Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng

Hệ thống kho cơ sở của bảo tàng đóng vai trò rất quan trọng, là nơi bảo quản, lưu giữ hiện vật để phục vụ nghiên cứu, trưng bày và giới thiệu đến công chúng. Bảo tàng Lâm Đồng hiện đang lưu giữ trên 12.000 hiện vật, phần lớn là hiện vật gốc đã được phân loại (gồm khảo cổ, dân tộc, kháng chiến, Đà Lạt xưa, thiên nhiên, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc). Nhận thức rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật, nên từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Lâm Đồng luôn quan tâm chú trọng công tác quản lý khoa học và bảo quản hiện vật, tư liệu.

Cong tac kiem ke bao quan hien vat tai BTLD 1

Cán bộ đang làm việc tại kho bảo quản hiện vật

Công tác quản lý khoa học hiện vật

Hồ sơ hiện vật hoàn chỉnh lưu giữ nhiều thông tin sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu kiểm kê, nghiên cứu, bảo quản và trưng bày. Hiện nay, Bảo tàng đã xây dựng các biểu mẫu của hồ sơ hiện vật, bao gồm: lý lịch hiện vật hoặc phiếu đăng ký hiện vật, biên bản giao nhận (giữa chủ nhân hiện vật với cán bộ sưu tầm), phiếu nhập kho (giữa cán bộ sưu tầm với bộ phận kiểm kê bảo quản). Ngoài ra, còn có những phiếu tra cứu thông tin rất thuận tiện trong việc cung cấp nội dung cho cán bộ nghiên cứu, thuyết minh.

Công tác kiểm kê hiện vật

Công tác kiểm kê bước đầu và chỉnh lý khoa học sơ bộ các hiện vật nhằm thực hiện pháp lý hóa hiện vật tốt hơn. Để hệ thống số lượng hiện vật có trong kho bảo quản, cán bộ kiểm kê phải tiến hành công tác đăng ký hiện vật. Sau khi hiện vật sưu tầm về bảo tàng, Hội đồng khoa học cơ quan tiến hành đánh giá, xem xét giá trị của hiện vật, khả năng phục chế, bảo quản của hiện vật,... Những hiện vật có giá trị về khoa học, lịch sử, đủ điều kiện bảo quản lâu dài phục vụ cho các hoạt động của bảo tàng sẽ được nhập kho cơ sở. Sau đó tiến hành vào sổ kiểm kê để quản lý khoa học. Sau khi vào sổ với các thông tin cơ bản về hiện vật, các cán bộ chuyên môn tiến hành đánh số hiện vật.

Hiện nay, Bảo tàng Lâm Đồng thực hiện đạt 100% việc đăng ký hiện vật vào hệ thống Sổ đăng ký hiện vật (sổ kiểm kê bước đầu) và Sổ phân loại hiện vật, trên cơ sở giải quyết dứt điểm các tồn đọng của thời gian trước, đồng thời đăng ký ngay đối với các hiện vật mới sưu tầm. Sổ phân loại hiện vật theo từng chất liệu đã và đang thực hiện. Hệ thống danh sách hiện vật được lập chi tiết, đầy đủ, đảm bảo các yếu tố khoa học và được lưu giữ cẩn thận, từ danh sách tổng hợp tất cả loại hình hiện vật đến danh sách phân loại theo chất liệu, thuận tiện cho công tác quản lý cũng như triển khai công tác chuyên môn.

Công tác bảo quản hiện vật

Nhằm lưu giữ lâu dài các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ mai sau, công tác bảo quản hiện vật tại bảo tàng Lâm Đồng luôn được chú trọng thực hiện theo đúng nguyên tắc bảo quản của bảo tàng học.

Những bộ sưu tập hiện vật quý luôn được cán bộ bảo quản thường xuyên kiểm tra và theo dõi chặt chẽ. Hằng tuần, cán bộ bảo quản đều phải kiểm tra hệ thống kho, lau tủ, bục, kệ đựng hiện vật để tránh bụi bẩn và mốc bám vào hiện vật. Đặc biệt, thường xuyên duy trì công tác xử lý thuốc khử trùng, chống mối mọt toàn bộ diện tích nhà kho và nhà trưng bày để đảm bảo yêu cầu bảo quản tốt nhất cho hiện vật.

Mỗi kho hiện vật đều được trang bị hệ thống máy hút ẩm. Hệ thống giá, kệ và tủ đựng hiện vật cũng được quan tâm tu sửa và thay mới. Cán bộ bảo quản còn thường xuyên kiểm tra độ an toàn, không để xảy ra tình trạng hư hỏng, mất mát đối với hiện vật. Hằng năm, tiến hành kiểm kê khoa học và thống kê đầy đủ số lượng hiện vật theo đúng quy định.

