Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Bài viết

Ký ức một thời lao tù không thể nào quên: Những mẩu chuyện về cái đói

Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt do chế độ Việt Nam Cộng hòa dựng lên với tên gọi “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”. Mặc dù chỉ tồn tại hơn hai năm (1971 - 1973), nhưng nơi này từng giam giữ hơn 600 tù nhân thiếu nhi (từ 12 - 17 tuổi), được tập trung từ các nhà tù ở miền Nam thời bấy giờ.
Cùng bị giam giữ tại nơi này, có những người bạn tù cùng quê cùng xóm, từng chơi thân với nhau từ bé, cũng có những người xa ngái mới biết nhau lần đầu, nhưng tất cả đã cùng kề vai sát cánh với một chí hướng, một khát vọng tuổi trẻ là góp phần đấu tranh vì một ngày mai đất nước hòa bình, thống nhất…

Nha lao thieu nhi da lat

Mặt tiền Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.

Chiến tranh đã lùi xa, những tù nhân thiếu nhi năm xưa giờ người còn người mất. Ký ức về một thời lao khổ nhưng rất đỗi hào hùng vẫn hiện hữu trong dòng suy tưởng của các cựu tù thiếu nhi mỗi khi có dịp gặp lại. Trong dòng ký ức ấy, đói và rét là 2 thứ ám ảnh nhất với các cựu tù thiếu nhi. Ở cái tuổi ăn tuổi lớn, các tù nhân thiếu nhi phải chịu đựng cái đói như một thử thách khốc liệt. Những mẩu chuyện về cái đói luôn là nỗi ám ảnh về một thời lao tù của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi.

* Mẩu chuyện thứ 1: Ngâu tây
Một hôm, tù nhân Nguyễn Đăng Được (tên thật là Nguyễn Quốc Toàn) đi hành dịch (tức đi làm một số việc dưới sự giám sát của trật tự và giám thị), dấm dúi mang về một mớ “rau” xanh mướt, hồ hởi nói với cả phòng:
- Ngâu tây đó, mát lắm, chia nhau mỗi người một ít, rửa sạch ăn với muối.
Mọi người mừng rỡ chia nhau. “Rau ngâu tây” ăn xong chưa đầy mươi phút, cổ họng người nào cũng ngứa ran, nóng rát như ăn phải lá ráy. Nhiều người không chịu nổi, móc họng dễ đến chảy cả máu mà vẫn không hết ngứa, đầu thì choáng váng như say rượu…

* Mẩu chuyện thứ 2: Chuột con
Một lần tại phòng giam C, tù nhân Lê Doãn Dũng không biết tìm đâu ra một ổ chuột con với bốn con còn đỏ hỏn. Anh mừng rỡ chia cho 3 người bạn tù thân thiết của mình (anh Kỳ, anh Thu, anh Thắng) mỗi người một con, giữ lại phần mình một con.
Chưa ai từng ăn sống bất cứ con gì, thế mà vì đói, mọi người đều bỏ vào miệng nhai. Ôi thôi! Mùi xạ của chuột chù hôi không chịu nổi. Nhả ra thì tiếc, vì nghĩ “thịt gì cũng là thịt”, mà đã là thịt thì sẽ có chất bổ nuôi cơ thể. Thế là tất cả cố đành nhắm mắt, bịt mũi nuốt trôi.

NLTN chuyen cai doi 02

Cựu tù Nguyễn Văn Thu kể về một thời lao tù không thể nào quên (tháng 4/2017).

* Mẩu chuyện thứ 3: Cà rốt
Theo lời kể của các cựu tù, mỗi ngày, nhà lao cắt cử một nhóm anh chị em tù thiếu nhi đi hành dịch, thường ra hồ Than Thở khiêng nước về cho nhà bếp nấu cơm. Khi băng ngang vườn rau của các hộ dân, gặp lúc chủ vườn tỉa bớt những cây cà rốt nhỏ vứt bỏ ven luống, anh em tranh thủ gom nhặt thật nhanh giấu mang về ăn cho có chất tươi.
Người làm vườn thấy vậy hỏi:
- Loại cà rốt non này đắng lắm heo không ăn được đâu, mấy cháu lấy về làm gì?
Một anh nhanh miệng trả lời:
- Thưa bác, heo của nhà cháu ăn quen rồi nên không biết đắng đâu.

* Mẩu chuyện thứ 4: Mối cánh
Hằng năm, cứ vào chập tối những ngày mưa đầu mùa, khi lũ mối cánh bay về bu đầy quanh bóng đèn nê-ông, anh Khanh lại quay quắt nhớ về đồng đội ngày nào. Anh ước gì ngày ấy cũng có nhiều những con mối cánh như lúc này…
Tại phòng giam B, một buổi chiều tháng tư năm 1973, ba anh em đang ngồi co ro, bụng đói cồn cào, bỗng nghe giọng thì thầm vui vui của anh bạn tù vừa đi hành dịch về:
- Tôi sẽ chiêu đãi các bạn một món ăn rất đặc biệt!
Vừa nói, anh bạn vừa thọc tay vào túi quần lấy ra một hộp diêm, còn tay kia xòe ra khoe bốn con mối cánh. Cả ba chúng tôi reo lên mừng rỡ, không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt.
- Nói nhỏ thôi chứ ít quá, chỉ đủ mỗi người một con - Anh bạn tù thì thầm.
Giữa vòng quây của bốn anh em, que diêm bùng cháy, con mối được hơ trên ngọn lửa, đôi cánh cháy xèo, thân nó căng phồng lên, rồi mùi thơm lan tỏa cũng thật nhanh…
Đưa con mối lên miệng, cẩn thận nhấm nháp từng tý, từng tý một. Ôi chao! Sao mà thơm, mà béo, mà ngọt… đến mê người! Cái cảm giác lúc ấy không thể tả bằng lời, chỉ biết nó cứ đeo đẳng miết cho tới tận bây giờ anh không làm sao quên được. Chỉ cần nghĩ đến, bất cứ lúc nào nước miếng cũng có thể tứa ra… theo khóe mắt cay cay.
*
* *
Còn rất nhiều những câu chuyện kể về Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt, về ký ức một thời hào hùng, thể hiện lòng kiên trinh, tinh thần bất khuất, quật cường của các chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi.
Sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, vững niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc đã hun đúc trong các anh, các chị sức chịu đựng mạnh mẽ để vượt qua đói rét, đòn roi của kẻ thù, góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những mẩu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa giáo dục không hề nhỏ.

Lê Hiền (theo lời kể của các cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt)