Mảnh vàng thể hiện chim thần Garuda tại kiến trúc số 1A
Vài nét về chim thần Garuda
Đạo Hindu có nguồn gốc từ đạo Balamon, hình thành và phát triển từ thời cổ xưa ở Ấn Độ. Tôn giáo này đã không ngừng lớn mạnh, mở rộng tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới Ấn Độ, sang các nước Đông Nam Á và Đông Á, trong đó có Việt Nam. Tại những vùng đất mới, trải qua nhiều thời kỳ có những biến động khác nhau, nhưng Hindu giáo vẫn phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc giáo ở một số quốc gia Đông Nam Á cổ. Hệ thống thần linh của Hindu giáo vô cùng phức tạp, với rất nhiều vị thần có những vai trò khác nhau. Khi Hindu giáo truyền bá sang Việt Nam, cụ thể hơn là vùng đất Cát Tiên, thì vai trò của các thần vẫn được bảo lưu.
Theo như mô tả trong các truyền thuyết Ấn Độ, chim thần Garuda có đủ tứ chi nhưng lại thêm đôi cánh sau lưng, hai tay và hai chân đều có móng vuốt sắc bén, có thể biến thành khổng lồ với kích thước to như một tòa thành, sải cánh rộng hàng trăm dặm. Theo sử thi Mahabharata, thì Garuda là con của Kasyapa, một nhà hiền triết quyền uy, có nhiều vợ nhưng trong đó hai người vợ được ông yêu thương nhất là hai chị em tên là Vinata và Kadru. Người chị Vinata sinh được hai người con là Garuda và Aruna. Người em Kadru sinh được 100 rắn thần Naga. Garuda khi mới sinh ra đã sở hữu một thân hình khổng lồ khuất lấp cả bầu trời, mỗi khi vỗ cánh khiến quả đất rung lắc dữ dội, sức mạnh khủng khiếp ngang với đám cháy lớn của vũ trụ, hủy diệt toàn bộ thế giới và kết thúc mọi thời đại. Thậm chí, các vị thần còn nhầm lẫn ánh sáng rực rỡ phát ra từ thân vàng kim của Garuda với ánh nắng chói chang của mặt trời. Garuda được xem là chim thần, vua của các loài chim.
Khi nói đến chim thần Garuda, không thể không nhắc đến mối thù truyền kiếp với rắn Naga. Vì các Naga con của Kadru đã giam cầm mẹ của Garuda, với giao ước chỉ trả tự do khi Garuda đánh cắp thuốc trường sinh từ Biển sữa của thần Vishnu cho họ. Để giải thoát cho mẹ, Garuda đã thỏa thuận với rắn Naga là sẽ mang thuốc trường sinh về cho chúng. Chính vì mối thù này, khi gặp rắn Naga bất kỳ nơi đâu, Garuda liền giao chiến để trả thù. Trước cuộc chiến kéo dài bất phân thắng bại, thần Vishnu đã đưa ra một thỏa thuận để giải quyết mọi thù hiềm: thần Vishnu hứa ban cho Garuda đặc ân bất tử và xếp ở vị trí cao hơn vị trí các thần khác. Khi thần Vishnu muốn đi du ngoạn đó đây thì Garuda phải phụng sự chuyên chở. Thần Vishnu còn dành cho Garuda một ân huệ là loài rắn Naga sẽ trở thành thức ăn truyền kiếp của Garuda. Do đó, hễ gặp rắn Naga là Garuda chộp lấy và giữ chặt bằng móng vuốt của mình, moi ruột và chỉ ăn những con béo mập, hay lấy xác chúng làm đồ trang sức cho mình. Sau khi tình nguyện trở thành vật cưỡi cho thần Vishnu, Garuda đã lập kế hoạch lừa rắn Naga để lấy lại thuốc trường sinh sau khi giải thoát cho mẹ mình. Sự đối nghịch giữa Garuda và rắn Naga về mặt truyền thuyết là rất rõ ràng, điều đó cũng đồng thời phản ánh về sự tương phản trong tự nhiên. Bởi Garuda ngoài vai trò là vật cưỡi của thần Visnu, còn là biểu tượng của mặt trời, không khí và lửa. Ngược lại, rắn Naga tượng trưng cho đất và nước. Theo thần thoại Ấn Độ, hai linh vật này là kẻ thù của nhau, tượng trưng cho sự đối lập giữa các yếu tố tự nhiên trong vũ trụ.
Mảnh vàng thể hiện chim thần Garuda tại kiến trúc số 1A
Tại một số di tích ảnh hưởng Hindu giáo như văn hóa Champa, hình ảnh thần Garuda được thể hiện khá đa dạng, như các bức phù điêu hoặc tượng tròn. Nổi bật là hình ảnh chim thần Garuda dũng mãnh, với chiếc mỏ cong đang nuốt rắn Naga tại di tích tháp Mẫm (An Nhơn, Bình Định), được xác định khoảng giữa thế kỷ XIII,với các chi tiết sắc xảo, đường nét mềm mại và linh hoạt.
