Cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay - 26/05/2021 03:47
- Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa thông qua hai ngôi nhà sàn truyền thống tại Bảo tàng Lâm Đồng - 26/05/2021 03:29
- Kết quả công tác nghiên cứu, sưu tầm - yếu tố quyết định nội dung trưng bày, triển lãm - 24/05/2021 09:22