Hiện vật số hiệu 96.CT.G2A.87
Vào thời kỳ cổ đại, khi mà những hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên còn rất mơ hồ, những hiện tượng tự nhiên như ánh nắng mặt trời, mưa gió, sấm chớp… luôn ẩn giấu những điều bí ẩn, kỳ diệu và mạnh mẽ. Nhiều hiện tượng tự nhiên vốn gắn liền với đời sống con người, đem lại nguồn sống, niềm vui và hạnh phúc cho muôn loài trên thế gian. Đồng thời cũng có những hiện tượng tự nhiên luôn gây cho con người bao tai họa, bất trắc khôn lường. Khi không thể lý giải các hiện tượng ấy, người xưa đã tin thế giới được tạo bởi các vị thần linh và dựa vào đó để giải thích các hiện tượng phức tạp của thế giới hiện thực, xem thế giới thần linh là chỗ dựa tinh thần của họ.
Để giải thích hiện tượng mặt trời xuất hiện vào mỗi sớm mai, tạo ra những tia nắng chói chang, gay gắt vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông, đến cuối ngày lại lặn xuống nhường chỗ cho bóng đêm. Từ sự xuất hiện theo chu kỳ nhịp nhàng sáng - tối, tạo nên nguồn sống vô tận cho muôn loài, cư dân cổ xưa đã xây dựng nên hình ảnh vị thần Mặt Trời, hay thần Surya với đầy đủ tính chất nguồn sáng vĩnh hằng của vũ trụ.
Tên gọi “Surya” bắt nguồn từ căn tự “Sur” hay “Svar” có nghĩa là “Sáng chói”, được xem là nguồn sống của vũ trụ, minh trí của tất cả sinh vật. Mặt trời là con mắt của vũ trụ, nguyên nhân tạo ra ngày và đêm. Sự tồn tại vĩnh cửu của thần Mặt Trời là nguồn gốc của thời gian. Các tinh tú trên bầu trời, hay các hiện tượng tự nhiên như mưa, gió, sấm chớp, lửa, nước đều là thành phần của ngài. Ngài là nguyên nhân của tất cả những gì hiện hữu trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngài thường được mô tả là vị thần đầu đội vương miện, mình màu đồng đỏ, tóc và râu màu vàng, toàn thân tỏa hào quang chói lọi khắp nơi nơi. Ngài ngự trên chiếc xe đăc biệt chỉ có một bánh do bảy con ngựa, hoặc có khi là rồng Naga kéo.
Theo thần thoại Ấn Độ, thần Surya có bốn vợ gồm nữ thần Trí thức (Samjnâ), Hoàng hậu (Rajni), nữ thần Ánh sáng (Prabhâ) và nữ thần Bóng tối (Châya). Ngài có nhiều con, nhưng trong đó phải kể đến thần chết Yama và thần Manu. Trong bốn người vợ của ngài, nữ thần Tri thức thường được nhắc đến nhiều hơn. Truyền thuyết kể rằng, nữ thần Tri thức không chịu nổi sức nóng của thần Surya nên đã bỏ trốn vào rừng đi tu. Nữ thần nhờ các thiên thần tạo ra nàng Châya có dung mạo giống hệt mình để đánh lừa thần Surya, nhưng sau đó thần Surya đã phát hiện ra sự thật và tiếp tục tìm kiếm nữ thần Tri thức. Trước sự tìm kiếm của thần Surya, nữ thần Tri thức ngay lập tức biến thành một con ngựa cái và chạy trốn, thần Surya liền biến thành ngựa đực và đuổi theo. Sau đó, nữ thần Tri thức có mang và sinh ra thần mình người đầu ngựa Ashvins. Đây là vị thần của nhà nông và cũng là thần y chữa bệnh cho các chư thần.
Tại di tích Khảo cổ Cát Tiên, các đợt khai quật đã thu được một lượng lớn hiện vật khá phong phú về chất liệu như vàng, bạc, đá bán quý, gốm và kim loại. Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến bộ sưu tập hiện vật vàng tại các hố thiêng trong các đền thờ. Những mảnh vàng này được người xưa dập nổi hoặc khắc chìm hình ảnh các vị thần, với vật cầm tay, hay linh vật cưỡi trong Hindu giáo. Ngoài ba vị thần chính là thần Sihva, Vishnu, Brama, còn có sự xuất hiện hình ảnh của thần Surya, Indra và nhiều vị thần khác. Tuy nhiên, chỉ có 4 hiện vật, chủ yếu phát hiện tại đền thờ 1A và đền thờ 2A thể hiện hình ảnh thần Surya.
Hiện vật mảnh vàng số hiệu 96.CT.G2A.87, phát hiện tại kiến trúc số 2A (là kiến trúc nằm trong giai đoạn sớm của di tích Khảo cổ Cát Tiên), thể hiện thần Surya ngồi trên xe kéo. Kỹ thuật khắc miết khá đơn giản, thể hình ảnh thần Surya không sắc nét. Hình ảnh thần Surya có khuôn mặt tròn, đầu đội mũ rộng vành, trên vai khoác tấm áo choàng. Tay phải gập đưa lên ngang vai, bàn tay cầm hoa sen đang nở, cuống hoa dài. Tay trái chống hông. Phần thân dưới của thần bị che khuất bởi chiếc xe một bánh thể hiện theo diện nằm ngang, đường nét cách điệu đơn giản. Bánh xe có nan hoa và trục ở giữa.
Hai hiện vật số hiệu 98.CT.G1A.16 và 98.CT.G1A.17, được khai quật tại trung tâm hố thờ kiến trúc 1A. Đây là hai hiện vật có kích thước (4cm x 2,8cm x 0,01mm) và cách thể hiện khá giống nhau, được cắt theo đề tài trang trí. Hình ảnh thần Surya được dập nổi trên mảnh vàng, có khuôn mặt vuông đầy, mũi cao, mắt không rõ, miệng rộng như đang cười. Phía sau đầu tỏa vòng hào quang hình tròn. Thần ngồi trên một chiếc xe được kéo bởi một con ngựa. Tuy nhiên hình ảnh xe ngựa được thể hiện cách điệu bằng hai bánh xe là hai hình tròn và một con ngựa đang kéo. Con ngựa trong tư thế đứng, mặt nhìn thẳng chính diện, đầu hơi cúi về phía trước, hai chân trước hơi choãi ra ngoài.
Hiện vật số hiệu 98.CT.G1A.17
Hiện vật thứ tư số hiệu 98.CT.G1A.32 được phát hiện tại trung tâm hố thờ kiến trúc 1A, thể hiện thần Surya đang cưỡi trên lưng ngựa khá sống động. Hiện vật còn nguyên vẹn, được cắt theo đề tài trang trí. Hình ảnh thần Surya có khuôn mặt trái xoan, búi tóc thành hai tầng, hai tay dang ra hai bên, mỗi tay cầm một búp sen đưa lên ngang đầu. Chân co lên kẹp chặt lấy hông ngựa. Ngựa đang trong tư thế đang phi nước đại, đầu cúi, bốn chân sải bước lớn.
Hiện vật mảnh vàng số hiệu 98.CT.G1A.32
Nhìn chung, những hiện vật vàng thể hiện hình ảnh các vị thần Hindu giáo nói chung và thần Surya nói riêng tại di tích khảo cổ Cát Tiên được thực hiện với hai kỹ thuật chính. Ban đầu là những đường nét đơn giản, thô sơ của kỹ thuật khắc miết, đại diện cho giai đoạn sớm của di tích Khảo cổ Cát Tiên. Với kỹ thuật này, các nghệ nhân xưa đã dùng vật nhọn để tạo hình trên chất liệu vàng. Do đó, những đường nét như mắt, mũi, miệng chỉ là những chấm nhỏ, vật cầm tay hay binh khí của thần mang tính tượng trưng. Điều này đôi khi gây khó khăn cho các nhà khoa học tưởng việc nhận diện các vị thần. Trong những niên đại muộn hơn, các nghệ nhân đã sử dụng kỹ thuật dập nổi. Họ tạo hình trên khuôn, sau đó mới dập khuôn lên các mảnh vàng đã được dát mỏng.
Hiện vật vàng thể hiện hình ảnh thần Surya được tìm thấy tại di tích Khảo cổ Cát Tiên cho thấy ngay từ giai đoạn sớm, thần Surya đã được các tín đồ Hindu giáo tôn thờ. Và sự tôn thờ ấy được duy trì và phát triển đến giai đoạn muộn, cụ thể là hình ảnh thần Surya xuất hiện nhiều hơn tại đền thờ 1A (thuộc thế kỷ thứ VIII sau công nguyên). Trong giai đoạn muộn, những nghệ nhân xưa đã tạo các bức tiếu tượng thần Surya đa dạng về hình ảnh, hoạt động, trạng thái. Tỷ lệ và bố cục trong một hiện vật hài hòa và cân đối đã góp phần làm nên thần Surya sống động và chân thực. Sự thể hiện thần Surya tại đền thờ 2A giai đoạn sớm, tiến đến giai đoạn muộn tại đền thờ 1A cho thấy một bước tiến dài về nhiều mặt. Nếu trong giai đoạn sớm, những nét vẽ còn đơn sơ, thì càng về sau tay nghề của nghệ nhân đã điêu luyện với các chi tiết tinh xảo hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển rực rỡ của Thánh địa Cát Tiên trong suốt chiều dài tồn tại và phát triển của mình đã phản ánh những chuẩn tắc Balamon luôn được duy trì, gìn giữ dù cách xa về mặt địa lý và có sự bản địa hóa.
Di tích Khảo cổ Cát Tiên từng là một Thánh địa Balamon giáo được phát hiện, khai quật và nghiên cứu muộn hơn so với các di tích cùng tính chất như Óc Eo và Champa. Tuy nhiên, với sự xuất lộ một quần thể phế tích kiến trúc đồ sộ, cùng nhiều hiện vật quý giá đã khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của di tích trong tiến trình lịch sử phát triển của vùng đất Nam Tây Nguyên và Đông Nam bộ trong quá khứ. Hiện nay, hiện vật của Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên được trưng bày tại hai địa điểm: Nhà trưng bày Di tích Khảo cổ Cát Tiên (xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên) và Bảo tàng Lâm Đồng. Quý khách có dịp đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu sẽ có cái nhìn đa chiều về di tích Khảo cổ Cát Tiên, cũng như về lịch sử vùng đất Nam Tây Nguyên.
Trần Thị Anh Phương
Tài liệu tham khảo:
1. Viện khảo cổ học, Báo cáo khai quật Khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng),1998.
2. TS. Nguyễn Thế Nghĩaư - TS. Doãn Chính, Lịch sử triết học: tập 1, Lịch sử cổ đại, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2002.
3. Lê Đình Phụng - Phạm Văn Triệu, Thánh địa Cát Tiên huyền thoại và lịch sử, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2019.