Bài viết
Vài nét về rắn thần Nagar trong văn hóa Ấn Độ và tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên
Ấn Độ là quốc gia rộng lớn với một nền văn hóa lâu đời và đặc sắc, nơi phát tích của nhiều tôn giáo lớn trên thế giới. Từ thời xa xưa, người ta đã xem Ấn Độ là xứ sở thần kỳ, với thế giới của vô vàn thần linh, từ những vị thần mang hình dáng người, đến những vị thần mang hình dáng các loài vật, như bò, ngựa, heo rừng, ngỗng, rùa, cá… Hình ảnh các vị thần đã vượt cả thời gian, không gian để ảnh hưởng đến văn hóa, trở nên quen thuộc trong tôn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc Đông Nam Á. Trong đó, hình ảnh rắn thần Nagar có mặt ở nhiều kiến trúc tôn giáo tại Việt Nam và cũng đã xuất hiện trên hiện vật tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên.
Hiện vật lá vàng có hình rắn thần Nagar, phát hiện tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên
Để giải thích các hiện tượng tự nhiên, đồng thời ca ngợi các “thế lực” tạo ra mưa, gió, sấm chớp, ánh sáng, bóng tối… Con người đã từ nhân cách hóa đến thần thánh hóa các hiện tượng tự nhiên và suy tôn thành những vị thần, tiến hành cúng tế để cầu mong thần linh che chở. Theo thời gian, những vị thần được tín đồ thờ cúng nhiều hơn, trở nên phổ biến hơn trong xã hội và đối tượng thờ cúng cũng dần được mở rộng hơn. Các tín đồ thờ cúng cả những loài động vật mà họ cho là có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ, xem những loài vật đó như những vị thần.
Chính vì vậy, người dân Ấn Độ đã có tục thờ thần rắn từ rất sớm. Trong bộ kinh Rig Veda có nhắc tới tục thờ này, thậm chí còn nhắc tới những lời khẩn cầu dành cho các thần rắn, gửi đến thần rắn những lễ vật hiến tế. Có thể thấy, rắn là loài bò sát đặc biệt, khác với nhiều loài động vật cả về hình dáng cho đến thuộc tính sinh học. Thân hình thon dài, không có chi nhưng vẫn có thể di chuyển nhẹ nhàng, uyển chuyển trên mặt đất hoặc leo cây rất nhanh nhẹn. Mặc dù không có tai nhưng nhờ chiếc lưỡi chẻ đôi, rắn rất nhạy cảm với tiếng động. Nọc độc của rắn có thể giết chết kẻ thù nhanh chóng, thậm chí cả những loài động vật to lớn. Rắn có khả năng lột xác, thay đổi kích thước lớn dần sau mỗi lần lột xác cho đến khi trưởng thành, được xem như sự tái sinh mà rất ít loài động vật có được.
Thần thoại Ấn Độ thường nhắc đến hai vị rắn thần là Shesha và Nagar. Rắn Shesha đồng hành trung thành với thần Visnu, thường được thể hiện bằng hình ảnh thần Visnu nằm nghỉ ngơi tựa vào Shesha, hoặc Shesha làm cái tán che đầu cho thần Visnu từ hàng trăm nghìn đầu rắn hợp thành. Shesha còn được các vị thần dùng như một chiếc dây thừng trong công cuộc khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh. Hình ảnh rắn cũng thường thấy xuất hiện cùng thần Siva hay Ganesa, có khi đeo ở cổ như một tràng hoa, có khi thắt lưng, hoặc đội trên đầu…
Còn “Nagar” trong tiếng Sanskrit là từ dùng để chỉ loài rắn nói chung, với ý nghĩa là rắn hổ mang hoặc rắn lớn. Trong Hindu giáo, Nagar được coi là linh hồn của tự nhiên, vị thần bảo hộ của các giếng nước, suối khe, sông hồ, biển cả. Nagar biểu trưng cho sự thịnh vượng, thần bảo vệ mùa màng, mang nước tưới cho ruộng vườn được tươi tốt. Tuy nhiên, loài vật này cũng được coi là nguyên nhân gây nên tình trạng lũ lụt và hạn hán.
