Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bài viết

Tượng Ganesa tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên

Di tích khảo cổ Cát Tiên thuộc thôn 1 – xã Quảng Ngãi – huyện Cát Tiên – tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện được hàng chục cuộc khai quật lớn nhỏ xuyên suốt từ khi phát hiện cho đến nay. Hơn một ngàn hiện vật đã được phát hiện. Mỗi một hiện vật mang một ý nghĩa, một câu chuyện khác nhau. Trong số những hiện vật đã phát hiện, tôi có ấn tượng rất lạ với tượng thần Ganesa không chỉ bởi hình thức thể hiện bên ngoài lạ mắt mà còn là câu chuyện thú vị về nguồn gốc vị thần này.

Có thể thấy rằng, loại hình tượng phát hiện ở di tích khảo cổ Cát Tiên tương đối ít. Trong số hiện vật đã khai quật tại Cát Tiên, chỉ phát hiện được 3 tượng Ganesa với những kích thước lớn nhỏ khác nhau. Có thể chủ nhân di tích Cát Tiên xưa không chú trọng nhiều đến vấn đề chế tác tượng thờ hay phù điêu mà chỉ tập trung vào việc xây dựng đền thờ và hiện vật bằng các chất liệu khác như vàng, bạc, đá quý,… Hoặc cũng có thể các tượng đã bị thất lạc trong các cuộc đào trộm trước đó?

Tại kiến trúc 1A phát hiện một tượng Ganesa chế tác từ đá sa thạch màu xám xanh được thể hiện ngồi trên bệ hình chữ nhật mỏng. Tượng có kích thước khá nhỏ cao 34cm, rộng 21cm. Trong đó bệ tượng cao 6cm có kích thước 21cm x 14cm, đế hơi vát nghiêng. Niên đại thế kỷ VII – VIII. Tượng được thể hiện với đầu voi tròn, trán nở, hai tai to chảy dài xuống, hai mắt nhỏ, vòi vươn dài vắt sang bên trái. Đầu vòi đặt nhẹ lên chiếc đĩa tròn. Tay trái xòe ra đỡ lấy đĩa. Tay phải thu lại ngang thân, nắm chặt con rắn. Vai tượng nở rộng, bụng to tròn, ngang thân quấn một tấm vải mỏng. Hai chân xếp bằng lòng bàn chân ngửa.

Ganesa kien truc so 1

Ganesa kiến trúc số 1

Một tượng Ganesa khác phát hiện tại kiến trúc đền số 2A (hiện vật này đang sử dụng trưng bày tại nhà trưng bày di tích khảo cổ Cát Tiên). Đây là một bức tượng bằng đá Bazan khá lớn với kích thước: cao 1,20m (trong đó phần đế 0,38m); rộng 0,70m; dày 0,35m. Niên đại: thế kỷ VII – VIII. Tượng được thể hiện trong tư thế ngồi xếp bằng trên một bệ đá có chốt cắm với đầu to, trán hơi gồ, mặt đã bị vỡ. Hai tai to hình cánh quạt buông xuống vai, vòi vắt sang bên trái đã bị gãy. Tay bên phải cầm một bên ngà voi đã bị gãy. Cánh tay mập, bàn tay không được thể hiện rõ ràng. Hai chân xếp bằng tạo thành một khối liền với bệ tượng. Thân tượng tròn với phần bụng to. Tượng được tạo tác khá đơn giản, được thể hiện đang ngồi. Tượng khá gồ ghề, không được mài nhẵn. Xem bức tượng này khiến người xem có cảm giác đây mới chỉ là một phác thảo tượng, chưa được làm hoàn chỉnh? (vì chưa được mài nhẵn như các tượng khác đã phát hiện).

