Chiếc xẻng của cựu tù Trương Thị Kim Anh trưng bày tại Phòng tuyền thống Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Cô Trương Thị Kim Anh sinh năm 1959 tại xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Gia đình nội, ngoại cô có 4 người hi sinh trong kháng chiến. Cha mẹ cô là cơ sở nuôi quân tại thành phố Đà Nẵng. Nhiều anh, chị, em của cô cũng tham gia hoạt động cách mạng khi tuổi còn nhỏ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, bản thân cô sớm giác ngộ và tham gia công tác trinh sát, mật báo khi chưa tròn 13 tuổi.
Khi kể chuyện với chúng tôi về chiếc xẻng đang trưng bày tại di tích, nét mặt cô thoáng vẻ bồi hồi xúc động, kí ức hào hùng lại ùa về. Cô kể: “Trước khi bị địch bắt giam, cô công tác tại Đội Trinh sát thiếu niên thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đội trinh sát thiếu niên gồm 14 người, cô làm đội trưởng, đội chia thành nhiều đội nhỏ, mỗi đội khoảng 4 người. Để trở thành trinh sát, các thiếu niên phải trải qua thời gian thử thách khắc nghiệt của khóa huấn luyện nghiệp vụ khoảng 6 tháng. Đội trinh sát thiếu niên có nhiệm vụ đột nhập và tiêu diệt các đồn, bốt thuộc quân khu của địch. Đây là nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, luôn cận kề cái chết. Bởi vậy, trước khi làm nhiệm vụ, đơn vị thường làm lễ truy điệu, với những chiếc hòm để sẵn, nếu trinh sát hi sinh sẽ mai táng. Sống sót trở về có thể nói là một điều may mắn.
CôTrương Thị Kim Anh đang kể chuyện
Đồn địch cách xa căn cứ của ta, thường di chuyển bằng đường bộ khoảng 2 – 3 ngày mới tới nơi, lương thực mang theo là sắn, khoai lang, muối mè, không thể mang theo cơm vì dễ bị thiu. Trong quá trình di chuyển, các trinh sát được ngụy trang lá cây trên lưng, mặt cũng được hóa trang khó nhận ra nhau. Ký hiệu để nhận đồng đội chính là đôi dép su, mỗi đôi dép đã được đánh số và ứng với danh tính từng người, ví như số 1 là đội trưởng, tên Trương Thị Kim Anh. Sau khi trở về, thiếu đôi số mấy, sẽ biết đồng đội nào đã hi sinh. Khi đến gần mục tiêu khoảng 5m - 10m, các trinh sát không di chuyển trên mặt đất nữa mà sẽ dùng xẻng đào mương để đột nhập vào trong đồn, quân khu của địch.
Chiếc xẻng này được đơn vị cấp và cô đã sử dụng trong thời gian 1970-1971. Xẻng được làm bằng sắt, chuôi rỗng, trên mặt chuôi có một lỗ nhỏ để đóng đinh khi tra cán. Mặt xẻng hình thang, phía giáp chuôi rộng 20cm, phía lưỡi khoảng 15cm. Xẻng trinh sát dùng để đào mương, cán không được quá dài hay quá ngắn, để thuận tiện cho việc đào, xúc đất… sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ, chiếc xẻng được cô cất giữ cẩn thận.
Cô Trương Thị Kim Anh khi bị giam tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Năm 1972 khi cô đang cắm cờ điểm bị địch phục bắt (cắm cờ ở khu đất tranh chấp giữa địch và ta). Cô bị địch giam giữ tại nhà lao Hội An. Tại đây, mặc dù bị địch tra khảo hết sức dã man nhưng cô luôn ý thức giữ khí tiết của người cách mạng, nhất định không chịu khai báo. Cuối năm 1972, địch chuyển cô cùng nhiều anh, chị, em thiếu nhi khác vào Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Sau sự kiện nổi dậy làm chủ Nhà lao của 560 chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi ngày 22 tháng 2 năm 1973, cô cùng nhiều anh chị em tù thiếu nhi được trả tự do. Sau khi thoát khỏi cảnh lao tù, cô tiếp tục tham gia kháng chiến cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau này cô đã tặng lại chiếc xẻng này cho mẹ sử dụng.
Với mong muốn giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên hiểu rõ hơn: Xẻng không chỉ là vật dụng sinh hoạt trong gia đình, mà còn là kỷ vật kháng chiến đặc biệt. Xẻng lưu giữ những kí ức “không thể nào quên” của một thế hệ thiếu niên kiên cường, bất khuất đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày 18/10/2018, cô tặng lại cho Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ và phát huy giá trị.
Lê Hiền