Bài viết
Một địa chỉ đỏ với những tình cảm tốt đẹp của khách tham quan
Sau hơn một năm tiếp nhận quản lý và phát huy giá trị Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, Bảo tàng Lâm Đồng đã tổ chức đón tiếp trên 15.000 lượt khách tham quan, đồng thời phối hợp tổ chức nhiều sinh hoạt chính trị cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Nỗ lực của tập thể cán bộ, viên chức Bảo tàng Lâm Đồng, nhất là những người trực tiếp công tác tại Di tích đã nhận được nhiều tình cảm tốt đẹp và những đánh giá tích cực của đông đảo khách đến tham quan.
Học viên lớp Học kỳ quân đội tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Có mặt từ những ngày đầu mở cửa Di tích trong tâm trạng hồ hởi vì “tôi đã đọc nhiều tư liệu về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, mà nay mới được đến tận nơi” như lời tâm sự, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Đắc Diệu Hương (đến từ thành phố Hồ Chí Minh) là người đầu tiên ghi vào Sổ cảm tưởng. Hết sức tâm đắc với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích, cô bày tỏ mong muốn: “Rất mong báo chí giới thiệu nhiều hơn để các đoàn học sinh đến tham quan, điều này sẽ có ý nghĩa giáo dục rất tốt đối với các em” (25/6/2016).
Từng là tù chính trị bị giam giữ ở Hỏa Lò trong kháng chiến chống Pháp, nguyên Phó ban thường trực Ban liên lạc tù cách mạng Hỏa Lò, Đại tá Công an, Luật sư Trần Văn (đến từ Hà Nội) trân trọng ghi “Lời cảm ơn” bày tỏ sự tri ân sâu sắc với tập thể cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt: “Nhờ tập thể cựu tù cách mạng thiếu nhi Đà Lạt đề xuất và được Chủ tịch nước quyết định phong Tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân mà hàng loạt tập thể cựu tù chính trị các nhà tù khác lần lượt được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Xin cảm ơn các anh hùng thiếu nhi cách mạng của toàn miền Nam Việt Nam về thành tích này. Năm 2013 tập thể tù cách mạng từng bị tù đày ở Hỏa Lò - Hà Nội đã nhận danh hiệu cao quý đó” (22/8/2016).
Khi đến thăm Di tích, rất nhiều khách tham quan chưa từng biết, chưa từng nghe đến nơi này, nên khi được đội ngũ thuyết minh viên giới thiệu về sự ra đời, quá trình tồn tại và tan rã của nhà lao, tất cả mọi người đều không khỏi xúc động xen lẫn sự thán phục. Bởi chỉ trong khoảng thời gian không dài, nơi đây đã chứng kiến bao sự thật bi thương nhưng rất đỗi hào hùng, ngời sáng tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi.
Lật giở từng trang viết đang ngày một dày thêm của Sổ cảm tưởng, được đặt trang trọng trong Phòng truyền thống của Di tích, mới cảm nhận hết những tình cảm trân trọng, thân thương của khách tham quan, nhất là của các bạn trẻ dành cho nơi này.
Dưới đây là những dòng cảm tưởng chân thành của các bạn trẻ, nhất là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên trong và ngoài tỉnh sau khi tham quan Di tích:
- “Những con người trẻ tuổi, nhiệt huyết, kiên trung… Tuy nhỏ bé nhưng mang trong người trái tim sắt đá đã được rèn giũa bởi phong ba mưa máu gió tanh… những thứ đáng ra không nên và không được xảy ra với độ tuổi thiếu nhi này.
Cảm ơn tất cả!!! Tôi sẽ luôn mang trong mình ý chí này dù thế nào đi nữa…” (26/10/2016, Cao Tố Tố - sinh viên Đại học Công nghiệp TpHCM).
