Vị trí, vai trò của họa sĩ thiết kế trong đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền của hoạt động bảo tàng hiện nay
Trong những năm qua, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, việc tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề ngày càng được quan tâm. Đồng thời, các phòng truyền thống từ tỉnh, thành phố đến các ngành, địa phương, cơ sở cũng được chú trọng xây dựng. Do đó, vị trí, vai trò của họa sĩ thiết kế trong công tác trưng bày, tuyên truyền cũng ngày càng được khẳng định, nhất là trong đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền của bảo tàng hiện nay.
Một trong những triển lãm tại Bảo tàng Lâm Đồng do họa sĩ thiết kế thực hiện
Sở dĩ triển lãm, trưng bày chuyên đề có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ, vì nó có hình thức tạo hình rõ ràng, giàu sức thuyết phục, làm nổi bật tính hiện thực và tính cụ thể về mặt chính trị, đồng thời có mối liên hệ chặt chẽ với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Hoạt động triển lãm, trưng bày, tuyên truyền phải sử dụng các thủ pháp nghệ thuật tổng hợp để biểu hiện nội dung, lựa chọn hình thức có sức biểu hiện tốt nhất để diễn đạt nội dung mang tính thống nhất, hoàn chỉnh, khiến người xem thoạt nhìn đã bị lôi cuốn.
Để bảo tàng thực sự là “bộ sử sống”, là lớp học giảng dạy bằng hình tượng, thông qua hình ảnh, hiện vật, tài liệu và các yếu tố nghệ thuật, thẩm mỹ, thì người họa sĩ thiết kế phải thống nhất giữa ý tưởng thiết kế với nội dung trưng bày để thể hiện đầy đủ, rõ ràng chủ đề tư tưởng. Họa sĩ thiết kế phải nghiên cứu kỹ kế hoạch, nội dung đề cương, rồi định ra hình thức biểu hiện cho phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế, tập trung vào những nội dung chính yếu, không thể trưng bày tài liệu, hiện vật một cách tùy tiện. Những tài liệu, hiện vật đã được sưu tầm phục vụ triển lãm, trưng bày, nhất định phải qua một quá trình lựa chọn, phân loại, chỉnh lý.
Nhận định một cuộc triển lãm có hiệu quả, chất lượng hay không, điều trước tiên đó là xem nội dung có rõ ràng, mạch lạc, có rung cảm được người xem hay không, trọng tâm thể hiện có nổi bật không? Muốn làm được như vậy, thì phải có thiết kế mĩ thuật và gia công. Nếu không, dù nội dung được chuẩn bị tốt cũng vẫn khó thực hiện đạt hiệu quả, mục đích đề ra. Làm tốt thiết kế mĩ thuật sẽ gây được thiện cảm, sự thoải mái cho người xem, giúp họ thưởng thức được cái đẹp chân chính, đem lại những ấn tượng sâu sắc về nội dung triển lãm. Vì vậy, cần phải đặc biệt chú trọng công tác thiết kế mĩ thuật, phải coi thiết kế mĩ thuật là một trong những khâu cơ bản trong công tác trưng bày, triển lãm.
Một góc triển lãm chuyên đề tại Bảo tàng Lâm Đồng chào mừng cuộc bầu cử
đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026
Thiết kế mĩ thuật có quan hệ chặt chẽ với các khâu công tác chuẩn bị trưng bày triển lãm. Thiết kế mĩ thuật trưng bày, triển lãm có thành công hay không là do khả năng thẩm mỹ của họa sĩ thiết kế quyết định. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào chất lượng sưu tầm tài liệu, hiện vật, hình ảnh, mức độ nghiên cứu, biên tập những tài liệu, hiện vật, hình ảnh đó có kỹ càng, rõ ràng, cụ thể hay không. Vì vậy, có thể nói, việc sưu tầm và biên soạn tài liệu hiện vật, hình ảnh là tiền đề của công tác thiết kế mĩ thuật.
