Chiếc còng số 8 của cựu tù Nguyễn Trọng Thi – hiện đang trưng bày
tại phòng Truyền thống Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt.
Khi kể chuyện với chúng tôi về chiếc còng số 8, ký ức năm xưa dường như sống lại một lần nữa qua ký ức, nỗi nhớ da diết về đồng đội, nhớ một thời không quên, ông xúc động kể lại: “ Sau khi bị giam giữ tại Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt được một thời gian, tôi và các anh em lên kế hoạch vượt ngục năm 1973 thì bị cai ngục phát hiện và bắt lại. Chúng cho gọi 5 anh em gồm có tôi -Nguyễn Trọng Thi, anh Phan Đức Lập, anh Phạm Đào, anh Phạm Hùng và anh Mai Xuân Thu lên bắt đầu tra tấn, xét hỏi nhưng các anh em chúng tôi nhất định không khai báo một lời”.
Thấy không lấy được thông tin gì, chúng đưa 5 chiến sĩ nhỏ tuổi ấy xuống nhốt vào các xà lim, tại đây những tên cai ngục dùng chiếc còng số 8, còng chéo tay ra sau lưng hay còng 1 tay và 1 chân tù nhân lại, tư thế còng rất khó khăn trong việc sinh hoạt vì tù nhân không thể đứng hay nằm thẳng hoặc nầm sấp mà tù nhân chỉ có thể ngồi. Hoặc còng tay các tù nhân thành vòng tròn, khiến cho các tù nhân không thể nằm thẳng hay nằm sấp được.
Sau cuộc đấu tranh làm chủ nhà lao giành thắng lợi, nhà lao Thiếu nhi Đà lạt tan rã ông cùng một số đồng đội đã được thả tự do. Ông trở về công tác tại địa phương và năm 1978 ông chuyển vào Đắk Lắk sinh sống và làm việc, đến năm 2011 nghỉ hưu.
Với mong muốn tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai, đồng thời góp phần vào việc tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay. Ngày 05/12/2019 ông đã tặng chiếc còng này cho Bảo tàng Lâm Đồng và được trưng bày tại phòng truyền thống Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt. Những kỷ vật thời chiến nói chung và chiếc cong số 8 nói riêng đều là những tài sản vô giá của dân tộc, mỗi một kỷ vật đều mang theo câu chuyện dài, những quá khứ hào hùng, những hơi thở của thời chiến mà dân tộc ta đã trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt nhất. Những kỷ vật này sống mãi với thời gian, và là cầu nối nhắc nhở thế hệ sau này hãy mãi nhớ về một quá khứ hào hùng, khắc ghi công ơn của thế hệ cha anh đi trước.
Lê Thảo