- “Đến đây rồi em thấy yêu đất nước và con người Việt Nam thân yêu nhiều hơn. Cựu tù nhân ở đây tuy chỉ bằng tuổi chúng em bây giờ, nhưng họ đã làm được những việc mà học sinh chúng em chưa từng nghĩ đến. Cuộc sống của họ luôn bị giặc kiểm soát, luôn bị tra tấn hành hạ dã man, nhưng họ luôn dũng cảm, đấu tranh chống lại giặc để bảo vệ Tổ quốc, họ bất chấp tất cả, kể cả mạng sống của mình để cho chúng em một cuộc sống hôm nay. Em rất tự hào về con người Việt Nam” (08/9/2016, Nguyễn Thị Như Ngọc, Nguyễn Anh Thư, Phan Ly Na, Nguyễn Thị Kim Thủy - học sinh Trường PTTH Chi Lăng - Đà Lạt).
- “Buổi tham quan nhà tù thiếu nhi để lại nhiều xúc động trong lòng với những cảnh tượng tra tấn tù nhân dã man, tàn bạo gợi lên sự đau thương mất mát, hơn nữa là sự biết ơn những hy sinh to lớn của các cô chú đã hy sinh thân mình để giành lại tự do, độc lập, hạnh phúc” (02/4/2017, thay mặt học sinh trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Rịa - Vũng Tàu: Phạm Trần Phương Hiền).
- “Tôi cảm thấy xúc động xen lẫn tự hào khi nhận thấy những sự cống hiến và hy sinh của những thế hệ người Việt Nam đi trước, đặc biệt là thanh thiếu nhi. Tôi tự nhủ bản thân mình phải sống trách nhiệm hơn để xứng đáng với công lao của những người đi trước để tôi và lớp lớp các người Việt trẻ mai sau có được sự bình yên và hạnh phúc này” (16/4/2017, Võ thị Thanh Trúc & Trần Thị Xuân Phương).
- “Sinh hoạt chủ điểm Chi đoàn Nhà thiếu nhi thành phố Hồ Chí Minh chọn địa điểm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt là nơi tham quan, học tập và tìm hiểu lịch sử. Là những người làm công tác thiếu nhi, không có nỗi đau đớn nào có thể chia sẻ với những khó khăn, gian lao vất vả mà những người tù thiếu nhi đã trải qua. Đồng cảm với những đau đớn về thể xác và tinh thần càng làm cho các bạn đoàn viên thanh niên làm công tác thiếu nhi như chúng cháu vững tin hơn nữa trong công tác ươm mầm, chắp cánh tuổi thơ tự như bản thân mỗi đoàn viên thanh niên trong chi đoàn phải sống hết mình và cống hiến tuổi trẻ vì đàn em thân yêu. Hy vọng sẽ có dịp để giới thiệu và đưa các em thiếu nhi đến tìm hiểu và học tập tại di tích lịch sử đầy ý nghĩa này để hình thành tình yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ” (20/4/2017, Chi đoàn Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh).
- “ Tâm đắc với hai câu thơ:
“Căm hờn luyện một con tim
Lửa nung luyện thép, xà lim luyện người”
Có một thế hệ trẻ đã phấn đấu cho Tổ quốc, thế hệ trẻ hôm nay của Bệnh viện Y học cổ truyền TP.Hồ Chí Minh quyết tâm đi theo, rèn luyện bản thân, góp cho nước nhà, vì công cuộc đổi mới của đất nước” (23/4/2017, BS Trịnh Đức Vinh - Bệnh viện Y học cổ truyền TP.Hồ Chí Minh).
- “Tập thể Khoa Di sản Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã đến thăm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, với rất nhiều câu chuyện và cảm xúc khác nhau, thật dã man. Chúng em cảm thấy rất khâm phục nghị lực, ý chí của các anh chị ngày xưa. Rất xúc động khi nghe những câu chuyện kể và khung cảnh tra tấn tàn bạo.
Chị hướng dẫn viên rất nhiệt tình và tình cảm đã mang lại cho chúng em rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Hẹn một ngày không xa chúng em sẽ quay lại. Cảm ơn các anh chị!” (05/5/2017).
- “Đoàn huyện Hàm Thuận Bắc đã tham quan nhà lao thiếu nhi. Qua tham quan và theo sự thuyết trình của cô hướng dẫn viên, chúng tôi thật sự khâm phục ý chí kiên cường của thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng nói riêng và thiếu nhi Việt Nam nói chung. Từ đó đã cho ta một lịch sử phải noi theo” (22/5/2017, thay mặt đoàn: Nguyễn Thị Bích Liễu).
