Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Trưng bày khảo cổ học Lâm Đồng

Lâm Đồng nằm cuối dãy Trường Sơn - Nam Tây Nguyên nơi chuyển tiếp giữa hai vùng địa hình: miền núi và đồng bằng. Do đó, hệ sinh thái: tài nguyên thiên nhiên, hệ động thực vật, đất đai, thổ nhưỡng… rất phong phú, đa dạng, thuận lợi cho việc tụ cư và phát triển kinh tế.

Khaocohoc2

Tổ hợp trưng bày di tích khảo cổ học Cát Tiên

Qua các đợt điều tra, khảo sát và khai quật khảo cổ học đã khẳng định: Lâm Đồng là một vùng đất cổ, từ lâu vùng đất này đã được chọn làm địa bàn cư trú của các cư dân cổ. Điều đó được thể hiện một cách chân xác nhất khi quý khách đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng và tiếp cận với các sưu tập công cụ đá được trưng bày tại đây, như: rìu đá, cuốc đá, bàn dập hoa văn bằng đá… Căn cứ trên kiểu dáng, kỹ thuật chế tác, có thể xác định những hiện vật này có niên đại cách ngày nay khoảng 4.000 đến 3.000 năm.

Một minh chứng khác thời tiền sử ở Lâm Đồng đó là di tích khảo cổ học Phù Mỹ thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Qua hai đợt khai quật khảo cổ học vào năm 1998 và năm 2006 đã làm xuất lộ hàng ngàn mảnh gốm vỡ, hàng trăm bàn xoa gốm, nhiều dọi xe chỉ và đặc biệt là một số khuôn đúc rìu đồng, dụng cụ rót đồng…, cho thấy đời sống của cư dân cổ ở Lâm Đồng đã ổn định và phát triển, họ đã sống tập trung với nghề trồng lúa, dệt vải và làm gốm khá phát triển, họ đã biết cải tiến công cụ từ chất liệu đá sang đồng…

Khaocohoc3Tổ hợp trưng bày một số hiện vật gốm sứ phát hiện tại các di chỉ mộ táng ở Lâm Đồng

Đặc biệt, Bảo tàng Lâm Đồng hiện đang lưu giữ và trưng bày nhiều sưu tập đàn đá phát hiện tại Lâm Đồng, như: đàn đá B’lao (huyện Bảo Lâm); đàn đá Đinh Lạc, Liên Đầm, Hòa Nam, Sơn Điền (huyện Di Linh)… điều đó chứng tỏ, đời sống vật chất của cư dân cổ Lâm Đồng khá phát triển. Họ đã biết cảm thụ cái hay, cái đẹp, đã biết sử dụng âm nhạc để phục vụ cho đời sống tinh thần và sinh hoạt cộng đồng.

Đến với Bảo tàng Lâm Đồng, quý khách sẽ được giới thiệu về “Di tích khảo cổ học Cát Tiên” hay “Thánh địa Cát Tiên” - di sản quý báu của một vương quốc cổ từng bị vùi chôn trong lòng đất hàng ngàn năm nay. Di tích khảo cổ học Cát Tiên được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2014.

Ngoài ra, Bảo tàng Lâm Đồng còn trưng bày giới thiệu các di chỉ mộ táng được khai quật tại các địa phương trong tỉnh, như di chỉ: mộ táng Đại Làng (Bảo Lộc), mộ táng Đại Lào (Bảo Lâm), mộ táng Đạ Đờn (Lâm Hà) với nhiều bộ sưu tập hiện vật phong phú, đa dạng như: sưu tập gốm sứ, công cụ lao động, đồ trang sức… Qua nghiên cứu về tập tục chôn cất, cũng như các hiện vật khai quật được, đã xác định chủ nhân đó là cư dân bản địa Lâm Đồng, họ đã từng có thời kỳ phát triển rực rỡ về kinh tế - xã hội và có sự giao thương nhộn nhịp với các vùng miền trong cả nước vào thế kỷ XV - XVIII.

Đến với phòng trưng bày khảo cổ học tại Bảo tàng Lâm Đồng, quý khách sẽ hiểu thêm về các giai đoạn lịch sử trong quá khứ của vùng đất này.

Khaocohoc1

Tổ hợp trưng bày các hiện vật kim loại vàng phát hiện tại di chỉ khảo cổ học Cát Tiên