Một số nông cụ truyền thống trong nghề trồng lúa nước của người Cơho Srê tại Bảo tàng Lâm Đồng
Bảo tàng Lâm Đồng đang lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật thể hiện những đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số tại địa phương. Qua đó giúp công chúng thấu hiểu hơn về đời sống mộc mạc, chân chất của đồng bào các dân tộc thiểu số sống lâu đời trên đất Lâm Đồng. Tiêu biểu như qua việc trưng bày, giới thiệu các nông cụ truyền thống của nghề trồng lúa nước của người Cơho Srê, khách tham quan sẽ hiểu hơn đời sống của nhóm cư dân canh tác ruộng nước ở Lâm Đồng.
Người Cơho Srê vốn sinh sống lâu đời ở huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), với các loại hình kinh tế truyền thống, như trồng lúa nước ở các thung lũng, trồng sắn, ngô, lúa rẫy… Ngoài ra, săn bắt, hái lượm, đánh cá và chăn thả gia súc truyền thống của họ cũng còn khá phổ biến.
Không biết nghề trồng lúa rẫy và lúa nước của người Cơho Srê có từ bao giờ, nhưng nghĩa của từ “Srê” là “Ruộng” và “Cơho Srê” được hiểu là “người Cơho làm ruộng”, nên làm lúa nước có lẽ là nghề nuôi sống họ từ bao đời nay. Người Cơho Srê có hai loại ruộng: “srê lơngơn” nằm ở địa hình thấp, gần sông suối và luôn luôn có nước; “srê đang” nằm ở vị trí cao hơn, chỉ có nước khi trời mưa. Quá trình canh tác lúa thường trải qua nhiều công đoạn khác nhau. Cày đất và bừa đất mỗi công đoạn thực hiện 2 đợt. Sau đó là công đoạn san bằng mặt ruộng để xuống giống. Thời xa xưa, kỹ thuật canh tác lúa nước của người Cơho Srê thường là chọn vùng sình lầy để trồng và thu hoạch thì tuốt lúa bằng tay. Dần dần, các dụng cụ được cải tiến, từ cày gỗ, cuốc, chuyển lên cày sắt, dùng sức kéo của trâu bò, từ tuốt lúa bằng tay chuyển sang gặt lúa bằng liềm, dần dần chuyển sang sử dụng máy cày, máy kéo, máy gặt…
Chúng ta có thể tìm hiểu về một số nông cụ trong nghề trồng lúa nước của người Cơho Srê sống tại Lâm Đồng sau đây:
Nông cụ làm đất
Cày
Cày là nông cụ dùng để cày đất, không thể thiếu trong nghề trồng lúa nước của người Cơho Srê. Việc cày đất khá nặng nên cần sức kéo thật khỏe của trâu, bò. Nông cụ cày gồm 3 phần: “thân cày” (gồm tay cầm và lưỡi cày), “bắp cày” và “ách” (hay còn gọi là vai cày). Phần thân cày làm bằng một khúc gỗ cong, đầu trên chuốt thon làm tay cầm để người cày cầm và điều khiển đường cày; đầu dưới to bản vạt xéo để lắp lưỡi cày bằng sắt hình tam giác, đâm chếch xuống đất. Bắp cày là một đoạn gỗ dài khoảng gần 3m nối từ thân cày đến ách (trên thân cày và ách có lắp mộng giữ cho bắp cày được chắc chắn). Ách máng vào cổ trâu bò, được nối với thân cày qua bắp cày. Khi đi cày, trâu bò tiến về phía trước sẽ đồng thời mang ách và kéo theo cày phía sau, lưỡi cày cắm sâu xuống đất khoảng 20cm sẽ lật đất lên theo từng luống cày.
