Bài viết
Những hóa thân của thần Vishnu trong Hindu giáo và liên hệ đến hình ảnh thần Vishnu tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên
Di tích khảo cổ Cát Tiên chịu ảnh hưởng của Hindu giáo Ấn Độ nên các kiến trúc và biểu tượng thờ của đạo Hindu thể hiện khá phổ biến ở đây, như: Linga - Yoni, tượng Ganesa, Uma, các mảnh vàng dập nổi hoặc khắc chìm hình các vị thần Ấn giáo cũng được thể hiện khá rõ nét.
Như chúng ta đã biết, thần Vishnu là một trong ba vị thần lớn trong đạo Hindu, thể hiện trong bộ ba tam vị nhất thể (Trimurti) trên Linga cùng với thần Brahma và thần Siva. Tuy nhiên, từng vị thần hoặc hóa thân của các vị thần cũng được thể hiện độc lập trên nhiều hiện vật khác nhau.
Thần Visnu được biết đến trong thần thoại Hindu là vị thần bảo vệ (bảo tồn), vị thần cứu thế, che chở và giúp đỡ con người khỏi điều ác. Đạo Hindu dựa vào thuyết luân hồi để đề cao các vị thần của họ. Thần Vishnu trong Hindu giáo đã có 10 lần hóa thân xuống trần gian, trong đó 5 lần hóa thân thành động vật và 5 lần hóa thân thành người. “Năm kiếp hóa thân thành động vật thực tế là năm vị tù trưởng mang tên vật tổ của thị tộc mình đã có công gây dựng cũng như bảo vệ bộ lạc. Còn năm kiếp hóa thân thành người, họ là năm nhân vật truyền thuyết quan trọng của đất nước Ấn Độ cổ đại.” (Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, trang132).
STT | Hóa thân | Sứ mệnh |
1 | Cá (Manu) |
Cứu loài người thoát khỏi nạn hồng thủy |
2 | Rùa (Kuma) |
Tham gia vớt thuốc trường sinh (Amrita) trong cuộc khuấy biển sữa |
3 | Lợn rừng (Vahara) |
Cứu trái đất hay nữ thần đất khỏi chìm đắm trong đại dương |
4 | Người lùn (Vamana) |
Giết quỷ vương Bali |
5 | Nhân sư (Narasimha) |
Giết bạo chúa Harauya Kasipu |
6 | Chiến binh Rama cầm rìu (Parasurama) |
Giải phóng cho thần dân thoát khỏi ách chuyên quyền của tầng lớp vua chúa, chiến sĩ (Kshatriya – Sát lợi đế) |
7 | Hoàng tử Rama |
Kết duyên với công chúa Sita, cầm cây cung đi dự lễ cưới |
8 | Nhân thần Krishna |
Giết bạo chúa Kama rồi lên làm vua xứ Mathura |
9 | Phật thích ca (Buddha) |
Kiếp hóa thân thứ 9 với lòng từ bi và cứu vớt chúng sinh |
10 | Phán quan mình người đầu ngựa (Kalki) |
Hóa thân thứ 10 với nhiệm vụ phán xử trong ngày tận thế |
(nguồn: Điêu khắc thần Vishnu và Siva trong Văn hóa Đông Nam Á - Phan Anh Tú)
Trong những lần hóa thân của thần Vishnu, mỗi lần mang một nhiệm vụ cứu thế khác nhau.
Khi hóa thân thành cá: Phần trên giống Vishnu, phần dưới giống cá, giúp tổ tiên loài người lấy lại kinh Vệ Đà bị quỷ ăn cắp mang xuống đại dương, nơi nhấn chìm trái đất khi thế giới bị trận đại hồng thủy.
Hóa thân thành rùa Kurma: Trong công cuộc khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh, khi núi Manđara (gậy khuấy biển sữa) không xoay chuyển được vì bị lún xuống bùn, thì Vishnu đã hóa thành rùa Kurma lặn xuống đáy biển làm trụ chống đỡ cho núi Manđara tiếp tục xoay chuyển khuấy biển sữa trong vòng 1.000 năm tìm thuốc trường sinh.
