Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

  • hinh1.jpg
  • hinh2.jpg
  • hinh3.jpg

Thông ba lá ở Đà Lạt

Nằm trên cao nguyên Langbian với khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có nhiều giá trị di sản văn hóa, thành phố Đà Lạt luôn là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước. Trên những cung đường đến Đà Lạt, du khách sẽ được tận mắt thưởng ngoạn những cánh rừng thông xanh ngát, quyến rũ, làm say đắm lòng người. Loài thông đặc hữu ở Đà Lạt chính là Thông ba lá - một món quà quý giá của thiên nhiên dành tặng nơi này.

thong ba la o da lat 1

Thông ba lá tại Bảo tàng Lâm Đồng

Thông ba lá có tên khoa học là Pinus kesiya Royale ex. Gordon, thuộc họ Thông (Pinaceae), có địa bàn phân bố tự nhiên trên thế giới khá rộng, trải dài từ Ấn Độ, Nam Trung Quốc, tới Đông Nam Á như Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Loài thông này sống chủ yếu ở trên núi cao (nơi cao nhất lên tới 3.500m, thấp nhất xuống tới 96m), nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình 16 - 30oC, lượng mưa trung bình từ 800mm trở lên, độ ẩm mùa hè trong khoảng từ 60 - 85%. Thông ba lá ở Việt Nam phân bố chủ yếu trong khoảng độ cao từ 1.000 - 1.800m so với mực nước biển, mọc nhiều nhất ở vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng), vùng núi phía Bắc (Hà Giang, Yên Bái, Sơn La) và vùng núi của một số tỉnh duyên hải miền Trung (Quảng Bình, Khánh Hòa),…

Đà Lạt và cao nguyên Langbian là nơi có số lượng Thông ba lá mọc tập trung nhiều nhất Việt Nam (chiếm 2/3 diện tích Thông ba lá toàn quốc). Với độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, trong lành, địa hình thoáng đãng và nguồn nước dồi dào, đây là vùng sinh trưởng tốt nhất ở nước ta cho Thông ba lá. Những rừng thông bao phủ trên các triền núi, mọc ven thung lũng sông Đa Nhim, xen giữa hai đỉnh núi Langbian và Bidoup, cùng với một phần thượng lưu sông Krongno. Tại Lâm Đồng, Thông ba lá còn xuất hiện ở một số vùng thấp hơn như Di Linh (800 - 1.000m) và Đam Rông (khoảng 550m).

Thông ba lá là loài cây gỗ lớn, thân mọc thẳng và sống lâu năm. Chiều cao của cây thông trưởng thành trung bình khoảng từ 20 - 30m, đường kính thân khoảng từ 10 - 50cm. Những nơi điều kiện đất tốt, ánh sáng thuận lợi, có những cây thông cá biệt cao đến 35 - 40m, đường kính thân trên 50cm. Vỏ cây có màu nâu xám, nứt dọc sâu và không đều, lớp biểu bì xếp lớp chồng nhau, dày trung bình từ 1,15 - 3,85cm. Cây có lá nhỏ, đều, dài và nhọn như cây kim, màu xanh nhạt, mọc ở đầu cành thành cụm ba lá kim trong một bẹ lá, vì vậy có tên gọi là Thông ba lá. Khi mới mọc, cây có 6 - 9 lá mầm dài khoảng 2 - 4,5cm, trưởng thành sau 5 tháng. Lá cây trưởng thành dài 10 - 20cm, tiết diện hình tam giác, kích thước 1 - 3mm, bẹ lá dài 1 - 2cm, chỉ lá có một đường gân nhỏ.

Thông ba lá bắt đầu ra hoa khi đạt 6 - 7 tuổi. Khoảng tháng 2 và tháng 3 hàng năm là thời điểm thông ra hoa. Hoa đơn tính cùng gốc, nón cái hình trứng rộng thường cong xuống, cuống ngắn hay gần như không cuống, dài từ 5 - 9cm, chín trong 2 năm. Vảy chín có đầu hơi lồi, đôi khi có mũi nhọn dạng gai, có hai đường gờ ngang và dọc đi qua giữa mặt vẩy. Trái thông có hình chóp nón, màu nâu đậm, dài từ 5 - 10cm, đường kính từ 2,5 - 5cm. Tháng 11 và tháng 12 là thời điểm trái thông chín. Thông ba lá là loài cây hạt trần, trái tự phát tán những hạt nhỏ màu nâu nhạt, có cánh dài, nhờ gió có thể bay đi rất xa. Nhờ đặc tính hạt trần tự phát tán theo gió mà những cánh rừng thông ba lá có thể phát triển và tái sinh rất nhanh trên nhiều vùng đất.
thong ba la o da lat 2