Bừa
Cũng giống như cày, cái bừa rất đỗi quen thuộc và quan trọng trong mỗi gia đình người Cơho Srê thuở xưa. Bừa được chế tác thủ công từ một cây gỗ, mặt dưới đục lỗ tra các “răng bừa” để làm tơi nhuyễn đất và san bằng mặt ruộng sau khi cày, hoặc cào sạch những cây cỏ, dây leo, đất cục trên mặt ruộng, thuận tiện cho việc cấy lúa. Ở giữa thân bừa có đục một lỗ để gắn phần cây gỗ nối vào “ách”, giống như bắp cày.
Nông cụ thu hoạch và bảo quản
Liềm là công cụ lao động sản xuất quan trọng của người Cơho Srê, thường dùng để gặt lúa, cắt rau, cỏ. Thường thì sau mùa thu hoạch, lớp răng cưa ở phần lưỡi liềm sẽ bị mòn đi không còn sắc như trước và người ta phải dùng dũa để mài lại răng cưa cho sắc.
Khiêu
Khiêu là vật dụng dùng để tuốt lúa, hình dáng khá giống với chiếc gùi nhưng chỉ có một quai đeo. Đến vụ mùa hàng năm, người Cơho Srê thu hoạch lúa bằng cách đeo khiêu vào trước bụng, dùng tay tuốt lúa bỏ vào khiêu. Khi lúa đầy khiêu, người ta mở sợi dây đeo quanh thắt lưng để đổ lúa ra.
Bồ đựng lúa
Bồ đựng lúa là vật dụng rất phổ biến trong đời sống của người Cơho Srê, dùng để đựng thóc lúa, các loại nông sản sau khi thu hoạch. Bồ lúa thường được làm từ tre, nứa, hoặc dùng tấm cót tre cuốn tròn dựng lên. Bồ lúa thường được đặt bên trong nhà kho, có hình trụ tròn, cao khoảng 1,5m - 2m, đường kính miệng bồ khoảng 1 mét.
Cây gảy rơm
Trước đây, khi lúa trên đồng đã chín rộ, bà con trong làng lại đổi công thu hoạch lúa từ nhà này qua nhà khác. Thu hoạch lúa xong, người Cơho Srê thường tận dụng rơm phơi khô để làm chất đốt hoặc làm thức ăn cho trâu bò. Để gom rơm lại, đồng bào đã tạo ra dụng cụ gảy rơm làm từ một cây tre, gỗ cán thẳng, một đầu tạo móc cong đều, nhằm thuận tiện cho việc gảy rơm.
Ngày nay, đồng bào Cơho Srê đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, điều kiện canh tác lúa nước của bà con gặp nhiều thuận lợi từ khâu làm đất, thu hoạch cho đến vận chuyển hạt lúa về kho, thông qua sử dụng các loại máy cày, máy kéo, máy gặt đập… Chính vì thế, các nông cụ truyền thống trong nghề trồng lúa nước của người Cơho Srê đang dần bị mai một. Những nông cụ nói trên được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng và giới thiệu đến công chúng như để cất tiếng nói về đời sống văn hóa của người Cơho Srê mà thế hệ mai sau vẫn cần được biết và trân trọng.
Hà Thị Hạnh
Tin mới
- Tìm hiểu về một hiện vật máy sưởi điện trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 11/03/2025 03:04
- Tìm hiểu các bảo vật thuộc văn phòng tứ bảo trong cung vua Nguyễn được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng - 28/10/2024 03:00
- Độc đáo các bức trấn phong trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 25/10/2024 10:45
- Những điều thú vị về đỉnh thờ trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 25/10/2024 10:38
- Bàn ủi con gà, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 25/10/2024 10:29
Các tin khác
- Tìm hiểu về “thủy trì” trong Sưu tập Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 14/10/2024 07:26
- Những cổ vật cung đình triều Nguyễn biểu trưng cho quyền lực tại Bảo tàng Lâm Đồng - 10/10/2024 09:00
- Thông đỏ ở Lâm Đồng - 20/09/2024 03:04
- Thông năm lá Đà Lạt - 11/09/2024 03:10
- Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!” - 16/08/2024 01:45