Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên: Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay
Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay đang quản lý và khai thác hai di tích: Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát tiên. Hai di tích với tính chất, quy mô khác nhau, nằm ở 2 vị trí cách xa nhau gần 200 km, có giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, chính trị rất cần được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị.
Một buổi lễ kết nạp đội viên tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
Vài nét về hai di tích do Bảo tàng Lâm Đồng quản lý
Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia vào ngày 22/6/2009. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích được triển khai từ năm 2013. Năm 2016, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ quản lý, khai thác Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt cho Bảo tàng Lâm Đồng.
Trong thời gian qua, Bảo tàng Lâm Đồng luôn nỗ lực không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tôn tạo cảnh quan môi trường, bảo tồn kiến trúc, bảo dưỡng các mô hình, trên cơ sở bảo tồn các yếu tố gốc của di tích. Tập trung nghiên cứu hệ thống tài liệu, hiện vật, hình ảnh có liên quan để xử lý thông tin đảm bảo yếu tố khoa học, lịch sử, chính trị trong quá trình quản lý, phát huy giá trị di tích, nhất là góp phần vào công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho thế hệ trẻ. Nghiên cứu tư liệu và biên soạn, hoàn chỉnh đề cương thuyết minh tổng thể di tích, hoàn chỉnh nội dung chú thích song ngữ Việt - Anh, thuận lợi cho các đối tượng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích. Nghiên cứu chỉnh lý bổ sung tại một số phòng của di tích, đảm bảo tính hệ thống từ quá trình thành lập đến các phong trào đấu tranh trong nhà lao. Lắp đặt các bảng nội quy, sơ đồ tham quan, các bảng giới thiệu khái quát về các không gian trưng bày, các sự kiện đấu tranh tại nhà lao…, giúp khách tham quan tìm hiểu rõ hơn về di tích. Hoàn chỉnh hai phim tư liệu “Sáng mãi một thời tuổi trẻ bất khuất”, “Những kỷ vật đi cùng năm tháng” và ấn phẩm “Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên Thành phố Hoa”, để phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền, quảng bá di tích đến công chúng. Bảo tàng Lâm Đồng đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch sưu tầm hiện vật, tư liệu, phỏng vấn, thu thập thông tin các cựu tù tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, với sự giúp đỡ tích cực của Ban liên lạc cựu tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Đến nay đã sưu tầm nhiều hiện vật, thu thập nhiều câu chuyện kể, dữ liệu quan trọng. Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cả nước thông qua chương trình tham quan kết hợp với các sinh hoạt chính trị như về nguồn, tọa đàm ôn truyền thống, tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên…
Di tích Khảo cổ Cát Tiên được phát hiện năm 1985, trải qua 8 đợt khai quật (từ 1994 - 2006) đã làm xuất lộ nhiều phế tích kiến trúc và thu được nhiều hiện vật. Các nhà khoa học thống nhất nhận định đây là Thánh địa Bàlamôn giáo, có niên đại từ thế kỷ VI đến thế kỷ X. Di tích Cát Tiên là một phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam cuối thế kỷ XX, có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu các nền văn hóa cổ vùng Nam bộ và Tây Nguyên. Di tích Cát Tiên đã được công nhận là Di tích quốc gia vào năm 1997 và Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2014.
Trong thời gian qua, các kiến trúc trong quẩn thể di tích đã được bảo vệ, bảo quản bằng những cách thức khá phù hợp, như dựng mái che tại một số gò và xây hàng rào bảo vệ quanh di tích. Nhiều hạng mục của dự án bảo tồn, tôn tạo di tích được Trung ương và địa phương quan tâm, đầu tư như trùng tu, tôn tạo các điểm phế tích, lắp đặt mạng lưới điện chiếu sáng quanh di tích, thực hiện đường đi nội bộ, bảo vệ môi trường (xây dựng nhà vệ sinh và lắp đặt các biển chỉ dẫn tham quan, ghế ngồi, thùng đựng rác…), tiếp tục khai quật mở rộng không gian các kiến trúc Gò I, II, IV, V với tổng diện tích hơn 4.000m2.
