Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Tiếp nhận đánh giá của khách tham quan và một số vấn đề đặt ra cho công tác trưng bày, tuyên truyền

Đối với mỗi bảo tàng, tiếp nhận ý kiến đánh giá của khách tham quan là công việc quan trọng và cần thiết, bởi công chúng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của bảo tàng, là thước đo chất lượng hoạt động của mọi bảo tàng. Trong những năm qua, Bảo tàng Lâm Đồng đã thường xuyên tiếp nhận ý kiến đóng góp của công chúng dưới nhiều hình thức. Qua đó từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, đổi mới trưng bày, nâng cao chất lượng thuyết minh, hoạt động dịch vụ, phục vụ ngày càng tốt hơn công chúng yêu bảo tàng.

khach tham quan tai bao tang

Chuyến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng
của thầy cô giáo cùng các bạn học sinh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh

Từ đánh giá của khách tham quan

Để bảo tàng thực hiện tốt chức năng nghiên cứu, giáo dục, đáp ứng nhu cầu hưởng hưởng thụ văn hóa của công chúng, hướng đến mục tiêu bảo tàng vì con người và sự phát triển tiến bộ của xã hội, cần phải thường xuyên nghiên cứu nhu cầu, sở thích, hành vi, xu hướng của công chúng để có những kế hoạch, chiến lược phù hợp. Trong những năm qua, cùng với các hình thức truyền thống, Bảo tàng Lâm Đồng đã dần tiếp cận với các hình thức mới trong việc tiếp nhận ý kiến khách tham quan, như: quan sát, trao đổi trực tiếp thông qua công tác đón tiếp, hướng dẫn tham quan; tổng hợp ý kiến từ sổ cảm tưởng, sổ góp ý; lấy ý kiến công chúng qua các chương trình tham quan, hoạt động giáo dục; tổ chức điều tra xã hội học; thu thập ý kiến qua các phương tiện, kênh thông tin truyền thông…

Những năm gần đây, có năm Bảo tàng Lâm Đồng đón trên 60.000 lượt khách, đặc biệt số lượt du khách nước ngoài cũng tăng đáng kể, cho thấy sự quan tâm của công chúng ngày càng được khẳng định. Có thể nói, những giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất Lâm Đồng qua các không gian trưng bày hấp dẫn đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách qua rất nhiều phản hồi tích cực. Ngoài tiếng Việt, cuốn sổ cảm tưởng của khách tham quan đặt trang trọng thường trực tại khu vực khánh tiết đã được ghi bằng các thứ tiếng Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc…, cho thấy sự đa dạng của đối tượng khách đến với bảo tàng. Trong đó, ta dễ dàng bắt gặp những dòng lưu bút đầy tình cảm chân thành của du khách thập phương.

Đối với khách quốc tế, Bảo tàng Lâm Đồng là một điểm tham quan thú vị, giúp họ hiểu thêm về lịch sử, đất và người Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung:
- “We are happy to be here “Lam Đong Museum” we are in a group of 6: one from LA, two from UK, three from Vancouver. We have been travelling in this country since 5th,November from Hanoi (Stephen, 27-04-2018)” (Tạm dịch: Chúng tôi rất vui khi có mặt tại “Bảo tàng Lâm Đồng”, chúng tôi là nhóm 6 người: một người đến từ Los Angeles, hai người đến từ Vương quốc Anh, ba người đến từ Vancouver. Chúng tôi đã đi du lịch ở đất nước này từ ngày 5 tháng 11 từ Hà Nội).

- “We came from Isreal to see Vietnam and fell in love with the place. The museum is beautiful and taught us a lot bout the history of Vietnam. We recommend that all visitors come to see it (Michal, Isreal 26-11-2019)” (Tạm dịch: Chúng tôi đến từ Israel để xem Việt Nam và yêu nơi này. Bảo tàng rất đẹp và dạy chúng tôi rất nhiều về lịch sử của Việt Nam. Chúng tôi khuyến nghị tất cả du khách đến xem).