…
Nhiều bạn trẻ phương xa trong hành trình khám phá Đà Lạt, bất chợt tình cờ phát hiện và ghé vào Di tích cũng chỉ vì tò mò muốn biết “Nhà lao thiếu nhi là thế nào? Tại sao lại có nơi giam giữ thiếu nhi? Có phải đây là nhà điều trị bệnh lao cho thiếu nhi?...”. Bởi chiến tranh đã lùi xa, mọi người dường như đang tất bật với cuộc sống hiện tại bao bộn bề…
Đến đây rồi mới giật mình, thấu cảm nhiều điều không thể lãng quên. Một bạn trẻ “thay mặt cho nhóm thanh niên Bắc Bình - Bình Thuận” như lời viết, tiếp tục bày tỏ: “Chúng tôi được tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, được tận mắt chứng kiến những xà lim, phòng giam… với những cảm xúc khác nhau, nhưng chúng tôi thật sự tự hào về những tinh thần thép - những con tim thép (mặc dầu chỉ là những cảnh tái hiện qua hình ảnh, tượng…), nhưng vẫn không sao nói lên được cảm xúc của mình trong lúc này.
Mong rằng nơi ghi dấu lịch sử sẽ còn mãi và được giữ gìn đến mai sau để các bạn trẻ chúng tôi được biết và yêu hơn đất nước mình - con người mình - con người Việt Nam, đất nước Việt Nam” (01/02/2017).
Đoàn viên thanh niên được thuyết minh viên giới thiệu về sự kiện đấu tranh "Mổ bụng chống chào cờ" diễn ra tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Nhiều cảm xúc chân thành được thổ lộ từ sau sự tình cờ thú vị và bổ ích:
- “Đi một vòng xung quanh nơi đây. Vốn dĩ là một sự nhầm lẫn giữa nhà Văn hóa thiếu nhi và Nhà lao thiếu nhi, nhưng sau khi được tham quan và nghe thuyết minh về những con người anh dũng đã chiến đấu với quân địch tàn ác dù chỉ là những người ở độ tuổi thiếu niên. Những gì họ đã trải qua, những gì họ đã làm được, chúng con thầm tưởng quá đau đớn, quá can đảm. Thầm ngưỡng mộ những con người của Tổ quốc, những người con của Bác Hồ!
Một buổi tham quan thú vị! Cảm ơn những thế hệ trước đã cho chúng con một cuộc sống tốt đẹp như hôm nay. Để con được sống và ôn lại những nấc lịch sử hào hùng của dân tộc!
Đời đời nhớ ơn!” (11/02/2017, Đoàn Thị Hoàng Anh, Kim Xuân, Nguyễn Thị Bảo Hân, Nguyễn Quế Anh).
- “Tình cờ chạy trên đường Hồ Xuân Hương thì thấy địa danh này. Nhà lao? Thiếu nhi? Thế là thế nào? Trước đây mình chưa từng nghe qua dù đã đi Đà Lạt nhiều lần, thế là quyết định ghé thăm.
Chắc chắn sẽ rất xúc động khi bạn chứng kiến những cảnh dựng lại tại nơi này. Không bao giờ nghĩ lại có một nhà tù như thế này. Đi xem để biết lịch sử Việt Nam anh hùng như thế nào, biết ơn những người đi trước cố gắng gìn giữ để cho cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay.
NHẮN GỬI NHỮNG BẠN TRẺ: Thay vì đi check in những nơi đẹp đẽ của Đà Lạt, hãy bỏ 30 phút tham quan nơi này!” (11/02/2017, Bùi Tuấn Ân).
- “Tôi đếm tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt ban đầu chỉ là một sự ngẫu hứng. Tuy nhiên khi vào đây rồi thì tôi thật sự tin là mình đã đúng. Khi nghe chị giới thiệu về lịch sử nhà tù tôi thật sốc và còn nổi cả da gà. Thật thương các bác đã từng phải chịu những quãng thời gian kinh khủng đến vậy” (06/5/2017, Cao Thảo Vy -Vũng Tàu).