Khi Phật giáo ra đời, hình tượng rắn cũng xuất hiện khá phổ biến, thường là một con rắn hổ mang bành cỡ lớn với một đầu, đôi khi cũng có nhiều đầu. Với Phật giáo Bắc tông thì Nagar chín đầu chính là linh vật đã hiện lên che chở cho Đức Phật trong ngày đản sinh. Còn với Phật giáo Nam tông lại có truyền thuyết Đức Phật ngồi thiền trên mình rắn, Nagar bảy đầu hiện lên thành tán che cho Đức Phật…
Hiện nay, hình ảnh rắn thần Nagar vẫn còn ở những khu vực chịu ảnh hưởng của đạo Balamon trong quá khứ, như các đền tháp Champa, Óc Eo… Đặc biệt tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên, trong số các hiện vật phát hiện qua các cuộc khai quật, có một hiện vật duy nhất (ký hiệu 01CT.G3:12) mang hình Nagar. Ngoài ra, không tìm thấy hình ảnh, hoặc hiện vật nào khác về rắn thần Nagar.
Hình vẽ mô tả hiện vật lá vàng có hình rắn thần Nagar
phát hiện tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên
Hiện vật là một mảnh vàng mỏng hình cong gần như chiếc quạt xòe. Trên lá vàng có hình thần Nagar khắc chìm, từ thân tỏa ra bảy đầu so le nhau tạo thành một chiếc tán rộng. Mỗi đầu được thể hiện với những nét khắc chìm đơn giản với đầu thon nhọn, mắt cũng chỉ là một chấm nhỏ. Các đầu rắn đều hướng về một phía, trên mỗi đầu có hai vạch cong nhẹ như những vảy trên thân rắn. Như vậy, hình ảnh rắn thần Nagar vẫn hiện hữu ở Cát Tiên, tuy không rực rỡ nhưng được đánh giá là một trong những hiện vật hiếm tại các di tích có cùng tính chất với Champa hay Óc Eo, bởi rắn thần Nagar được thể hiện với bảy đầu (trong khi ở các di tích khác, hình ảnh rắn thần Nagar thường chỉ có ba hoặc năm đầu).
Có thể thấy, Di tích Cát Tiên chịu ảnh hưởng của Balamon giáo (có nguồn gốc từ Ấn Độ), dù hình thức thể hiện có khác so với các di tích cùng tiếp nhận tôn giáo này. Song chủ nhân di tích Cát Tiên vẫn tuân thủ cơ bản những giáo lý, giáo luật, cũng như các biểu tượng thờ cúng của tôn giáo này. Điều đó tạo nên sự thống nhất trong đa dạng đối với tôn giáo Balamon xưa. Hình ảnh rắn thần Nagar là một trong những sáng tạo độc đáo của người dân Ấn Độ và trở thành biểu tượng phổ biến của hai tôn giáo lớn là Balamon giáo (Hindu giáo sau này) và Phật giáo. Ngay cả khi du nhập sang các vùng khác, biểu tượng thờ này cũng không hề thay đổi.
Đinh Chung
Tài liệu tham khảo
1. BQL Di tích Văn hóa Óc Eo, 2016, Giá trị của Di sản Văn hóa Óc Eo - An Giang trong tiến trình phát triển kinh tế xã hội.
2. Lê Đình Phụng - Phạm Văn Triệu, 2019, Thánh địa Cát Tiên huyền thoại và lịch sử, NXB Khoa học xã hội.
3. Viện khoa học xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, Báo cáo khoa học khai quật Di tích Cát Tiên (Lâm Đồng).
4. Will Durant (Nguyễn Hiến Lê dịch), 2013, Lịch sử văn minh Ấn Độ, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
Tin mới
- Thần thoại của Ấn Độ về cuộc khuấy biển sữa - 15/07/2024 02:09
- Những hóa thân của thần Vishnu trong Hindu giáo và liên hệ đến hình ảnh thần Vishnu tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 27/06/2024 01:46
- Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho giới trẻ - 19/05/2024 12:56
- Vái nét về hình ảnh nữ thần Lakshmi tại di tích khảo cổ Cát Tiên - 26/02/2024 03:08
- Vài nét về thần Surya tại Di tích khảo cổ Cát Tiên - 13/11/2023 01:39
Các tin khác
- Vài nét về tượng bò thần Nandi phát hiện tại Gò số 4 Di tích quốc gia đặt biệt Khảo cổ Cát Tiên - 07/09/2023 08:07
- Tượng Ganesa tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 30/09/2022 07:20
- Di tích khảo cổ Cát Tiên – Dấu ấn của Ấn Độ giáo trên vùng cao Nam Tây nguyên - 14/07/2022 01:06
- Giới thiệu Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên: THÁNH ĐỊA CÁT TIÊN - ĐIỂM ĐẾN ẤN TƯỢNG, HẤP DẪN - 13/06/2022 07:10
- Những đánh giá của du khách khi tham quan Di tích khảo cổ Cát Tiên - 10/08/2021 06:41