Ganesa kien truc so 2A

Ganesa kiến trúc số 2A

Tại kiến trúc số 8 phát hiện một tượng Ganesa kích thước nhỏ (còn khá nguyên vẹn), cao 17cm, rộng 10,8cm được làm từ đá sa thạch hạt mịn màu xám xanh. Ganesa được tạc trong tư thế ngồi xếp bằng trên bệ hình chữ nhật dẹt. Niên đại thế kỷ VIII – IX. Phần đầu thể hiện đôi tai lớn, vành tai buông nhẹ lên hai bên bờ vai. Đầu tròn có hai u nổi cao, hai mắt tròn với mí mắt cong mềm tạo nên đôi mắt khá sinh động. Ngà ngắn như mới nhú. Có vòi vắt sang bên phải, nhúng phần đầu vòi vào một chiếc tô. Điều này hoàn toàn khác biệt với hai tượng Ganesa đã tìm thấy ở Cát Tiên (Gò 1 và Gò 2). Bởi hai tượng Ganesa phát hiện trước đó hoặc tại các di tích khác đều với phần vòi vắt sang bên trái. Điều này có thể do sự ngẫu hứng của nghệ nhân hoặc do người nghệ nhân thực hiện tạc bức tượng này thuận tay phải? Phần thân để trần thể hiện sự khỏe khoắn, phần thân dưới có mặc sampot.

Ganesa kien truc so 5

Ganesa kiến trúc số 8

Nhìn chung các tượng Ganesa đã phát hiện tại di tich khảo cổ Cát Tiên đều có kích thước tương đối nhỏ, thiên về tả thực thể hiện đang ở tư thế ngồi xếp bằng với hình dáng mập mạp, chắc khỏe, sinh động. Đây đều là loại hình tượng có 2 tay. Ở di tích khảo cổ Cát Tiên không phát hiện loại hình tượng Ganesa đứng, nhiều tay (4 tay, 6 tay hoặc 8 tay) như ở các di tích khác. Tất cả các tượng đều được chế tác trên chất liệu đá, không phát hiện chế tác trên chất liệu khác. … Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng lưu giữ 01 tượng Ganesa bằng đá (dạng tượng đứng, với 4 tay) niên đại thế kỷ VII,Tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh lưu giữ 1 tượng Ganesa (tượng đứng với 6 tay) bằng kim loại, niên đại khá muộn khoảng thế kỷ XVII – XVIII.

Liên quan đến vị thần này, có khá nhiều câu chuyện thú vị kể về Ganesa. Theo thần thoại Ấn Độ, Ganesa là con trai thứ hai của thần Shiva với nữ thần Uma hay còn có tên gọi khác là Parvati, là em trai của thần chiến tranh Skanda. Đặc điểm nhận dạng của vị thần này đó là: luôn thể hiện dưới dạng đầu voi mình người, đôi tai to, chiếc vòi dài và chiếc bụng phệ vì ăn quá nhiều bánh ngọt. Có câu chuyện kể rằng: “Ganesa nguyên là một sự đầu thai của thần Krishma vào bà Parvati vì bà ta buồn do không có con. Bà Parvati bèn mời các vị thiên thần tới để xem đứa con trai của mình. Thế rồi, trong số thiên thần có một vị có một con mắt tai ác, nhìn vào làm cho cái đầu của đứa trẻ rụng đi và chuồn thẳng lên trời. Thần Visnu thương hại nên đã chắp cho nó cái đầu voi.” (1)

Trong thần phả Siva purana lại kể rằng “Nữ thần Parvati dùng lớp da bên ngoài cơ thể mình để sinh ra Ganesa. Một hôm, nữ thần vào phòng tắm và nhờ Ganesa đứng giữ cửa. Khi thần Siva trở về thấy một chàng trai lạ mặt, cản lối đi của mình nên nổi giận chém đứt đầu Ganesa. Khi được nữ thần Parvati cho biết Ganesa là con trai của họ, Siva đã hối hận bèn nhờ thần hộ vệ (Gana) ra ngoài tìm kiếm một người nằm ngủ, đầu quay về hướng bắc để lấy đầu thay cho Ganesa. Gana tìm mãi chỉ gặp được một con voi đang nằm ngủ với tư thế như vậy bèn cắt đầu voi mang về. Siva dùng đầu voi thay cho đầu con trai của mình và ban cho Ganesa đặc ân làm chỉ huy đạo thiên binh Gana của thần”. Ganesa là vị thần đầu tiên trong số các chư thần nhận được vinh dự này. Từ đó, thần còn có một tên gọi khác là Ganapati. Vì thần là con trai của thần Siva nên khi các tín đồ thờ cúng Siva đã không thể tách Ganesa ra được. Các vật cầm tay của thần Ganesa có thể là: cái rìu, chiếc ngà voi, bánh ngọt, cây sáo, cây mía, cây đinh ba, kinh Vệ Đà, hạt chuỗi. Ở Miền Nam Ấn Độ, miếu thờ Ganesa thường được dựng ở bên trái trước ngôi đền thờ thần Siva. Bằng chứng tại cụm kiến trúc 1A di tích khảo cổ Cát Tiên, phía trước đền chính có một đền thờ phụ ở phía bên trái hướng đền chính nhìn ra, tại đền thờ phụ này đã phát hiện một tượng Ganesa bằng đá.

