Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Phát huy những giá trị của Cung Nam Phương Hoàng hậu trong hoạt động của Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay

Đà Lạt đã trở thành một địa danh rất quen thuộc với mọi người Việt Nam và du khách quốc tế. Từ năm 1916, ranh giới của thành phố được xác định về mặt pháp lý khi Hội đồng nhiếp chính triều đình Huế thông báo Dụ thành lập thị tứ Đà Lạt. Nơi đây được thể chế hóa như một thị xã, với những kế hoạch phát triển về một trung tâm hành chính, văn hoá và du lịch lớn của Đông Dương. Đà Lạt ngày càng hấp dẫn đối với nhiều giới, từ chính khách đến thương nhân.

cung Nam Phuong Hoang hau BTLD


Cung Nam Phương Hoàng hậu trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng

Chiếm một vị trí đặc biệt thuận lợi ở Viễn Đông, từ khí hậu, danh lam thắng cảnh, đến những tiềm năng phát triển đã làm cho Đà Lạt trở thành một nơi được ưu đãi, hiếm nơi nào sánh được. Đà Lạt trở thành một nơi nghỉ mát nổi tiếng ở Viễn Đông, được tầng lớp quý tộc, chức sắc triều đình nhà Nguyễn, điền chủ lưa chọn làm nơi nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Hữu Hào (1868 -1937) được người dân Nam kỳ biết đến là một đại điền chủ rất giàu có vùng Gò Công - Tiền Giang, sở hữu hơn 1.000 mẫu ruộng. Ông kết hôn với bà Lê Thị Bình và hạ sinh được 2 cô con gái, trong đó cô em về sau chính là Nam Phương Hoàng hậu. Ông đã chọn Đà Lạt để khai hóa các mảnh đất và xây dựng dinh thự tại đây. Dinh thự Nguyễn Hữu Hào được xây dựng từ những năm 1930, đây cũng là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu được xây dựng đầu tiên tại Đà Lạt còn tồn tại đến ngày nay. Dinh thự được xây dựng trên ngọc đồi cao, nằm giữa rừng thông tĩnh lặng, có vườn hoa, cây cảnh hữu tình, làm nơi nghỉ dưỡng cho gia đình. Về sau, ông Nguyễn Hữu Hào quyết định tặng lại dinh thự cho Nam Phương Hoàng hậu (kết hôn với vua Bảo Đại vào năm 1934). Do đó dinh thự còn được gọi là “Cung Nam Phương Hoàng hậu”.

Cung Nam Phương Hoàng hậu được xây dựng kiên cố, mái lợp ngói, tường xây bằng gạch, đá, dày 40cm đảm bảo ổn định nhiệt độ trong các mùa. Toàn bộ hệ thống cửa, cầu thang, sàn lầu và nhiều vật dụng được làm bằng gỗ. Tòa nhà được thiết kế, xây dựng theo phong cách cổ điển Pháp, kết hợp với họa tiết mang đậm phong cách Á Đông. Tuy dinh thự không đồ sộ, nguy nga như các dinh thự khác tại Đà Lạt (Dinh I, Dinh II, Dinh III hay Dinh Tỉnh trưởng), nhưng nó được đánh giá là công trình kiến trúc có nhiều nét độc đáo. Công trình liền khối với diện tích xây dựng khoảng 500m2, bên trong được thiết kế khá thoáng với nhiều hành lang, hầu hết các phòng đều có ban công để ngắm cảnh, cùng hệ thống cửa vòm, kính màu, làm cho tòa nhà toát lên vẻ sang trọng, lịch lãm.

Đáng chú ý, tầng lầu được xây theo hình ngũ giác vọng nguyệt, với hệ thống mái nhà nhô ra có dầm gỗ đỡ lắp đặt đều đặn và nghệ thuật. Hệ thống ô thông gió có hoa văn trang trí cành đào cách điệu. Sảnh trước có mái hiên rộng để ô tô có thể đưa người vào cửa dinh thự lúc trời mưa. Tầng trệt có các phòng chờ khách, phòng khách, phòng tiệc và phòng bếp. Phòng khách và phòng tiệc được ốp gỗ, tạo cảm giác rất ấm cúng. Cầu kỳ nhất là hệ thống lò sưởi được ốp đá hoa cương nhập từ Italy, điểm nhấn này càng khiến dinh thự toát lên vẻ tráng lệ của dinh thự theo phong cách châu Âu. Tầng lầu gồm có 4 phòng ngủ dành cho Nam Phương Hoàng hậu, Hoàng tử Bảo Long, ông bà Nguyễn Hữu Hào và phòng cho khách ngủ lại. Tầng lầu 2 là một phòng rộng dùng để tổ chức yến tiệc, chiêu đãi khách quý. Cầu thang xoắn bằng gỗ ở phía sau có thiết kế treo độc đáo, không có trụ đỡ mà tựa hẳn vào vách tường.

