Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 55 năm ngày mất của Người (02/9/1969 - 02/9/2024): “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!”
Tròn 55 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại, người thầy kính yêu của Đảng và dân tộc Việt Nam, mãi mãi “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác”. Toàn thể dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người. Kỷ niệm 55 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là 55 năm dân tộc Việt Nam thực hiện Di chúc của Người, một văn kiện lịch sử đặc biệt quý giá, soi đường dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam tiếp tục tiến bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Bản viết tay Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 09 tháng 9 năm 1969, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khẳng định: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ.”
Cả cuộc đời của Người đã dành chăm lo cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước, từ những điều lớn lao như hạnh phúc ấm no của nhân dân đến việc chăm lo tốt nhất cho các cháu nhỏ, hay đời sống tinh thần, vật chất của người cao tuổi… Hy sinh, tận hiến cả đời mình như thế, nhưng cho đến những khoảnh khắc cuối đời, Người vẫn luôn đau đáu khi không thể tiếp tục phụng sự cho Tổ quốc, nhân dân. Trong Di chúc Bác viết: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.”
Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự do tổ quốc, hòa bình, no ấm của nhân dân luôn được Bác đặt lên hàng đầu. Vì vậy, ngay khi nhận thấy sức khỏe yếu đi, Người đã khởi thảo và nhiều lần sửa Di chúc trong khoảng thời gian từ tháng 5/1965 - 5/1969. Trong Di chúc, Bác căn dặn nhiều điều về Đảng, Đoàn viên Thanh niên, nhân dân lao động, về cuộc kháng chiến chống Mỹ còn trường kỳ, gian nan, về phong trào Cộng sản thế giới và cả về tình cảm, những ước nguyện của Bác đối với nhân dân.
Qua thời gian khởi thảo và nội dung Di chúc, có thể khẳng định, đây là văn bản được Bác tập trung suy nghĩ, chỉnh sửa nhiều nhất, thể hiện trách nhiệm cao cả của Người trước sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trách nhiệm với hậu thế, cũng như tấm lòng của vị lãnh tụ luôn hướng về nhân dân, không chỉ hiện tại mà còn là tương lai đất nước.
Di chúc Người để lại không chỉ mang những vấn đề cốt lõi, có tính thời sự, còn là nguồn động viên, cổ vũ, là sự chỉ dẫn quan trọng đối với Đảng và nhân dân ta, để vượt qua mọi khó khăn, thử thách và xây dựng, phát triển đất nước.
Thực hiện Di chúc của Bác, đứng trước những khó khăn, thách thức, Đảng, Nhà nước ta đã không không ngừng nỗ lực cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Trong những năm qua, dù chịu những tác động phức tạp của tình hình thế giới, nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu quan trọng, giữ vững ổn định chính trị.
Cứ mỗi dịp mùa Thu về, nhân dân cả nước lại háo hức chào đón ngày Quốc khánh 02/9, thành kính tưởng nhớ và tri ân công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam. Tại Bảo tàng Lâm Đồng, những hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ là những hiện vật quý giá, được trân trọng lưu giữ qua nhiều thế hệ. Đó là những hiện vật như con tem có in hình Bác, thiệp chúc Tết năm 1969 của Bác, tập ảnh về Bác,... nhưng tất cả đều được Bảo tàng Lâm Đồng trưng bày trang trọng với mong muốn mọi du khách khi đến thăm quan và tìm hiểu đều có thể dễ dàng ngắm nhìn và tìm hiểu.
Những hiện vật, hình ảnh về Bác được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Đến với Đà Lạt trong những ngày Thu lịch sử, du khách có thể lựa chọn Bảo tàng Lâm Đồng là điểm đến tham quan, tìm hiểu lịch sử địa phương, tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Người, kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024). Đặc biệt, tại phần trưng bày về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân Lâm Đồng, du khách sẽ được ngắm nhìn những hiện vật trong những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng đầy oanh liệt. Nhìn lại quá khứ, cảm nhận những năm tháng hào hùng với bao hy sinh, mất mát mới có được hòa bình, độc lập hôm nay, để nhắc nhở “Chúng ta hãy xứng đáng với Bác hơn nữa!”, như lời Điếu văn trong Lễ truy điệu Người, tiếp tục nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thi Thảo
Tin mới
- Một số nông cụ truyền thống trong nghề trồng lúa nước của người Cơho Srê tại Bảo tàng Lâm Đồng - 21/10/2024 06:46
- Tìm hiểu về “thủy trì” trong Sưu tập Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 14/10/2024 07:26
- Những cổ vật cung đình triều Nguyễn biểu trưng cho quyền lực tại Bảo tàng Lâm Đồng - 10/10/2024 09:00
- Thông đỏ ở Lâm Đồng - 20/09/2024 03:04
- Thông năm lá Đà Lạt - 11/09/2024 03:10
Các tin khác
- Tìm hiểu về gỗ Pơ mu thông qua hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng - 16/08/2024 01:41
- Đà Lạt trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - 13/08/2024 14:27
- Tìm hiểu đôi nét về hình ảnh con Nghê, linh vật của người Việt xưa qua hiện vật trưng bày tại cung Nam Phương Hoàng hậu - 27/06/2024 01:38
- “Báu vật hoàng cung” Triển lãm hiện vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 02/06/2024 11:01
- Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu, một phần của ký ức Đà Lạt - 20/05/2024 11:31