Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Mối quan hệ mật thiết giữa công tác nghiên cứu, sưu tầm với trưng bày, tuyên truyền và những vấn đề cần quan tâm hiện nay

Hiện nay, bảo tàng được xem là cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục trên cả lĩnh vực tự nhiên và xã hội. Hoạt động của bảo tàng là một chuỗi các hoạt động có liên kết mật thiết, hỗ trợ lẫn nhau, từ công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, đến công tác trưng bày, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các giá trị của hiện vật. Trong đó, hoạt động nghiên cứu khoa học diễn ra thường xuyên, liên tục ở hầu hết các khâu công tác bảo tàng và có mối liên hệ mật thiết với trưng bày, tuyên truyền.

Khong gian trung bay Da Lat Xua BTLD

Không gian trưng bày “Đà Lạt xưa” qua nghiên cứu, phục dựng của
Bảo tàng Lâm Đồng luôn là điểm hấp dẫn với khách tham quan

Một số nhận thức chung về nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày, tuyên truyền

- Công tác nghiên cứu, sưu tầm là hoạt động thường xuyên, thiết yếu của bảo tàng, đây là khâu mở đầu, rất quan trọng và có vai trò quyết định đến nội dung, tính chất và chất lượng của hoạt động bảo tàng. Công tác nghiên cứu được thực hiện trên toàn bộ các khâu công tác của bảo tàng, trong đó hiện vật bảo tàng là trung tâm.

Khái niệm về công tác sưu tầm: “Công tác sưu tầm của bảo tàng là việc nghiên cứu, phát hiện, lựa chọn và thu thập các hiện vật gốc, mang ý nghĩa giá trị bảo tàng, phản ánh lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội, về con người và môi trường tồn tại theo phương pháp khoa học, tùy theo nội dung và loại hình của bảo tàng, và là công tác bổ sung thường xuyên cho kho cơ sở bảo tàng”.

Hiện vật gốc luôn có vai trò quyết định, định hướng các khâu công tác khác của bảo tàng. Để có được hiện vật bảo tàng chất lượng, đúng với tính chất của loại hình bảo tàng, cán bộ chuyên môn cần phải nghiên cứu, điều tra, khảo sát những hiện vật cần sưu tầm, đặc biệt là những hiện vật liên quan đến lịch sử tự nhiên, xã hội và những đặc trưng văn hóa của địa phương. Trong quá trình quản lý và phát huy giá trị hiện vật, cần phải thường xuyên nghiên cứu bổ sung, chọn lọc thông tin hướng tới thông tin toàn diện nhất cho hiện vật.

Trong công tác sưu tầm, hoạt động nghiên cứu tập trung vào các vấn đề: Tìm ra những vấn đề tự nhiên, xã hội, những sự kiện, nhân vật lịch sử phù hợp với loại hình và nội dung của bảo tàng; tính toán sưu tầm những hiện vật, tư liệu, hình ảnh tiêu biểu, phù hơp với loại hình bào tàng, hoặc nhiệm vụ chính trị được giao, những hiện vật hoặc sưu tập hiện vật còn thiếu để bổ sung vào kho cơ sở của bảo tàng; tìm ra địa điểm sưu tầm, phương pháp sưu tầm phù hợp với từng nhóm hiện vật hoặc từng hiện vật, tư liệu, hình ảnh cụ thể; tìm ra những thông tin khoa học liên quan đến từng hiện vật, tư liệu và hình ảnh, tập trung vào: tên gọi, chất liệu, niên đại, kỹ thuật chế tác, đặc điểm nổi bật về kỹ thuật, mỹ thuật… Công tác nghiên cứu sẽ không dừng lại khi hiện vật được tiến hành nhập kho (đã đảm bảo các thông tin theo yêu cầu của Hội đồng khoa học), mà vẫn sẽ tiếp tục được bổ sung trong quá trình xây dựng sưu tập, kiểm kê, bảo quản, trưng bày hoặc khi gặp những vấn đề liên quan. Hoạt động nghiên cứu bổ sung thông tin hiện vật thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: nghiên cứu nguồn sử liệu, tổng hợp, phân tích, so sánh đối chiếu…

- Công tác trưng bày, tuyên truyền được quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng. Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng bao gồm: Trưng bày dài hạn, ngắn hạn tại bảo tàng; trưng bày, triển lãm lưu động ở trong và ngoài nước; tổ chức giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

Công tác truyền thông và giáo dục bảo tàng là một hoạt động rất quan trọng, bao gồm: giới thiệu nội dung và hoạt động của bảo tàng trên phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức chương trình quảng bá, phát triển công chúng và xã hội hóa hoạt động bảo tàng; tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt động bảo tàng. Hoạt động giáo dục của bảo tàng bao gồm: hướng dẫn tham quan; tổ chức chương trình giáo dục; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề; xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng.

