Tìm hiểu về “thủy trì” trong Sưu tập Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng
Giống như các triều đại quân chủ trước đó, nhà Nguyễn cũng sử dụng chữ Hán - Nôm và lấy nền tảng Nho giáo làm hệ tư tưởng trong xã hội. Các bậc Nho sĩ luôn coi những vật dụng liên quan đến “chữ thánh hiền” là những thứ quý giá. Trong đó “văn phòng tứ bảo”là bốn thứ quý (bút, nghiên, giấy, mực), còn được hiểu là các vật dụng quan trọng liên quan đến việc viết lách trong văn phòng, như vật chặn giấy, ống bút, gác bút, thủy trì,… Tại Bảo tàng Lâm Đồng, trong nhóm hiện vật “Văn phòng tứ bảo” thuộc sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn, thủy trì chiếm tỷ lệ khá lớn.
Hình ảnh một số thủy trì chế tác từ đá ngọc theo kiểu tách cách điệu, trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn
Thủy trì là vật dụng cần thiết khi viết chữ Hán, dùng để đựng nước mài mực hoặc son và rửa bút sau khi viết. Thủy trì có nhiều kích thước, kiểu dáng và chất liệu tùy theo điều kiện và địa vị của người sử dụng có thể được làm bằng gốm, kim loại hay ngọc. Đối với các bậc nho sĩ, thủy trì cùng với nghiên mực luôn được coi là những thứ quý giá, thường được chọn làm bằng những chất liệu quý, bởi những thợ thủ công lành nghề nhất.
Các chiếc thủy trì trong sưu tập tại Bảo tàng Lâm Đồng đều được các nghệ nhân trong Ngự xưởng triều Nguyễn chế tác từ đá ngọc nguyên khối màu trắng ngà hoặc trắng đục với nhiều kiểu dáng, phong cách khác nhau. Trong đó, đa phần thủy trì được tạo hình theo kiểu tách cách điệu (dạng có quai cầm). Phần thân chính (dùng đựng nước) được chế tác phỏng theo những cánh hoa hoặc lá sen cách điệu. Bên ngoài là các cành hoa, lá được chạm khắc rất công phu, nhiều phần tách rời khỏi thân thủy trì. Một phần cành hoa được thể hiện cách điệu khéo léo tạo thành quai cầm giống những chiếc tách uống nước.
Có chiếc thủy trì chế tác từ loại đá ngọc màu trắng xanh được tạo dáng hình quả tròn dẹt, đáy bằng, đế thấp, bụng phình, miệng khum tròn, xung quanh chạm cành, hoa lá với 3 bông hoa lớn đang nở, xen giữa các cành lá với kỹ thuật tinh xảo. Thủy trì được đặt trên đế gỗ màu nâu đen, chạm cành dây lá nho cách điệu.
Thủy trì chế tác từ đá ngọc màu trắng xanh với tạo hình quả tròn dẹt
Có chiếc thủy trì được làm từ loại đá ngọc màu trắng đục, gần như trong suốt với kích thước nhỏ. Máng nước của thủy trì được làm dạng dài, hai đầu không đều nhau, miệng uốn lượn tạo thành một chiếc lá cây có lòng lõm sâu. Tổng thể máng nước được làm dựa trên mô hình một cành cây cách điệu, bao gồm cành, hoa, lá… bao quanh thân của máng (cũng là chiếc lá cách điệu). Nhiều cành cây được làm nổi, tách rời khỏi chiếc lá chính hoặc bao quanh thành miệng rất sinh động. Trên thành miệng, cùng với hoa lá còn chạm nổi một con chim nhỏ, đuôi dài, cánh hơi xòe đang đậu trên cành cây.
Thủy trì chế tác từ đá ngọc trong suốt hình chiếc lá
Đặc biệt nhất là chiếc thủy trì được tạo dáng hình một con kỳ lân trong tư thế nằm, đầu ngoảnh về bên phải, hai chân trước duỗi thẳng, hai chân sau quỳ xuống. Trên lưng có lỗ thủng hình tròn dùng để đựng nước, xung quanh trang trí nhiều hoa văn hình mây cách điệu. Thủy trì được đặt trên đế gỗ chạm phỏng theo hình kỳ lân, bốn chân kiểu chân thú, màu xám. Đây còn là vật dung trang trí trong thư phòng tại cung đình.
Thủy trì chế tác từ đá ngọc trắng xanh với tạo hình một con kỳ lân
Bảo tàng Lâm Đồng lưu giữ và phát huy giá trị của sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn nói chung và các hiện vật thuộc nhóm “Văn phòng tứ bảo”, giúp công chúng có thêm những trải nghiệm thú vị và nhiều thông tin bổ ích về các hiện vật “thủy trì” tại đây.
Phạm Thị Ngát
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo Lâm Đồng Online (2017), Độc đáo bộ sưu tập bảo vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng.
2. Bảo tàng Lâm Đồng (2019), Báu vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng.
3. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (2014), Một trong tứ quí đồ văn phòng ở sưu tập cổ vật Việt Nam.
4. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (2016), Tìm hiểu các loại bảo vật thuộc văn phòng tứ bảo trong cung vua Nguyễn.
5. Website Thuyết minh số của Bảo tàng Lâm Đồng:
Tin mới
- Tìm hiểu các bảo vật thuộc văn phòng tứ bảo trong cung vua Nguyễn được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng - 28/10/2024 03:00
- Độc đáo các bức trấn phong trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 25/10/2024 10:45
- Những điều thú vị về đỉnh thờ trong sưu tập cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 25/10/2024 10:38
- Bàn ủi con gà, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 25/10/2024 10:29
- Một số nông cụ truyền thống trong nghề trồng lúa nước của người Cơho Srê tại Bảo tàng Lâm Đồng - 21/10/2024 06:46
Các tin khác
- Những cổ vật cung đình triều Nguyễn biểu trưng cho quyền lực tại Bảo tàng Lâm Đồng - 10/10/2024 09:00
- Thông đỏ ở Lâm Đồng - 20/09/2024 03:04
- Thông năm lá Đà Lạt - 11/09/2024 03:10
- Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!” - 16/08/2024 01:45
- Tìm hiểu về gỗ Pơ mu thông qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 16/08/2024 01:41