Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Giới thiệu chung

Bảo Tàng Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tàng tổng hợp (khảo cứu địa phương), hiện đang lưu giữ trên 15.000 hiện vật với nhiều sưu tập hiện vật độc đáo và quý hiếm. Nội dung trưng bày của Bảo tàng bao gồm các phần chính như:

Lịch sử hình thành

Ngay sau khi đất nước độc lập thống nhất, công tác bảo tồn, bảo tàng ở Lâm Đồng đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Tháng 8/1975, bộ phận Bảo tồn - Bảo tàng được thành lập, trực thuộc Thành ủy Đà Lạt - với nhiệm vụ sưu tầm, gìn giữ và bảo quản những hiện vật, tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa của tỉnh.

MORE:
Cơ cấu tổ chức Bảo tàng Lâm Đồng

Bảo tàng Lâm Đồng được thành lập từ những ngày đầu giải phóng, trải qua hơn 40 năm hoạt động, các thế hệ cán bộ và nhân viên của bảo tàng luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đội ngũ cán bộ, viên chức không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, luôn đảm đương tốt công tác quản lý và chuyên môn nghiệp vụ.
Sau nhiều lần thay đổi về cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của bảo tàng ngày càng trở nên hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Ngày 28/8/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1680/QĐ-UBND về việc sáp nhập Ban quản lý di tích Cát Tiên vào Bảo tàng Lâm Đồng. Quyết định đã quy định về chức năng nhiệm vụ, bộ máy tổ chức của Bảo tàng Lâm Đồng dựa trên những đặc thù riêng của tỉnh Lâm Đồng.

  • Sơ đồ tổ chức:

MORE:
Những cổ vật cung đình triều Nguyễn biểu trưng cho quyền lực tại Bảo tàng Lâm Đồng

Trong các triều đại phong kiến, quyền lực tối thượng thuộc về nhà vua. Dưới thời nhà Nguyễn, bên cạnh các loại ấn tín biểu trưng cho quyền lực tối cao của vua, còn có những vật dụng được coi là vật biểu trưng cho quyền lực của vua và các thành viên trong hoàng tộc. Đó là các loại áo, mão, kiếm, thẻ bài, hốt ngọc, hay những vật phẩm do nhà vua ban tặng cho người có công lớn trong những dịp trọng đại. Tham quan Bảo tàng Lâm Đồng, công chúng sẽ được thưởng lãm những chiếc thẻ bài của gia đình vua Khải Định và hốt ngọc vua Đồng Khánh ban tặng đại thần Nguyễn Hữu Độ, những cổ vật độc đáo, có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật.

Khai mạc triển lãm và các hoạt động trong chuyến công tác tại Côn Đảo của Bảo tàng Lâm Đồng thành công tốt đẹp

Sau thời gian tích cực chuẩn bị, khai mạc Triển lãm “Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Địa chỉ đỏ trên thành phố hoa” và các hoạt động trong khuôn khổ triển lãm giữa Bảo tàng Lâm Đồng và Trung tâm Bảo tồn Di tích quốc gia Côn Đảo, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thành công tốt đẹp.

Tìm hiểu hình ảnh chim thần Garuda tại Di tích Khảo cổ Cát Tiên

Trong thế giới các vị thần Hindu giáo, mỗi thần sẽ sử dụng một linh vật cưỡi khác nhau: Thần Brahma cưỡi ngỗng Hamsa, thần Shiva cưỡi bò Nandi, thần Vishnu cưỡi chim Garuda, thần Ganesa cưỡi chuột Mushika,… Trong số các linh vật cưỡi của các thần, chim thần Garuda của thần Vishnu khá ấn tượng với hình ảnh độc đáo của cơ thể nửa người nửa chim. Hình ảnh chim thần Garuda cũng đã xuất hiện trên các hiện vật vàng tìm thấy ở Di tích Khảo cổ Cát Tiên.