Ngoài vai trò là linh vật cưỡi của thần Vishnu trong Hindu giáo thì Garuda còn có một tên gọi khác với một vai trò khác trong Phật giáo với tên gọi khác là Kim Sí Điểu, là một trong Bát Đại Tộc Hộ Pháp theo tín ngưỡng Phật giáo. Kim Sí Điểu có tâm nguyện bảo vệ hộ trì chánh pháp, có lòng dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu với tam độc tham - sân - si, tiêu trừ tà tính, giúp đỡ kẻ yếu bằng tinh thần mạnh mẽ bất diệt vì chúng sanh. Kim Sí Điểu là biểu trưng cho ánh sáng, lòng dũng cảm, ý chí cương trực, bất diệt. Là loài chim thần hộ pháp của Phật giáo nên Kim Sí Điểu thường du hành tam giới, độ duyên cho chúng sinh. Nơi mà Kim Sí Điểu đến được ví như ánh bình minh, đem đến niềm tin, hy vọng cho chúng sinh.
Hình ảnh chim thần Garuda tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên
Tại tại kiến trúc số 1 và số 2 của Di tích Khảo cổ Cát Tiên, các nhà khoa học đã phát hiện một số mảnh vàng có hình ảnh chim thần Garuda trong vai trò là vật cưỡi của thần Vishnu. Ba hiện vật vàng tại kiến trúc số 1A thể hiện đề tài thần Vishnu cưỡi chim thần Garuda. Trong đó, hai hiện vật có nội dung thể hiện giống nhau và được cắt theo đề tài trang trí. Hình ảnh trên mảnh vàng thể hiện thần Vishnu cưỡi trên chim thần Garuda đang trong tư thế ngồi xếp bằng rất vững chãi. Chiếc mỏ cong nhọn nhô ra, chiếc cằm thon, thân thon gọn khỏe mạnh, hai tay ôm lấy chân thần Vishnu, dáng vẻ đang ra sức đỡ thần trên vai. Mảnh vàng còn lại thể hiện hình ảnh thần Vishnu cưỡi Garuda khá rõ nét, sắc sảo, hình dáng cắt theo đề tài trang trí. Thân, ngực nở nang cường tráng, hai tay ôm lấy chân thần Vishnu.
Mảnh vàng thể hiện chim thần Garuda tại cụm kiến trúc số 2
Tại cụm kiến trúc số 2, có hai mảnh vàng thể hiện thần Vishnu cưỡi Garuda với hai chân khuỳnh rộng vững chãi, vai nở rộng, thân thon tròn, khỏe mạnh, trong tư thế đứng, hai tay ôm chân người phía trên vắt qua vai.
Hình ảnh chim thần Garuda ở di tích khảo cổ Cát Tiên được thể hiện trên các lá vàng mỏng với hai kỹ thuật chính là khắc miết và dập nổi. Bằng kỹ thuật dập nổi, hình ảnh Garuda hiện lên rõ nét, sinh động, sắc sảo. Ngược lại, với kỹ thuật khắc miết, hình ảnh Garuda hiện lên có phần thô cứng hơn, các đường nét thiếu sự mềm mại, tinh tế. Sự khác nhau giữa hai kỹ thuật tạo hình này thể hiện các giai đoạn phát triển khác nhau ở di tích khảo cổ Cát Tiên. Có thể kỹ thuật khắc miết được sử dụng vào giai đoạn sớm hơn và kỹ thuật dập nổi sử dụng ở giai đoạn sau(?). Tựu trung tất cả các hiện vật thể hiện hình ảnh chim thần Garuda ở di tích Cát Tiên dù tinh xảo hay mang tính biểu tượng, thì luôn là linh vật cưỡi của thần Vishnu. Hiện tại vẫn chưa tìm thấy hình ảnh chim thần Garuda được thể hiện trong tư thế độc lập, hoặc tư thế thần Garuda đang nuốt rắn Naga. Ở Cát Tiên, hình ảnh chim thần Garuda chỉ được thể hiện duy nhất trên chất liệu vàng, chưa tìm thấy thể hiện trên các chất liệu khác.
Có thể thấy rằng, tuy xuất hiện không nhiều tại di tích khảo cổ Cát Tiên, nhưng chim thần Garuda luôn thể hiện trong vai trò là linh vật cưỡi của thần Vishnu. Đồng thời cũng là đại diện cho các yếu tố trong tự nhiên như mặt trời, lửa và còn là biểu trưng cho sự can trường, bất diệt, công lý. Hiện nay, các hiện vật về chim thần Garuda đang được trưng bày tại Nhà trưng bày Di tích Khảo cổ Cát Tiên. Quý khách khi có dịp đến tham quan sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật độc đáo thể hiện chim thần Garuda và các hiện vật đặc sắc khác đang được trưng bày tại đây.
Anh Phương