Một kịch bản khi chưa qua tay đạo diễn xử lý thì chỉ là một loại hình văn tự. Trưng bày, triển lãm cũng vậy, chỉ khi nào kịch bản hay đề cương trưng bày, triển lãm đã qua tay sáng tác mĩ thuật, biến thành những hình tượng, thiết kế, sản phẩm cụ thể thì mới phát huy được hiệu quả của nghệ thuật. Để đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền của bảo tàng hiện nay, người thiết kế mĩ thuật lấy đề cương làm cơ sở, từ đó vận dụng các quy luật và phương pháp mĩ thuật trưng bày, triển lãm để biểu hiện nội dung. Người thiết kế cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng chủ đề và tài liệu, hiện vật một cách toàn diện, phát huy tính sáng tạo, nghiên cứu phân tích một cách khoa học mục đích của cuộc trưng bày, triển lãm và những tài liệu có liên quan để xây dựng nên những hình tượng mĩ thuật thích hợp nhất thể hiện đúng chủ đề tư tưởng. Để tạo thành chủ đề, nghệ thuật tạo hình phải dựa vào một số hình thức trưng bày tổng hợp như biểu đồ, tranh vẽ, màu sắc, hình ảnh, mô hình, hiện vật, pano, tranh cổ động…
Phải nhận thức được trưng bày, triển lãm là một phần quan trọng của công tác giáo dục chính trị, nên họa sĩ thiết kế cần phải tìm hiểu ý nghĩa chính trị tư tưởng, giá trị lịch sử - văn hóa của hình ảnh, tư liệu, hiện vật trưng bày để lựa chọn được hình thức biểu hiện thích hợp, làm cho nó ăn sâu vào ý thức người xem. Có thể dùng nhiều phương thức thiết kế khác nhau để thể hiện cùng một chủ đề. Vì vậy, thiết kế mỹ thuật phải làm cho tất cả những hình thức như tranh, ảnh, biểu đồ, hình vẽ… biểu hiện được chủ đề, phù hợp với nội dung của cuộc trưng bày, phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Trong thiết kế, muốn nêu bật chủ đề tư tưởng, không chỉ đòi hỏi việc lựa chọn và phân loại hiện vật cần trưng bày, triển lãm cho phù hợp với yêu cầu của chủ đề mà còn phải tổ chức, phân phối và xếp đặt các hiện vật để nêu bật tính hệ thống và tính quy luật của sự phát triển. Vì vậy, người thiết kế mĩ thuật phải có những hiểu biết về khoa học, chuyên môn thì việc trình bày mới thích hợp. Ví dụ: Khi sắp đặt một số tài liệu, hiện vật có liên quan với nhau vào cùng một hệ thống, thì sẽ nêu rõ được mối liên hệ, sự phát triển, cũng như những đặc điểm nổi bật. Ngược lại, nếu sắp đặt tách rời nhau sẽ làm mất hoặc giảm bớt đặc trưng và nội dung của hiện vật, làm cho hiện vật không phát huy được tác dụng mà lẽ ra nó cần phải phát huy.
Người thiết kế mĩ thuật không phải chỉ đem sự vật sắp đặt cho có hệ thống là xong, mà còn phải nghiên cứu những sự kiện, hiện tượng và mối quan hệ chặt chẽ giữa chúng để sau khi tham quan người xem có được những ấn tượng toàn diện chứ không phiến diện, riêng lẻ. Những hình ảnh, hiện vật trưng bày, triển lãm phải phản ánh được mối quan hệ biện chứng giữa hiện tượng này với hiện tượng khác, phản ánh được sự vận động có tính chất lịch sử, điển hình và những đặc trưng cá biệt khác. Đồng thời, trong khi thiết kế cần phải chú ý tới vấn đề phối hợp cho thích đáng, qua đó nêu rõ được toàn bộ yêu cầu mà chủ đề đòi hỏi. Cho nên, dù ở tại bảo tàng hay trong nhà triển lãm, mỗi hiện vật tạo thành chủ đề không thể tồn tại riêng lẻ, không xếp cạnh nhau một cách tình cờ mà không có liên hệ gì. Mọi hiện vật, hình ảnh đều phải góp phần tạo nên một thể hoàn chỉnh thống nhất, chi phối lẫn nhau, có mối liên hệ bên trong với nhau. Việc thiết kế mỹ thuật từng bộ phận cũng phải có sự kết hợp với nhau tạo thành một thể thống nhất, làm nổi bật hiện tượng và bản chất của chúng. Người thiết kế mĩ thuật cần phải sử dụng tính chất đặc biệt của mỗi loại tài liệu, hiện vật và sự quan hệ giữa chúng để làm cho việc thiết kế phát huy một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Muốn làm được điều đó, người thiết kế mĩ thuật phải học cách xử lý tài liệu, hiện vật một cách toàn diện. Một mặt phải có những hiểu biết nghiệp vụ nói chung, mặt khác còn cần phải tìm hiểu các sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội cùng với quy luật phát triển tự nhiên. Đó là những nhân tố góp phần hình thành những hình tượng tạo hình trong mĩ thuật trưng bày, triển lãm. Những người làm công tác thiết kế mĩ thuật hiện nay, không chỉ đòi hỏi phải gắn bó với thực tế cuộc sống, tự bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm, mà còn phải chú trọng quá trình rèn luện bản lĩnh chính trị, đấu tranh tư tưởng, không ngừng học tập trau dồi kiến kiến và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Lương Quốc Dũng
Tin mới
- Trang sức bạc trong đời sống người Churu ở Lâm Đồng - 21/03/2022 08:55
- Nâng cao vai trò của Bảo tàng Lâm Đồng trong công tác giáo dục trải nghiệm cho học sinh, sinh viên - 26/05/2021 03:52
- Cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay - 26/05/2021 03:47
- Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa thông qua hai ngôi nhà sàn truyền thống tại Bảo tàng Lâm Đồng - 26/05/2021 03:29
- Tiếp nhận đánh giá của khách tham quan và một số vấn đề đặt ra cho công tác trưng bày, tuyên truyền - 19/05/2021 07:26
Các tin khác
- Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên: Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay - 19/05/2021 02:38
- Mối quan hệ mật thiết giữa công tác nghiên cứu, sưu tầm với trưng bày, tuyên truyền và những vấn đề cần quan tâm hiện nay - 13/05/2021 02:06
- Phát huy những giá trị của Cung Nam Phương Hoàng hậu trong hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay - 13/05/2021 01:56
- Đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền từ cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng - 13/05/2021 01:50
- Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng - 13/04/2021 13:21