Chương trình giáo dục, trải nghiệm “Giữ gìn nét văn hóa dân gian trong in tranh Đông Hồ” tại Bảo tàng Lâm Đồng

Thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” theo Quyết định số 1520/QĐ-TTg, ngày 09/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21 tháng 3 năm 2024, Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp cùng Trường THCS-THPT Chi Lăng thực hiện chương trình giáo dục trải nghiệm “Giữ gìn nét văn hóa dân gian trong in tranh Đông Hồ”.

Vài nét về tượng bò thần Nandi phát hiện tại Gò số 4 Di tích quốc gia đặt biệt Khảo cổ Cát Tiên

Tượng Nandi di tích Gò 4, Cát Tiên, thế kỷ VIII – IX. Ảnh: Nguyễn Văn Tiến

Nandi còn được gọi là Nadin (Nandikēśvara), không chỉ là phương tiện (vāhana) của thần Shiva, mà đồng thời còn là thị giả (gana) của Ngài và là vị thần bảo hộ (dvārapāla) của Kailash (Kailāsa), nơi ở của thần Shiva. Sự thần thánh hóa Nadin bắt nguồn từ việc đây là con vật cưỡi của thần Shiva, có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết qua sông, bảo vệ, giữ gìn và dẫn đường cho linh hồn lên thiên đường hòa nhập với đại linh hồn vĩ đại của thế giới cực lạc. Người ta cho rằng, bò thần Nandi ngoài đôi mắt bình thường, còn có con mắt thứ ba ở giữa trán gọi là thiên nhãn, phát ra những phép thuật nhiệm màu và là mối liên kết giữa con người với thần linh. Người ta còn quan niệm Nandi mang lại sự may mắn, bình an và sự giàu có.

Do vậy, hầu như tất cả các ngôi đền thờ thần Shiva đều có những bức tượng đá Nandi đang quỳ, quay mặt về phía ngôi đền chính. Nếu ngôi đền nơi đặt Linga có cửa hướng về phía đông, thì Nandi sẽ nằm ở gần cổng (mandapa), ở vị trí đông nam và quay mặt về hướng tây.

Nandi xuất hiện trong nghệ thuật của các quốc gia cổ đại Đông Nam Á từ khá sớm. Tuy nhiên, có lẽ dưới ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp và sự gần gũi của hình tượng bò, mà các nghệ nhân Đông Nam Á đã tạo tác hình ảnh Nandi một cách khá phóng khoáng, khắc họa chân thực con bò bản địa theo nhiều cách khác nhau.

Tượng thần Nandi được tìm thấy tại hướng đông nam của kiến trúc Gò số 4 Di tích khảo cổ Cát Tiên, ký hiệu 20.CT.G4.H1.L2.Da 243. Hiện vật Nandi trong tư thế nằm phục, đầu hơi cúi xuống, toàn thân dài 34,5cm, cao 16,5cm, ngang thân 11cm, bị vỡ một phần nhỏ ở tai và sừng. Một cặp sừng nhỏ nhô lên giữa đôi tai hình oval nổi rõ, mắt hình lá có hai mí, mũi, miệng, đều được tạo tác bằng các nét khắc chìm. Phần trán hơi gờ nổi nhẹ, nhưng không tạo rõ hình dạng con mắt thứ ba. Cái u nhô cao, biểu tượng của đỉnh Kailāsa được làm nổi rõ trên tấm lưng phẳng. Cái đuôi nhỏ ngoắc sang một bên mông. Hai chân trước co khuỵu. Hai chân sau gập, đưa về phía trước. Phần móng có thể thấy rõ ràng trên bốn chân.
Bo than Nandi 2Bo than Nandi 3

Bò Nandi trên hiện vật vàng, phát hiện tại Di tích khảo cổ Cát Tiên, thế kỷ VIII - IX. Ảnh: Nguyễn Đăng Toàn