- “Thank you for the very interesting exposition. We like the history and we knew so much about historical way of Lamdong and your people. Wish you long year of your museum life (Irina, Russia 10-08-2020)” (Tạm dịch: Cảm ơn vì phần trình bày rất thú vị. Chúng tôi thích lịch sử và chúng tôi biết rất nhiều về chặng đường lịch sử của đất và người Lâm Đồng. Chúc bảo tàng luôn phát triển).

Đối với học sinh, sinh viên, Bảo tàng Lâm Đồng thực sự là nơi để nghiên cứu, học tập, trải nghiệm và tự hào về văn hóa, lịch sử của địa phương, đất nước:
- “Chúng em rất vui khi được đến đây để một lần nữa thấy được quá khứ hào hùng của dân tộc, để một lần nữa khắc ghi vào trong lòng sự tự hào về những cống hiến của những con người đi trước. Viện Bảo tàng như một nơi lưu trữ mọi dấu ấn của lịch sử, là nơi giúp ta hiểu thêm về lịch sử, là nơi có ích đối với tất cả mọi người” (nhóm 9A8 Trường THCS-THPT Tây Sơn).

- “Đà Lạt cùng những trải nghiệm tuyệt vời, Bảo tàng Lâm Đồng, cung Nam Phương Hoàng hậu cũng như khu văn hóa dân tộc, đã cho tôi cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa - lịch sử của Lâm Đồng nói riêng và của Việt Nam nói chung” (Huỳnh Dương Tuyết Nhi - Ngày 02-05-2020).

Những chuyến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp, bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong lòng du khách. Nhiều đối tượng công chúng trong và ngoài tỉnh đã xúc động viết lên những dòng cảm tưởng sâu sắc:

- “Lần đầu chúng tôi được tham quan Bảo tàng Lâm Đồng, chúng tôi được các đồng chí phụ trách niềm nở hướng dẫn cho chúng tôi thăm các hiện vật và các hình ảnh của bảo tàng. Chúng tôi rất đổi tự hào. Mong các anh chị Bảo tàng cố gắng quản lý giữ gìn thật tốt hơn nữa. Chúc mạnh khỏe, hạnh phúc”(TM đoàn người có công Cát Tiên - Nhật Minh, 12/03/2015).

- “Thăm nhà Bảo tàng Lâm Đồng
Muốn vô thăm mãi mà không muốn về
Nặng lòng với những đam mê
Một vùng hoa, một vùng quê đẹp giàu

Tôi rất xúc động vì mỗi lần thăm Bảo tàng Lâm Đồng lại phát hiện ra một nét đẹp khác. Từ quê hương Hải Phòng tới đây nhiều lần, lần nào cũng muốn tìm hiểu đất và người Lâm Đồng. Rất cảm ơn Bảo tàng đã lưu giữ nhiều kỷ vật đẹp” (Nguyễn Thị Bích, 25-9-2019).

- “Rất tuyệt vời, nhiều cảm xúc đan xen, tôi đã bật khóc khi tham quan khu lịch sử đấu tranh cách mạng, chứng tích chiến tranh. Người Lâm Đồng thật đáng tự hào và tôi tự hào là người Việt Nam” (Thu Mai, 27-09-2020)…

Đặc biệt, Bảo Tàng Lâm Đồng còn nhận được phản hồi tích cực từ các đồng nghiệp:

- “Đoàn cán bộ Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng rất vui và thích thú khi tham quan. Nội dung trưng bày của Bảo tàng, cách sắp xếp hiện vật và bố trí tuyến tham quan rất sinh động và khoa học. Bảo tàng có góc tương tác tạo sự hứng thú cho người xem. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao tinh thần thái độ phục vụ của các cán bộ. Chúng tôi học hỏi đươc nhiều từ các anh chị ở đây cho dù đã quá giờ mở cửa. Rất mong có dịp được trở lại tham quan Bảo tàng và chúc Bảo tàng Lâm Đồng ngày càng phát triển” (TS Vũ Hồng Nhi - Phòng Giáo dục)…

