Bài viết
Thần thoại của Ấn Độ về cuộc khuấy biển sữa
Thần thoại của Ấn Độ về sự khuấy động đại dương (khuấy biển sữa) kể lại câu chuyện về các vị thần (chư thiên và á thần), cùng những nghi lễ hiến tế, các linh vật theo triết lý Ấn Độ giáo. Ngày nay, chúng ta có thể thấy nhiều hình ảnh, hiện vật, các kiến trúc đền tháp cổ xưa, hay cả trong nghệ thuật tạo hình hiện đại của các nước Đông Nam Á, trong đó có mô típ trang trí tại các ngôi chùa Khmer ở miền Nam Việt Nam liên quan đến thần thoại này. Tại Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên, nơi mà các nhà nghiên cứu cho rằng, từ cách đây hơn ngàn năm từng là vùng thánh địa của các cư dân chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo, cũng xuất lộ những hình ảnh các vị thần và linh vật liên quan đến thần thoại khuấy biển sữa. Bài tổng hợp tư liệu dưới đây giúp chúng ta cùng tìm hiểu về thần thoại này.
Dãy tượng đá theo đề tài khuấy biển sữa tại đền Angkor Thom, Campuchia
Thần thoại của Ấn Độ về cuộc khuấy biển sữa bắt nguồn từ kinh Vishnu Purana, dù được ghi chép trong hai sử thi Ramayana và Mahabharata. Purana là những văn bản đầu tiên của Ấn Độ kể về các vị thần và những nghi lễ hiến tế Vệ Đà trước đó. Vishnu Purana chứa riêng huyền thoại sáng tạo về việc tìm kiếm Amrita - mật hoa bất tử, nguồn gốc xa xôi từ lễ hiến tế các loài thực vật linh thiêng được gọi là Soma, tức thân cây san hô, có thể tạo ra một loại sữa chua, nhựa cây có thể làm say, được dùng như nước uống trường sinh làm lễ dâng lên các vị thần.
Tạo hình đề tài khuấy biển sữa tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi,Bangkok, Thái Lan
Thần thoại về cuộc khuấy biển sữa được tiếp thu vào Phật giáo Ấn Độ sơ kỳ, sau đó được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng, tất nhiên có khá nhiều tình tiết dị bản. Trong truyền thống y học Tây Tạng, thần thoại này cực kỳ quan trọng, trong đó mô tả Amrita - vị thần y, cùng nhiều cây thuốc và chất độc ra đời như thế nào. Thần thoại cũng làm sáng tỏ nguồn gốc của những biểu tượng cổ xưa, như: con rùa tiên tri (thần quy), vua rắn Vasuki (đại xà thần), voi (bạch tượng bảo), ngựa quý (cáp mã bảo), cây như ý (như ý thụ), viên ngọc (châu bảo), con bò (ngưu), cỏ Myrobalan (kha tử), cỏ Kusha (câu sa thảo/ cỏ gấu); ngọn núi vũ trụ và các vị thần chính của Ấn Độ giáo… tất cả được chuyển hóa vào các biểu tượng của Phật giáo sau này.
Phù điêu thể hiện đề tài khuấy biển sữa, tại đền Angkor Wat, Campuchia
Truyền thuyết bắt đầu từ việc thần Indra, vị vua của Svarga, trong khi cưỡi con voi Airavata, tình cờ gặp và được nhà hiền triết Durvasa dâng tặng chiếc vòng hoa đặc biệt được một nữ thần trao gửi. Thần Indra nhận món quà, nhưng lại vô tình để con voi ném chiếc vòng hoa xuống đất và giẫm nát. Điều này khiến nhà hiền triết nổi giận vì vòng hoa là nơi cư ngụ của Sri (của cải, thịnh vượng/ vận mệnh, số phận) và được xem như là một vật phẩm cúng dường (Prasada). Durvasa nguyền rủa thần Indra và tất cả các chư thiên (Deva) sẽ bị mất đi tất cả quyền năng và vận mệnh.