Công tác trưng bày, tuyên truyền được xem là khâu cuối cùng trong hoạt động bảo tàng, thước đo chất lượng hoạt động bảo tàng. Tại Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay, hoạt động truyền thông và giáo dục được gộp thành hoạt động “trưng bày - tuyên truyền”, nhưng thực tế hoạt động trưng bày chỉ mới thực hiện được việc trưng bày cố định và chuyên đề tại bảo tàng và các hoạt động triển lãm trong và ngoài tỉnh, hoạt động truyền thông chỉ mới thực hiện việc giới thiệu nội dung và hoạt động của bảo tàng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, hoạt động trưng bày, tuyên truyền thời gian tới đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đồng bộ, có hệ thống hơn.

Mối quan hệ giữa nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày, tuyên tuyền

Trong các khâu công tác của bảo tàng, hoạt động nghiên cứu, sưu tầm được cho là khâu mở đầu, trong khi hoạt động trưng bày, tuyên truyền là khâu cuối cùng. Tuy xếp ở hai vị trí cách xa nhau, nhưng chúng có mối quan hệ chặt chẽ và có sự tương hỗ nhau rất rõ nét. Nghiên cứu, sưu tầm là việc thu thập, xử lý thông tin một cách toàn diện về hình ảnh, hiện vật và tư liệu của bảo tàng. Trưng bày, tuyên truyền là việc chọn lọc giới thiệu hiện vật, hình ảnh, tư liệu ấy trên cơ sở phù hợp với mục đích trưng bày hay triển lãm.

Công tác nghiên cứu, sưu tầm là tìm ra những hiện vật, hình ảnh, tư liệu phù hợp, cùng những thông tin liên quan để lưu giữ, phục vụ công tác nghiên cứu, học tập hay trưng bày, triển lãm. Việc xây dựng đề cương trưng bày, triển lãm phải đảm bảo tính khả thi, dựa trên nguồn hiện vật, tư liệu và hình ảnh sẵn có, thông tin đã được phê duyệt, nếu kho cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu trưng bày, thì có thể sưu tầm bổ sung, hoặc tìm kiếm hiện vật thay thế cho phù hợp. Quá trình khai thác, sử dụng thông tin về hiện vật, tư liệu, hình ảnh cần có sự trao đổi, phối hợp giữa bộ phận trưng bày với bộ phận quản lý hiện vật, để thống nhất đưa ra các thông tin phù hợp, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm. Quá trình trưng bày, triển lãm cũng là cơ hội tiếp nhận thông tin phản hồi từ công chúng về những hiện vật, hình ảnh đó, hoặc những hiện vật, hình ảnh khác có liên quan. Đây là nguồn thông tin tham khảo rất có giá trị giúp nghiên cứu bổ sung thông tin hoặc sưu tầm bổ sung hiện vật. Trưng bày, triển lãm cũng là dịp phát hiện những hiện vật, tư liệu, hình ảnh còn thiếu, hoặc thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu. Đây cũng là dịp cán bộ chuyên môn tiếp cận công chúng, nhận thức đúng hơn về xu hướng, sở thích, nhu cầu của các đối tượng công chúng, là cơ sở định hướng công tác nghiên cứu, sưu tầm.

Như vậy, công tác nghiên cứu, sưu tầm và công tác trưng bày truyên truyền có mối quan hệ mật thiết với nhau. Hoạt động sưu tầm tạo tiền đề cho hoạt động trưng bày, cung cấp các hiện vật, hình ảnh cùng các thông tin liên quan để phục vụ công tác trưng bày và phát huy giá trị. Ngược lại, hoạt động trưng bày, tuyên truyền giúp bổ sung thêm thông tin cho hiện vật, hình ảnh, tư liệu và định hướng cho công tác nghiên cứu, sưu tầm.

