Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bài viết

Vái nét về hình ảnh nữ thần Lakshmi tại di tích khảo cổ Cát Tiên

Trong Hindu giáo, nữ thần Lakshmi tượng trưng cho sắc đẹp, hiện thân của thịnh vượng và hạnh phúc. Trong quá trình tiếp biến văn hóa, nữ thần Lakshmi chính là Cát Tường Thiên Nữ (hay còn có các tên khác là Công Đức Thiên, Thiện Nữ Thiên) của Phật giáo. Bà được các tín đồ Hindu giáo, Phật giáo yêu mến và thờ cúng rộng rãi, tin rằng nữ thần sẽ ban phước lành cho những ai mộ đạo và tùy nhân duyên mỗi người mà sẽ được bà ban cho của cải nhiều hay ít. Tại di tích khảo cổ Cát Tiên, hình ảnh nữ thần Lakshmi được thể hiện khá đa dạng trên các hiện vật vàng.

than lakshmi 1

Theo sử thi Ramayana của Ấn Độ, nữ thần Lakshmi là vợ của thần Vishnu. Hình ảnh nữ thần thường được thể hiện khá đặc sắc trong tư thế đứng hoặc ngồi trên hoa sen với bốn tay, thể hiện sự có mặt của bà ở khắp bốn hướng không gian, cũng như bốn giai đoạn trong cuộc sống con người: Dhama (bổn phận), Kama (những ham muốn chân thật), Artha (Sự giàu có) và Moksha (sự giải thoát). Các tay nữ thần cầm nhiều bảo vật khác nhau, như hai tay phía trên cầm nụ sen, tay phải bên dưới đặt trên đùi, trong lòng bàn tay giữ một xâu chuỗi hạt, hay một vòng hoa… Trang phục của bà có nhiều màu sắc mang nhiều ý nghĩa, như các màu tối tượng trưng cho đất và sự hòa nhập với thần Vishnu, màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, màu hồng tượng trưng cho hoa sen, mang tính âm, với sự phồn vinh, phúc lộc, trường thọ và màu vàng thể hiện tấm lòng của người mẹ nhân từ…

Vai trò chính của bà mà phần lớn các tín đồ đều biết chính là vợ thần Vishnu. Bà là mẫu phụ nữ điển hình cho phụ nữ Á Đông, luôn đồng hành với chồng trong mọi hoàn cảnh. Với vai trò là một vị thần bảo tồn và phát triển, thần Vishnu thường hóa thân thành nhiều biến thể khác nhau và ngay lập tức nữ thần Lahskmi cũng có những hóa thân phù hợp. Theo thần phả Purana, nữ thần đã hóa thân làm nàng Padma - hoa sen khi Vishnu làm người lùn Vamana, làm nàng Dharani khi Vishnu đầu thai làm dũng sĩ Rama, làm nàng Rukmini khi Vishnu hóa thân làm mục đồng Krishna… Là nữ thần biểu trưng cho sự giàu có, vật chất, của cải, thực phẩm, danh tiếng và những điều tốt đẹp, nữ thần Lakshmi có tám hình thể khác nhau. Mỗi hình thể biểu trưng cho một chức năng riêng và một trong những hình thể đó là Dhana - Lakshmi. Bà mặc trang phục màu đỏ, có sáu cánh tay, mỗi tay cầm một bảo vật khác nhau như vòng Chakra, con ốc gai, bình nước thánh, bộ cung tên, nụ sen và tay dưới cùng ban phát những đồng tiền vàng đến các tín đồ…

Trên con đường mở rộng ảnh hưởng, làm điểm tựa về mặt tinh thần cho chúng sinh, Hindu giáo đã chọn Di tích khảo cổ Cát Tiên là một trong những điểm dừng chân trên đoạn đường dài về phía đông. Tuy xa xôi cách trở về mặt địa lý nhưng những kiến trúc và hiện vật của Di tích khảo cổ Cát Tiên vẫn mang hơi thở, dáng vóc và tinh thần của Hindu giáo. Tại đây, nữ thần Lakshmi được tạo hình với các đường nét thanh tú, nhẹ nhàng từ khuôn mặt đến vóc dáng và trên tay luôn cầm búp sen hoặc hoa sen đang nở.

