Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bài viết

Gặp mặt đại biểu cựu tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

Sáng ngày 15/5/2018, tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh phối hợp cùng Bảo tàng Lâm Đồng tổ chức cuộc gặp mặt đại biểu cựu tù chính trị thiếu nhi năm xưa. Đây là hoạt động bước đầu giữa hai bảo tàng nhằm tăng cường công tác phối hợp nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Gap go cuu tu NLTN 2018 1

Quang cảnh buổi gặp mặt đại biểu cựu tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (Ảnh: Giáp Thắng)

Tham dự cuộc gặp mặt, đại biểu cựu tù chính trị thiếu nhi có Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Tùng Chinh, Trưởng Ban liên lạc; đồng chí Huỳnh Đức Hòa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Thanh Minh; đồng chí Huỳnh Yên Trầm My, Thư ký Ban liên lạc, cùng đại biểu cựu tù thiếu nhi đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Lạt; đại diện lãnh đạo bảo tàng có đồng chí Lưu Phước Hiệp, Phó giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, đồng chí Phan Nhàn, Phó giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, cùng các đồng chí thuộc các phòng chuyên môn của hai Bảo tàng.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về chứng tích tội ác và hậu quả chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam. Nhận thấy Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 - 1973) là một di tích rất đặc biệt trong hệ thống các di tích nhà tù do chế độ cũ dựng nên ở miền Nam trước năm 1975, tuy tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng đã ghi đậm dấu ấn tội ác của một nhà tù đế quốc dành cho thiếu nhi yêu nước. Đồng thời, tại đây thể hiện sáng ngời phẩm chất anh hùng của tập thể tù chính trị thiếu nhi, những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã không tiếc tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người để sẵn sàng dâng hiến cho Tổ quốc. Mong muốn của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là được gặp gỡ các cựu tù thiếu nhi, bước đầu tiếp cận các vấn đề liên quan đến Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, để từng bước lập kế hoạch cụ thể phối hợp nghiên cứu, khai thác, sưu tầm và giới thiệu di tích đến đông đảo công chúng trong thời gian tới.

ap go cuu tu NLTN 2018 2

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm trước biểu tượng của di tích (Ảnh: Giáp Thắng)

Cuộc gặp mặt diễn ra trong không khí ấm áp, chân tình, đầy tinh thần trách nhiệm của các đại biểu. Các đại biểu cựu tù thiếu nhi năm xưa xúc động ôn lại những kỷ niệm một thời lao tù không thể nào quên, thân tình trao đổi một số vấn đề mà những người làm công tác bảo tàng rất quan tâm, như: sự khác biệt giữa Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt với các nhà lao lúc bấy giờ ở miền Nam; có hay không sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong các hoạt động đấu tranh tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt; vai trò xung kích của tù nhân tuổi trẻ qua các phong trào đấu tranh trong các nhà lao của địch ở miền Nam thời bấy giờ; quá trình giác ngộ cách mạng, tiếp thu sự giáo dục, kinh nghiệm đấu tranh từ các thế hệ cha anh đi trước của tù nhân thiếu nhi; những chiến công, thành tích xuất sắc của tù nhân thiếu nhi trước khi bị địch bắt, đưa về giam giữ tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt…

Buổi gặp mặt đã thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm, cảm xúc tự hào về truyền thống anh hùng, bất khuất của tập thể tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Lãnh đạo hai bảo tàng đã trân trọng cảm ơn các đại biểu cựu tù chính trị thiếu nhi năm xưa, xác định trách nhiệm giới thiệu đến đông đảo công chúng về Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, đặc biệt góp phần tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, ý thức chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới.

Thái An