Hóa thân thành lợn rừng (Vahara): Có thân người, đầu lợn, với 4 tay. Quỷ Hiranyaksha trộm kinh Vệ Đà khi thần Brahma đang ngủ và dùng sức mạnh của kinh Vệ Đà tạo ra một trận đại hồng thủy nhằm nhấn chìm cả thế giới xuống lòng đại dương. Thần Vishnu đã hóa thành lợn rừng Vahara, đánh một trận dài hàng nghìn năm mới giết được quỷ Hiranyaksha và dùng mõm nâng nữ thần trái đất Bkhu mi - devi đang bị nhấn chìm dưới đại dương lên khỏi mặt nước.
Hóa thân thành Narasimha: Dạng nhân sư, tức là thân người, đầu sư tử với bốn tay (hai tay ở trên và hai tay ở dưới), trông rất dũng mãnh. Mũ và các vật tùy thân của thần giống với thần Vishnu.
Hóa thân thành Vamana: Là người lùn với 4 tay hoặc nhiều hơn. Trên các tay cầm các biểu tượng của Vishnu. Chuyện kể rằng: Lúc bấy giờ trên trần có một Asura tên là Bali (là một Asura hùng mạnh, một vị vua thông minh tài giỏi, rất hào hiệp trượng nghĩa). Với thế lực và sức mạnh của Bali, chư thần lo rằng chẳng mấy chốc Bali sẽ làm chủ cả tam giới, các thần cũng không làm gì được. Chính vì vậy, họ đến khẩn cầu thần Vishnu thu phục Bali.
Vishnu nhận lời, hóa thân thành một tu sĩ nghèo khổ và thấp bé tên là Vamana. Ông đến trước cửa nhà Bali để khất thực. Trông thấy bộ dạng nghèo khổ của Vamana, Bali rộng lượng nói rằng sẽ chấp nhận mọi thứ mà Vamana cầu xin. Vamana nói rằng chỉ xin một mảnh đất bé bằng 3 bước chân của mình. Bali liền đồng ý, sau đó Vamana lập tức hóa thành người khổng lồ, chỉ với một bước chân ông đã bước qua thiên đàng, bước chân thứ 2 ông đã bước qua địa ngục. Bali cúi xuống cho Vamana đặt bước chân thứ 3 lên đầu mình, như một hành động thể hiện sự quy phục. Lúc bấy giờ, Vamana mới hiện thân thành thần Vishnu. Bali buộc phải trả lại quyền lực cai quản thế giới cho các vị thần.
Khi hóa thân thành Parashurama: Chiến binh Rama cầm rìu với hình dạng người đàn ông có râu, hai tay cầm cung và dùi chiến (Parasu). Vishnu trong hóa thân này, thần vừa là một nhà thuyết pháp đồng thời cũng vừa là một chiến binh. Parashurama là người bảo hộ cho những người theo đạo Brahma khỏi đối thủ, thay mặt các vị thần lập lại trật tự trong xã hội, tránh sự chuyên quyền của tầng lớp chiến binh Kshatriya lúc bấy giờ và trả lại ưu thế cho tầng lớp Brahma, vì các thần cho rằng để cho những nhà thuyết pháp cai quản, thế gian sẽ công bằng và bình yên. Parashurama đã 21 lần tiêu diệt các chiến binh Kshatriya để lấy lại uy quyền cho đẳng cấp Brahman.
Hóa thân thành Hoàng tử Rama: Đây là hóa thân thứ 7 của thần Vishnu, chính là Hoàng tử Rama trong sử thi nổi tiếng Ramayana, giáng trần làm nhiệm vụ tiêu diệt quỷ vương Ravana. Rama được miêu tả như một người lính với cây cung lớn, ống đựng mũi tên, trên đầu có vương miện.
Rama là con của vua Ayochya. Rama chiến thắng trong một cuộc thi bắn cung và lấy được nàng Sita xinh đẹp. Nhưng sau đó, Rama bị vua cha đuổi đi, thần vào rừng cùng với người em Laskmana sống cuộc đời khổ hạnh cùng với vợ. Nhưng vợ chàng là nàng Sita xinh đẹp bị quỷ vương Ravana bắt đi. Cuộc hành trình của hai anh em Rama và tướng khỉ Hanuman vượt bao khó khăn mới tiêu diệt Ravana, cứu được nàng Sita. Nhưng sau đó, Rama lại nghe theo lời dèm pha, nghi ngờ tiết hạnh của Sita, nên bắt nàng phải chịu thử lửa. Nàng Sita đã vượt qua thử thách này và được trao trả lại một cách long trọng bởi thần lửa Agni. Cuối cùng Rama lên ngôi, nhưng sau đó trao vương quốc cho các con và trở lại hóa thân là thần Vishnu, quay về thiên giới.
Hóa thân thành nhân thần Krishna: Là một hóa thân thứ 8 của thần Vishnu. Trong hóa thân này, thần Vishnu là đứa con thứ 8 của Devaki (em gái quỷ vương Kamsa). Quỷ vương Kamsa nhận được lời tiên tri sẽ bị một cháu trai giết chết, nên hắn đã lần lượt giết sạch 6 người anh của Krishna. Chỉ còn lại Krishna, trước đó được cho làm con nuôi ở một gia đình nông dân chăn bò nên thoát được.
Ngay từ khi còn bé, Krishna đã có sự thông tuệ, sức mạnh và phép thuật của một vị thần. Quỷ vương Kamsa cũng đã nhiều lần cử tay sai quái thú đến giết nhưng đều bị cậu đánh bại dễ dàng. Krishna rất giỏi thổi sáo, là một đứa trẻ nghịch ngợm, thích chọc phá mọi người, nhưng cũng là một tay phong lưu đa tình, thích chòng ghẹo và tán tỉnh các cô gái, có lối sống vô cùng tự do, phóng khoáng. Tương truyền Krishna có đến cả nghìn bóng hồng trong cuộc đời, nhưng người con gái mà ông yêu nhất chính là nàng Radha. Tình yêu của Krishna và Rahda là một mối tình đẹp trong mắt của người dân Ấn Độ. Cả hai thường dùng những từ ngữ ngọt ngào như “Krishna của đời em”, hay “Radha của lòng anh”... để gọi nhau. Về sau, Krishna giết chết quỷ vương Kamsa đúng như lời Kamsa đã được tiên tri và lên làm vua. Ông xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong sử thi Mahabharata, như một người ủng hộ cho chiến binh Arjuna. Kết thúc kiếp sống thứ 8 này, Krishna đến ngồi trong một khu rừng, một người thợ săn tưởng rằng Krishna là một con hươu, giương cung bắn trúng gót chân - tử huyệt của ông. Krishna từ giã cõi trần và trở về là vị thần Vishnu tối cao.
Krishna được coi là hóa thân quan trọng nhất của thần Vishnu, bởi vị thần này đã “có rất nhiều kỳ tích đấu tranh chống thiên nhiên, chống ác quỷ, chống thần thánh và những lực lượng tàn bạo trong xã hội. Ông còn là một nghệ sĩ tài hoa đã sáng tạo nên những điệu múa dưới trăng thu và những làn sáo trúc huyền diệu”. (Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, trang149 - 150). Ông được những người mục đồng tôn thờ như một vị anh hùng của bộ lạc, là thần mục đồng hồn nhiên chất phác, khác với Rama dòng dõi quân vương, quý tộc. Krishna được đạo Hindu thần thánh hóa và trở thành hóa thân thứ tám, hiện thân cao nhất của thần Vishnu.
Hóa thân thành Đức Phật: Vishnu hóa thân thành thái tử Siddhartha, một nhân vật có thật trong lịch sử Ấn Độ và là người sáng lập ra đạo Phật. Nhiều thế kỉ trôi qua sau cái chết của Siddhartha, gương mặt lịch sử này từ đời thực bước vào thần thoại Ấn Độ là hóa thân của thần Vishnu, sau khi Phật giáo không còn được xem là mối nguy hiểm với Hindu giáo nữa. Đức Phật được công nhận là hóa thân thứ 9 của Vishnu và được tôn thờ trang trọng trong hệ thống thần linh Ấn Độ. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng, hóa thân thứ 9 của thần Vishnu chỉ là trên truyền thuyết, còn thực tế trong nghệ thuật tiếu tượng Ấn Độ không có tượng Vishnu - Buddha nào cả. Việc công nhận hóa thân thứ 9 của thần Vishnu thành Phật Thích ca chỉ để dung hòa mối quan hệ của những bậc minh triết Ấn giáo và lôi kéo những người còn vương vấn Phật giáo về phía Balamnon giáo, sau khi Phật giáo suy tàn trên đất Ấn Độ và Balamon giáo chuyển đổi thành Hindu giáo (vào khoảng sau thế kỷ XII).