Các hiện vật vàng phát hiện tại di tích khảo cổ Cát Tiên thể hiện đa dạng hình ảnh các vị thần, trong đó có nữ thần Lakshmi. Tuy số lượng không nhiều, nhưng mỗi hiện vật thể hiện nội dung nữ thần rất gần gũi. Bài viết này xin giới thiệu các hiện vật vàng thể hiện hình ảnh nữ thần Lakshmi tại hai vị trí sau đây:

Tại Gò 1A có các hiện vật:
- Hiện vật lá vàng G1A-09, thuộc đền thờ 1A. Hiện vật này được dát mỏng, các góc được cắt vê tròn tạo hình elip, thể hiện hình ảnh nữ thần Lakshmi trong tư thế quỳ, mắt nhìn nghiêng, một tay chống xuống đất, một tay cầm hoa sen.


than lakshmi 1
Ảnh chụp hiện vật lá vàng mang số hiệu G1A.09

- Hiện vật lá vàng mang số hiệu G1A-10, các góc vê tròn, thể hiện hình ảnh nữ thần trong tư thế ngồi nhìn thẳng, gương mặt thanh tú, đường nét hài hòa, hai tai đeo đồ trang sức hình thoi, một tay cầm hoa sen giơ cao, một tay chống xuống đất với bàn tay xòe.

than lakshmi 2
Ảnh chụp hiện vật vật lá vàng mang số hiệu G1A.10

- Hiện vật lá vàng mang số hiệu G1A-36, thể hiện hình ảnh nữ thần Lakshmi trong tư thế đứng bằng kỹ thuật dập nổi, được cắt theo đề tài trang trí, tay ôm hai hoa sen.

than lakshmi 3

Ảnh chụp hiện vật lá vàng mang số hiệu G1A-36

Tại Gò 2A có các hiện vật:
- Hiện vật lá vàng (mang ký hiệu 95.CT.G2A.28), thể hiện hình ảnh nữ thần Lakshmi trong tư thế ngồi trên tòa sen, hai tay cầm hai hoa sen giơ cao.

than lakshmi 4
Ảnh chụp hiện vật lá vàng mang ký hiệu G2A-28

- Hiện vật lá vàng mang ký hiệu G2A.29, thể hiện hình ảnh nữ thần Lakshmi trong tư thế ngồi quỳ, một tay cầm hoa sen giơ cao, một tay buông dọc theo thân.

than lakshmi 5

Ảnh chụp hiện vật lá vàng mang số hiệu G2A-29

Nhìn chung, hình ảnh nữ thần Lakshmi tại di tích khảo cổ Cát Tiên được thể hiện trên các lá vàng với hai kỹ thuật chính là dập nổi và khắc miết. Các hiện vật được cắt theo đề tài trang trí hoặc cắt dạng hình vuông. Bố cục hình ảnh cân đối, hài hòa, với các đường nét thanh thoát, nhẹ nhàng, các chi tiết thể hiện khá rõ nét. Hình ảnh nữ thần Lakshmi được thể hiện ngồi trên hoa sen đang nở hoặc tay cầm hoa sen, búp sen. Số lượng hiện vật tuy không nhiều, nhưng hình ảnh thể hiện đa dạng với các tư thế khác nhau như ngồi, đứng hoặc quỳ, gương mặt tròn đầy, phúc hậu.

Hiện nay, tại nhà trưng bày di tích khảo cổ Cát Tiên đang trưng bày các hiện vật tiêu biểu của di tích, trong đó có các hiện vật vàng thể hiện hình ảnh nữ thần Lakshmi khá đặc sắc. Đến với Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, quý khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng hệ thống hiện vật độc đáo, phế tích đền tháp kỳ bí của một khu Thánh địa, để cùng tìm hiểu, khám phá về Hindu giáo, đặc biệt là về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Cát Tiên trong quá khứ và hiện tại.

Anh Phương