Ganesa là hiện thân của sự thông minh, trí tuệ, sáng tạo, là vị thần may mắn, mang lại hạnh phúc cho mọi người, có quyền ban phát mọi điều tốt lành. Vật cưỡi của thần Ganesa là một con chuột. Cũng có khá nhiều truyền thuyết nói về con vật cưỡi này. Có một truyền thuyết kể rằng: Trong triều, thần Krauncha lớn tiếng với nhà hiền triết Vamadeva, nên nhà hiền triết đã biến thần Krauncha thành một con chuột Mushaka. Con chuột Mushaka vào tu viện của nhà hiền triết Parachara phá phách, Ganesa được mời thuần hóa con chuột Mushaka và nó trở thành vật cưỡi của Ganesa. Có thể chuột là con vật thường lang thang khắp mọi ngõ ngách, nên thông qua hình tượng này người Ấn Độ muốn nói lên ý nghĩa rằng thần Ganesa luôn hiện diện ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, là vị thần gần gũi với tầng lớp bình dân trong xã hội?
(1) (Lê Đình Phụng – Phạm Văn Triệu, Thánh địa Cát Tiên huyền thoại và lịch sử - NXB Khoa học xã hội năm 2019).

Ganesa là vị thần có nguồn gốc từ Ấn Độ, tuy nhiên khi du nhập sang khu vực Đông Nam Á, thần được thờ cúng theo những quan niệm khác nhau của mỗi một dân tộc. Trong phạm vi văn hóa cung đình, thần được xem là người trợ giúp nhà vua trong các cuộc chiến tranh chinh phạt. Còn trong tín ngưỡng dân gian thần lại được dân chúng sùng bái như một vị thần tài lộc, chuyên ban phát phúc lành, tháo gỡ khó khăn mang đến niềm hạnh phúc cho con người trong cuộc sống. Do vậy, Ganesa được đông đảo các tầng lớp bình dân đón nhận và thờ phụng như một vị thần mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho tất cả mọi tầng lớp trong xã hội.

Hiện nay, tại nhà trưng bày di tích khảo cổ Cát Tiên đang trưng bày một trong ba tượng Ganesa đã khai quật được tại Cát Tiên, mời quý khách đến với nhà trưng bày để được tận mắt chiêm ngưỡng bức tượng cùng với những câu chuyện thú vị về vị thần này. Và thông qua những hiện vật đang được trưng bày tại đây, du khách sẽ hiểu hơn về một thời kỳ lịch sử đã từng tồn tại khá lâu trên vùng đất này.

(1) (Lê Đình Phụng – Phạm Văn Triệu, Thánh địa Cát Tiên huyền thoại và lịch sử - NXB Khoa học xã hội năm 2019).

Đinh Chung

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo khai quật di tích khảo cổ Cát Tiên năm 1996
2. Lê Đình Phụng, Phạm Văn Triệu, Thánh địa Cát Tiên huyền thoại và lịch sử; NXB Khoa học Xã hội (2019).
3. Đặng Văn Thắng (chủ biên), Di tích khảo cổ học Cát Tiên nhận diện và phát huy giá trị; NXB ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh (2019).
4. Phan Anh Tú, Điêu khắc thần Vishnu và Siva trong văn hóa Đông Nam Á, NXB ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh (2016).