Trái và lá của Thông ba lá

Rễ cây Thông ba lá chủ yếu phát triển theo chiều ngang, tỏa rộng 8 - 10m. Cây Thông ba lá có đặc tính ưa sáng, thường mọc trên các loại đất feralit, đất bazan, đất sét hay đá granit, với tầng dày từ 60 - 160m. Ngoài ra, cây còn có thể mọc và sinh trưởng trên đất xấu, lộ đá, hoặc trên đất đồi trọc khô cằn, nhưng đòi hỏi điều kiện thoát nước tốt, đất ẩm, vì hệ rễ của thông phải có nấm cộng sinh mới phát triển được, đặc biệt phù hợp với khí hậu mát mẻ và nhiều sương mù. Hầu hết rừng Thông ba lá là thuần loại, có chừng 1% cây lá rộng mọc lẫn (thường là cây họ Dầu), hoặc hỗn giao với thông nhựa (Thông hai lá).

Trong bảng phân loại gỗ Việt Nam, gỗ Thông ba lá được xếp vào nhóm IV, nhóm gỗ có màu tự nhiên, thớ mịn, nhẹ, tương đối bền chắc, dễ gia công. Vì những đặc tính đó, thông ba lá được dùng rộng rãi trong xây dựng, đóng thùng hàng, toa xe lửa, làm đàn, bàn ghế, ván ép, sàn nhà, đồ gia dụng, đồ thủ công mỹ nghệ,… với chất lượng, thẩm mỹ và độ bền cao. Gỗ thông ba lá còn là nguyên liệu dùng làm bột giấy rất tốt, cho sợi dài, tỉ lệ cenlulose chiếm hơn 62%. Tinh dầu Thông ba lá được dùng làm thuốc bôi, có tác dụng kích thích tại chỗ, giúp lưu thông máu với bệnh viêm thấp khớp, hay cảm lạnh. Tinh dầu thông mang tính sát trùng mạnh nên còn có công dụng làm thuốc diệt khuẩn đường hô hấp như thuốc ho, thuốc xông họng. Tinh dầu thông cũng là nguồn nguyên liệu phổ biến trong công nghiệp hoá mỹ phẩm, làm dung môi trong công nghiệp sơn hay vecni, công nghiệp tuyển quặng và sản xuất thuốc trừ sâu thảo mộc.

Bảo tàng Lâm Đồng, nơi bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hoá của tỉnh Lâm Đồng hiện có giới thiệu về Thông ba lá tại phần trưng bày “Thiên nhiên Lâm Đồng”. Khi đến Bảo tàng Lâm Đồng, du khách còn được dạo bước bên dưới tán rừng Thông ba lá xanh tốt vi vu tiếng gió, trải nghiệm cảm giác thư thái như đang lạc bước giữa mênh mông rừng thông Đà Lạt. Những cây Thông ba lá vươn thẳng lên trời cao đón nắng, hòa cùng không gian thơ mộng của thành phố Đà Lạt moojg mơ, giúp cho du khách đắm chìm vào thiên nhiên bao la hùng vĩ của đại ngàn cao nguyên.

Hoàng Hiền


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Hữu Tranh (2018), Đà Lạt năm xưa, NXB. Trẻ, TPHCM.
2. Nguyễn Hữu Tranh (1995), Thông Pinus, Thông tin Khoa học và công nghệ Lâm Đồng, Số 3, tr5-8.
3. Lê Hồng Phúc (1996), Đánh giá sinh trưởng, sinh khối, năng suất rừng trồng thông ba lá vùng Đà Lạt, Lâm Đồng, Luận án Phó Tiến sĩ Khoa học Nông nghiệp, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Hà Nội.
4. Nguyễn Hữu Đính, Nguyễn Hữu Hài (1971), Quần tụ thông 3 lá ở cao nguyên Đà Lạt: Một tài nguyên thiên nhiên quan trọng cần phải cứu vãn, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, Số 23-24, tr.65-92.
5. Jacques Roullet (1909), Thông trên Langbian, Tập san Kinh tế Đông Dương, Hà Nội, Số 78, tr.178-182.
6. Lý lịch hiện vật Mẫu gỗ thông ba lá: BTLĐ.1050/Đm:102, BTLĐ.1051/Đm:103.
7. Thông tin mã QR Code: Tại đây