Thái tử Siddhartha đang vui sống cùng với vợ con trong nhung lụa, bỗng một ngày ông xin được ra ngoài quan sát đất nước và dân chúng. Tận mắt nhìn thấy sự đau khổ của con người khi trải qua sinh - lão - bệnh - tử, từ đó mà sinh lòng phiền muộn, quyết tâm đi tìm con đường giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ. Siddhartha chia tay vợ con gia quyến, dấn bước vào con đường tu đạo khổ hạnh, cuối cùng đắc đạo dưới gốc cây bồ đề, trở thành Đức Phật Buddha.
Hóa thân thành Kalki: “Theo thần thoại Hindu, chúng ta hiện đang sống trong thời đại Kali Yuga, thời đại đầy đau khổ, bệnh tật và đói khát. Nhưng sau 400.000 năm nữa, thần Vishnu sẽ giáng thế lần cuối cùng trong hóa thân Kalki, vị thần cưỡi trên một con ngựa trắng cùng với thanh gươm đỏ rực hình sao chổi để hủy diệt những tàn tích gian tà, độc ác và uế tạp của thời đại Kali Yuga trước khi thế giới được thiết lập lại thời đại Krita - thời đại hoàng kim xưa của con người, nơi đó con người yêu thương, đùm bọc nhau, không thù hằn, ghen ghét, khinh miệt nhau, mỗi người làm một việc riêng nhưng đều có ý nghĩa như nhau. Hóa thân của thần Vishnu thành Kalki để cứu vớt nhân loại hoàn toàn khỏi trầm luân khổ ải” (Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, trang162 - 163).
Như vậy, theo truyền thuyết Vishnu có tới 10 hóa thân, song trên thực tế Hindu giáo có thể hiện đầy đủ tất cả 10 hóa thân đó hay không, hay chỉ thể hiện vài hóa thân tiêu biểu”? Bởi mỗi hóa thân, thần đại diện cho một giai đoạn lịch sử khác nhau.
Tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên, trong số các hiện vật phát hiện được trong các cuộc khai quật, hình ảnh thần Vishnu được thể hiện trên những mảnh vàng và trên Linga, cùng với thần Brahma và thần Siva, tạo nên bộ ba thần Sáng tạo - Bảo tồn - Hủy diệt. Thần Vishnu cũng được thể hiện độc lập hoặc thể hiện dưới dạng hóa thân là rùa Kuma…
Tại di tích Khảo cổ Cát Tiên hóa thân hình rùa được thể hiện rõ nét nhất, xuất hiện khá phổ biến, từ kỹ thuật khắc chìm cho tới dập nổi. Từ những nét khắc đơn giản, thô sơ hình một con rùa với bốn chân xòe cân xứng, hoặc trên mai rùa vạch những đường thẳng song song, như các hiện vật phát hiện tại kiến trúc 2, 3, 6 (niên đại sớm), cho đến những con rùa đang bơi với kỹ thuật dập nổi tinh xảo làm cho hình ảnh những con rùa hiện lên khá sinh động, như các hiện vật phát hiện ở kiến trúc số 1 (niên đại muộn). Điều này đồng thời thể hiện trình độ phát triển liên tục và ngày càng hoàn thiện về kỹ thuật kim hoàn của chủ nhân di tích Cát Tiên qua mỗi thời kỳ.