Năm 2019, Nhà trưng bày Di tích Khảo cổ Cát Tiên khánh thành và đi vào hoạt động, giới thiệu 3 chủ đề chính: những dấu ấn về di tích khảo cổ Cát Tiên; đặc trưng cơ bản về đặc điểm kiến trúc, quá trình khai quật và các hiện vật tiêu biểu; sự quan tâm, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, quá trình nghiên cứu, tổ chức hội thảo, đồng thời giới thiệu về quá trình trùng tu, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích hiện nay. Trong thời gian qua, nhiều đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học liên quan đến di tích Cát Tiên đã được thực hiện, đặc biệt đã hai lần tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia ( năm 2001 và 2008).
Từ khi sáp nhập vào Bảo tàng Lâm Đồng năm 2018, hoạt động tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên đã có những chuyển biến đáng kể. Công tác nghiên cứu, trưng bày, thuyết minh đang dần chuyên nghiệp, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết nối tour du lịch, cảnh quan môi trường đã có sự khác biệt và tạo nhiều dấu ấn đối với khách du lịch và người dân địa phương. Lượng khách đến tham quan, nghiên cứu trong những năm gần đây tăng đáng kể.
Bảo tàng Lâm Đồng luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm quảng bá, phát huy giá trị hai di tích dưới nhiều hình thức khác nhau, như tuyên truyền trên các trang mạng xã hội Facebook, kênh Youtube, đăng các tin, bài trên Website Bảo tàng Lâm Đồng; phát hành ấn phẩm, dựng phim giới thiệu về hai di tích; khảo sát, kết tour một số tỉnh phía Nam và miền Trung; liên kết với các cơ quan đoàn thể, trường học trong và ngoài tỉnh tổ chức các chuyến tham quan, nghiên cứu và giáo dục truyền thống tại hai di tích.
Nhà trưng bày Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên được khánh thành đưa vào đón khách tham quan từ tháng 5.2019
Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay
- Chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu, tiếp xúc cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt để sưu tầm hiện vật, tư liệu, các chuyện kể, đặc biệt là nghiên cứu bổ sung thông tin, sự kiện đang còn thiếu hiện nay để phục vụ cho công tác trưng bày, thuyết minh. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện bài thuyết minh tổng thể của hai di tích. Xây dựng các chuyên đề thuyết minh, các chương trình giáo dục, trải nghiệm, vui chơi giải trí phù hợp với các đối tượng khách, nhất là học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ.
- Thực hiện các chuyên đề nghiên cứu khoa học liên quan đến kiến trúc, hiện vật của Di tích Khảo cổ Cát Tiên, lịch sử hình thành và tan rã của Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Nghiên cứu lập hồ sơ, đề xuất công nhận bảo vật quốc gia đối với hiện vật của Di tích Khảo cổ Cát Tiên (có thể là bộ Linga-Yoni tại kiến trúc số 1A). Nghiên cứu triển khai các phương án bảo quản, bảo vệ di tích do sự tác động của môi trường, tổ chức sưu tầm các hiện vật dân tộc bản địa tại các khu vực phụ cận nhằm bổ sung thêm nội dung trưng bày tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên. Tiếp tục hoàn thiện nội dung trưng bày, luân chuyển bổ sung hiện vật nhằm đổi mới trưng bày tại hai di tích, nhất là bổ sung hiện vật cho nhà trưng bày Di tích Khảo cổ Cát Tiên.
- Công tác hướng dẫn tham quan vẫn là hình thức giáo dục quan trọng, mang lại hiệu quả cao. Do đó đòi hỏi người làm công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan phải tìm tòi, sáng tạo, đổi mới, trên cơ sở khuyến khích sự tương tác, đối thoại với công chúng. Mặt khác, từng bước ứng dụng khoa học, công nghệ, giảm dần hoạt động của thuyết minh viên, tăng dần việc tự tham quan, tìm hiểu, khám phá của công chúng qua các trang thiết bị.
