Thông đỏ ở Lâm Đồng
Thông đỏ là một trong số những loài thực vật lâu năm trên trái đất và có giá trị đặc biệt về mặt khoa học. Trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Thông đỏ được xếp vào cấp VU - loài sẽ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng cao trong tự nhiên, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Khi đến Đà Lạt, du khách có thể tìm hiểu thêm nhiều điều thú vị về Thông đỏ tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Hình ảnh và mẫu vật cây Thông đỏ, trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Cây Thông đỏ có tên khoa học là Taxus Wallichiana thuộc họ Thanh tùng - Taxaceae. Thông đỏ phân bố chủ yếu ở những vùng cận nhiệt đới với độ cao khoảng 1.000 - 2.000m. Đây là loài thuộc dòng thân gốc rễ cạn, rễ cọc kém phát triển, khó sinh trưởng trong môi trường tự nhiên và số lượng cây phát triển không mạnh như những loài cây rừng khác. Hiện nay, trên thế giới còn 3 nước ghi nhận sự hiện diện của loài này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam.
Ở Việt Nam, Thông đỏ phân bố ở các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hòa và Lâm Đồng, với 2 loài Thông đỏ lá ngắn (Taxus chinensis (Pilg.) Rehd.) ở miền Bắc và Thông đỏ lá dài (Taxus wallichiana Zucc.) phân bố ở tỉnh Lâm Đồng. Những nghiên cứu ban đầu về hàm lượng các hợp chất chính trong lá cho thấy, loài Thông đỏ lá dài mọc ở Lâm Đồng có giá trị cao hơn nhiều so với loài Thông đỏ lá ngắn.
Thông đỏ nằm trong nhóm cây thường xanh lá kim, dáng mọc thẳng và phát triển cao lớn trong môi trường sống phù hợp. Ở độ tuổi trưởng thành, Thông đỏ có thể cao tới 20 - 35m, với đường kính thân trung bình khoảng 1m. Thông đỏ có tán hình chóp nón, vỏ ngoài màu nâu đỏ nhạt, hơi dày, bong vảy, thịt nâu đỏ. Cành xoè rộng, cành non màu lục, gốc cành mang chồi do những vảy màu lục xếp lớp. Lá mọc cách, xếp thành hai dãy, thành đường thẳng, dài 2 - 3,5cm, rộng 2 - 3mm, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới màu lục vàng. Có hai tuyến khí khổng màu lục vàng hay lục nhạt. Cuống lá ngắn. Nón đơn tính khác gốc. Nón đực mọc ở nách lá, hình cầu hay hình trứng, màu vàng có cuống ngắn. Nón cái đơn độc, ít khi mọc đôi, không cuống, mang một noãn đứng thẳng. Hạt khi chín hình trứng được bao bọc bởi một áo hạt màu đỏ nhạt.
HÌnh ảnh cây Thông đỏ trong tự nhiên
Thông đỏ được xem là thảo dược vàng, có những hoạt chất quý hiếm trong vỏ và lá cây, như Taxol, Clorophyl, Pine Bark Extract,… Tuy nhiên, dược tính không được dùng trực tiếp mà dùng trong điều chế các loại thuốc đẩy lùi bệnh, đặc biệt là tế bào ung thư. Một số nghiên cứu y tế hiện đại chứng minh hiệu quả của dược liệu nhờ các thành phần chính là:
- Paclitaxel (Taxol): Paclitaxel được đánh giá cao trong nhiều lĩnh vực điều trị, là thành phần quan trọng trong điều chế thuốc Paclitaxol và Taxol - nhóm thuốc chính có vai trò làm chậm sự phát triển của ung thư buồng trứng, vú, phổi…
- Chất chống oxy hóa: Trong cây Thông đỏ có nhiều thành phần hoạt chất có tác dụng chống oxy hóa. Trong đó sự kết hợp của Vitamin A, Carotene và Rustin là những thành phần chính giúp tạo chất chống oxy hóa từ dược liệu này. Chất chống oxy hóa trong cây Thông đỏ cũng được ứng dụng để bảo vệ cơ thể khỏi các rối loạn hệ thống thần kinh và thoái hóa cơ bắp.
- Hoạt chất Clorophyl: Thành phần Clorophyl có trong cây Thông đỏ có tác dụng tương tự như Hemoglobin, đều là những hợp chất chịu trách nhiệm cung cấp oxy cho máu.
- Hoạt chất Phenol: Thông đỏ có thành phần Phenol dồi dào, tác dụng hiệu quả trong khử trùng, chống oxy hóa và chống viêm.