Tại Cát Tiên, có một mảnh vàng thể hiện thần Vishnu trong tư thế đứng, hai chân dang rộng, đầu đội mũ, mặt tròn. Trên mặt có hai lõm tròn thể hiện hai mắt. Thần ở trần, ngực nở, vai rộng, hai tay cầm hai vật dài đưa thẳng lên ngang đầu. Vật trên tay phải hơi cong giống cây cung, vật trên tay trái giống lưỡi kiếm. Thân dưới có đóng khố, chân khá nhỏ. Đây có thể là hình ảnh của hoàng tử Rama, hóa thân thứ 7 của thần Vishnu (?)
Ngoài một vài hóa thân trên, tại di tích Khảo cổ Cát Tiên còn có nhiều mảnh vàng thể hiện thần Vishnu thể hiện độc lập. Chúng ta nhận diện được đó là thần Vishnu dựa trên những vật cầm tay của thần như: con ốc, cái đĩa, cây chùy, hoa sen,…
Trên cơ sở tổng hợp lại những hiện vật thể hiện hình ảnh của thần Vishnu và các hóa thân của thần tại di tích Cát Tiên để từ đó chúng ta có cái nhìn tham chiếu đối với các truyền thuyết, câu chuyện về các vị thần Ấn Độ giáo. Để hiểu thêm rằng, trong quá trình truyền đạo, có các dị bản khác nhau hay không, hoặc có những cải biến để phù hợp với văn hóa bản địa, nơi đạo đó du nhập.
Như vậy, trên lý thuyết thần Vishnu có tất cả 10 lần hóa thân, song thông qua các hình ảnh của thần được thể hiện trên các lá vàng, chúng ta thấy rằng, ở Di tích Khảo cổ Cát Tiên, thần Vishnu không thể hiện đầy đủ cả 10 hóa thân mà chỉ thể hiện ở một vài hóa thân. Có thể di tích Cát Tiên chỉ tồn tại trong khoảng thế kỷ VII - X sau công nguyên, ở giai đoạn lịch sử này, thần chỉ được thể hiện ở những dạng thức hóa thân như vậy. Cũng có thể những hiện vật thể hiện những hóa thân khác đã bị mất trong những đợt đào trộm trước đó (?). Song căn cứ trên những hiện vật hiện có, chúng ta cũng phần nào hiểu hơn về vị trí của thần Vishnu trong hệ thống tam thần (Brahma - Vishnu - Siva) và cư dân cổ Cát Tiên đã tôn thờ vị thần này tại các ngôi đền thiêng nơi đây.
Đinh Chung
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học, Báo cáo khoa học khai quật di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), Tp.Hồ Chí Minh, 2002.
- Trung tâm khảo cổ học, Báo cáo kết quả thực hiện dự án “Điều tra cơ bản và khai quật di chỉ khảo cổ học Cát Tiên (Lâm Đồng)” (2002 - 2004), Tp. Hồ Chí Minh, 2004.
- Trung tâm khảo cổ học, Bản vẽ hiện trường - hiện vật di chỉ khảo cổ học Cát Tiên dự án điều tra cơ bản và khai quật di chỉ khảo cổ học Cát Tiên - Lâm Đồng (2002 - 2004), Tp. Hồ Chí Minh, 2004.
- Phan Anh Tú, Điêu khắc thần Vishnu và Siva trong văn hóa Đông Nam Á, NXB ĐHQG Tp.Hồ Chí Minh, 2016.
- Viện Khảo cổ học, Báo cáo khai quật khu di tích Cát Tiên (Lâm Đồng), Hà Nội, 1998.
- Tìm hiểu thần thoại Ấn Độ, Hà Nội,1964.
Tin mới
Các tin khác
- Di tích quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục, trải nghiệm cho giới trẻ - 19/05/2024 12:56
- Vái nét về hình ảnh nữ thần Lakshmi tại di tích khảo cổ Cát Tiên - 26/02/2024 03:08
- Vài nét về thần Surya tại Di tích khảo cổ Cát Tiên - 13/11/2023 01:39
- Vài nét về rắn thần Nagar trong văn hóa Ấn Độ và tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên - 08/11/2023 07:58
- Vài nét về tượng bò thần Nandi phát hiện tại Gò số 4 Di tích quốc gia đặt biệt Khảo cổ Cát Tiên - 07/09/2023 08:07