- “Tôi đã khóc vì hiểu được phần nào nỗi đau khắc nghiệt của những tù nhân nhỏ tuổi sống trại lao này.
Ước gì thanh thiếu niên Việt Nam yêu Tổ quốc và sống có lý tưởng cao đẹp để xứng đáng với sự hy sinh cao cả, tuyệt vời này” (07/5/2017, Lưu Thị Xuân Lan -Phan Thiết).
- “Vô tình đi qua thấy một cái tên lạ: Nhà lao thiếu nhi. Đọc cũng thấy thắc mắc nên nhóm em quyết định vào tham quan. Đi đến đâu người em ớn lạnh đến đó vì trước giờ chỉ nghe qua sách vở chứ có được nhìn bao giờ đâu, thấy sao mà tra tấn ác quá. Tinh thần của các chiến sĩ dù là rất nhỏ, tuổi từ 12 - 17 thôi, sao mà kiên cường quá. Em sẽ về giới thiệu cho bạn bè, người thân biết đến nơi này và lịch sử của Việt Nam” (14/7/2017, Phạm Thùy Trang - Biên Hòa, Đồng Nai).
…
Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo trong lĩnh vực họat động văn hóa, thể thao giai đoạn 2017 - 2020, nhất là việc giáo dục truyền thống lịch sử, tinh thần cách mạng cho học sinh, nhiều trường học trong tỉnh đã tổ chức cho học sinh tham quan, học tập tại Di tích. Bảo tàng Lâm Đồng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em học sinh được tiếp cận thông tin về Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt một cách đầy đủ, chân thực, phù hợp với yêu cầu nhận thức của độ tuổi. Chính vì vậy, hầu hết các em đều nhận thức rõ ý nghĩa của chuyến tham quan Di tích:
- “Lần đầu tiên đưa các em học sinh trường Nguyễn Trãi, Đà Lạt đi dã ngoại thăm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, thật xúc động!” (17/3/2017)
- “Lần đầu tiên, tôi cùng học sinh lớp 5A Trường Tiều học Lê Lợi, Đà Lạt đi tham quan tại đây. Chúng tôi rât xúc động và biết ơn các anh hùng nhỏ tuổi” (17/3/2017).
- “Buổi tham quan, học tập của Trường Tiểu học Lạc Lâm - Đơn Dương tại Nhà lao thiếu nhi thật ý nghĩa.
Đến nhà lao thiếu nhi các em học sinh của trường được chứng kiến những tấm gương thiếu nhi anh dũng, can đảm của dân tộc qua những mô hình, hình ảnh sống động và chân thực. Xin cảm ơn nơi đây, cảm ơn các cô chú, anh chị đã bảo tồn nơi đây” (01/4/2017).
- “Sau chuyến tham quan Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc, gợi lên biết bao mất mát, hy sinh. Em thầm cảm ơn những hy sinh, mất mát đó. Nguyện sẽ học tập thật giỏi để xứng đáng với những hy sinh đó” (02/4/2017, Trần Nhu Linh - Lớp 9A6, Trường THCS-THPT Tây Sơn, Đà Lạt).
- “Xin chân thành cảm ơn BQL Nhà lao thiếu nhi đã tái hiện lại lịch sử hào hùng và đau thương của một thế hệ cha anh trong thời kỳ kháng chiến. Xin cảm ơn các anh đã đấu tranh và hy sinh để cho thiếu nhi ngày hôm nay có cuộc sống ấm no hạnh phúc” (02/4/2017, Tập thể lớp 9A7, Trường THCS-THPT Tây Sơn, Đà Lạt, năm học 2016 - 2017).
- “Đoàn tham quan về nguồn Trường THCS Ka Đô - Đơn Dương vô cùng ngưỡng mộ các anh hùng liệt sĩ nhỏ tuổi đã hy sinh vì sự trường tồn của dân tộc” (16/4/2017).
