Vài nét về nhạc cụ truyền thống trong đời sống văn hoá tinh thần người Chu ru
Là một trong ba dân tộc bản địa cư trú lâu đời tại Lâm Đồng, người Chu ru có một nền văn hoá giàu bản sắc, trong đó nhạc cụ truyền thống đã góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hoá tinh thần của họ. Bên cạnh những nét tương đồng với nhạc cụ các dân tộc Tây Nguyên, trong quá trình tiếp biến và giao thoa văn hóa, một số nhạc cụ của người Chu ru đã có sự thay đổi cho phù hợp với nhu cầu sử dụng và đặc điểm cư trú.
Dưới đây xin giới thiệu vài nét về nhạc cụ truyền thống trong đời sống văn hoá tinh thần của người Chu ru:
Hợp âm các nhạc cụ truyền thống của người Chu ru.
1. Chiêng (cêng)
Với người Chu ru, chiêng không đơn thuần là một tài sản quý giá khẳng định sự giàu có của một gia đình mà đây còn là một nhạc cụ thiêng giữ vai trò quan trọng trong các lễ nghi nông nghiệp, lễ bỏ mả hay trong các dịp cưới hỏi, đón khách quý…
Việc đặt tên cho mỗi chiếc chiêng trong bộ chiêng cũng thể hiện đậm nét xã hội mẫu hệ tồn tại lâu đời trong đồng bào Chu ru: Chiếc chiêng có kích thước lớn nhất mang tên Ana (có nghĩa là mẹ) và có âm Tơlơ; chiêng có kích thước trung mang tên Dra (có nghĩa là cô gái) mang âm Dìng và chiếc nhỏ nhất có tên Anà (có nghĩa là con) mang âm Ding.
Chiêng thường được sử dụng theo bộ chiêng hai và ba. Khi trình tấu, người chơi phải thuộc, hiểu từng bài chiêng để không chỉ đánh đúng nhịp điệu, tiết tấu mà còn thể hiện sắc thái tình cảm của mỗi bài. Chiêng ba thường trình tấu theo các làn điệu dân ca, dân vũ nổi tiếng của người Chu ru như Aria, Păgơnăng, T’run pô, Lơgăr taptung, Pró pơl… Chiêng đôi không có bài cụ thể, chủ yếu được diễn tấu theo tâm trạng của người chơi, khi thì nhẹ nhàng sâu lắng như muốn gửi gắm những mong ước tốt đẹp; khi thì rộn rã tưng bừng như lời động viên, thúc giục ý chí vươn lên trong cuộc sống.
2. Trống (sơng gơr)
Người Chu ru có 3 loại trống: trống lớn, trống trung và trống nhỏ. Trống lớn thường dùng trong các dịp lễ hội hoặc đi săn để làm hiệu lệnh hoặc xua đuổi thú; trống trung, trống nhỏ thường trình tấu chung với một số nhạc cụ khác trong sinh hoạt gia đình hay cộng đồng… Thân trống làm từ một thân cây, được đục rỗng bên trong hoặc ghép các thanh gỗ lại với nhau. Mặt trống được bịt bằng da nai hoặc da trâu rừng, căng bởi đinh tre và dây mây.
Hòa chung với các bài chiêng, trống của người Chu ru có vai trò giữ nhịp, làm cho bước nhảy và những đôi tay thêm uyển chuyển, nhịp nhàng theo điệu múa.
3. Kèn bầu (Lơker)
Đây là nhạc cụ hơi tiêu biểu của người Chu ru. Kèn được làm từ vỏ trái bầu và 6 ống nứa gắn lại với nhau bằng sáp ong. Một chiếc kèn bầu đẹp và âm thanh như ý muốn phải được làm từ trái bầu già, tròn đều; các ống nứa có độ già vừa đủ. Đặc biệt, để tạo âm thanh chuẩn, sắc nét đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo léo của nghệ nhân khi chế tác từng chiếc lá đồng mỏng gắn vào mỗi ống nứa.
Kèn bầu có thể độc tấu hoặc hợp tấu cùng chiêng, trống trong các lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà mới, lễ bỏ mả, với các điệu múa truyền thống. Ngoài ra, kèn bầu còn được các thanh niên trong làng dùng để thi tài hay thổ lộ tình cảm. Tiếng kèn nhẹ nhàng, sâu lắng đi vào lòng người, nhắc nhở người già, con trẻ nhớ về quá khứ, về công lao của những người đã khuất trong lễ bỏ mả, hướng tới một tương lai tốt đẹp, bình an, hạnh phúc...
Nghệ nhân chế tác kèn bầu.