Ở Lâm Đồng, Thông đỏ phân bố tại hẻm núi quanh địa bàn các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Đà Lạt. Tại khu vực núi Voi (thuộc huyện Đức Trọng), quần thể Thông đỏ hàng nghìn năm tuổi hiếm có trên thế giới hiện có khoảng 230 cây lớn, cao từ 25 - 30m, đường kính gốc lên tới vài mét (3 - 4 người ôm), tọa lạc ở độ cao từ 1.600m đến gần 2.000m so với mực nước biển. Trong đó, đặc biệt có cây Thông đỏ lớn nhất (đánh số 100) được ghi nhận khoảng 2.500 năm tuổi, đường kính gốc gần 3m, cao hơn 30m, rễ lan rộng, nổi cộm lên mặt đất trên diện tích khoảng 1.000m2.
Cây Thông đỏ (gắn số 100) khoảng 2.500 năm tuổi, tại khu vực Núi Voi
Ngoài ra, ở Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà (nằm ở trung tâm cao nguyên Langbiang, trên địa bàn huyện Lạc Dương và Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng), một quần thể lớn Thông đỏ ước tính hơn 200 cây đường kính gốc lớn hơn 25 cm, cây lớn nhất có chu vi đo tại vị trí cao 1,3m là 4,6m. Các cây Thông đỏ đều được đánh số để dễ dàng quản lý và bảo vệ.
Thông đỏ là loài cây gỗ quý (thuộc nhóm gỗ IA) có giá trị đặc biệt về khoa học, nhưng đang có nguy cơ suy giảm quần thể, bởi diện tích vùng phân bố ở Lâm Đồng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nằm phân tán và bị chia cắt, nên các quần thể khó liên hệ với nhau, dễ bị suy thoái về di truyền. Hơn nữa, do mọc hỗn giao trong rừng lá rộng thường xanh, phần lớn cây Thông đỏ trưởng thành thường bị các dây leo bám trên thân và các loài cây khác chèn ép, cạnh tranh không gian dinh dưỡng, nên cây Thông đỏ có phẩm chất xấu, bị sâu bệnh, rỗng ruột; tình hình tái sinh rất thấp và phân bố không đều. Bên cạnh đó, tình trạng phá rừng cũng khiến cho loài Thông đỏ ở Lâm Đồng bị đe dọa nghiêm trọng.
Để bảo vệ quần thể Thông đỏ trước nguy cơ khai thác trái phép, tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các khu vực có Thông đỏ. Trên cơ sở đó, khoanh vùng đưa cây Thông đỏ vào diện thực vật bảo vệ đặc biệt; tổ chức các đợt tuyên truyền rộng rãi về cây Thông đỏ để người dân cùng tham gia bảo vệ loài cây này. Đồng thời tiến hành nghiên cứu nhân giống, trồng mới và phát triển rừng Thông đỏ, nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm, góp phần vào việc thực hiện chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học, cũng như nâng cao độ che phủ của rừng.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ loài Thông đỏ quý hiếm, Bảo tàng Lâm Đồng đã trưng bày thường trực các hình ảnh và mẫu vật, kèm theo mã QR-Code, cung cấp những thông tin cơ bản nhằm giới thiệu đến đông đảo công chúng về loài cây này. Thông qua đó, Bảo tàng Lâm Đồng muốn góp phần tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và nhân rộng loài Thông đỏ quý hiếm cho hôm nay và mai sau.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2009), Lâm Đồng bảo vệ cây Thông đỏ.
2. Báo Lâm Đồng điện tử (2015), Những nghiên cứu mới nhất về cây Thông đỏ Lâm Đồng.
3. Báo Lâm Đồng điện tử (2017), Bảo tồn Thông đỏ.
4. Báo Lao động điện tử (2016), Lâm Đồng: Quần thể Thông đỏ hàng ngàn năm tuổi cực quý tại núi Voi.
5. Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (2011), Nghiên cứu một số đặc điểm lâm học của cây Thông đỏ lá dài tại Lâm Đồng.
6. Website Thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng:Tại đây
Các tin khác
- Thông năm lá Đà Lạt - 11/09/2024 03:10
- Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!” - 16/08/2024 01:45
- Tìm hiểu về gỗ Pơ mu thông qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 16/08/2024 01:41
- Đà Lạt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 13/08/2024 14:27
- Tìm hiểu đôi nét về hình ảnh con Nghê, linh vật của người Việt xưa qua hiện vật trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu - 27/06/2024 01:38