…
Đặc biệt, nhiều cô chú cựu tù đã trở về thăm lại nơi một thời tuổi trẻ không thể nào quên, giờ được trùng tu, tôn tạo khang trang để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử đã hết sức vui mừng ghi nhận:
- “Hơn 40 năm quay lại tham quan với các cô, các chị đoàn Phụ nữ Khu VI. Đến thăm lại nơi ở chốn lao tù ngày xưa, thăm lại chỗ ở, chỗ ăn tại chốn lao tù, xem lại hình ảnh các anh, các chị của mình ngày nào. Lòng vui vui, bồi hồi xúc động. Nhớ, nhớ lắm không sao nói hết những tình cảm đồng đội ngày xưa!
Em nhớ chị Học, Em mong sao các chị, các anh được lên lại tham quan. Vui và đẹp lắm chị ơi!” (21/4/2017, Mười (Sơn) - Trần Thị Sơn).
- “Tôi lại ghé tham quan khu di tích lịch sử quốc gia - nơi mà kẻ thù đã giam giữ một số anh chị em thiếu nhi tham gia hoạt động cách mạng thời bấy giờ. Trong đó có tôi là Phạm Văn Đào, ở Quảng Nam.
Bao kỷ niệm vui buồn đã tràn về trong ký ức tôi. Tôi rất xúc động những hình ảnh được tái hiện, rất cảm ơn các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các anh chị em quản lý khu di tích” (20/6/2017).
- “Vào thăm lại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, nơi mà địch đã tập trung hơn 600 anh chị em tù nhỏ tuổi cả nước về giam cầm tại đây, trong đó có bản thân tôi lúc đó chỉ hơn 15 tuổi và ở tại nơi đây hơn 1 năm.
Hôm nay trở lại nơi đây, tôi và đồng đội vô cùng cảm động, hồi tưởng lại lúc tù đày, thấy lại cảnh địch đàn áp anh chị em lúc bấy giờ... Tôi rất tự hào khi Nhà nước phục chế, trùng tu lại nơi đây để giữ gìn và ôn lại truyền thống cho lớp trẻ sau này. Tôi mong tất cả mọi người được đến đây tham quan và nghe giới thiệu ngày càng nhiều hơn” (18/8/2017, Võ Thị Hóa - Anh hùng lực lượng VTND).
Khách tham quan còn có các đại biểu tôn giáo, anh Nguyễn Quang Thuận bày tỏ cảm tưởng: “Cộng đoàn La San Đà Lạt đến thăm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, chúng tôi lấy làm khâm phục trước những tấm gương của các anh hùng trong cảnh bị giam giữ chịu tù tội, tinh thần và ý chí kiên cường của các anh chị. Đó là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ chúng tôi” (22/7/2016).
Di tích cũng đã đón nhận những vị khách nước ngoài đầu tiên đến tham quan tìm hiểu và đây là những dòng cảm tưởng của một vị khách trong số đó: “Very impressive what I've seen. The prisners were lrecled is a horrible and prubably very unfair way. I feel sorry for the people who were imprisoned here. (Tạm dịch: Rất ấn tượng những gì tôi đã nhìn thấy. Các tù nhân bị giam giữ nơi đây thật khủng khiếp và có thể là rất không công bằng. Tôi cảm thấy tiếc cho những người bị giam giữ tại đây)” (Bart, 31/5/2017).
…
Năm tháng đã lùi xa, Di tích Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt giờ như một lời nhắc nhở về những mất mát, đau thương của chiến tranh và một quá khứ đấu tranh hào hùng của dân tộc, của tuổi trẻ Việt Nam không thể lãng quên. Tự hào với trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích, toàn thể cán bộ, viên chức Bảo tàng Lâm Đồng luôn nỗ lực hết mình để giới thiệu giá trị của Di tích đến với đông đảo công chúng, nhất là góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc cho các thế hệ trẻ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước./.
Song An
Tin mới
- Gặp mặt đại biểu cựu tù chính trị Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - 22/05/2018 08:52
- Một số hình ảnh hoạt động tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - 28/03/2018 07:15
- Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tổ chức tham quan Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - 21/11/2017 08:51
- Ký ức một thời lao tù không thể nào quên: Những mẩu chuyện về cái đói - 30/10/2017 03:11
- Hoàn thành chỉnh lý hai phòng trưng bày tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - 23/10/2017 03:24