Dinh thự từng là nơi sinh sống của gia đình Hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại trước khi Dinh III được xây dựng. Sau năm 1947, Hoàng hậu Nam Phương rời Việt Nam sang Pháp sinh sống, từ đó dinh thự bị bỏ hoang một thời gian. Đến chế độ Việt Nam Cộng hòa, nơi này được sử dụng để làm nơi nghỉ mát cho các quan chức. Sau năm 1975, dinh thự này được chọn làm Nhà hữu nghị khi tỉnh Lâm Đồng kết nghĩa với Moldavia thuộc Liên Xô cũ. Đến năm 1999, Bảo tàng Lâm Đồng tiếp quản dinh thự và cho phục dựng và bắt đầu mở cửa đón khách tham quan từ năm 2011.

Cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng Lâm Đồng đã nghiên cứu tài liệu, gặp gỡ các nhà nghiên cứu và phục dựng ngôi biệt thự thành nơi triển lãm sinh động về cuộc sống hằng ngày của gia đình hoàng tộc cuối cùng. Đối với Đà Lạt, Nam Phương Hoàng hậu đã có một giai đoạn gắn bó rất mật thiết và cũng tại nơi đây, hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong bà được biểu lộ một cách rõ ràng nhất. Nam Phương Hoàng hậu được biết đến không chỉ là vị Hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, mà còn là một phụ nữ xinh đẹp và tài năng, có tinh thần dân tộc, tính cách giản dị, hòa đồng. Khi trở thành Hoàng hậu, Nam Phương còn được người đời cảm phục bởi những việc mà bà đã cố gắng thực hiện, như nỗ lực mang lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên Chúa với hoàng tộc nhà Nguyễn vốn theo đạo Phật. Tại Huế vào năm 1945, trong “Tuần lễ Vàng” do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động, Nam Phương Hoàng hậu đã hiến tặng nhiều tài sản của bản thân cho Tổ quốc. Về sau, bà còn được nhắc đến nhiều bởi một lá thư viết tay khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Việt Nam một lần nữa. Thấu hiếu nỗi đau của người dân Việt Nam, trong thư bà đã kêu gọi các bạn hữu của mình ở châu Âu và trên thế giới lên tiếng tố cáo tội ác của thực dân Pháp. Những ngày ở Đà Lạt, bà còn được nhắc nhiều về việc đã cùng chị gái của mình xây dựng lăng mộ cho cha trên một đồi thông gần thác Cam Ly - Đà Lạt.

Giờ đây khi đến thăm cung Nam Phương Hoàng hậu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc còn vẹn nguyên nét cổ kính, mang đậm phong cách châu Âu pha trộn họa tiết phương Đông, mà còn có thể tìm hiểu về vị Hoàng hậu cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.

Sau khi kết hôn, gia đình Hoàng hậu Nam Phương chủ yếu sống ở Huế nên dinh thự này chỉ được sử dụng những khi bà cùng chồng và các con lên Đà Lạt nghỉ dưỡng. Lần cuối cùng người dân địa phương nhìn thấy Hoàng hậu Nam Phương tại tòa dinh thự vào khoảng 3 tháng trước khi bà cùng 5 người con sang Pháp sống vào năm 1947 và không quay lại nữa.

Trải qua thăng trầm lịch sử, tòa dinh thự đã được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, song vẫn giữ nguyên được dáng vẻ ban đầu với nhiều hiện vật gốc. Những năm gần đây, trong quá trình tu sửa, đã phát hiện bên dưới tầng hầm dinh thự có dấu hiệu từng tồn tại một đường hầm. Điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu nghi vấn có lối đi bí mật nối với các dinh thự khác, hoặc đi ra xa khỏi khuôn viên đề phòng khi gặp sự cố bất trắc. Giả thiết này có vẻ hợp lý vì xét về địa lý, cung Nam Phương Hoàng hậu nằm giữa Dinh I và Dinh II trên một đường thẳng với khoảng cách giữa hai dinh chỉ hơn một km.

Hiện nay, việc giới thiệu về cuộc đời của Nam Phương Hoàng hậu gắn với công trình kiến trúc độc đáo này chỉ mới mang tính gợi mở, cần tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, như: thời gian xây dựng và hoàn thành dinh thự, loại hình kiến trúc xây dựng, sinh hoạt của gia đình cua Bảo Đại, Nam Phương Hoàng hậu cùng các con tại dinh thự, thu thập tài liệu liên quan đến Quận công Nguyễn Hữu Hào…
Để đảm bảo công tác bảo tồn và tiếp tục phát huy giá trị của dinh thự, trong thời gian tới, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ thường xuyên quan tâm đến duy tu, bảo dưỡng kiến trúc và chú trọng đổi mới trưng bày, triển lãm cố định và các chuyên đề (như bổ sung hình ảnh về gia đình của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu; hình thức trưng bày hiện vật, hình ảnh cần trang trọng, sống động hơn…), để vừa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan của du khách, vừa giữ được nguyên vẹn giá trị kiến trúc. Đồng thời cần đẩy mạnh nghiên cứu và phát huy giá trị Cung Nam Phương Hoàng hậu cho phù hợp trong tình hình mới.

Nguyễn Thị Lê Thảo