- Đa dạng hóa các hoạt động tại di tích. Tại Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, có thể phối hợp với các cơ quan, công ty, trường học tổ chức các buổi lễ dâng hoa, dâng hương, kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên. Phối hợp với các tổ chức cơ sở đoàn tổ chức các hoạt động trong Tháng thanh niên hàng năm. Phối hợp với các công ty du lịch, lữ hành tổ chức tour tham quan, trải nghiệm vào ban đêm… Tại Di tu1ch Khảo cổ Cát Tiên, có thể tổ chức tour tham quan di sản văn hóa kết hợp du lịch sinh thái, gắn với xây dựng các hoạt động văn hóa trong khuôn viên di tích, thiết kế các sản phẩm lưu niệm đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, như bộ linga - yoni, gạch, mô hình các đền thờ, các đồ thủ công của người Mạ (gùi, quần áo, khăn,…), những sản phẩm độc đáo của huyện Cát Tiên cũng cần được giới thiệu và bán cho khách du lịch, như: rượu, gạo, rau, măng,…
- Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn có trách nhiệm bảo vệ, không xâm phạm đến di tích. Nghiêm túc thực hiện và tuyên truyền sâu rộng Luật Di sản văn hóa, Quy chế quản lý và bảo vệ di tích, công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ di tích, nhất là Quyết định số 02/2021/QĐ-UBND ngày 15/01/2021 của UBND tỉnh Lâm Đống về việc ban hành quy định về quản lý, phát huy giá trị di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
- Tăng cường quảng bá, giới thiệu về hai di tích trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cổng thông tin điện tử, các website du lịch, hội chợ xúc tiến du lịch, thương mại, các ấn phẩm hướng dẫn du lịch và trên các trang mạng xã hội. Việc giới thiệu và quảng bá di tích cần được tăng cường trên các trang mạng Facebook, Zalo, hoặc viết bài nghiên cứu, tin tức đăng trên báo, tạp chí. Để thuận lợi cho công tác tuyên truyền, quảng bá, rất cần nghiên cứu thực hiện logo chung của Bảo tàng Lâm Đồng, cũng như riêng cho từng di tích.
- Chủ động liên kết, phối hợp các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, trường học trong và ngoài tỉnh để đa dạng hình thức quảng bá, tuyên truyền thu hút công chúng. Tạo điều kiện, khuyến khích các công ty du lịch lữ hành khai thác các tour văn hóa tâm linh đến với Di tích Khảo cổ Cát Tiên, kết hợp du lịch tâm linh với các loại hình khác của địa phương như du lịch sinh thái, du lịch ẩm thực, du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử…
- Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Tạo điều kiện cho viên chức công tác tại hai di tích trang bị kiến thức và kĩ năng về du lịch thông qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng, đồng thời cần có kế hoạch học tập kinh nghiệp từ các mô hình du lịch gắn với di sản văn hóa, di tích ở trong nước như Hội An, Hoàng thành Thăng Long, Mỹ Sơn, Gò Tháp, Hỏa Lò, Côn Đảo…
Lê Phi Long
Tin mới
- Cần thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá trên mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay - 26/05/2021 03:47
- Tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa thông qua hai ngôi nhà sàn truyền thống tại Bảo tàng Lâm Đồng - 26/05/2021 03:29
- Kết quả công tác nghiên cứu, sưu tầm - yếu tố quyết định nội dung trưng bày, triển lãm - 24/05/2021 09:22
- Tiếp nhận đánh giá của khách tham quan và một số vấn đề đặt ra cho công tác trưng bày, tuyên truyền - 19/05/2021 07:26
- Vị trí, vai trò của họa sĩ thiết kế trong đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền của hoạt động bảo tàng hiện nay - 19/05/2021 07:16
Các tin khác
- Mối quan hệ mật thiết giữa công tác nghiên cứu, sưu tầm với trưng bày, tuyên truyền và những vấn đề cần quan tâm hiện nay - 13/05/2021 02:06
- Phát huy những giá trị của Cung Nam Phương Hoàng hậu trong hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay - 13/05/2021 01:56
- Đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền từ cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng - 13/05/2021 01:50
- Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng - 13/04/2021 13:21
- Đâm trâu - nghi lễ cổ truyền trong lễ hội của các dân tộc bản địa Lâm Đồng - 01/04/2021 12:25