Trong những trận chiến sau đó, các chư thiên đều bị đánh bại và những á thần (còn gọi là quỷ A tu la, hay Asuras, là những ác thần có nhiều tay, nhiều mắt, thích chiến tranh, có phước trời, nhưng không có đức trời), dẫn đầu bởi Bali dần giành quyền kiểm soát vũ trụ. Các chư thiên mệt mỏi vì cuộc chiến bất tận với các á thần, đã tìm đến vị thần vĩ đại Vishnu để xin được sự bất tử. Vishnu khuyên các chư thiên nên ứng xử khôn khéo với các á thần và cùng họ hợp lực khuấy động đại dương vĩ đại, để tìm kiếm những viên đá quý, thảo mộc và mật hoa bất tử (còn gọi là cam lồ/ Amrita) ẩn sâu bên trong nó. Thần Vishnu còn nói với các chư thiên biết rằng, mình sẽ sắp xếp để chỉ chư thiên mới được sẻ chia những giọt thuốc trường sinh.
Với sự giúp đỡ của thần sáng tạo Brahma và con rắn lớn Vasuki, các chư thiên và á thần đã nhổ bật ngọn núi vĩ đại Mandara làm cây khuấy. Thần Vishnu hiện thân thành con rùa tối cao nổi lên mặt đại dương, trên mai đội ngọn núi Mandara. Từ trên cao, thần Brahma giữ và ấn ngọn núi xuống, còn con rắn lớn Vasuki lượn quanh ngọn núi như một sợi dây quấn. Các chư thiên cùng á thần hợp lực kéo đầu và đuôi rắn Vasuki tới lui để xoay ngọn núi, khuấy động đại dương.
Cuộc khuấy động kéo dài liên tục cả ngàn năm làm đại dương hỗn loạn, nước biển dần biến thành sữa và sau đó thành bơ hoặc ghee trong (một loại bơ trong tinh khiết chiết xuất từ bơ trong truyền thống ẩm thực Ấn độ, Trung Á và cả Đông Nam Á). Những thứ đầu tiên hiện ra từ đại dương là Mặt Trời ngàn tia sáng và Mặt trăng mát mẻ và mà thần Shiva đã lấy làm vật trang trí cho vương miện của mình.
Tiếp theo, con ngựa trắng quý giá Uchaishravas (bạch sắc bảo mã) và con voi trắng sáu ngà Airavata (lục chi bạch tượng) xuất hiện. Chúng được thần Vishnu làm vật cưỡi của mình. Tiếp đến, cây như ý Parijata và viên đá quý màu đỏ rực rỡ Kaustubha xuất hiện. Các vị thần coi cái cây này là thiên đường và Vishnu lấy viên đá quý làm vật trang trí trên ngực. Tiếp đến, nữ thần Lakshmi hiện ra và được thần Vishnu lấy làm vợ. Sau đó, nữ thần rượu say xuất hiện. Các vị thần có thể uống rượu của nữ thần mà không bị ảnh hưởng gì, nhưng các á thần thì không thể uống được.
Khi các vị thần tiếp tục khuấy động mạnh mẽ, thần Halahala, hiện thân của chất độc đen chết người (hắc độc dược) xuất hiện trong hình dạng rực lửa. Kinh hoàng trước vẻ hung dữ của Halahala, các vị thần ngất đi, nhưng thần Brahma cố gắng làm họ tỉnh lại và khuất phục Halahala bắng cách thốt ra âm tiết dài “Hum”, khiến cơ thể đầy chất độc của Halahala nổ tung thành vô số mảnh. Những con rắn Naga tuyên bố các mảnh chất độc này là của riêng chúng, trong khi những miếng độc rải rác trên cơ thể Halahala đã sinh ra đủ loại sinh vật và thực vật có độc.