Cong tac kiem ke bao quan hien vat tai BTLD 2Cán bộ đang làm việc tại kho bảo quản hiện vật

Công tác phục vụ nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền

Lưu giữ hiện vật, tài liệu là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phục vụ trưng bày, tuyên truyền đến công chúng. Trong công tác phối hợp trưng bày tuyên truyền, Phòng Sưu tầm - Quản lý hiện vật đảm nhiệm việc cung cấp danh mục, lựa chọn hình ảnh, tài liệu, hiện vật kèm theo nội dung và làm thủ tục xuất, nhập hiện vật để phục vụ các cuộc trưng bày chuyên đề, triển lãm, cũng như chỉnh lý phần trưng bày cố định. Qua đó, các sưu tập hiện vật quý hiếm, có giá trị của Bảo tàng Lâm Đồng đã lần lượt được giới thiệu với đông đảo công chúng.

Hàng năm, kho bảo quản cũng thường xuyên đón tiếp các nhà khoa hoc, cán bộ nghiên cứu, các nhà báo, phóng viên đến tìm hiểu, ghi hình, giới thiệu di sản văn hóa của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua đó tích cực góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc thông qua các tư liệu, hiện vật bảo tàng.

Bên cạnh đó, cán bộ của phòng cũng tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, viết bài giới thiệu di sản văn hóa đăng trên trang web của đơn vị, ngành và các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh.

Một số vấn đề cần quan tâm hiện nay

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác kiểm kê, bảo quản, quản lý hiện vật của Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn rất khiêm nhường so với yêu cầu phát triển sự nghiệp bảo tàng hiện nay.

Đáng quan tâm là diện tích kho cơ sở còn nhỏ hẹp, chưa đáp ứng quy chuẩn sắp xếp hiện vật theo từng chất liệu, nên chỉ phân loại và sắp xếp thành 3 kho chính (khảo cổ, hiện vật dân tộc, hiên vật tổng hợp). Vào mùa mưa, độ ẩm cao kèm theo biên độ nhiệt lớn giữa ngày và đêm có ảnh hưởng tiêu cực đến hiện vật, nên tuy đã đầu tư một số trang thiết bị bảo quản cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu công tác bảo quản hiện vật. Hiện vật có chất liệu khác nhau vẫn đang được lưu giữ trong kho với môi trường nhiệt độ và độ ẩm như nhau, nên chưa tạo được sự chuyên biệt và chuyên nghiệp trong việc bảo quản. Hiện nay, việc xử lý và phục chế hiện vật được thực hiện ngay trong kho cơ sở, điều này gây khó khăn cho việc đảm bảo môi trường kho ổn định và an toàn cho hiện vật.

Hiện nay, hệ thống tủ, bục, kệ của kho bảo quản hiện vật chưa được đầu tư đồng bộ. Một số tủ gỗ thông được trang bị từ năm 1998 vẫn còn sử dụng để đựng hiện vật gốm sứ khai quật tại các di chỉ Đaị Làng, Lộc Châu, Đạ Đờn… Hiện vật có số lượng nhiều, phải xếp chồng lên nhau, không đảm bảo quy định an toàn hiện vật.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật hiện đại vào công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật còn chưa thực hiện được, chủ yếu vẫn làm thủ công nên tiến độ chậm.

Các sưu tập hiện vật chưa thật phong phú, nhiều giai đoạn còn thiếu hiện vật…, rất cần được nghiên cứu, đầu tư sưu tầm.
Vì vậy, để công tác kiểm kê, bảo quản ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, trong thời gian tới cần tập trung vào một số vấn đề chủ yếu sau:

- Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất hệ thống kho lưu giữ, bảo quản hiện vật, tiến hành cải tạo, mở rộng diện tích kho hiện vật (hướng tới phân loại kho hiện vật theo từng chất liệu), đáp ứng đủ điều kiện về môi trường và trang thiết bị để đảm bảo các yêu cầu bảo quản đối với từng loại chất liệu hiện vật, hình ảnh, tư liệu.

- Xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu hiện vật, từng bước triển khai số hóa, tư liệu hóa hiện vật, hình ảnh, tư liệu một cách khoa học, đầy đủ, chính xác, phục vụ tốt việc khai thác thông tin trong công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền.

- Trong tương lai, cần hoàn thiện tổ chức kho bảo quản một cách khoa học theo hướng kho mở, để vừa đảm bảo an toàn cho hiện vật, vừa phục vụ nghiên cứu, tra cứu hiện vật nhanh chóng, thuận tiện.

- Nhằm kéo dài “tuổi thọ” cho tài liệu, hiện vật, cần tiếp tục làm tốt công tác bảo quản phòng ngừa, triển khai bảo quản trị liệu thường xuyên.

Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ của Bảo tàng Lâm Đồng với tinh thần trách nhiệm cao đã từng bước khắc phục, tìm tòi nghiên cứu những phương pháp phù hợp để bảo quản hiện vật một cách tốt nhất. Qua đó góp phần nâng cao tuổi thọ, đảm bảo số lượng và chất lượng, tính thẩm mỹ cho hiện vật, phục vụ tốt việc tham quan, nghiên cứu, học tập và giáo dục tại bảo tàng.

Hà Thị Hạnh