Những đánh giá tích cực của du khách thực sự là món quà tinh thần, là động lực để Bảo tàng Lâm Đồng không ngừng nỗ lực xây dựng nơi này thành điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng. Tuy nhiên hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng cũng nhận thấy một số hạn chế, bất cập: Hệ thống trưng bày cố định chậm được bổ sung, đổi mới, chưa có những đột phá trong ứng dụng công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Nhà trưng bày chưa đủ các điều kiện phục vụ cho người khuyết tật đến tham quan. Chưa đầu tư các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ trưng bày, như hệ thống hướng dẫn tham quan tự động, hệ thống màn hình cảm ứng cung cấp thông tin cho khách tham quan…

TRANG CAM TUONG CUA DU KHACH

Những dòng cảm tưởng của khách tham quan lưu lại Bảo tàng Lâm Đồng

Một số vấn đề đặt ra cho công tác trưng bày, tuyên truyền

Việc thu hút khách đến tham quan bảo tàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như công tác trưng bày, chương trình giáo dục, công tác đón tiếp, thuyết minh, truyền thông, marketing, các hoạt động dịch vụ…, trong đó vai trò quan trọng của trưng bày chính là nơi hình ảnh của bảo tàng được xây dựng và củng cố trong lòng công chúng. Chính vì vậy, để đổi mới trưng bày, chúng ta phải đồng thời thỏa mãn các yếu tố lịch sử, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, thẩm mỹ và cộng đồng. Trong đó vai trò của cộng đồng chính là yếu tố quan trọng để định hướng xây dựng một trưng bày bảo tàng thu hút người xem.

Để phát huy tốt công tác trưng bày, tuyên truyền, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ quan tâm một số vấn đề sau đây: Thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức trưng bày, đa dạng hóa hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề, giáo dục trải nghiệm, đề cao tính tương tác với công chúng. Nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng để thu hút khách, nghĩa là phải gắn với thị trường khách, xác định đối tượng khách trước mắt và lâu dài để có hướng đầu tư phù hợp, trước mắt tập trung thu hút học sinh, sinh viên. Chủ động, tăng cường liên kết với các trường học, cơ sở đào tạo. Với những hiện vật và hình ảnh hiện hữu, Bảo tàng Lâm Đồng chắc chắn sẽ cung cấp nhiều thông tin sống động, tạo hứng thú cho học sinh, sinh viên.

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trưng bày của bảo tàng vừa tăng tính hấp dẫn cho hoạt động tham quan, giáo dục, trải nghiệm, vừa giúp giải quyết tình trạng thiếu thuyết minh viên, nhất là thuyết minh bằng tiếng nước ngoài. Cần quan tâm phát triển các dịch vụ, như cửa hàng lưu niệm, đầu tư thiết kế sáng tạo và sản xuất các sản phẩm lưu niệm gắn với nét đặc trưng của bảo tàng, khu ẩm thực,… Công tác truyền thông phải được chú trọng hơn nữa, nhất là chủ động kết nối và cung cấp thông tin cho báo chí. Bảo tàng cần liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch trong việc tuyên truyền, quảng bá về giá trị của bảo tàng và thu hút du khách. Xây dựng các hình tượng, biểu tượng đặc trưng, mô hình, tiểu cảnh độc đáo, trở thành điểm “check-in” cho du khách, đặc biệt với giới trẻ. Thực tế cho thấy, giá vé không hẳn là yếu tố quyết định để khách lựa chọn tham quan bảo tàng. Do đó, nâng mức phí tham quan bảo tàng ở mức độ hợp lý là rất cần thiết, vừa khẳng định giá trị của điểm tham quan, vừa tạo thêm nguồn thu để tái đầu tư, nhất là cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, trưng bày và bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của hiện vật, làm tăng tính hấp dẫn của bảo tàng, thu hút đông đảo công chúng đến tham quan, hưởng thụ.

Nguyễn Thị Thúy Hằng