Bài viết
Tinh thần bất khuất của tù nhân thiếu nhi qua kỷ vật của cựu tù Trần Phi Hùng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở miền Nam có rất nhiều nhà lao khét tiếng giam cầm những chiến sỹ cách mạng kiên trung, như Chí Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc, Tân Hiệp, Kho Đạn Đà Nẵng, Hội An… Điều đặc biệt ít ai ngờ, tại “thành phố mộng mơ” Đà Lạt lại có một nhà lao dành riêng cho tù nhân chính trị tuổi vị thành niên dưới danh nghĩa trá hình “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”. Kẻ thù muốn dập tắt tinh thần đấu tranh cách mạng của những chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi, nhưng đã không thực hiên được. Điều này thể hiện qua các sự kiện đấu tranh và những kỷ vật của cựu tù hiện đang trưng bày, giới thiệu tại Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Kỷ vật tranh thêu của cựu tù Trần Phi Hùng, trưng bày tại phòng truyền thống Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Mang danh “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”, nhưng nơi đây thể hiện tất cả tính chất của một nhà tù đế quốc. Địch đã tập trung và đưa về đây hơn 600 tù nhân thiếu nhi từ khắp các nhà lao ở miền Nam, khi nhận ra thiếu nhi yêu nước cũng là lực lượng rất đáng lo ngại, cần ly gián khỏi sự ảnh hưởng của các thế hệ tù chính trị cha anh, vừa để đối phó với công luận về vấn đề nhân quyền. Tại đây, địch đã áp dụng mọi âm mưu, thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc, dọa nạt đến những trận đòn thừa sống thiếu chết, những cách hành hạ, giam cầm đặc biệt nhằm “tẩy não” lý tưởng cách mạng của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi.
Tuy nhiên, kẻ thù đã sai lầm khi đánh giá thấp tinh thần yêu nước, cách mạng, ý chí kiên trung của những tù nhân thiếu nhi yêu nước. Dù trong bối cảnh lao tù hà khắc, họ vẫn cắn răng chịu đựng và quyết tâm đấu tranh chống lại kẻ thù bằng nhiều hình thức. Niềm tin bất diệt vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và tương lai tươi sáng của đất nước, dân tộc luôn được thắp sáng trong chốn ngục tù tăm tối. Niềm tin ấy được thể hiện rất rõ qua những kỷ vật của các cựu tù yêu nước Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Trong đó có bức thêu “chúa sơn lâm”, do cựu tù Trần Phi Hùng thêu và hiện đang được trưng bày tại phòng truyền thống của di tích.
Cựu tù Trần Phi Hùng (bên phải) kể về kỷ vật với tác giả bài viết.
Trong dịp khai mạc Triền lãm “Da cam - Lương tri và Công lý” (tháng 9-2023), về thăm lại nơi mình từng bị giam cầm, cựu tù Trần Phi Hùng - Phó trưởng Ban liên lạc tù thiếu nhi Đà Lạt, bồi hồi chia sẻ những câu chuyện liên quan đến kỷ vật. Bức thêu được ông thêu trong khoảng 6 tháng, khi ông đang bị giam giữ tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Trước khi thêu, ông nói ý tưởng và nhờ ông Mai Sáu (người đồng đội chung phòng giam) giúp vẽ mẫu. Bức thêu thể hiện hình ảnh chú hổ đứng quay mặt nhìn về dãy núi phía xa xa, như khát vọng của tù nhân thiếu nhi yêu nước sẽ có ngày trở về với căn cứ cách mạng. Hình ảnh mặt trời tượng trưng cho chân lý. Cảnh núi non tượng trưng cho dãy Trường Sơn, căn cứ cách mạng. Bóng cây là sự đùm bọc, che chở của đồng đội trong chốn lao tù. Ông tranh thủ thêu vào thời gian giám thị ít đi kiểm tra, có khi nhờ anh em canh chừng để không bị địch phát hiện, tịch thu. Ông còn cẩn trọng thêu ngược 2 câu thơ lên góc trái bức thêu. Thoạt nhìn 2 câu giống kiểu chữ Hán Nôm, nhưng lật mặt sau để đọc ngược thì thấy rõ hai câu thơ lục bát bằng tiếng Việt rất độc đáo:
“Căm hờn luyện một con tim
Lửa nung luyện thép, xà lim luyện người”
Ông lý giải rằng, hai câu thơ thêu ngược để lỡ giám thị bất chợt vô phòng có phát hiện bức thêu thì cũng khó đọc được nội dung để lấy cớ đánh đập, hành hạ. Với đôi bàn tay khéo léo, ông đã tỉ mỉ tạo nên một bức tranh thêu, để các thế hệ trẻ hôm nay được tận mắt nhìn thấy một kỷ vật không chỉ độc đáo về thẩm mỹ mà còn toát lên ý chí kiên cường, khát vọng tự do, tinh thần đoàn kết, quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi năm xưa.
Khách tham quan nghe HDV thuyết minh về kỷ vật của cựu tù tại phòng truyền thống Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt.
Chiến tranh đã lùi xa, 50 năm Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 - 1973) chính thức bị xóa sổ bởi tinh thần đấu tranh không khoan ngượng của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi. Những kỷ vật về một thời hào hùng được các cựu tù trân trọng cất giữ nay tặng lại cho di tích bảo tồn và phát huy giá trị. Bởi mỗi kỷ vật ấy đều hàm chứa lòng yêu nước, tinh thần lạc quan cách mạng và ý chí chiến đấu quật cường, niềm tin ngày mai đất nước sạch bóng quân thù. Lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, sự cống hiến của tù nhân thiếu nhi Đà Lạt góp phần vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân mãi mãi ghi công.
Lê Thảo
Tin mới
- Khai mạc triển lãm và các hoạt động trong chuyến công tác tại Côn Đảo của Bảo tàng Lâm Đồng thành công tốt đẹp - 29/07/2024 15:02
- Các hình thức ngược đãi tù nhân thiếu nhi tại Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - 27/06/2024 07:20
- “Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về tập thể tù thiếu nhi của chúng ta!” - 27/06/2024 01:42
- Sự kiện diệt ác - 07/11/2023 03:59
Các tin khác
- Lễ kết nạp Đội TNTP Hồ Chí Minh tại địa chỉ đỏ - Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - 27/02/2023 09:53
- Liệt sỹ, Anh hùng LLVT Trần Bình - Người chiến sỹ ngoan cường, dũng cảm - 27/07/2022 01:19
- Chiếc xẻng của cựu tù Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt - Trương Thị Kim Anh - 13/07/2022 08:03
- Chiếc còng số 8 – kỷ vật thời chiến - 09/06/2022 10:07
- Nữ chiến sỹ biệt động anh hùng - Phan Thị Ngọc Tươi - 31/05/2022 04:07