Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bài viết

Công tác thuyết minh tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt và những vấn đề cần quan tâm hiện nay

Trên hành trình tham quan du lịch văn hoá tại Đà Lạt - Lâm Đồng, bên cạnh nhiều điểm tham quan nổi tiếng, thì Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt do Bảo tàng Lâm Đồng trực tiếp quản lý là một điểm dừng chân cho du khách muốn tìm hiểu, khám phá về một nhà tù “độc nhất vô nhị” tại Việt Nam.

cong tac thuyet minh tai nltn lehien

Một chuyến tham quan Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt
của tuổi trẻ Việt Nam trong hành trình đến với địa chỉ đỏ.

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 - 1973) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào ngày 22/6/2009. Năm 2016, sau khi hoàn thành dự án tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Sở Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch Lâm Đồng chính thức giao Bảo tàng Lâm Đồng nhiệm vụ quản lý và phát huy giá trị di tích. Trong những năm qua, Bảo tàng Lâm Đồng đã chủ động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của di tích đến với công chúng bằng nhiều kênh thông tin. Bên cạnh đó, đội ngũ thuyết minh viên tại điểm cũng đã đóng vai trò tích cực, là cầu nối giúp du khách nghiên cứu, tìm hiểu về di tích.

Công tác thuyết minh tại di tích là trình bày, diễn giải những nội dung ẩn chứa bên trong những sự kiện, hiện vật, hình ảnh liên quan đến di tích. Vì vậy, Bảo tàng Lâm Đồng đã chú trọng bố trí thuyết minh viên chuyên nghiệp để phát huy hiệu quả nhất phần trưng bày giới thiệu của di tích. Hiện nay, tại Di tích quốc gia Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt có 2 thuyết minh viên, trình độ đại học. Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của khách tham quan, đòi hỏi thuyết minh viên phải không ngừng nỗ lực phấn đấu và tinh thần sẵn sàng phục vụ, cố gắng giải đáp các vấn đề liên quan đến nội dung trưng bày, giới thiệu. Do đó, thuyết minh viên tại di tích luôn đặt lên trên hết sự yêu nghề và say mê với công việc. Phấn đấu trở thành người thuyết minh chuyên nghiệp là cả một quá trình miệt mài học tập, rèn luyện không ngừng.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, thuyết minh, lãnh đạo đơn vị đã thường xuyên duy trì tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để đội ngũ thuyết minh viên rèn luyện tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng công tác về nội dung, phong cách, kỹ năng xử lý tình huống, trao đổi thêm về các thông tin liên quan đến di tích hoặc các lĩnh vực có liên quan mà du khách thường quan tâm tìm hiểu.

Để có sức thuyết phục, hấp dẫn khi truyền đạt thông tin tới du khách, phần nội dung bài thuyết minh, giới thiệu về di tích được yêu cầu xây dựng có bố cục rõ ràng, mạch lạc, thống nhất về mặt kiến thức. Mỗi bài thuyết minh phải phù hợp với tâm lý, trình độ, lứa tuổi, nhằm thổi hồn vào nội dung thuyết minh, vào những kỷ vật, không gian trưng bày, mới tạo được cảm xúc, ấn tượng tích cực với khách tham quan. Thuyết minh di tích đã biết lồng ghép những chuyện kể sinh động của các cựu tù thiếu nhi về quá trình tham gia cách mạng, các trận đánh gan dạ, mưu trí, về cuộc sống lao tù với bao thử thách khắc nghiệt mà thắm đẫm tình đồng chí, đồng đội…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thuyết minh tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vẫn còn một số hạn chế: Lực lượng thuyết minh viên mỏng, lại chưa qua đào tạo về bảo tàng hoặc hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch, chủ yếu thuyết minh dựa vào kiến thức và kinh nghiệm làm việc tại đơn vị. Thuyết minh viên thiếu kinh nghiệm thực tế, chưa am hiểu thực tiễn về hệ thống nhà tù trong cả nước, nên thiếu tự tin khi truyền tải thông tin cho khách tham quan. Công tác gặp gỡ cựu tù, sưu tầm hiện vật, thu thập thông tin, tư liệu liên quan cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt còn hạn chế. Các phương tiện, thiết bị hỗ trợ thuyết minh tại di tích chưa được đầu tư, tài liệu hỗ trợ thuyết minh cũng chưa thực sự đa dạng, phong phú…

Để phát huy những giá trị của Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ tiếp tục quan tâm công tác tiếp xúc, gặp gỡ cựu tù để sưu tầm hiện vật, thu thập tư liệu, khai thác các câu chuyện kể về cựu tù để bổ sung làm phong phú nội dung trưng bày, thuyết minh. Thường xuyên chỉnh lý, bổ sung, giúp khách tham quan tìm hiểu một cách có hệ thống, tạo được ấn tượng về sự chuyên nghiệp trong trưng bày và sự trang nghiêm của di tích. Thường xuyên tổ chức, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các sinh hoạt chính trị ý nghĩa như: sinh hoạt về nguồn, tọa đàm truyền thống, gặp gỡ giao lưu với các cựu tù… Tạo điều kiện để đội ngũ thuyết minh viên được tham gia các lớp đào tạo, bồi d¬ưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, giúp cập nhật kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng thuyết minh viên. Từng bước đầu tư trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để tăng cường hiệu quả công tác thuyết minh nhằm thu hút đông đảo công chúng đến với di tích.

Lê Thị Hiền