Một số vấn đề cần quan tâm trong hoạt động bảo tàng hiện nay

Hoạt động bảo tàng tại nước ta hiện nay đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi người làm công tác bảo tàng cần có những thay đổi từ nhận thức đến hành động để thích ứng với tình hình mới. Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay còn một số vấn đề đáng quan tâm: Hoạt động nghiên cứu, sưu tầm và kiểm kê khoa học hiện vẫn đang thực hiện theo tư duy lối mòn, thiếu sự đột phá. Cán bộ chuyên môn phần lớn được đào tại theo một ngành khoa học cơ bản, nhưng thiếu chuyên môn bảo tàng, nên hạn chế khả năng nhận định chuyên sâu về hiện vật bảo tàng, hoặc những vấn đề văn hóa phi vật thể. Công tác nghiên cứu khoa học chưa được triển khai toàn diện, thiếu đồng bộ, một số cán bộ chưa thực sự say mê nghiên cứu, thiếu cơ chế đãi ngộ, khuyến khích nghiên cứu khoa học. Các hiện vật sưu tầm nhìn chung còn đơn điệu, chưa có những hiện vật thực sự có giá trị, tạo ấn tượng mạnh, thu hút được khách tham quan. Hoạt động trưng bày, tuyên truyền vẫn còn thực hiện theo tư duy lối mòn, thụ động, chậm đổi mới, chưa thu hút được công chúng. Bảo tàng Lâm Đồng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, đáng quan tâm là chưa có các hoạt động góp phần thay đổi nhận thức của công chúng về bảo tàng. Ngân sách đầu tư cho hoạt động bảo tàng còn hạn chế, chưa tạo bước đột phá trong hoạt động…

Một vài suy nghĩ về hoạt động bảo tàng trong giai đoạn hiện nay:

- Cần nghiên cứu và đánh giá đúng nhu cầu của công chúng. Bảo tàng không hoạt động mang tính chủ quan mà phải quan tâm đến sở thích, nhu cầu, tiếp nhận ý kiến của công chúng, để thay đổi nhận thức của công chúng về hoạt động bảo tàng.

- Cần đa dạng hóa hoạt động bảo tàng, từng bước đưa bảo tàng thành nơi giao lưu văn hóa, lịch sử, khoa học theo hướng mở, tạo điều kiện để các nhà nghiên cứu, các cộng tác viên hoạt động tốt ở bảo tàng. Phát huy vai trò của công chúng, tạo tương tác giữa cộng đồng với cán bộ bảo tàng, giữa hiện vật với công chúng.

- Công tác trưng bày cần được cập nhật, đổi mới, tạo sự hấp dẫn, đảm bảo chất lượng, phù hợp với xu hướng hiện đại, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; cung cấp nhiều thông tin đúng, đủ với nhiều cấp độ khai thác khác nhau của các đối tượng công chúng. Phối hợp tổ chức các hoạt động trưng bày chuyên đề, giới thiệu những sưu tập hiện vật đặc sắc của bảo tàng và của các nhà sưu tập để thu hút công chúng.

- Tập trung xây dựng các chương trình giáo dục, trải nghiệm hấp dẫn, sinh động, mang tính sư phạm, chuyên nghiệp, phù hợp với tâm lý, sức khoẻ, sở thích và nguyện vọng của từng nhóm đối tượng cụ thể. Gắn với xây dựng các chương trình tham quan, giáo dục dành cho nhà trường, cho học sinh và các nhóm trẻ, có tài liệu dành cho giáo viên và học sinh.

- Đổi mới hoạt động thuyết minh truyền thống bằng các chú thích điện tử cho khách tự tham quan, tự tìm hiểu và cảm nhận, chỉ thuyết minh khi có yêu cầu. Đa dạng hóa cách thức tiếp cận hiện vật, thay vì chỉ sử dụng thị giác thì có thể phát huy vai trò của các giác quan khác để nâng cao hiệu quả cảm thụ hiện vật.

- Xã hội hóa hoạt động bảo tàng, phối hợp với các nghệ nhân, nhóm cộng đồng xây dựng và hình thành các hoạt động trình diễn và biểu diễn gắn với trưng bày chủ thể văn hoá và cộng đồng nhằm tạo sự mới lạ trong hoạt động.

- Thường xuyên xây dựng các hoạt động thuyết trình, hội thảo, toạ đàm khoa học gắn liền với nội dung chủ đề của trưng bày chuyên đề tại bảo tàng.

- Có chiến lược xây dựng thương hiệu bảo tàng, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá về trưng bày và các hoạt động của bảo tàng nhằm thu hút khách và nâng cao uy tín của bảo tàng.

Nguyễn Xuân Dũng