Tiếp theo, con bò trắng như ý Surabhi nổi lên, mang theo năm sản phẩm dồi dào gồm sữa, sữa đông, bơ, nước tiểu và phân, ban cho chúng sinh những ham muốn. Cuối cùng, Dhanvantari, vị thầy thuốc thần thánh của các vị thần xuất hiện, tay cầm bình Amrita chứa cam lồ bất tử (Amrita). Dhanvantari được cho là đã khám phá ra nền y học Ayurveda của Ấn Độ, sau này trở thành bốn Tantra của hệ thống y tế Tây Tạng.
Các á thần lúc này quay ra gây chiến với các chư thiên để giành quyền sở hữu Amrita, nhưng thần Vishnu trong hóa thân của nữ thần Mohini đầy mê hoặc đã đánh lừa họ để chỉ chia sẻ Amrita cho các chư thiên. Trong số á thần, có Rahu (tức La hầu, vị thần hành tinh bóng tối và chúa tể của bầu trời) nhận ra điều này, nên đã giả dạng chư thiên để lẫn vào uống được Amrita, nhưng đã bị Mặt Trời, Mặt Trăng phát hiện và báo cho thần Vishnu. Thần Vishnu nổi giận, lập tức dùng chiếc đĩa rực lửa (luân xa Sudarshana) ném đứt đầu Rahu. Rahu vì đã uống được Amrita nên không chết, chỉ nuôi hận mãi đuổi theo Mặt Trời, Mặt Trăng trên bầu trời và định kỳ gây ra hiện tượng nhật thực, nguyệt thực.
Tức giận vì các Deva sở hữu toàn bộ Amrita, các Asuras còn tiếp tục gây ra cuộc chiến khốc liệt hơn, nhưng cuối cùng đã bị đánh bại và các chư thiên một lần nữa đảm nhận vị trí xứng đáng của mình trên thiên giới.
Tranh vẽ về đề tài khuấy biển sữa, Ấn Độ
Theo thần thoại khuấy biển sữa, cuộc chiến tranh giành cam lồ bất tử của các vị thần kéo dài trong mười hai ngày và có bốn giọt Amrita rơi xuống các thành phố của Ấn Độ hiện nay là Prayag (Allahabad), Haridwar, Nasik và Ujjain. Bốn thành phố này sẽ luân phiên 3 năm một lần tổ chức lễ hội tôn giáo lớn và cứ sau 12 năm lại tổ chức một đại lễ hội lớn hơn. Điều này bắt nguồn từ quan niệm một ngày của các vị thần bằng 12 năm của con người. Cũng từ thần thoại khuấy biển sữa, núi Mandara nằm ở bang Bihar phía bắc Ấn Độ trở nên linh thiêng đối với những người theo đạo Hindu, đạo Phật, đạo Jain và họ đều đã xây dựng đền thờ tại đây. Phật giáo còn xem núi Mandara là một trong những ngọn núi của tám nghĩa địa lớn.
Thái An (tổng hợp)
Tài liệu tham khảo:
1. Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng, Robert Beer, Phan Cẩm Thượng và Phan Tùng Linh dịch và chú giải, NXB Thế Giới, 2024.
2. Truyền thuyết Rahu trong nghệ thuật kiến trúc Khmer Nam Bộ, ThS. Hứa Sa Ni (Trường Đại học Văn hóa TP.HCM), Website Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, 2024.
3. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt.
Các tin khác
- Những hóa thân của thần Vishnu trong Hindu giáo và liên hệ đến hình ảnh thần Vishnu tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 27/06/2024 01:46
- Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho giới trẻ - 19/05/2024 12:56
- Vái nét về hình ảnh nữ thần Lakshmi tại di tích khảo cổ Cát Tiên - 26/02/2024 03:08
- Vài nét về thần Surya tại Di tích khảo cổ Cát Tiên - 13/11/2023 01:39
- Vài nét về rắn thần Nagar trong văn hóa Ấn Độ và tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 08/11/2023 07:58