Nandi xuất hiện trong văn hóa Óc Eo (thế kỷ IV - VI), giai đoạn Phù Nam dưới dạng tượng tròn trên các nhẫn vàng và một số ít tượng đất nung nhỏ. Trong giai đoạn Chân Lạp, tượng tròn Nandi khá hiếm hoi. Ví dụ điển hình là bức tượng Nandi Preah Koh, ký hiệu Ka.1584 của Bảo tàng quốc gia Cambodia, Phnom Penh. Con bò trong tư thế quỳ trên bệ hình chữ nhật dẹt, được tả thực sinh động với nét tròn trịa, tươi tắn. Mắt, mũi và miệng đều nổi rõ với những nét khắc sâu, con mắt thứ ba hiện rõ giữa trán. Một vòng với nhiều chiếc lục lạc đeo quanh cổ bò. Thân bò tròn lẵn với các thớ thịt rõ ràng và u lưng nổi cao. Đuôi, móng đều được khắc họa chi tiết.

Bo than Nandi 4 Tượng Nandi Preah Koh, thế kỷ VII, Bảo tàng quốc gia Campuchia, ký hiệu Ka.1584. Ảnh: metmuseum.org

Nandi cũng là chủ đề phổ biến trong điêu khắc Champa, từ thế kỷ VIII đến thế kỷ X và muộn hơn, dưới dạng tượng tròn hay phù điêu trên các tấm trán cửa. Hầu hết, chúng khắc họa chân thực con bò bản địa trong tư thế phủ phục với nét hiền lành, dáng tròn trịa, đôi sừng ngắn, bứu cổ mềm mại và cục u nổi cao. Điển hình trong số tượng tròn là các bức Nandi Quảng Điền và Kim Đâu (phong cách cổ Mỹ Sơn E1, thế kỷ VIII - IX), Trà Kiệu, Hạ Nông Trung, Hương Quế… (phong cách Trà Kiệu và Khương Mỹ, thế kỷ X), Thủ Thiện (phong cách Chánh Lộ thế kỷ XI)…

Trong so sánh, bức tượng Nandi của Cát Tiên về tổng thể, có tư thế khá giống với các bức tượng tròn của Champa và Chân Lạp. Kích thước tượng nhỏ và tạo hình có phần hơi thô của tượng Nandi Cát Tiên có vẻ gần với các bức Nandi của Quảng Điền và Kim Đâu, phong cách sớm thế kỷ VIII - IX. Các đặc điểm nổi bậc của phong cách này là kích thước tượng nhỏ, thần được thể hiện trong tư thế nằm thảnh thơi chân gập, đầu hơi cuối xuống, một số bộ phân cơ thể như đuôi, chân guốc và bộ phận sinh dục thể hiện rất hiện thực, chi tiết và sống động.

Bo than Nandi 5Bo than Nandi 6

Nandi Quảng Điền và Kim Đâu (thế kỷ VIII - IX). Ảnh Yến Thọ, Trung tâm quản lý di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị

Do vậy, niên đại của tượng thần Nandi Cát Tiên có thể xếp vào khoảng thế kỷ VIII - IX. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy là tạo hình Nandi của Cát Tiên khá cứng và ít tinh tế hơn, nhất là chi tiết quan trọng như con mắt thứ ba không được nhấn mạnh, cũng không đeo vòng lục lạc. Các chi tiết u, ngấn cổ, mắt, tai, sừng, móng, cũng như chuyển động của các bó cơ không quá nhấn mạnh. Đây có thể là một đặc điểm địa phương của các tượng tròn ở di tích khảo cổ Cát Tiên. Các tượng tròn ở Cát Tiên đã phát hiện đến nay, bao gồm ba bức Ganesha (gò 1, gò 2 và gò 8), một bức Durga (gò 8) và một bức Nandi (gò 4), đểu có phong cách gần gũi với các bức tượng Chân Lạp và Champa thế kỷ VII - IX. Tuy nhiên, tạo hình của chúng đều đơn giản và ít tinh tế (tượng không được mài nhẵn). Chất liệu các bức điêu khắc cũng không được lựa chọn kỹ càng và có vẻ chúng được tạo bởi một nhóm thợ địa phương theo phong cách giản dị.

Nguyễn Văn Tiến - Đặng Ngọc Kính