4. Sáo (Tơ lía)
Sáo được làm từ ống nứa, có độ dài từ 40 - 70cm, thường có hai loại, gồm sáo 3 lỗ và sáo 2 lỗ. Ống nứa được chọn làm sáo khi gõ phải phát ra tiếng vang và thanh. Sự độc đáo của cây sáo thể hiện qua việc làm đầu thổi. Đầu thổi được gọt vát bên dưới một góc 600 gần sát đốt ống nứa, phía trên vát mỏng sau đó gắn thêm một thanh nứa, hai bên của đốt được khoét lỗ để tạo âm. Cách thổi sáo của người Chu ru khá độc đáo, bởi cách tạo âm thanh, giai điệu nhẹ nhàng qua các đầu ngón tay. Riêng với sáo hai lỗ, người thổi sẽ để đầu thoát âm của sáo vào miệng bình gốm nhỏ, tạo ra âm thanh trầm ấm, biểu lộ tâm trạng, cảm xúc của người chơi qua âm điệu, tiết tấu nhanh hay chậm, rộn rã hay dìu dặt…
5. Đàn tre
Đàn tre của người Chu ru mang dáng dấp cây đàn Cha pi của người Rắc lây. Độc đáo của chiếc đàn tre thể hiện qua bộ dây được làm từ chính phần vỏ ống tre. Nghệ nhân dùng mũi dao sắc nhọn để tách vỏ ống tre thành dây đàn, mỗi sợi dây cách nhau khoảng 1,5 - 3cm và dày khoảng 0,2 - 0,3cm, sau đó dùng các thanh tre chèn vào các đầu của mỗi dây để định âm. Ống tre chính là bộ phận cộng hưởng và nghệ nhân tạo lỗ thoát âm ở hai đầu hoặc giữa thân đàn tùy theo sở thích. Người Chu ru chơi đàn tre mọi lúc mọi nơi. Khi gẩy đàn, người chơi như thả hồn vào giai điệu và âm thanh bập bùng, trầm bổng giữa núi rừng Tây Nguyên.
6. Đàn môi (Rơ dìng)
Đàn môi có thể làm bằng tre hoặc bằng đồng. Đàn môi tre được vót từ một thanh tre già. Nghệ nhân khéo léo, tỉ mỉ tách rời một nan tre dọc ở giữa và vót mỏng sao cho không chạm vào hai bên thân, sau đó gắn sáp ong vào một đầu để tạo độ rung. Sợi dây có thể được gắn ở một hoặc cả hai đầu đàn môi. Khi sử dụng, người chơi sẽ căng đàn môi giữa miệng, tay giật dây cho nan tre rung lên, kết hợp với hơi thở trong khoang miệng để tạo âm thanh. Đàn môi bằng đồng có cấu tạo tương tự đàn môi tre, chỉ khác cách sử dụng là sẽ gảy bằng tay để tạo rung. Đàn môi được diễn tấu theo cảm hứng thể hiện trạng thái cảm xúc bằng âm thanh có lúc giục giã, thánh thót, khi thì dìu dặt, da diết… Trước đây, khi đêm xuống thanh niên Chu ru thường dùng đàn môi đến gần nhà cô gái để thổ lộ tình cảm lứa đôi, ngỏ ý muốn cô gái hỏi mình về làm chồng.
Có thể nói, các nhạc cụ truyền thống của người Chu ru giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng văn hóa các dân tộc bản địa Lâm Đồng nói riêng, bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói chung.
Cùng với sự biến đổi mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội hiện nay, các nhạc cụ truyền thống của người Chu ru đã chịu nhiều tác động, một số hiện nay ít được sử dụng. Tuy nhiên, những nhạc cụ như chiêng, trống, kèn bầu vẫn được người Chu ru sử dụng khá phổ biến trong các buổi sinh hoạt buôn làng, các nhóm, câu lạc bộ hoặc tham gia các liên hoan văn hóa, văn nghệ cùng các dân tộc anh em. Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Bảo tàng Lâm Đồng đang lưu giữ nhiều loại nhạc cụ của các dân tộc khác nhau trong đó có dân tộc Chu ru. Qua đó giúp công chúng, nhất là các thế hệ con em sinh sống tại Lâm Đồng, Tây Nguyên hiểu thêm về những giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc bản địa nơi đây./.
Giáp Thắng
Tin mới
- Mối quan hệ mật thiết giữa công tác nghiên cứu, sưu tầm với trưng bày, tuyên truyền và những vấn đề cần quan tâm hiện nay - 13/05/2021 02:06
- Phát huy những giá trị của Cung Nam Phương Hoàng hậu trong hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay - 13/05/2021 01:56
- Đổi mới công tác trưng bày, tuyên truyền từ cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng - 13/05/2021 01:50
- Công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật Bảo tàng Lâm Đồng - 13/04/2021 13:21
- Đâm trâu - nghi lễ cổ truyền trong lễ hội của các dân tộc bản địa Lâm Đồng - 01/04/2021 12:25
Các tin khác
- Xúc động những kỷ vật của các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày - 16/10/2017 07:03
- Thẻ bài - Cổ vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng - 21/09/2017 02:43
- Đổi mới công tác trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan - 05/01/2017 02:54
- Tìm hiểu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tại Bảo tàng Lâm Đồng - 19/08/2016 02:15
- Độc đáo kiến trúc lò sưởi của cung Nam Phương Hoàng hậu - 25/07/2016 03:49